Ai làm chủ mình?

Thứ hai - 12/12/2011 18:27
Ngày xưa trong thời đại nguyên thủy, con người sống nhờ săn bắt hái lượm, nên vấn đề ẩm thực chủ yếu là ăn tươi uống sống. Rồi một ngày kia do sấm sét mà cháy cây cỏ núi rừng, những thú vật và thực vật bị thiêu đốt, con người thu nhặt được và ăn cảm thấy ngon hơn.

Từ đó họ tìm kiếm và phát hiện ra cách lấy lửa bằng việc cọ xát hai viên đá vào nhau. Nhận thấy sự quan trọng của nó, nên xuất hiện “đạo thờ lửa”, hoặc phong thần ông Táo, để cuối cùng giao phó thân mạng cho mình vào yếu tố này, thế là lửa làm chủ mình.

Rồi sau đó họ phát hiện, không có nước uống, không có đất đai để trồng trọt chăn nuôi, không có hơi thở, cũng dẫn đến nguy hiểm thân mạng, từ đó phải lễ lạy thờ các thần gió, thần nước, thần đất, rồi giao họ làm chủ chính mình. 

Dần về sau, các nhà triết học càng suy luận để đi tìm ai làm chủ chính mình, hay mình tự làm chủ mình. Nhưng làm sao làm chủ được khi làng trên xóm dưới tự nhiên có sinh linh ra đời, lại có người ra đi, họ suy nghĩ, và cuối cùng họ tự biện luận cho suy nghĩ của họ.

Họ nhìn xa xăm về phía những cánh đồng cỏ xanh bao la, rồi lại ngẩng mặt lên bầu trời cao xa vời vợi mà suy nghĩ, các loại súc vật, sinh mạng của nó do mình làm chủ, muốn nó chết là chết, muốn nó đi bên phải thì đi bên phải, muốn bên trái thì đi bên trái, hoàn toàn lệ thuộc vào sự điều khiển của ta.

Thế thì con người mình cũng sẽ có một đấng tối cao nào đó làm chủ, đấng tối cao này không phải các giác quan bình thường nhận biết được. Rồi theo hệ tư tưởng thống nhất đó, họ cùng nhau lễ bái tập thể để cầu được trường thọ, và đấng tối cao đó ngược lại làm chủ chúng ta. 

Con người thời hiện đại, họ không còn quá mơ hồ để nghĩ về các tư tưởng làm chủ minh, nhưng lại chuyển hình thức lệ thuộc vào những thứ khác. Nếu không làm chủ được chính mình, thì rơi vào dòng chảy của các tệ nạn xã hội, cuối cùng bị nó làm chủ. 

Ví dụ như khi chúng ta muốn làm chủ một món đồ nào đó, nhưng vì hiện tại chưa đủ tiền, thế là nỗ lực phấn đấu cố gắng ngày đêm với mong muốn sẽ gom góp đủ số tiền để có thể làm chủ món đồ kia.

Cứ như vậy hết thứ này đến khác chúng ta luôn bị các yếu tố bên ngoài chi phối và hấp dẫn. Sau khi sở hữu được thứ ta cần thì ta lại muốn sở hữu những cái khác và nhiều hơn nữa, thế là lại tiếp tục chuyến hành trình tìm kiếm những thứ đó. Rồi đến một lúc nào đó ta nhận ra rằng thời gian qua ta chi phối và lẩn quẩn trong việc tìm cầu thứ ta muốn. Vậy thì ai làm chủ ta, chủ và khách đã luôn hoán chuyển vai trò cho nhau. 

Ai làm chủ ai? “Khách trần phiền não”, một lời nhận định rất hay của Phật giáo. “Phiền não” là những tâm lý bực bội bức bách chi phối mình, câu trên có nghĩa là sự chi phối này là khách còn chính mình là chủ, nhưng chúng ta lại không theo đó mà lại để khách làm chủ, thì thật là phi lý vô cùng. Tuy nhiên, quá quen với việc tự nhận khách làm chủ, tự mình bỏ ngôi nhà do đạo đức và trí tuệ của mình xây dựng để đi lang thang, rồi tiếp tục đi tìm người chủ khác. 

Vì vậy đừng trở thành người vô gia cư mà hãy về làm chủ thân tâm của chính mình, nên tĩnh tâm lại, quán chiếu như thật, nhìn nhận thấu suốt, để cảm nhận được cảm giác tự do an lạc của chính mình.

Nguồn tin: Quán Như

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây