Hạnh phúc vốn không phải là thứ khó tìm khó cầu và khó nắm giữ. Mọi việc ta làm đều có mục tiêu mục đích cụ thể và rõ ràng dưới từng góc độ của cuộc sống…
Chỉ có một thứ không thể nói về cái đích đó là hạnh phúc, chỉ có người cảm nhận nó như thế nào thì tự hiểu như thế ấy, ngay cả Thánh nhân hay bậc A-la-hán đều kết luận “hạnh phúc an lạc như người uống nước, hương vị như thế nào thì tự người ấy biết”.
Hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là đích đến. Hạnh phúc là một phạm trù thuộc về xúc cảm, cảm nhận của từng người, nó thoắt ẩn thoắt hiện không hình khối không màu sắc và không mùi vị nhưng nó lại là chất xúc tác không thể thiếu trong chuỗi phản ứng của cuộc sống.
Mỗi người quan niệm về hạnh phúc khác nhau, có người cho rằng thành đạt là hạnh phúc nhưng có người quan niệm giàu có sẽ mang lại hạnh phúc, có người thì lại biện luận khi được kết đôi cùng người mình yêu thương là hạnh phúc, cũng có người lại nói rằng hạnh phúc của tôi là giác ngộ và cứu giúp chúng sanh…và khi ấy hạnh phúc được ví như lăng kính vạn hoa đầy màu sắc và nó không từ chối bất kỳ ai, nó len sâu vào từng hang cùng ngõ hẻm của trái tim này, có hay chăng đó là sự chấp nhận và biết hài lòng.
Hạnh phúc vốn vô hình nên ta không thể nhào nặn, rập khuôn, gọt giũa mà nó cần được ươm mầm, chăm sóc và cắt tỉa. Nó sẽ chỉ là cơn gió thoảng qua khi ta chưa đủ sự trải nghiệm để cảm nhận một cách sâu sắc, hạnh phúc vốn nhỏ bé và mong manh là thế.
Mỗi ngày trôi qua ta còn được gặp những người ta yêu thương, làm những việc ta cần, được hấp thụ những thứ ta thích, được nói chuyện về vấn đề ta quan tâm, được chia sẻ Phật pháp mỗi ngày như thế đã là quá mãn nguyện. Hạnh phúc vốn đơn giản chỉ tại lòng người đa mang.
Đôi khi hạnh phúc chỉ là một nụ cười ngây thơ, một ánh mắt trong veo, một câu nói bi bô của những em bé dành cho ta, là một lời khuyên của bậc hiền triết nhẹ nhàng để cùng nhau cảm nhận hơi ấm của sự chia sẻ trong cõi Ta bà nhiều khổ đau này, là một chút nhường nhịn khi mọi người cùng tranh luận về một vấn đề nào đó, hay cũng có thể chỉ là một câu nói an ủi, động viên khi ta buồn đau.
Và hạnh phúc là khi ta có đầy đủ các giác quan để cảm nhận sự đổi thay của thế giới xung quanh, là khi ta an nhiên tự tại trong khu vườn tâm hồn của chính mình, là khi ta đưa đôi bàn tay yếu mềm của mình để nâng đỡ ai đó khi họ ngục gã trước những khó khăn, là những buổi dạo chơi cùng bạn bè, người thân hay các bạn đồng tu cùng nhau chia sẻ Phật pháp hướng mọi người tới những điều tốt đẹp an lạc mỗi ngày, hay cũng chỉ đơn giản khi ta vô tình đọc được ở đâu một bài viết hay và đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Sống là cho đi để nhận lại nhiều hơn. Hạnh phúc đựơc sẻ chia thì hạnh phúc ấy đựơc nhân lên gấp bội và nếu là nỗi buồn thì tự nó sẽ vơi đi một nửa. Hạnh phúc tự bản thân nó là một phép nhiệm màu.
Hạnh phúc không có ranh giới, không có những giải phân cách giữa người này với người kia, giữa thế giới này với thế giới kia mà hạnh phúc được ví như sợi dây kết nối màu nhiệm đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn cho dù có cách xa hàng vạn dặm.
Hạnh phúc không lệ thuộc vào người khác và hoàn cảnh bên ngoài. Hạnh phúc không phụ thuộc vào những gì bạn có. Hạnh phúc bắt nguồn từ nội tâm, từ cách nhìn, cách ứng biến và cảm nhận cuộc sống.
Hạnh phúc đựơc ví von, đựơc hình tượng hoá không thể tách rời như trời và đất, mây và gió, trăng và sao, hoa cỏ và chim muông, muốn có mùa xuân phải trải qua mùa đông, muốn có hạnh phúc phải trải qua khổ đau, như một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông, trời có bốn phương Đông Tây Nam Bắc, muốn đạt đến hạnh phúc càng cao hơn thâm sâu hơn, thì phải gạt bỏ đi yếu tố gây phiền muộn trong mình càng trong sạch hơn, dù cho nó bám víu thế nào đi nữa.
Mỗi ngày trôi qua ta đều lấy hạnh phúc là kim chỉ nam cho mục đích sống, mỗi người trong chúng ta đều có cuộc sống khác nhau nhưng mục đích sống thì giống nhau. Hạnh phúc không phải là hình ảnh con tàu cập bến đậu mà là cách thức ta hướng con thuyền đi đến bến đậu ấy như thế nào.
Nguồn tin: Huệ Văn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự