Từ một người cực khổ lo chồng bệnh, di chứng của một thời chiến tranh, mẹ “chuyển sang” nuôi con nhỏ của cái thời bao cấp (ai cũng nghèo). Mẹ về nương nhà ông nội, rồi gửi gắm tôi và hai anh chị cho má Hai (chị của ba tôi), còn mẹ chạy chợ buôn la-ghim, bán hàng xén để có tiền lo cho tụi tôi ăn học.
Mẹ cực khổ, nhưng không nghĩ cho bản thân, có bao nhiêu, mẹ đều dành dụm sắm cho mấy chị em tôi người cái quần, cái áo, năm học mới thì cái cặp đi học với bạn bè. “Mẹ sợ tụi con nghĩ mình mồ côi ba, thấy bạn bè có cái này, cái kia mà tủi thân nên mẹ cố làm lụng, mong các con nên người…”. Trong dòng nhớ mênh mông của tôi mãi in hằn câu nói ấy của mẹ để phấn đấu, để quyết tâm học hành.
Năm tháng qua đi, thời gian thổi cho chúng tôi lớn lên trong khi cũng “hóa phép” để cho mẹ tôi già đi theo quy luật của cuộc sống. Anh chị tôi học hành, ra trường, đi bộ đội, xin việc, đôi lần trầy trật, mấy lần buồn vui thì mẹ tôi đều là chỗ dựa. Sự cưu mang bao dung của mẹ đã cho chúng tôi không chỉ lớn lên về hình hài mà còn vững vàng hơn trong nếp nghĩ, cách sống.
“Mẹ mừng nhất là thấy mấy đứa con khỏe mạnh, sống biết lo, biết nghĩ, không có đua đòi, học theo bạn xấu mà lêu lổng. Bây mà không ra chi, làm sao mai mốt mẹ chết mà yên lòng, rồi còn mặt mũi nào gặp ba bây nữa…”. Điều mẹ sẻ chia thật lòng, dịu dàng và ôn tồn đó như một gửi gắm chân thành và cũng là vách ngăn để chúng tôi không sa đà vào những việc xấu, tổn hại, mang tiếng không hay.
Mẹ tôi là như vậy, đâu có lời lẽ gì nhiều, vì là người lao động, buôn bán nơi chợ chiều, quán tối, nên bấy nhiêu lời đã là rút hết ruột gan. Vậy mà, anh chị tôi nên người. Bây giờ, chị Hai, anh Ba của tôi đã có gia đình, mẹ có cháu nội, cháu ngoại ở cái tuổi bước vào 60, với những trăn trở cho thằng Út là tôi, vẫn còn “đơn thương độc mã”. Nhưng kể từ khi mẹ biết đi chùa, biết tụng kinh, niệm Phật thì nỗi lo ấy đã tan biến dần mà thay vào đó là niềm tin gửi gắm, “con cứ sống sao cho vui vẻ, hạnh phúc là được; tu được thì càng tốt”.
Mẹ không mong sống lâu, chỉ mong sống khỏe, sống an, tất nhiên, không phải cho mẹ mà là cho các con, “để tụi con không phải lo cho mẹ, mẹ sợ rủi có bệnh gì thì lại ‘hành’ mấy đứa”. Tôi là Út (đen) của mẹ, thi thoảng hủ hỉ với mẹ chuyện này, chuyện kia trong công việc, tình cảm, cũng hiểu niềm an ủi tuổi già của mẹ chính là được vui với lời kinh tiếng kệ, bên sự bình an của con cháu, thế đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Mẹ nói: “Cả đời mẹ cực rồi, mong các con, các cháu của mẹ không phải đi lại con đường của mẹ”. Thế nên, mẹ mong đất nước hòa bình, vì mẹ quá hiểu chiến tranh có thể cướp đi nhiều thứ… Rồi mẹ mong, “đứa nào thương mẹ thì ráng sống có ích, biết đi chùa, làm phước, cúng dường… chứ đừng chỉ lo cho riêng mình”.
Mẹ “thấm tương chao” từ những lời Phật dạy trong kinh điển, hiểu triết lý nhân quả từ băng giảng của quý thầy cũng như khi nghe tôi kể chuyện này, chuyện nọ, có lúc đọc báo cho mẹ nghe. Bao giờ cũng vậy, mẹ luôn rút ra điều gì đó, rất hay theo kiểu “ở hiền gặp lành” hay “gieo gió gặt bão” để tôi biết rằng, cuộc sống không phải là xin cho, mà phải bắt đầu bằng sự cần mẫn lao động cũng như sự thực tập tinh tấn trên bước đường tu nhân, học Phật, nguyện đi con đường giải thoát.
Bài pháp của mẹ tôi là bài pháp sống về sự thương con có nghĩa là trao cho con phương tiện vào đời, ngoài cái nghề do con chọn, mẹ ủng hộ hết lòng, thì hạnh phúc riêng tư hay sự dấn thân vào cuộc sống để trải nghiệm là một điều cần thiết. Mẹ không sợ các con của mẹ cực khổ, chỉ sợ các con không đủ bản lĩnh để đối mặt với khổ đau, cũng như không đủ vững chãi để đứng dậy sau mỗi lần thất bại. Đó là điều tôi chiêm nghiệm từ cuộc đời của mẹ, từ tình thương mà mấy mươi năm qua mẹ đã trao gửi cho những đứa con của mình trong vai một người mẹ kiêm cả vị trí người cha.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự