Sống cho ngày hôm nay

Thứ hai - 11/05/2015 20:31
Nhớ về quá khứ làm mình vui hay khổ cũng đều không tốt, bởi nó làm mình đánh mất mình của hôm nay, mình sẽ trở nên mất trí, bởi mình có biết gì ở hiện tại đâu?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tôi gặp những cụ già 60, 70 tuổi và thấy họ đãng trí, nhìn sâu tí nữa tôi thấy họ của ngày 50 đã bắt đầu nhớ da diết cái thời trẻ trai, đẹp tuyệt mà họ đã trải qua...

Tức nhiên, sống cho ngày hôm nay là không để mình lang thang về quá khứ và chạy tới tương lai xa mờ mịt. Nhưng, để sống được cho ngày hôm nay không phải là chuyện đơn giản mà hễ nói là làm được, và có thể làm được thường xuyên, bởi thói quen từ lâu, lâu lắm mình đã cứ mãi về quá khứ, tới tương lai!

1. Về quá khứ thông qua nhịp cầu của nhớ. Nhớ về những niềm vui đã qua, nỗi buồn dĩ vãng, biến những thứ ấy thành những cục, những hòn đặc quánh, lóng lánh, cứng ngắt trong tâm thức để khi vừa mở mắt ra mình đã chạm vào nó. Và tiếc nuối, và tức tối, và ước, và khao khát được như ngày xưa, và chợt buồn miên man…

Đau! Có người đã nhắn cho mình những cái tin bắt đầu như thế và sau đó là diễn dịch nỗi đau ấy chính là những điều vui vẻ của một thời nay xa vắng, sức khỏe không như ngày xưa, gia đình không còn ấm êm…

Nhớ về quá khứ làm mình vui hay khổ cũng đều không tốt, bởi nó làm mình đánh mất mình của hôm nay, mình sẽ trở nên mất trí, bởi mình có biết gì ở hiện tại đâu? Tôi gặp những cụ già 60, 70 tuổi và thấy họ đãng trí, nhìn sâu tí nữa tôi thấy họ của ngày 50 đã bắt đầu nhớ da diết cái thời trẻ trai, đẹp tuyệt mà họ đã trải qua. Nỗi nhớ dày vò, lặp đi, lặp lại từ ngày này sang ngày khác đến nỗi tới lúc nó “bùng phát” thành bệnh đãng trí. Đãng trí là nhớ có thể rất rõ về những sự kiện hoặc một vài con người của quá khứ, cứ kể đi, kể lại và cười như… trẻ thơ bé dại. Tất cả những vùng não của hiện tại đã “chết”, chỉ còn vùng não được in sâu ký ức là còn hoạt động nên… mọi sự mới ra như thế.

Còn tương lai thì được bắt nhịp bởi những ước vọng và cả khao khát bay xa, bay cao trong sự tính toán, dự định… của con người. Có những người “bay” về tương lai quá xa và quá cao mà thiếu cái gốc của hiện tại nên vỡ mộng, thất vọng, đôi khi sống ảo tưởng với chính mình và người. Những người ấy cũng dễ bị điên đảo, trở thành người hoang tưởng. Đó cũng là một thứ bệnh mà thời đại ngày nay người ta bị nhiều. Tính toán quá nhiều để rồi chính họ tạo ra những rủi ro, nhận lấy sự thất bại đến nỗi không thể chấp nhận được kết quả vì đã quá kỳ vọng mà không thành nên mới tự tử.

2. Có đôi khi, tôi ước rằng… giá như nhiều người trẻ biết học bài học hạnh phúc từ sự “thiểu dục tri túc” (ít muốn - biết đủ) thì có lẽ họ đã bớt chông chênh. Người trẻ muốn khẳng định mình, muốn làm giàu, muốn học thật nhiều để thành công thật lớn (đôi khi chỉ để chứng tỏ rằng mình có mấy bằng đại học chứ chưa chắc đã có đủ kỹ năng để làm việc, làm tốt chuyên môn)…

Người trẻ cũng có mơ ước nhiều, muốn làm nhiều thứ…, điều đó tốt đó, nhưng tiếc là các bạn ấy lại chưa thật sự chuẩn bị chu đáo cho con đường mình đi. Những giá trị về tình thương, hạnh phúc đôi khi các bạn đã quan niệm sai lầm. Như là, vật chất càng nhiều thì sẽ càng có hạnh phúc, bằng cấp càng cao thì càng có nhiều hạnh phúc…

Đó là những quan niệm chưa đúng bởi hạnh phúc không phải tỉ lệ thuận với những điều đó, mà nó phải được xây dựng từ chất liệu của hiểu biết đúng đắn về mọi thứ xung quanh, bản thân mình. Vật chất, bằng cấp… thực tế chỉ là điều kiện để có hạnh phúc, bên cạnh đó còn là những nguyên tắc sống, ứng dụng những cái đó vào cuộc sống để vun vén hạnh phúc thật sự là sự bình an trong tâm hồn!

3. Nếu người ta hiểu được rằng: Hạnh phúc là mình sống trọn vẹn ngày hôm nay, làm hết mình những điều mình có thể làm, nói một lời, làm một việc mà những người thân-thương mình có hạnh phúc… thì có lẽ sẽ hay hơn, sẽ làm cho họ có nhiều bình an hơn. Nếu nhặt được từ cuộc sống hằng ngày những hạnh phúc như thế thì rồi người ta cũng sẽ có cả một lâu đài chứa toàn hạnh phúc.

Tiếc là người ta cứ xây hạnh phúc trên không khí, thiếu nền móng vững chắc của những giá trị thương yêu bản thân mình một cách đúng đắn, thương yêu người thân-thương và những người xung quanh một cách chân thành, giảm thiểu những nhu cầu vật chất để chăm sóc tâm hồn mình vững chãi hơn, sống chậm lại một chút để cảm những âm thanh đa sắc của cuộc đời…

Bạn trẻ bây giờ sống nhanh quá, cứ lao đi như một cơn lốc với quá nhiều mục tiêu phải đạt được trong một thời gian càng ngắn càng tốt. Khi mà trái non chưa kịp chín thì người ta đã ép cho nó chín vội vàng thì làm sao trái ấy có thể ngon và lâu cho được?

Nghĩ suy tất cả những điều đó trong thế giới quan của đạo Phật để rồi cứ vấn vương mãi một điều mà những nhà tâm lý, giáo dục, xã hội vẫn thường đau đáu: Giới trẻ bây giờ vô cảm, thích hưởng thụ, yêu cuồng sống vội…

Vấn vương và nhận ra rằng: Hóa ra người trẻ vốn là “nạn nhân” của môi trường sống mà họ sinh ra, giữa thời điểm mà cơn lốc của vật chất, của những sự tranh đua quyền lực, danh vọng… trở thành sự thèm khát vô biên; ngay cả người lớn còn chênh vênh, còn lạc lối và kéo người trẻ vào vòng xoáy ấy thì làm sao họ có thể thoát “lưỡi hái” của khổ đau?

Tất nhiên, nhận diện điều đó không có nghĩa là để mình thất vọng thêm nữa, buồn lụy thêm nữa mà phải “thắp đuốc lên mà đi”. Hãy bắt đầu bằng việc thực tập sống có ý thức cho ngày hôm nay. Niệm niệm rằng “sống cho ngày hôm nay”, để vừa mở mắt chào ngày mới bạn có thể nở một nụ cười chứ đừng vội lao vào máy vi tính hoặc điện thoại để tiếp tục “cày” với dự án này, kế hoạch nọ, để truyền thông với ai đó bằng e-mail, cuộc gọi, tin nhắn…

Hãy truyền thông với chính mình bằng một nụ cười, bằng thi kệ rất dễ thương: “Xin nguyện sống trọn vẹn/ Mắt thương nhìn cuộc đời”. Rồi trong mỗi việc diễn ra xung quanh mình, hãy đừng vội kết luận, phán xét, phản ứng, sợ hãi… mà hãy từ tốn xem nó từ đâu tới, rồi cứ nhìn nó, chào nó bằng đôi mắt thương yêu chứa đầy chất liệu của hiểu biết, bởi trước đó mình đã có cơ hội dừng lại để lắng nghe nó rồi.

Sống cho ngày hôm nay, là sống có ý thức cho những gì đang diễn ra, nếu có nhớ quá khứ hay chạy về tương lai cũng phải biết rõ là mình đang nhớ, đang nghĩ tới tương lai; biết để quay về, để biết hiện tại mình đang là ai, mình đang có gì nhằm tránh hoang tưởng và không mông lung…

Tác giả bài viết: Chúc Thiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây