Chúng ta có thể đi khắp mọi nơi và làm đủ hết mọi chuyện, nhưng những hạnh phúc sâu xa nhất của ta không hề phát xuất từ việc đi thu thập những kinh nghiệm mới lạ. Hạnh phúc chỉ thật sự có mặt khi ta biết buông bỏ những gì không cần thiết, và ý thức rằng ta lúc nào cũng đang an ổn trong ngôi nhà của mình. Hạnh phúc chân thật có lẽ không xa xôi, nhưng nó đòi hỏi ta phải có một cái nhìn mới, như là nơi nào hạnh phúc đang có mặt.
Có một thiền sinh, trong khóa tu đầu tiên của chúng tôi, đã khám phá ra được điều này một cách khá thú vị. Trước khi thành lập Trung tâm Insight Meditation Society, chúng tôi đã phải thuê chỗ cho những khóa tu thiền tập nhiều ngày do mình tổ chức. Trong khóa đầu tiên, chúng tôi mướn được một tu viện với một giáo đường thật đẹp. Ðể biến giáo đường thành một thiền đường có chỗ cho thiền sinh ngồi trên sàn, chúng tôi đã phải tháo gỡ hết những chiếc băng ghế dài và khiêng bỏ vào một nhà kho phía sau. Và vì thiếu phòng nên có một thiền sinh đã phải vào ngủ trong căn nhà kho ấy trong suốt khóa tu.
Trong khóa tu, vì chưa quen với cách ngồi thiền, người thiền sinh này đa kinh nghiệm rất nhiều sự đau đớn, nhức nhối ở thân. Vì cảm thấy quá khó chịu và bất an, anh ta bèn đi khắp nơi trong tu viện, cố tìm cho ra một chiếc ghế nào thích hợp nhất để có thể giúp anh ngồi yên mà bớt đau. Nhưng tìm mãi vẫn không được, cuối cùng anh quyết định chỉ còn một cách là ban đêm sẽ lẻn vào xưởng làm của tu viện, và tự đóng cho mình một chiếc ghế.
Anh kỹ lưỡng tính toán kế hoạch làm thế nào để không một ai hay biết. Sau khi tư tin chắc là đã có giải pháp cho cái đau của mình, anh ta đi đến xưởng của tu viện để xem qua những dụng cụ và vật liệu cần thiết. Trở về căn nhà kho nơi anh ngủ, anh ngồi xuống trên một chiếc băng ghế dài cất trong ấy, va vẽ kiểu cho một chiếc ghế ngồi thiền toàn hảo nhất, chắc chắn sẽ chấm dứt hết những khổ đau của anh.
Trong khi ngồi đó làm việc, anh bỗng ý thức là anh cảm thấy vui vẻ hơn, an lạc hơn. Mới đầu anh nghĩ, có lẽ anh vui vì biết mình đang sáng tạo nên một kiểu ghế ngồi đặc biệt mới mẻ, toàn hảo và rất hiện đại. Nhưng rồi đột nhiên anh hiểu! Sự thật anh an vui là vì anh cảm thấy vô cùng dễ chịu khi ngồi trên chiếc băng dài này. Anh quay nhìn va thấy chung quanh có đến hàng trăm chiếc băng ghế như vậy, ngay trong căn phòng ngủ của anh. Cái mà anh tìm kiếm lúc nào cũng đang có mặt sờ sờ ngay trước mũi, mà anh nào có thấy! Thay vì lo chạy quanh quẩn tìm kiếm, toan tính nhọc mệt, thật ra anh chỉ cần ngồi xuống thôi.
Chúng ta cũng vậy, đôi khi trong cuộc đời chúng ta lại thích chọn những hành trình xa xôi, khó nhọc – vật chất hoặc tâm linh hoặc tình cảm – trong khi tình thương và hạnh phúc mà chúng ta hằng mong đợi, có thể tìm thấy được bằng cách chỉ cần đơn giản ngồi xuống thôi. Chúng ta bỏ cả cuộc đời ra để đi tìm một cái gì đó ta nghĩ là mình không có, một cái gì sẽ đem lại hạnh phúc cho ta.
Nhưng cây chìa khóa của một hạnh phúc chân thật nằm ở việc thay đổi cái nhìn của mình về ở nơi nào mà ta nên tìm kiếm. Cũng giống như Thiền sư Hakuin của Nhật viết, “Vì không thấy được chân lý gần kề, nên người ta cứ mải đi tìm kiếm xa xôi. Tội nghiệp thay! Họ cũng giống như một người đứng ngay bên dòng suối trong mà lại cứ than mình khát nước”.
Hạnh phúc thông thường được phát xuất từ những kinh nghiệm vui thích của ta – một sự thỏa mãn trong chốc lát khi ta có được cái mà mình muốn. Nhưng thứ hạnh phúc ấy cũng giống như một sự dỗ dành tạm bợ đối với những đứa trẻ con hay bất mãn, mau chán. Chúng ta đi tìm an ủi trong những sự xao lãng tạm thời, và rồi ta lại bực mình khi thấy chúng rồi cũng đổi thay. Tôi có một chú bạn nhỏ mới lên bốn tuổi. Mỗi khi chú ta tức tối, hoặc không được những gì mình muốn, là cả nhà vang dội tiếng khóc la của chú, “Không có một ai còn thương con nữa hết!”.
Mà người lơn chúng ta nhiều khi cũng thế, khi ta không được những gì mình muốn – hoặc có nhưng rồi mất đi – chúng ta cứ tưởng như tình thương trên vũ trụ này đối với ta không còn nữa. Hạnh phúc trở nên một vấn đề trắng đen: hoặc có, hoăc không. Cũng như một chú bé bốn tuổi, lối suy nghĩ và sự phán xét của ta làm lu mờ đi cái nhìn sáng suốt của mình.
Cuộc đời là vậy, cho dù ta có thích hay không. Ðối với đa số chúng ta, cuộc sống là một chuỗi dài liên tục của những kinh nghiệm khổ đau và hạnh phúc. Có một lần, tôi đi bộ đường dài (hiking) với vài người bạn trên miền Bắc California. Chúng tôi quyết định là mình sẽ đi theo suốt một con đường mòn trong vòng ba ngày đầu, và ba ngày kế đó chúng tôi sẽ quay đầu và đi ngược lại. Vào ngày thứ ba của chuyến đi cam go này, chúng tôi thấy mình thoải mái đi xuống một con dốc dài của một ngọn đồi. Sau vài giờ xuống dốc, một người bạn chợt ý thức rằng con đường xuống dốc thong thả này chỉ có nghĩa là ngày mai chúng tôi phải quay đầu đi ngược lại, lên dốc. Anh ta quay sang bảo tôi, “Trong một thế giới đối đãi, hai chiều này, thì đi xuống dốc chỉ mới là có một mặt mà thôi!”.
Sự sống thay đổi tự nhiên không bao giờ ngừng nghỉ. Nhưng ta thì cứ vất vả cố nắm giữ những gì vui thú và tránh né những gì khổ đau. Trong thế giới này lại có biết bao nhiêu hình ảnh đập vào tim óc chúng ta, chúng bảo rằng khổ đau là sai, là không tốt. Hãy nhìn những bảng quảng cáo, những niềm tin của xã hội, của nền văn hóa chúng ta, chúng ám chỉ rằng những đau đớn, buồn khổ của ta là đáng hổ thẹn, đáng trách và còn là nhục nhã nữa.
Thông điệp của chúng là ta phải tìm cách để kiểm soát những khổ đau và mất mát của mình. Mỗi khi ta kinh nghiệm một nỗi đau tinh thần hoặc thể chất nào, ta thường cảm thấy rất cô đơn, như bị xa cách với loài người, với sự sống chung quanh. Nỗi hổ thẹn ấy vô tình xô đẩy, tách rời ta ra một mình với nỗi khổ, trong lúc mà ta lại đang cần được nối liền với sự sống nhất.
Vì hạnh phúc thì bao giờ cũng mỏng manh, nên nó thường đi kèm theo một cảm giác cô đơn và đôi khi là sợ hãi. Khi mọi việc đều suôn sẻ, khi chúng ta sung sướng và có được tất cả những gì mình muốn, ta thường cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ nó, vì nó quá mong manh và bất định. Chúng ta cắt đứt, không dám đối diện với khổ đau ở trong ta và kẻ khác, vì sợ rằng nó sẽ làm hư hao hoặc phá tan sự may mắn của mình. Và cũng vì muốn bảo vệ hạnh phúc ấy mà nhiều khi ta ngoảnh mặt làm ngơ, không dám nhận diện tình nhân loai ở một người không nhà, lang thang bên vỉa hè.
Chúng ta quyết định rằng khổ đau của kẻ khác không ăn nhập gì đến mình hết. Chúng ta cắt đứt với những khổ đau trong cuộc đời vì sợ nó sẽ làm giảm thiểu hoặc tiêu hao đi hạnh phúc của ta. Và trong cái tình cảnh thủ thế cao độ ấy, chúng ta tự trốn vào một sự cô đơn thảm hại đến nỗi ta không còn biết được thế nào là một chân hạnh phúc nữa. Tình trạng của chúng ta thật là lạ: trong nỗi khổ ta cam thấy mình cô đơn, và trong hạnh phúc ta lại cảm thấy mình cô lập và dễ bị thương tổn!
Ðối với vài người, một kinh nghiệm mãnh liệt nào đó có thể tống đẩy họ thoát ra khỏi được sự cô lập ấy. Vào khoảng hai trăm năm mươi năm sau thời của Đức Phật, có một vị vua tên là Ashoka. Trong những năm đầu dưới triều đại của ngài, Ashoka là một vị vua tham tàn và khát máu, có tham vọng muốn bành trướng đế quốc của mình. Ông không bao giờ cảm thấy được hạnh phúc. Một hôm, sau một trận chiến đẫm máu để giành thêm lãnh thổ cho đế quốc của ông, vua Ashoka lang thang trên bãi chiến trường một mình, giữa một cảnh tượng hãi hùng, thây người và thú vật nằm vương vãi khắp nơi, có xác đã sình thối dưới sức nóng mặt trời và bị những con chim đói rỉa móc. Vua Ashoka chợt cảm thấy kinh hoàng trước cảnh tượng tang thương do chính mình tạo nên.
Vừa khi đó, có một vị sư chậm rãi đi thiền hành ngang qua trên bãi chiến trường. Vị sư không hề nói một lời nào, nhưng con người của ông tỏa chiếu một sự an lạc và hạnh phúc. Nhìn vị sư, Ashoka tự nghĩ, “Tại sao ta có hết tất cả những gì ta muốn trên thế giới này mà lại vẫn cảm thấy rât khốn khổ? Trong khi vị sư kia không có gì ngoài chiếc y và bình bát, mà trông có vẻ thảnh thơi và an lạc giữa một khung cảnh bi đát như thế này?”.
Và trên bãi chiến trường ấy, Ashoka đã có một quyết định thật to tát, ảnh hưởng đến lịch sử loài người. Ông đi đến vị sư và hỏi, “Thầy có an lạc không? Nếu có thì làm thế nào mà ngài được như vậy?”. Và vị sư không-có-gì-hết trình bày giáo pháp của Đức Phật đến cho vị vua có-hết-tất-cả. Sau cuộc gặp gỡ ấy, vua Ashoka đã trở thành một Phật tử thuần thành hết lòng tu tập theo giáo lý Đức Phật, cũng như hoàn toàn thay đổi đường lối cai trị của ông. Ông thôi không còn đem quân đi xâm lấn những xứ khác nữa. Ông cũng không để cho dân chúng bị đói kém. Vua Ashoka đã tự chuyển đổi từ một bạo chúa trở thành một đấng minh quân, nổi tiếng là công bằng và bác ái, ơn đức của ông còn lưu lại cho đến ngàn đời sau. Chính những người con trai và con gái ruột của vua Ashoka đã có công mang đạo Phật từ Ần Độ vào Tích Lan. Giáo pháp của Đức Phật cắm rễ nơi này, từ đó lan truyền sang Miến Điện, Thái Lan và rồi khắp nơi trên thế giới.
Ngày hôm nay, cơ duyên của chúng ta con được tiếp xúc với Phật pháp, sau nhiều thế kỷ và qua nhiều nền văn hóa, cũng là một quả trái trực tiếp của sự chuyển hóa của vua Ashoka. Sự thảnh thơi và an lạc của một vị sư mấy ngàn năm trước vẫn còn ảnh hưởng đến thế giới chúng ta ngày nay. Sự tĩnh lặng của một người đã thay đổi hẳn hướng đi của lịch sử, và đem lại cho chúng ta con đường đi đến hạnh phúc của đạo Phật.