Trong đời sống, muốn có được miếng cơm manh áo, mọi người đều phải bỏ nhiều công sức để suy nghĩ, làm việc. Nếu may mắn, các công việc đó là các công việc tốt lành, được xã hội công nhận, không vi phạm luật pháp thì rất tốt. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đưa đẩy, một người muốn làm điều tốt, không muốn làm điều xấu nhiều khi vẫn bị phân vân nếu môi trường và điều kiện của công việc ép buộc họ phải làm điều xấu. Họ nên xử sự như thế nào?
Nội dung chuyện tiền thân Tittira trong Kinh Tiểu bộ, tập VI, chuyện số 319, Chuyện chim đa đa nêu lên một trường hợp minh họa cho hoàn cảnh khó khăn ấy.
Chuyện này do Bậc Đạo sư kể khi Ngài trú tại tu viện Badarika gần Kosambi. Chuyện kể về Trưởng lão Rahula. Bấy giờ ở pháp đường, các Tỷ-kheo đang ca ngợi Tôn giả Rahula, bảo rằng Tôn giả rất cẩn trọng, tinh cần, nhẫn nhục. Bậc Đạo sư bước vào và khi nghe kể lại đề mục luận bàn của các Tỷ-kheo, Ngài dạy: “Không phải chỉ nay mà xưa kia cũng thế, Rahula cũng đã có được các đức tính này”. Đoạn Ngài kể cho họ nghe một chuyện tiền kiếp.
Ngài Rahula là con của Đức Phật và nổi tiếng là người có sự tu tập miên mật. Kinh Tăng chi (Chương Một pháp, Phẩm Một người) viết: “Trong các đệ tử Tỷ-kheo của Ta, ưa thích học tập, tối thắng là Rahula”. Chuyện tiền thân Tipallathagami kể lại rằng, có lần để thử thách ngài Rahula, khi thấy Tôn giả Rahula từ xa đi đến, các Tỷ-kheo đã quăng cán chổi ra đường rồi hỏi lớn với nhau: “Này các hiền giả, ai quăng đồ rác này?” và có người trả lời: “Tôi thấy Rahula đi qua đường này”. Lúc đó ngài Rahula không phân trần, biện minh như thói thường mọi người vẫn làm; ngài lẳng lặng dọn chỗ rác ấy đi. Lần khác, vì tôn trọng điều luật mới đặt ra của Đức Phật về việc không cho người thọ đại giới ngủ chung với người chưa thọ đại giới, Rahula đã ra ngủ ở phòng vệ sinh. Câu chuyện Tittira được kể tiếp tục:
Ngày xưa, khi Bramadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi các học nghệ tại Takkasila rồi rời bỏ cuộc sống thế tục, sống khổ hạnh trong vùng Hy-mã-lạp-sơn và phát huy mọi khả năng trí tuệ. Ngài thọ hưởng hạnh phúc của thiền định, sống trong một khu rừng tịnh lạc. Sau đó, ngài có đến một ngôi làng để tìm muối và giấm. Mọi người khi trông thấy ngài đều thành tín đồ, họ dựng cho ngài một túp lều lá trong rừng và cung cấp cho ngài đủ các vật dụng cần thiết.
Con đa đa tự nghĩ: “Do ta mà đồng loại phải lâm vào cái chết. Về phần ta, đây là một hành vi ác độc”. Vì thế nó cứ lặng thinh không kêu nữa. Khi chủ thấy nó lặng thinh liền lấy một đoạn tre đập vào đầu nó. Con đa đa đau quá phải kêu lên. Thế là người bẫy chim cứ sinh sống bằng cách dùng nó để nhử các con đa đa khác.
Với con chim thì “quyền được sống” không rộng như con người. Nếu con người không muốn làm điều gì xấu thì họ có thể bỏ việc. Ở mức độ xấu hơn, trường hợp đã tự cam kết với người chủ hay đã vướng mắc với người chủ về quyền lợi của bản thân, họ có thể hủy bỏ cam kết hoặc từ chối quyền lợi bản thân. Con chim mồi thì không thể bỏ việc; nó cũng không thể từ chối vì bị đánh đau vào đầu. Với con người, ngay như đã cam kết với chủ và không thể từ chối, thì khi thực hiện hành vi xấu, con người cũng có thể tìm cách làm giảm nhẹ hậu quả của hành vi xấu ác. Người ta có thể thông cảm với người làm điều xấu một cách miễn cưỡng theo yêu cầu của chủ nhưng lại không thể thông cảm với người tích cực, hăng hái làm theo yêu cầu xấu của chủ. Con chim thì không thể tự làm giảm nhẹ hậu quả tiếng kêu của nó.
Và con đa đa lại nghĩ: “Ừ, thì dẫu cho chúng nó có chết đi, về phần ta, ta không hề có ý định xấu, nhưng những hậu quả xấu của hành động của ta có tác dụng vào ta không? Khi ta lặng thinh thì chúng không đến, khi ta kêu lên thì chúng đến. Và hễ con nào đến là bị người kia bắt và giết chết. Về phần ta, hành động như thế là có tội hay không có tội”. Từ đó, ý nghĩ độc nhất của con đa đa là: “Ai chính là kẻ có thể giải quyết mối nghi của ta”. Thế là nó cứ tìm kiếm khắp nơi một bậc trí giả để giải quyết mối nghi ấy.
Khi tham dự vào một điều có hại cho người khác, đặc biệt là sát sinh, thì thường mọi người đều có sự băn khoăn. Ngay cả những người xử tử tù nhân theo lệnh của tòa án cũng có những băn khoăn và ám ảnh. Việc điều trị tâm lý cho họ là việc quan trọng.
Một hôm người bẫy chim bẫy được một số đa đa đầy giỏ rồi đến chỗ căn lều của Bồ-tát mà xin một ngụm nước. Ông ta đặt lồng chim xuống bên cạnh Bồ-tát mà uống nước rồi nằm dưới đất mà ngủ. Thấy người ấy ngủ, con đa đa tự nghĩ: “Ta sẽ hỏi vị ẩn giả này về mối nghi của ta. Nếu người biết, người sẽ giải quyết nỗi khó khăn của ta”. Thế là nằm trong lồng, nó đọc lên đoạn thơ thứ nhất sau đây:
Đời hạnh phúc mỗi ngày tôi sống Đến cùng tôi đầy những thức ăn Nhưng tôi vướng mắc tệ tàn Tương lai tôi ấy số phần ra sao?
Con chim trình bày nỗi khó khăn của mình: sống sung sướng đầy đủ, không phải đi kiếm ăn vất vả như những con chim khác. Tuy nhiên lại bị vướng mắc quá lớn trong đời sống. Con chim chưa nói rõ mình bị vướng mắc gì. Bồ-tát đọc đoạn thơ thứ hai để giải quyết câu hỏi:
Nếu lòng chẳng tơ hào xấu ác, khiến bạn gây nên việc nhục hèn, do phần thụ động mà nên, bạn nào bị tội trói chuyên số phần.
Nếu đa đa không cố ý kêu lên “nhử mồi” mà chỉ là do bị đánh thì không có tội lỗi. Con đa đa chỉ có tội khi nó tự nguyện“nhử mồi”, thấy thích thú trong việc“nhử mồi” hay tìm những cách hay ho để “nhử mồi” và để làm vừa lòng người bẫy chim. Trong những trường hợp đó thì“ác đã ẩn trì lòng bạn” và “giấy rách đã bị hư lề”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự