Đông đảo người dân đi lễ chùa đầu năm ở chùa Phước Hải, quận 1, TPHCM. Ảnh: An Dung
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Mới mùng 3 Tết, đại gia đình chị Lê Thị Như Thanh ở quận 12, TPHCM đã chuẩn bị mọi thứ đầy đủ để đi lễ chùa Bà ở Tây Ninh. Tờ mờ sáng, cả nhà chị đã lỉnh kỉnh nhang, đèn, giỏ trái cây, mâm bánh mứt… sẵn sàng khởi hành. “Đầu năm đi lễ chùa là để cầu mong những điều tốt lành, may mắn và hạnh phúc đến với gia đình. Từ nhỏ, ông bà và cha mẹ tôi vẫn thường có thói quen dẫn con cháu đi lễ chùa những ngày đầu năm. Về sống ở nhà chồng, thói quen này vẫn được giữ như thế vì bố mẹ chồng tôi cũng thích đi chùa cầu phúc”, chị Thanh cho biết. Chị Thanh cho biết thêm, sau khi đi chùa Bà ở Tây Ninh, gần đến rằm tháng giêng, gia đình chị sẽ đến cúng chùa Bà ở Bình Dương.
Anh Nguyễn Quốc Việt, chủ một doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ: “Thật ra năm nào vợ tôi cũng lên kế hoạch đi lễ chùa đầu năm. Năm nay vợ chồng tôi và các con sẽ viếng chùa một chuyến 3 ngày từ chùa Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang) sau đó quay về chùa Bà ở Tây Ninh”. Chị Hồng Loan, vợ anh Việt cho hay: “Tôi muốn lễ chùa đầu năm để xin lộc, cầu mong bình an và hạnh phúc lại đến với gia đình trong năm mới. Hơn thế, đây cũng là một nét văn hóa truyền thống từ bao đời nay của người Việt, tôi muốn các con tôi hiểu điều này, dạy các con sống chan hòa, có tâm và có ích với xã hội”.
Thật ra tại TPHCM, ngay những giờ phút giao thừa khởi đầu năm mới Nhâm Thìn rất nhiều người đã khởi hành đi lễ viếng chùa. Tuy nhiên, để cảm nhận được không khí lễ chùa thực sự thì phải đến độ ra giêng. Ngoài những ngôi chùa lớn tại TPHCM như Vĩnh Nghiêm, Việt Nam quốc tự, Hoằng Pháp, Xá Lợi… thông thường, người dân TPHCM và các tỉnh Nam bộ vẫn chọn hành hương lễ Phật đến các nơi như: viếng chùa Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang), chùa Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (ở Tây Ninh), chùa Bà Thiên Hậu, chùa núi Châu Thới (ở Bình Dương) hoặc lễ chùa trên núi Gia Lào (tỉnh Bình Thuận)…
Ăn theo lễ hội
Có thể nói, tháng giêng là tháng của lễ hội và cũng là thời gian các hoạt động dịch vụ ăn theo “được mùa” chặt chém. Tại khu vực chùa Bà Thiên Hậu (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) dù chưa phải là thời gian cao điểm (lễ hội chính diễn ra trong các ngày 13 và 14 tháng giêng) nhưng giá giữ xe máy ở các tuyến đường xung quanh chùa đã lên 10.000 - 15.000 đồng/lượt. Các quầy hàng ăn uống, giải khát giá cũng tăng chóng mặt: chai nước suối giá 20.000 đồng, ly nước mía vỉa hè giá 12.000 đồng, hủ tiếu, bún riêu giá 40.000 đồng/tô…
Ngoài vấn nạn móc túi lấy tiền, điện thoại di động, giật dây chuyền, tình trạng sư giả và ăn xin bao vây du khách, chèo kéo khách hành hương cũng là thực trạng đáng buồn tại khu vực này nhiều năm qua. Đó là chưa kể đội quân bán nhang đèn, đồ thờ cúng luôn bám theo khách hành hương và sẵn sàng văng tục, thậm chí đe dọa khách nếu không mua hàng.
Tại một quầy nhang đèn ngoài cổng chùa Bà Thiên Hậu, 2 cô gái khá trẻ đang chọn nhang đèn và hoa cúng Phật. Đang tần ngần, một cậu bé chừng 12 - 13 tuổi đen nhẻm chạy đến kéo tay: “Mấy chị đi theo tui, không phải chen lấn làm gì”. Vừa kéo tay, cậu nhóc vừa nhanh nhảu móc túi lấy bật lửa đốt nhang cho khách. Chưa kịp nói lời cảm ơn, thằng nhóc đã đổi giọng: “Ê, nãy giờ tui làm giùm, mấy chị phải lì xì cho tui chứ. Tính đi luôn hả?”. Hai cô gái nhìn nhau, đành móc 20.000 đồng đưa cho cậu bé để tránh sự phiền phức.
Nhóm chúng tôi đến chùa Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang) rạng sáng một ngày đầu năm. Thấy bảng giá 30.000 đồng/người (phòng nằm nghỉ lưng, tắm rửa) tại một khu nhà nghỉ, chúng tôi khá yên tâm tấp xe vào. Anh nhân viên nhiệt tình dẫn 6 người chúng tôi vào phòng có máy lạnh và 2 giường.
Lót bụng đỡ tô hủ tiếu ngọt như… chè, vài miếng thịt lèo tèo cộng mấy ly trà đá, cả nhóm tròn mắt khi bà chủ tính giá 320.000 đồng! Đến lúc tính tiền nghỉ, chúng tôi lại một phen ngạc nhiên khi anh nhân viên đòi 800.000 đồng. Tôi chỉ bảng giá thì anh này sừng sộ chỉ ra mấy bộ ván ngoài sân: “30.000 đồng/người đúng rồi nhưng khách chỉ được ngả lưng ở khu vực công cộng ngoài kia thôi mấy bà ơi!”. Lại phải bấm bụng móc tiền.
Những biến tướng đáng buồn
Hành hương lễ chùa đầu năm cầu an, chúc phúc, cầu tài là một nét đẹp văn hóa của người Việt, là một tín ngưỡng lâu đời của người dân, tuy nhiên trên thực tế cũng có không ít những hình ảnh biến tướng làm ảnh hưởng đến vẻ trang nghiêm nơi cửa Phật, làm mất đi những nét đẹp văn hóa vốn có.
Ngay khu cổng chùa
Bà Chúa Xứ, một đôi nam nữ cứ mời chào chúng tôi thuê heo quay. Chúng tôi không
hiểu, anh này liền giải thích: “Anh chị mua heo quay thì phải mất từ 1 - 3 triệu
đồng, còn thuê thì chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng thôi. Tụi tôi bày heo sẵn lên
mâm, đưa vào cúng xong thì tôi lấy heo lại”!?
Đem chuyện hỏi đứa bạn dân An Giang, cô này cười ngất: “Vụ cho thuê heo cúng ở
đây làm ăn được lắm đó. Khách trả tiền xong, họ bưng heo vào cúng giùm. Khách
cắm cúi đốt nhang, lạy chưa xong thì tụi nó bưng heo chạy mất tiêu, tranh thủ
cho người khác thuê nữa chứ”!
Vừa ra khỏi cổng chùa Vĩnh Nghiêm, một ông gần 60 tuổi, mặc bộ bà ba nâu kéo tay mời chào chúng tôi: “Xem một quẻ đầu năm đi em, thầy coi cho để biết tình duyên bổn mạng, gia đạo, tài lộc cả năm thế nào”. Ngoài cả chục quầy bán sách tử vi, tướng số ngay cổng chùa, chúng tôi quan sát không dưới chục “thầy, bà” hành nghề bói toán lưu động kiểu này.
Chúng tôi cũng bắt gặp cảnh mời chào xem quẻ bói tương tự tại chùa Xá Lợi (quận 3), miếu Bà Ngũ Hành (huyện Nhà Bè), Việt Namquốc tự (quận 10)… Có thầy ở khu vực Bình Quới, Bình Thạnh còn nhiệt tình tiếp thị cho chúng tôi số điện thoại di động, để khi cần thì “cứ gọi cho thầy, thầy sẽ đến tận nhà bấm quẻ và coi phong thủy cho”!
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự