Vì sao cho đi là hạnh phúc?

Thứ sáu - 06/01/2017 01:53
Cho đi là một phương pháp mang đến hạnh phúc an lạc, nhẹ nhàng và thanh cao cho chính bản thân mình.
Vì sao cho đi là hạnh phúc?
Cho đi là một hình thức san sẻ, bố thí, cúng dường những thứ mà chúng ta có được. Nhiều người cứ nghĩ rằng cho đi là một sự mất mác và nhận được điều gì đó mới là hạnh phúc. Nhưng sự thật người cho đi mới là người hạnh phúc nhất. Vì sao cho đi là hạnh phúc?

Cho đi chúng ta sẽ tiêu diệt được lòng tham và ích kỷ của mình

Tham lam là một trong những tật xấu của con người ai cũng mắc phải. Con người đều mong muốn có được những gì trong cuộc sống, có được những gì người khác có và phải có hơn người khác. Và lòng tham thường đi liền với sự ích kỷ. Ích kỷ là hành động luôn muốn ôm giữ những gì mình đang có, ngại chia sẻ vì sợ mất mát. Tham lam và ích kỷ là hai tính xấu mà Đức Phật luôn dạy người Phật Tử phải xóa bỏ bằng hạnh bố thí.

Thực tế, tham lam và ích kỷ luôn làm chúng ta cảm thấy rất nặng nền, luôn phải chịu cảm giác nơm nớp lo sợ thứ mình có mất đi hoặc bị cướp lấy. Người tham lam, ích kỷ tạo khoảng cách với mọi người xung quanh và không tạo thiện cảm cho người khác. Tham lam, ích kỷ chính là cái nhân để đạo vào cảnh giới ngạ quỷ mà trong kinh điển đã từng nói đến với hình ảnh tiêu biểu là bà Thanh Đề lấy tay che đậy chén cơm lo sợ người khác ăn mất và chén cơm hóa thành lửa.

Giúp đỡ người nghèo khổ, tạo động lực sống cho người khác

Có vô vàn cách thức để chúng ta thực tập cách cho đi từ những điều đơn giản nhất. Đôi khi chỉ cần một gói xôi, một chai nước cho cụ già đang đói rét khi đêm buông xuống cũng đủ là niềm vui cho họ và niềm hạnh phúc cho bạn. Chỉ cần phụ giúp ai đó đẩy một chiếc xe nặng nề lên dốc cầu cũng đủ để bạn tự thưởng cho mình một nụ cười mãn nguyện. Hay những lúc bạn bè có chuyện buồn hay thất vọng, chỉ cần lời an ủi chân thành từ bạn, họ trở nên phấn chấn và bình tâm trở lại, khi đó là bạn đã cho đi thời gian của mình để giúp họ vơ đi nỗi muộn phiền,…

Cho đi không nhất thiết là vật chất. Mà là khi còn có thân thể này thì bạn hoàn toàn có đủ khả năng để thực hành sự cho đi và tìm được hành phúc từ đây. Bởi hành động cho đi không phải được đo lường bằng số lượng của vật chất, mà đó thể hiện từ tấm lòng và tình thương xuất phát từ tâm ý của mỗi người. Người nghèo vẫn có thể cho đi bằng sự đồng cảm, chia sẻ với người cùng cảnh ngộ để giúp người khác vơ đi sự tủi thân, đau buồn. Chúng ta không đủ khả năng vật chất để cứu giúp những hoàn cảnh nghèo khổ thì cũng có thể kêu gọi ủng hộ, san sẻ từ những người xung quanh,…Mọi thứ chúng ta có được như: tiền bạc, lời nói, ánh mắt, hành động, thời gian,…đều có thể ban tặng cho một ai đó, chỉ cần tâm chúng ta luôn rộng mở.

Noi gương cho đi từ những người đi trước

Đức Phật là một vị đại thí chủ, là tấm gương sáng nhất từ sự cho đi. Đức Phật không cho vật chất, của cải mà Ngài cho đi pháp hạnh, cho đi sự chứng ngộ của mình để giúp chúng sanh thoát khỏi mê lầm. Đó là đỉnh cảm của sự cho đi. Trong kinh điển kể lại rằng:

Một hôm khi biết Đức Phật sắp về kinh thành, công chúa Da Du Đà La đã nói với La Hầu La rằng: Cha con có rất nhiều của cải, hãy xin cha con đi. Khi La Hầu La chạy đến xin Đức Phật của cải, Ngài đã cạo đầu cho Là Hầu La xuất gia” Của cải của Đức Phật chính là Pháp giải thoát, Pháp đem đến sự trí tuệ mà không những Ngài ban cho con mà còn ban cho cả nhân loại.

Những anh hùng liệt sỹ đã cho đi tuổi thanh xuân của mình, cho đi mạng sống của mình để mang đến một nền hòa bình cho cả dân tộc. Những công tác cứu trợ đồng bào bị thiên tai, những vùng nghèo khổ cũng là hình thức của sự cho đi. Những vị thầy cô giáo cho đi kiến thức của mình. Cha mẹ cho đi những thú vui riêng, khoảng thời gian quý giá để chăm sóc cho chúng ta,…Rất nhiều những tấm gương về sự cho mình mà chúng ta cần noi theo và học hỏi.

Cho đi không bao giờ là sự mất đi và thiệt thòi cho bản thân. Khi cho đi, nghĩa là tự thân chúng ta tự biết diệt sự tham lam, ích kỷ của bản thân mình. Chính sự tham lam đó khiến chúng ta mất đi sự gắn bó với cộng động và trở thành nguòi cô lập. Bên cạnh đó, cho đi còn mang đem đến niềm vui cho người nhận, họ sẽ cảm thấy phấn chấn hơn trong cuộc sống này, có một tia hi vọng trong đời. Đặc biệt là bạn sẽ cảm thấy có một nguồn hành phúc rất lớn sau hành động của sự cho đi, một điều gì đó ý nghĩa, một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản bao trùm trong tâm hồn của mình.

Cho đi đừng nên mong nhận lại

Người xưa có câu “ Thi ân bất cầu báo”. Đừng mong mỏi về những gì bạn đã cho đi. Đừng mong rằng người khác sẽ biết ơn và trả lại những gì họ đã nhận lại từ bạn. Bởi ý nghĩ như thế sẽ làm bạn cảm thấy nặng nề và luôn mang tia hy vọng và dễ thất vọng khi điều mong mỏi không thành sự thật. Đó là hành động cho đi có toan tính và tương ứng là niềm hạnh phúc bạn nhận được không trọn vẹn đủ ý nghĩa thuần khiết của nó.

Vũ trụ luôn tồn tại quy luật Nhân Quả rõ ràng. Vì thế bạn hãy cứ cho đi bằng tấm lòng từ bi của mình, bằng sự vô tư không toan tính và mong cầu đền đáp, thì chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì mình có được, như câu mà ông bà ta thường dạy nói vơi con cháu: Mình ăn thì hết người ta ăn thì còn. Minh chứng là những người thường xuyên làm việc bố thí luôn nhận được sự ấm êm trong gia đình và thành công trong công việc. Họ luôn có sự giúp đỡ từ người khác mỗi khi gặp khó khăn, đó là quả ngọt mà họ nhận được qua hành động cho đi của mình.

cho đi không bao giờ mất. Cho đi mang đến nhiều lợi lạc cho chúng ta. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy luôn thực hành hạnh bố thí mà Đức Phật đã dạy từ những điều nhỏ nhất dể hiện tại tìm được hạnh phúc cho bản thân và mai sau nhận được phước báu trợ giúp cho con đường tu tập sớm được viên mãn.

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây