Nhiều người vì muốn con có điều kiện sinh sống khá giả, sung túc, nên thường để lại cho con tài sản mà cả đời họ làm ra. Nhưng những người đạo hạnh thời xưa trong việc tạo phúc cho con lại không có quan niệm như vậy.
Những của cải vật chất trong thế giới này là không thể truyền lại mãi mãi. Con cái khi được cha mẹ để lại cho nhiều của cải vật chất, nhiều trường hợp sẽ sử dụng phung phí, thậm chí cuối cùng có thể trở thành ăn mày. Nếu con cái không thể sử dụng tài sản thừa kế từ cha mẹ một cách đúng đắn thì ngay cả một gia tài lớn cũng có thể tiêu tan, tới mức khuynh gia bại sản. Trong xã hội ngày nay, nếu cha mẹ để lại di sản thừa kế cho con cái, chúng thậm chí có thể đưa nhau ra tòa để tranh giành.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ để lại trí tuệ và đạo lý làm người, con cái họ có thể tạo ra của cải cho chính bản thân chúng. Nếu cha mẹ tích đức hành thiện cả đời và để lại đạo đức tốt đẹp cho con cái thì sẽ tạo phúc cho nhiều đời sau.
Tả Tông Đường là danh tướng triều nhà Thanh. Khi ông cáo lão về quê ở Trường Sa, ông đã cho xây những công trình lớn với mục đích để lại một biệt phủ nguy nga cho con cháu. Vì luôn sợ những người thợ ăn bớt vật liệu, ông đã tự mình tới công trường làm đốc công.
Có một người thợ cao tuổi thấy ông như vậy, không kìm được bèn nói: “Đại nhân, xin ngài cứ yên tâm. Tôi đã nhiều tuổi rồi và cũng đã xây dựng không ít biệt phủ trong thành Trường Sa này. Từ xưa tới nay, những biệt phủ mà tôi xây dựng chưa từng có cái nào là bị đổ sụp cả, mà chỉ thấy có sự thay đổi chủ nhân của biệt phủ thôi.” Tả Tông Đường nghe xong không khỏi hổ thẹn, thở dài rồi rời đi.
Lâm Tắc Từ cũng là một đại thần triều nhà Thanh, nhưng ông có cách tạo phúc cho con cái cao minh hơn Tả Tông Đường rất nhiều. Ông từng nói: “Nếu con cháu tôi đều bằng tôi thì chúng muốn tiền làm gì? Một người đức hạnh có nhiều tiền tài thì sẽ bị hao tổn ý chí. Nếu con cháu tôi không bằng tôi, thì chúng muốn tiền làm gì? Người ngu dốt mà nhiều tiền tài thì sẽ dễ bị tai họa.”
Chuyện kể rằng ở Phúc Kiến có một viên quan lớn tên là Dương Vinh. Tổ tiên ông mấy đời đều mưu sinh bằng nghề lái đò qua sông. Một lần ở địa phương họ có mưa lớn, phá hủy nhà dân, cuốn trôi gia súc, khiến nhân mạng và của cải trôi theo dòng nước. Những người lái đò khác đều tranh nhau tìm vớt của cải, chỉ có ông nội của Dương Vinh là lo cứu người mà không màng của cải.
Sau trận lũ ấy, rất nhiều thuyền phu vì vớt được của cải của người dân gặp nạn mà trở nên giàu có. Nhiều người cũng nhờ vậy mà đổi sang nghề khác sinh sống. Chỉ có gia đình họ Dương vẫn sinh sống bằng nghề chèo thuyền như trước đây.
Lúc ấy, rất nhiều người làng xóm đều chế nhạo ông bà nội của Dương Vinh là ngu dốt, thấy tiền của mà không vớt. Nhưng gia đình họ Dương vẫn không để tâm, chỉ thấy vô cùng hạnh phúc vì đã cứu được rất nhiều người trong trận lũ lụt. Đến khi cha của Dương Vinh sinh ra, nhà họ Dương mới dần dần khá giả. Cha của Dương Vinh vẫn nối tiếp truyền thống gia đình, cứu giúp người gặp khó khăn hoạn nạn.
Một ngày nọ, có một vị đạo sĩ đi ngang qua nhà họ Dương, nói với cha của Dương Vinh: “Tổ tiên và cha mẹ ông đã tích được âm đức rất lớn, tương lai con cháu nhất định giàu sang phú quý.”
Sau khi Dương Vinh sinh ra, từ thuở nhỏ đã thông minh nhanh nhẹn, rất có tài trí, lại ham đọc sách. Lúc lên 20 tuổi, ông thi đỗ kỳ thi của triều đình, sau làm đến tam công. Hoàng Đế cũng gia phong cụ cố, ông nội và phụ thân Dương Vinh. Đến đời sau, con cái của Dương Vinh cũng hưng vượng với nhiều người có danh vọng.
Trong “Kinh Dịch” viết: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”, các gia đình tích đức hành thiện thì nhất định sau này con cháu được hưng vượng, còn gia tộc hành ác nhiều tất nhiên sẽ có hậu họa về sau.
Chỉ có đạo đức tốt đẹp mới là tài sản tinh thần quý giá nhất nên lưu lại. Nó giống như mặt trời mãi tỏa ánh quang huy chói rọi, liên tục không ngừng, cũng không ngừng tạo phúc cho thế hệ sau.
An Hòa
Nguồn tin: Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự