“Tôi không mắc cỡ chuyện đi bán vé số”
Bà Nguyễn Thị Ba (trọ ở P.Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương) là giáo viên tiểu học về hưu đã 17 năm. Vì không lập gia đình nên có lúc bà tính vào viện dưỡng lão, nhưng lại nghĩ nếu vào đó thì không biết làm gì. Vậy là bà quyết định chọn đi bán vé số cho khuây khỏa.
Trên đường đi bán vé số, bà gặp nhiều em nhỏ phải mưu sinh từ sớm, không có điều kiện đi học nên bà xin vào dạy học miễn phí cho một lớp học tình thương ở P.Phú Cường. Lớp có khoảng 20 em, rải đều từ lớp 1 đến lớp 5, học vào các ngày trong tuần bắt đầu từ 17 giờ 30, nhưng bà Ba thường đến sớm trước khoảng 1 tiếng để chuẩn bị bữa ăn chiều do nhà hảo tâm tài trợ cho học sinh.
Không chỉ dạy học, bà còn hỗ trợ mỗi em học sinh 5 kg gạo/tháng. Những gia đình khó khăn đưa con đến học cũng được hỗ trợ bằng số gạo mà mấy em lãnh được.
Em Trần Văn Sang, học lớp 3, ban ngày phụ ba mẹ bưng bún riêu ở chợ, nói với PV Thanh Niên: “Con muốn học biết chữ để mai mốt có việc làm. Cô Ba dạy vui, vừa hay vừa dễ hiểu. Nhân ngày 20.11, con chúc cô Ba ngày càng nhiều sức khỏe, luôn vui vẻ với chúng con”.
Cô Ba dạy tại lớp học tình thương ở P.Phú Cường ban đêm... Ảnh: Lê Nam.
Sáng bán vé số, tối đi dạy, bà Ba duy trì hành trình ấy từ tháng 4.2016 đến nay và vô cùng hãnh diện. “Tôi đi bán vé số này, là tiền mình tự làm ra bằng mồ hôi công sức của mình, sau đó mình đem hỗ trợ cho các em. Nếu mình có tiền sẵn, mình giúp các em thì cũng quý”, bà Ba chia sẻ và cho biết thêm: “Tôi không mắc cỡ gì chuyện đi bán vé số. Có lúc đi bán, người ta thấy tôi người ta kêu cô giáo đàng hoàng: “Cô vô đây con mua cho cô mấy tờ”. Tôi rất vui và cảm ơn họ”, bà chia sẻ.
Hết lòng thương yêu học trò
Bà Ba kể, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, bà được tỉnh Bình Dương điều động đến Bến Cát dạy học. 50 năm đứng lớp, bà Ba còn nhớ những thế hệ đầu tiên mà bà chủ nhiệm. Cho đến nay, những học trò ngày ấy giờ đã hơn 60 tuổi vẫn thường đến thăm cô giáo cũ. “Tôi gắn bó với nghề này mấy chục năm rồi, tôi rất yêu học trò, thương học trò và coi như con cháu của mình”, bà tâm sự.
... và vui vẻ với công việc bán vé số vào ban ngày.
“Lúc về hưu, ba mẹ tôi qua đời hết, anh tôi cũng có lúc kêu tôi về Vĩnh Long sống với anh, nhưng rồi chuyện này chuyện nọ, tôi quyết định thuê nhà trọ ở Bình Dương”, bà kể. Trước khi đến với lớp học tình thương, bà có nhận dạy thêm tại nhà. Sau này có người mời bà về nhà dạy riêng cho con cái họ nhưng bà từ chối vì muốn tập trung dạy học từ thiện vì “vừa giúp những đứa trẻ không có điều kiện được học hành lại vừa tiếp tục nghề của gia đình”. “Cả gia đình của tôi toàn nhà giáo: cháu tôi nhà giáo, anh tôi cũng nhà giáo, chị dâu cũng nhà giáo và cả tôi nữa. Riêng gia đình của anh tôi 3 người con đều theo nghề cha mẹ”, bà chia sẻ.
Nói về cô giáo Nguyễn Thị Ba, anh Phạm Minh Cường, Phó bí thư Đoàn P.Phú Cường, chia sẻ: “Cô là người cần cù và rất yêu thương học sinh. Mỗi tháng cô đều hỗ trợ các em và gia đình một chút quà nhỏ”. Anh Cường cho biết thêm, lớp học tình thương đã duy trì được 6 năm, hiện vẫn đang tìm kiếm thêm giáo viên để ổn định cho các em ở tất các môn trong cấp 1.