Nguồn gốc câu nói: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”
“Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”, nghĩa là người có trí tuệ sẽ không bao giờ khoe khoang tài năng mà thông thường hay ẩn mình khiến người khác khó nhận ra, hay cao thủ đích thực sẽ không tùy tiện khoe khoang bản lĩnh trước mặt người khác.
Nguồn gốc của câu nói này bắt nguồn từ thời Xuân thu Chiến quốc, có một cậu thanh niên tên là Ôn Như Xuân, gia cảnh giàu có. Từ nhỏ cậu đã đam mê âm nhạc, rất thích chơi đàn, khi lớn lên còn có thể sáng tác ca khúc. Vì có tài nghệ nên Như Xuân thường xuyên khoe khoang tài năng của mình trước mặt người khác.
Trong một lần đi du ngoạn Sơn Tây, Như Xuân cưỡi ngựa qua một ngôi miếu thì nhìn thấy một vị đạo sĩ đang ngồi tĩnh tọa. Bên cạnh đạo sỹ có một chiếc túi màu xám, một góc của cây đàn cổ lộ ra bên ngoài miệng túi. Như Xuân thầm nghĩ: “Lão đạo sĩ này cũng biết chơi đàn sao?” Sau đó anh đến gần rồi hỏi: “Xin hỏi ngài biết chơi đàn chứ?”
Đạo sĩ nghe thấy mở mắt khiêm tốn trả lời: “Cũng biết đôi chút! Tôi đang định tìm cao nhân bái sư học đàn”. Như Xuân nghe vậy trong lòng liền cao hứng, muốn thể hiện sự tài giỏi của mình cho vị đạo sĩ xem, anh ta nói: “Thế thì để tôi đàn cho ông xem”.
Đạo sĩ lấy cây đàn trong túi đưa cho Ôn Như Xuân. Anh ta nhận lấy rồi ngồi xuống đất bắt đầu gảy đàn. Mới đầu anh tùy hứng gảy một bài, nghe xong đạo sĩ chẳng nói gì chỉ mỉm cười. Thấy vậy Như Xuân cảm thấy không vui bèn đem hết tài nghệ của mình ra chơi một bài khác, nghe xong vị đạo sĩ cũng vẫn nét mặt ấy không nói một lời. Lúc này anh ta nổi giận nói: “Sao ông không nói gì, có phải tôi đàn không hay?”
Đạo sĩ trả lời: “Đàn cũng được, nhưng không phải là người mà tôi muốn bái làm thầy”. Nghe vậy Như Xuân vừa bực tức vừa mất kiên nhẫn nói: “Ông chơi đàn giỏi, thế thì hãy chơi một bài để tôi mở rộng tầm mắt xem nào!” Đạo sỹ từ tốn, chẳng nói chẳng rằng, cầm cây đàn vuốt nhẹ vài cái, bắt đầu gảy. Tiếng đàn vang lên, âm thanh như nước chảy réo rắt, như gió chiều hiu hiu, đàn chim cũng từ đâu bay đến đậu trên cây cổ thụ gần miếu. Còn Như Xuân thì nghe ngất ngây say đắm, quên cả cơn nóng giận. Mặc dù nhạc đã ngưng nhưng Như Xuân vẫn còn thẫn thờ, trên mặt biểu hiện sự lưu luyến như muốn được nghe tiếp. Lúc bừng tỉnh anh biết rằng mình đã gặp cao nhân, lập tức quỳ xuống trước mặt đạo trưởng xin làm đệ tử.
Người tu luyện trong đạo gia khi đắc đạo thường xưng là chân nhân, vậy nên người xưa căn cứ từ điển cố trên đúc kết ra câu “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”
“Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân” còn đúng với ngày nay?
“Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân” có ý khuyên mọi người nên biết khiêm nhường và không nên đánh giá người khác qua cử chỉ, dáng vẻ bên ngoài.
Ngày nay, không chỉ những người bình thường mà kể cả những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng cũng tham gia "flexing" và khoe từ tài năng cá nhân hay những bức ảnh chụp với người nổi tiếng đến tài khoản ngân hàng tiền tỷ hoặc thành tích học tập khủng, thậm chí là học trường xịn... Mỗi bài viết đều có hàng nghìn đến hàng chục nghìn lượt yêu thích. Có thể thấy “flexing" thu hút được giới trẻ vì nó mang lại những câu chuyện hấp dẫn, thỏa mãn trí tò mò của số đông và ở một khía cạnh tích cực, nó tạo động lực học hành, làm việc chăm chỉ hơn cho các bạn trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, những người tham gia trào lưu này không tránh khỏi những tình huống bị cho là khoe khoang thái quá. Điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt giữa cuộc sống thực tế và cuộc sống "ảo" trên mạng xã hội, tạo ra áp lực và so sánh không lành mạnh.
Về vấn đề này, một chuyên gia ngành ngôn ngữ học cho rằng giới trẻ hiện nay có nhu cầu kết nối, muốn được công nhận nên khi gặp điều kiện, môi trường thuận lợi sẽ thể hiện ra một cách mạnh mẽ. Cho nên, khi "flexing" một nội dung nào đó, chủ bài viết cần chú ý đến cách truyền tải sao cho vừa thoải mái vừa đem lại sự văn minh.
Nguồn Phunutoday.vn