"Đau mà không than, cười mà không nói" - Nếu bạn làm được điều này mới thấu hiểu sự an yên

Thứ bảy - 22/06/2024 11:22
Có câu nói rằng: “Sứ mệnh nhân sinh chính là chăm sóc thật tốt cho sinh mệnh, nuôi dưỡng thật tốt cho linh hồn, đạt tới cảnh giới phong phú và an yên.”
"Đau mà không than, cười mà không nói" - Nếu bạn làm được điều này mới thấu hiểu sự an yên

Để đạt được sự an yên và phong phú đó không phải dễ dàng. Ít nhất, chúng ta phải hiểu thấu và nắm rõ trong tay 4 cảnh giới sau đây: Đau mà không than, cười mà không nói, mê mà không mờ và hoảng mà không loạn.

Thứ nhất: Đau mà không than, ấy mới là người có nội tâm kiên cường

Có câu nói: “Đừng than khổ với bất cứ ai, vì 10 người thì có 8 kẻ chẳng hề quan tâm, 2 kẻ còn lại còn lấy làm vui vẻ”. 

Sự cảm thông nào cũng có giới hạn, và chúng ta chỉ dành cho những người thân thương nhất xung quanh.

Chẳng ai đủ thời gian để suốt ngày đặt bản thân vào vị trí của bạn, lo lắng hay nghĩ ngợi cho lợi ích của bạn, ngoại trừ chính bạn mà thôi.

Có khổ có đau đến mấy thì tự mình chịu đựng, không lời than vãn mới là sự lựa chọn tốt nhất. Than vãn chỉ khiến cho chúng ta lỡ đi những cơ hội để rèn luyện chính mình, trước là về thể xác, sau là sự kiên cường đến từ nội tâm.

Khi chúng ta còn bị đau, tức là cuộc đời còn đang ban tặng những cơ hội để thay đổi và sửa chữa. Nếu biết tận dụng, đó cũng chính là nền tảng để vươn lên thành công.

“Đau mà không than” không có nghĩa là chúng ta không đau, mà là chúng ta dám dũng cảm đối mặt với nỗi đau đó, dùng sức mạnh nội tâm để chống đỡ khó khăn.

Thứ hai: Cười mà không nói, ấy là người tự tại

Đôi lúc, khi chúng ta gặp cảnh bất lực, đau lòng hay thất vọng khi bị hiểu lầm, giễu cợt, dè bỉu từ những người xung quanh, một nụ cười sẽ dễ dàng hơn là đi giải thích với toàn thế giới.

Hãy dùng sức mạnh của nụ cười để chiến thắng cả thiên binh vạn mã. Thể hiện sự an nhiên tự tại, bình thản ung dung trong bản thân là cách để bạn chiến thắng những lời đàm tiếu đúng sai, tốt xấu của người đời.

Cuộc sống như một tấm gương, bạn cau mày, nó cũng cau mày, bạn mỉm cười, nó cũng sẽ mỉm cười. Dù đối mặt với điều gì, đối nhân xử thế một cách đúng mực với thái độ ôn hòa sẽ khiến người khác ấn tượng với sự độ lượng của bạn nhiều hơn.

Thứ ba: Mê mà không mất, ấy mới là người có trí có tuệ

Thế giới trăm hoa khoe sắc, khó có thể kìm chế dục vọng và khao khát của bản thân. Từ đó, mê muội che mờ ánh mắt, dần chiếm đoạt khả năng kiểm soát tình huống, khiến chúng ta tự làm ra những hành động tổn hại chính mình.

Chỉ khi nào con người học được cách coi nhẹ chuyện được - mất, thành - bại, có - không của thế gian, thì chúng ta mới có đủ tỉnh táo, ung dung và an yên để chống lại sức ảnh hưởng của thế giới. Điều đó yêu cầu sức mạnh kiên cường tự trong nội tâm và trí tuệ.

Thứ tư: Hoảng mà không loạn, ấy mới là người thực sự mạnh mẽ

Người xưa có câu: “Gặp chuyện lớn mà không loạn, gặp sóng lớn mà không mất đi thói quen thường ngày” chính là cách thể hiện tâm thái xử thế, cảnh giới ung dung tự tại của đời người.

Người có tài, có tâm sẽ giữ tâm trí ổn định, không để sự lo lắng làm lạc mất tư duy, từ đó mới bình tĩnh tìm cách xử trí mọi chuyện. Không chỉ tâm bình khí hòa mà để làm được điều này, người ta còn cần giỏi về ứng biến linh hoạt, không ngừng hoàn thiện bản thân.

Mỗi một cảnh giới đều là dấu mốc quan trọng mà có người phấn đấu cả đời cũng không thể chạm tới. Nhưng nếu đã chạm tới, họ ắt sẽ hiểu thấu cái gì là tự tại, cái gì là an yên và hạnh phúc với nhân sinh của mình.

Nguồn Phunutoday.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây