Bữa, cùng huynh đệ trà đạo, lúc trà bắt đầu nguội cũng là câu chuyện đi sâu mãi, như không thể cùng tận, mặc kệ đêm đang chìm lắng vào giấc ngủ bao người. Ba huynh đệ cứ rỉ rả pháp bên chung trà nguội ngắm bóng đời đi qua trên mỗi trang kinh.
Ai cũng nói Mẹ hiền Quán Thế Âm linh. Ai cũng gọi tên Ngài khi khó khổ, bất an, điêu đứng. Ai cũng cầu xin, nắm níu, lay áo bên tôn tượng Ngài. Ai cũng gọi thổn thức… Quả là cõi kham nhẫn, chộn rộn nỗi niềm phiền lụy cứ đi cùng nhân gian. Cho nên, Bồ-tát luôn đứng ngay sau cổng tam quan chùa. Bồ-tát Quán Thế Âm với Bồ-tát Di-lặc một đứng một ngồi cười và mở lòng để cho mọi người dễ nhận thấy, vun vén niềm tin, khơi sâu tình đạo, trải lòng cho nhẹ nhiều lớp si mê, ám chướng để rồi khi trở bước vào chánh điện sẽ nhẹ nhàng hơn, lạy Phật được thanh tịnh và thấy ấm mát cả thân tứ đại này ngay khoảnh khắc đó.
Một huynh nói: “Lúc vui sướng, thảnh thơi mọi người bỏ Bồ-tát, khi đau sầu, tuyệt vọng réo quá trời… Vậy mà Ngài vẫn dang rộng vòng tay cứu độ, nụ cười mở ra, tay cầm nhành dương liễu rảy nước cam lồ từ tịnh bình để độ an cho người. Mẹ hiền vẫn lắng tai nghe tất cả tiếng kêu xé lòng, niềm vui tột đỉnh. Nghe để rồi thị hiện trong muôn hình vạn trạng Bồ-tát có mặt trong đời. Trong những chúng sinh kêu gọi, khấn nguyện Ngài thì có mình. Mình là một Phật tử ‘lì’ nhất, làm gì cũng khấn và hỏi xem ý Ngài. Có những lần mình quên, Ngài cũng cần được nghỉ ngơi!”.
Huynh khác tiếp lời: “Tôi biết mình có nhân duyên với Bồ-tát Quán Thế Âm. Những khi nhọc nhằn, những lần gian khó, lắm nỗi chông gai, nhiều khi mất hướng con tàu đời mình… cũng may còn có Bồ-tát. Nhờ Ngài mà tôi bớt khổ thêm an, nhờ Ngài mà tôi dần tìm hiểu sâu hơn lời kinh Phật dạy. Nhờ Ngài mà tôi đến với đạo tràng và giữ lấy cho mình danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm với phần quà chú Đại bi. Trì chú thì an, trì chú thì dẹp đi vọng niệm, tham chấp. Trì chú để mình học hạnh đại từ bi như Mẹ hiền Quán Thế Âm. Đó là linh!”.
Nghe hai huynh chia sẻ, chỉ biết chắp tay và xoay lại bên trong. Nghe tiếng lòng như sóng biển chồm bao nhiêu đòi hỏi, bấy nhiêu mong cầu. Biển mê lầm, biển của luân hồi… và kìa Bồ-tát đang cưỡi trên Long thần vượt sóng cứu độ bao người, muôn loại chúng sanh. Lúc này, chúng tôi thầm nhắm mắt và trì danh hiệu Ngài Chánh Pháp Minh Như Lai từ vô thỉ, hiện thân Ta-bà là Bồ-tát Quán Thế Âm hôm nay. Nhiều lần môi mấp máy, khẽ hỏi thầm “giờ này tổ tiên con ở đâu, giờ này con phải làm gì?...” chỉ nghe lầm rầm câu thần chú của hai huynh “Qua bờ, qua bờ, nào cùng qua bờ”... Họ đã đi, còn mình cứ mải mê nghe ngóng và chờ.
Trong gió lao xao, mảnh trăng như ngủ trong mây khuya. Tôi nghe trong bước đi của đời còn bao người ngoài kia lạnh giá, chưa đủ ấm, chưa thật no, co ro kiếp mưu sinh. Tôi nghe bao người đang đau với tấm thân gầy trên giường bệnh,… xe lăn và những ánh nhìn đầy mong chờ được lành lặn. Vậy mà mình cứ tham, mãi cầu hoài, mong mãi cho mình đầy đủ, chất cho nhiều lên những mê vọng. Tôi nghe mình ích kỷ.
Bớt đi một nguyện tham, sân, si. Buông đi lời thị phi. Xả hết những hơn thua được mất để bắt đầu cho một nguyện vì người, khởi tâm hướng đến sự bình an cho tất cả gần xa, trên dưới, trong ngoài, hữu hình, vô hình, muôn loại sinh linh thì Bồ-tát chắc sẽ bớt nhọc hơn, nhành dương liễu nước tịnh bình ít hao hơn. Hành trình đến bình an là nụ cười tập gieo cho nhau, cấy trên cánh đồng người trổ vàng những thương yêu, tha thứ. Mỗi người là một Bồ-tát trong mắt nhau, mỗi người là một chú Đại bi gửi gắm cho nhau trên bước đường vượt khỏi tù ngục chính mình.
Thấy Bồ-tát, lạy Bồ-tát, học và làm theo Bồ-tát để thành Bồ-tát là điều mà Ngài hằng mong chứ chẳng phải đến chùa cầu xin và kêu tên Ngài trong điệp trùng đau khổ. Hãy biến lời mình thơm thảo thành những vị pháp cam lồ, từ lời dạy sâu xa nhiệm mầu mà chân thật, từ cánh cửa phổ môn đang rộng mở lòng từ!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự