Lớp học là một gia đình

Thứ tư - 24/11/2021 00:31
Tất cả chúng ta ai cũng có những nhu yếu sâu sắc của mình. Mà nhu yếu sâu sắc nhất là thương yêu và được thương yêu. Chúng ta phải tìm cách chạm vào những hạt giống thương yêu của học sinh.
Nhóm tương thân tương ái có thể tìm cách giúp cho nỗi khổ của bạn mình vơi nhẹ.
Nhóm tương thân tương ái có thể tìm cách giúp cho nỗi khổ của bạn mình vơi nhẹ.

Thương yêu là một nghệ thuật. Nếu nhà giáo dục biết cách thương yêu thì người đó sẽ có khả năng dạy cho học sinh của mình biết cách thương và cách tiếp nhận tình thương.

Nhu yếu sâu sắc thứ hai là nhu yếu hiểu. Khi ta tò mò muốn tìm hiểu thì ta sẽ thích học hỏi. Vì vậy, nếu ta có thể khơi dậy hạt giống tò mò muốn tìm hiểu trong học sinh, thì các em sẽ ham học. Khi đó ta không cần ép các em mà việc dạy và học sẽ trở thành một niềm vui.

Tôi luôn luôn cảm thấy vui sướng mỗi khi bước vào lớp học. Nhìn các em tôi thấy hạnh phúc và các em cũng hạnh phúc vì cả thầy lẫn trò đều có cùng một ước muốn. Chúng ta phải làm cho đối tượng của việc dạy và học trở thành vui tươi, có thể đánh thức hạt giống thương yêu và tâm muốn tìm hiểu nơi học sinh cũng như nơi thầy cô giáo.

Chuyện này chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được không những cho học sinh mà còn cho cả chúng ta – những giáo viên, bởi vì ai cũng đều có nhu yếu muốn hiểu và được hiểu, muốn thương và được thương. Chúng ta không chỉ cần được học sinh hiểu, mà cũng cần đồng nghiệp và ban lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo ngành giáo dục hiểu. Nếu không được hiểu thì chúng ta không thể nào có hạnh phúc và không thể hoàn thành trách nhiệm của mình. Những vị làm việc trong ngành giáo dục cần phải học cách lắng nghe nhau và thực tập ái ngữ để nói cho người khác hiểu được những khó khăn và khổ đau của mình. Trường học có thể được vận hành như một tăng thân, một cộng đồng thực tập của những nhà giáo dục. Chúng ta có thể đến để chia sẻ với nhau những băn khoăn và cái thấy của mình, đồng thời giúp người khác ý thức về khó khăn mà mình đang gặp phải.

Nhiều người trong chúng ta có đủ năng lực để tổ chức những buổi lắng nghe sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục. Ta cần bầu ra một số thành viên trong cộng đồng giáo dục để nêu lên những mối quan tâm lo lắng của chúng ta. Ta phải mời được những nhà chức trách trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm những nhà làm luật và quan chức chính phủ, đến nghe ta nói. Đây là sự thực tập giới thứ tư, ái ngữ và lắng nghe như một tập thể. Trên khắp đất nước có nhiều bậc nhân sĩ có khả năng lắng nghe, họ là những học giả, nhà báo, thi sĩ, chính trị gia…, ta có thể mời những người đó đến tham gia thực tập lắng nghe chúng ta. Buổi thực tập chia sẻ và lắng nghe đó có thể được phát sóng trên vô tuyến truyền hình cho cả nước theo dõi.

Lớp học là một gia đình

 

Thiền tập không còn là sự thực tập của một cá nhân. Chúng ta cần thực tập chung với nhau như một tăng thân hay một đoàn thể. Năm phép thực tập chánh niệm (hay còn gọi là “Năm Giới” trong đạo Bụt) cần được thực tập chung trong tinh thần của một quốc gia. Trong lớp học, giáo viên cần có thời gian lắng nghe những khổ đau và khó khăn của học sinh. Khi được lắng nghe, các em sẽ thấy nhẹ lòng hơn và nhờ đó mới có tinh thần để học tập và tiếp thu những gì ta muốn trao truyền. Các em cũng cần có cơ hội tìm hiểu những nỗi khổ tâm và khó khăn của thầy cô giáo. Giáo viên nên chia sẻ những khó khăn cũng như những ước nguyện sâu sắc của mình với học sinh. Một giáo viên hay một học sinh lớp lớn có thể đóng vai trò người điều phối để tổ chức một buổi chia sẻ và lắng nghe sâu. Bằng cách này chúng ta có thể biến lớp học thành một tăng thân, một cộng đồng, một gia đình.

Giáo viên và học sinh có thể tổ chức những buổi sinh hoạt trong đó thầy trò chơi với nhau, cùng thưởng thức âm nhạc, đi bộ, hoặc ăn chung như trong một gia đình. Chúng ta có khả năng tổ chức để biến lớp học thành một gia đình. Trong không khí gia đình đó ta mới có thể tạo điều kiện để mọi người hiểu và cảm thông sâu sắc cho nhau. Niềm đau nỗi khổ trong mỗi người nhờ đó mà được vơi nhẹ đi. Điều này sẽ làm cho việc dạy và học trở nên vui vẻ hơn. Dù lương tháng chẳng là bao nhưng sự nghiệp trao truyền tuệ giác và tình thương của một nhà giáo mang lại cho chúng ta rất nhiều hạnh phúc, rất nhiều niềm vui.

Chúng ta cần phải làm gì để giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong lớp học? Đây là công án, là đề tài thiền quán cho mỗi người – làm sao để các em cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến trường lớp? Làm sao để giáo viên cảm thấy hứng khởi khi nghĩ đến lớp học của mình? Giáo viên có thể vận dụng tài năng và sức sáng tạo của mình, kết hợp với tài năng và sức sáng tạo của học sinh để làm cho lớp học trở thành một môi trường tuyệt diệu cho cả thầy lẫn trò. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.

Giáo viên cũng nên nói cho học sinh biết là mình cũng có những nỗi khổ riêng trong gia đình và nếu có thêm những nỗi khổ trong lớp học thì có thể hơi quá sức cho mình.
Giáo viên cũng nên nói cho học sinh biết là mình cũng có những nỗi khổ riêng trong gia đình và nếu có thêm những nỗi khổ trong lớp học thì có thể hơi quá sức cho mình.

Nhóm tương thân tương ái

 

Trong lớp học, nếu các em có nỗi khổ nào đó thì giáo viên có thể giúp các em thành lập các nhóm tương thân tương ái để tìm hiểu và giúp chuyển hóa khổ đau đó. Giáo viên cùng các em học sinh có thể chọn 2 – 5 học sinh vào nhóm. Mục đích của nhóm là thực tập bình an để làm cho tất cả các học sinh và các thầy cô giáo hạnh phúc. Sau khi nhóm khởi đầu đã có một vài kinh nghiệm thực tập lắng nghe sâu, những em khác có thể thay phiên nhau tham gia vào nhóm để học hỏi phương pháp thực tập này. Rất nhiều khổ đau của các em là do hiểu lầm mà ra. Vì vậy, thường thường các em cảm thấy người khác không nghe mình, không hiểu mình. Qua sự thực tập lắng nghe sâu và nhìn sâu, con đường thoát khổ sẽ tự hiển bày. Sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu vào bản chất của khổ đau có thể làm cho lớp học trở nên hạnh phúc và hòa hợp.

Để chuyển hóa những khó khăn trong lớp học, nhóm tương thân tương ái có thể tổ chức một buổi thực tập lắng nghe sâu với tâm thương yêu. “Thưa thầy/cô, chúng em muốn tổ chức một buổi thực tập lắng nghe sâu để mọi người có thể nói ra tất cả những khổ đau, khó khăn của mình. Nhiều bạn có khổ đau trong gia đình, nhiều bạn gặp khó khăn trong lớp học, chúng em rất mong được thầy/cô hiểu những khổ đau, khó khăn của chúng em”. Đây là một yêu cầu rất chính đáng. Khi bạn lắng nghe những tâm tư tình cảm của học sinh là bạn đã thực tập lời Bụt dạy: nhìn sâu vào bản chất của khổ đau. Ban giám hiệu nên cho phép giáo viên tổ chức những buổi lắng nghe như thế để giáo viên ngồi lắng nghe thật hết lòng những khổ đau, khó khăn của học sinh mình.

Nhóm tương thân tương ái có thể tìm cách giúp cho nỗi khổ của bạn mình vơi nhẹ. Nhóm có thể đề cử một hay hai thành viên đến gặp thầy/cô giáo có liên quan để nói cho thầy/cô giáo ấy biết về khó khăn của bạn mình. “Thưa thầy/ cô, chúng em không biết tại sao ngày nào bạn ấy cũng khóc, bạn ấy cho chúng em biết là thầy/cô làm bạn ấy khổ. Bạn ấy thật sự là rất khổ, bạn ấy không hề có ý trách móc thầy/cô, bạn ấy chỉ không muốn khổ như vậy nữa mà thôi. Xin thầy/ cô chỉ dạy cho chúng em cách giúp bạn ấy bớt khổ”. Khi nhóm tương thân tương ái đến thưa với thầy/cô giáo như vậy, tôi tin là thế nào giáo viên ấy cũng sẽ tìm cách thay đổi tình trạng.

Nếu giáo viên và học sinh không bắt được nhịp cầu cảm thông sâu sắc cho nhau thì cả thầy lẫn trò không thể nào có hạnh phúc. Thầy cô chẳng có hứng thú giảng dạy mà trò cũng chẳng có hứng thú để học.
Nếu giáo viên và học sinh không bắt được nhịp cầu cảm thông sâu sắc cho nhau thì cả thầy lẫn trò không thể nào có hạnh phúc. Thầy cô chẳng có hứng thú giảng dạy mà trò cũng chẳng có hứng thú để học.

Dĩ nhiên nếu em học sinh có đủ can đảm thì em có thể đến nói chuyện trực tiếp với thầy/cô giáo. “Thưa thầy/cô, em không biết tại sao thầy/cô lại tập trung vào em mỗi ngày làm em rất khổ sở. Em không biết mình đã làm gì sai. Nếu em có điều gì làm cho thầy/cô không vui, xin thầy/cô cho em biết, em sẽ cố gắng hết sức để thay đổi”. Học sinh có thể chia sẻ bằng những lời dễ thương như vậy. Trong trường hợp, học sinh không đủ tự tin để chia sẻ trực tiếp với thầy/cô giáo thì nhờ nhóm tương thân tương ái giúp. Đó là một cách xử lí rất hòa ái.

Giáo viên cũng nên nói cho học sinh biết là mình cũng có những nỗi khổ riêng trong gia đình và nếu có thêm những nỗi khổ trong lớp học thì có thể hơi quá sức cho mình. Nếu trong lớp có một Nhóm tương thân tương ái thì các em học sinh nên tìm cách động viên thầy cô giáo của mình nói ra được những khó khăn trong lòng. Khi các em đã hiểu những khó khăn của thầy cô giáo thì các em sẽ hành xử dễ thương hơn, sẽ hợp tác và biết cách yểm trợ cho thầy cô giáo.

Nếu giáo viên và học sinh không bắt được nhịp cầu cảm thông sâu sắc cho nhau thì cả thầy lẫn trò không thể nào có hạnh phúc. Thầy cô chẳng có hứng thú giảng dạy mà trò cũng chẳng có hứng thú để học.

Theo Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây