Trong bài kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna) thuộc Trường Bộ kinh, đức Phật dạy:
Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết Bàn. Ðó là Bốn niệm xứ.
Không phải ngẫu nhiên mà đức Thế Tôn lại xác chứng đây là “con đường duy nhất” (eka maggo) để chứng ngộ Niết Bàn. Tam Tạng kinh điển (Tipitakā) chứa đựng biết bao nhiêu lời chỉ dạy, hướng dẫn cho hành giả tu tập để thanh tịnh thân tâm, chánh trí sanh khởi, nhưng những lời dạy trong các Kinh (Suttanta), Luật (Vinaya), Luận (Abhidhamma) đều có mục đích duy nhất là giúp trở về quán sát lại thân tâm, từ đó hiểu rõ bản chất thật sự của chúng là gì. Đó là ba trạng thái khổ (dukkha), vô thường (anicca), vô ngã (anatta). Tam pháp ấn là bản chất của hiện hữu, thân tâm và thế giới. Thực hành Tứ Niệm Xứ là đi theo con đường nguyên thủy của đức Thế Tôn và chư Thánh Đệ Tử, cũng như sống trọn vẹn với lời dạy của ba đời mười phương chư Phật. Trong Pháp hành Tứ Niệm Xứ, Thân quán niệm xứ được xem là phổ biến và được nhiều người thực hành, nhiều trung tâm thiền tập trên thế giới áp dụng cho các hành giả nương về tu tập, đặc biệt là hai nước quốc giáo Thái Lan và Miến Điện. Trong chú giải kinh Tứ Niệm Xứ (aṭṭhakathā) có nói:
Hành giả ái nhiều, trí chậm, tánh thô tháo phù hợp với thân quán niệm xứ.Hành giả ái nhiều, trí nhanh, người sắc sảo phù hợp với thọ quán niệm xứ.Hành giả tà kiến nhiều, trí chậm phù hợp với tâm quán niệm xứ.Hành giả tà kiến nhiều, trí nhanh phù hợp với Pháp quán niệm xứ.Có lẽ, chúng sanh phần nhiều thuộc về căn tánh ái nhiều, trí chậm và tánh thô tháo nên thân quán niệm xứ phù hợp cho nhiều người. Trong thân quán niệm xứ lại có đề mục niệm hơi thở, xét về việc tu tập tịnh chỉ, đề mục hơi thở là một trong bốn mươi đề mục thiền định, đề mục phù hợp cho mọi căn tính, đặc biệt là những ai có thiên hướng thuộc tánh tầm.
Các đề mục thân quán niệm xứ bao gồm các vấn đề sau:
Quán hơi thở; Quán đại oai nghi (bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi); Quán tiểu oai nghi (tất cả các hoạt động, cử chỉ từ thô đến tế trong ngày như bước tới, bước lui, co tay, duỗi tay, ăn, uống, nhai, nếm, đại tiểu tiện…); Quán ba mươi hai thể trược (tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu); Quán thân về vị trí và sự sắp đặt của các giới. (Tứ Đại: đất, nước, gió, lửa); Quán các giai đoạn phân hoại của tử thi (Cửu Tưởng Quán)Nói một cách ngắn gọn, thân quán niệm xứ là quan sát thân này là gì và đang ra sao. Sự quán sát về thân không chỉ ở bản thân mà còn đối tượng bên ngoài. Đó là lý do câu kinh này được lập đi lập lại nhiều lần để cho thấy tầm quan trọng của việc quán sát liên tục của nội thân và ngoại thân:
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.
Chúng ta tu quán niệm xứ để nhận ra rằng từ xưa đến nay mình hiểu lầm về bản chất của thân tâm này. Đa phần nhân loại đều nghĩ: Đây là đôi mắt xinh đẹp của tôi, đây là làn da trắng sáng, đây là thân thể tốt đẹp. Chính vì thế, chúng ta đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức để chăm sóc cho tấm thân này. Cũng vì thân mà mình tạo nghiệp, từ đó trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Đức Phật cảnh tỉnh mình bằng việc chỉ dạy: Con hãy ngồi xuống đây, xem thử thân này là gì? Đó chỉ là do các bộ phận giả hợp tạo thành, đây là tóc, lông, móng, răng, da, tim, gan, phèo, phổi. Thân thể giống như một chiếc xe lắp ráp lại, nếu chúng ta đem rã chiếc xe ra từng bộ phận không còn là chiếc xe. Thân thể cũng vậy, một trong các bộ phận có vấn đề, thì chúng ta sẽ khổ, và nếu một ngày nào đó chúng không hoạt động thì hơi thở chấm dứt, đất nước gió lửa trở về với tự nhiên. Thấy được bản chất của thân là gì, chúng ta không còn quá bám chấp, đam mê vào nó nữa.
Hơi thở là dấu hiệu của sự sống. Đề tài quán niệm hơi thở được phân tích rất kỹ trong nhiều kinh điển khác nhau. Đặc biệt, kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm (số 118 – Trung Bộ) bàn về 16 phương pháp thở. Phân Tích Đạo Luận (Patisaṁbhida) dành hẳn một chương để giảng giải chi tiết về hơi thở. Thậm chí trong Luật tạng, đức Phật cũng có đoạn dạy về quán niệm hơi thở (Chương Pārājika thứ ba - Tatiyapārājikakaṇḍaṃ). Một vị tổng thống hay thường dân đều cần phải thở, thế mà đa phần chúng ta không biết mình thở, không nhớ mình thở, không quán sát hơi thở.
Bước đầu của việc quán sát hơi thở là chú tâm theo dõi hơi thở vào ra như thế nào. Có nhiều kỹ thuật chỉ dẫn theo dõi hơi thở khác nhau, truyền thống thực tập theo phương pháp của Ngài Mahasi là quán sát sự phồng lên và xẹp xuống của bụng, từ đó theo dõi các cảm giác căng, phồng, cương cứng… Ngài Pa Auk thì theo sát kinh điển, đặc biệt là y cứ vào Thanh Tịnh Đạo nên thực hành theo dõi hơi thở theo hướng định trước tuệ sau. Phương pháp ngài Achahn Chahn thì kết hợp việc niệm Buddho theo hơi thở ra vào. Dẫu phương pháp nào cũng đều có điểm đặc dụng riêng, mục đích cuối cùng là kiểm soát tâm, dùng hơi thở như một điểm chú mục, từ đó an trụ tâm theo dõi. Chánh kinh ghi rằng: “Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra…” Nhưng cần phải hiểu rằng không có cái “tôi” nào đang thở cả. Vì ngôn ngữ Pali chia động từ “asissisati” thành “assassami” nên dịch thành “tôi thở”. Thật ra, chỉ có hơi thở vào và hơi thở ra, không có cái “tôi” đứng sau đó.
Một điểm hiểu lầm thứ hai trong phần quán hơi thở là “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Từ “thân” ở đây được dịch từ chữ “Kāya”, mà nghĩa từ “Kāya” có rất nhiều. Trong trường hợp này, chữ “kāya” chỉ cho “thân hơi thở”, nghĩa là toàn bộ hành trình thở ra hay vào, từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc, không phải là quán niệm toàn bộ cơ thể hay cảm giác toàn bộ cơ thể, vì “cảm giác toàn thân” hiểu theo nghĩa cơ thể sẽ là niệm thọ, không còn là niệm thân nữa. Cảm giác toàn thân là chánh niệm, tỉnh thức để biết rõ hoàn toàn hơi thở ra và vào, toàn bộ tiến trình ấy. Sau một thời gian, hơi thở dần nhẹ nhàng, dịu lại, thậm chí có lúc như biến mất, thì cũng phải biết rõ từng giai đoạn ấy, đó chính là “an tịnh thân hành”.
Quán niệm tử thi gồm nhiều giai đoạn khác nhau: trắng tái, chảy nước, sình trương, xanh xám, có nước vàng rỉ chảy, bị phân ra từng mảnh, còn là bộ xương hay đống bụi.
Thực tập quán sát hơi thở sẽ thấy được một điều, có lúc ta thấy hơi thở rất nhẹ nhàng, vi tế, có lúc hơi thở nặng nề, có lúc lại thở bằng sự hờ hững, lãnh đạm. Mình không kiểm soát hơi thở mà chỉ để tự nhiên thì sẽ thấy được bản chất vô thường của hơi thở, lúc vầy lúc khác. Không có một ai đứng sau điều động hơi thở, mà hơi thở do nhiều duyên tạo thành. Khổ ở đây được hiểu là sự thúc ép phải ra vào, thở hết vào thì phải thở ra, thở ra hết hơi lại phải thở vào, đó là buộc phải thay đổi, nên mang nghĩa là Dukkha. Trong sự quán sát hơi thở, chúng ta đã thấy được ba đặc tính vận hành của pháp là khổ, vô thường, vô ngã.
Đề mục niệm thân thứ hai và ba là quán đại và tiểu oai nghi, có thể gộp chung lại là quán sát về các kiểu sinh hoạt lớn nhỏ (Iriyāpatha). Trong một ngày, chúng ta không thể nào chỉ ngồi yên, nhắm mắt và theo dõi hơi thở, ai cũng phải làm việc, học tập, sinh hoạt. Do đó, đức Phật dạy trong mỗi cử chỉ, hành động lớn nhỏ đó, chúng ta phải quán sát rõ ràng. Làm gì biết nấy. Có ba điều không thể vắng mặt khi thực hành quán sát các oai nghi: chánh niệm, tỉnh thức và tinh tấn. Chánh niệm như người gác cổng, biết ai đang ra hay vào, đó là sự ghi nhận, đây là tâm sở niệm (Sati). Tỉnh giác thì biết rõ từng đối tượng như thế nào, bản chất và tướng trạng ra sao, đây là tâm sở trí tuệ (paññā) và tinh tấn là sự trì chí, thường thực, liên tục, không gián đoạn, nhờ vào tâm sở cần (tinh tấn – Viriya)
Sống chánh niệm liên tục thì tham, sân, sầu, bi, khổ, ưu, não khó lòng sanh khởi. Theo thời gian, chúng ta sẽ nhận ra đời sống chỉ là sự ráp nối của các hoạt động, mọi thứ không đứng yên mà luôn chuyển dịch. Ngồi lâu thì mỏi, phải đứng lên, đi lâu cũng phải dừng lại, ngồi xuống nghỉ… Đời sống là sự bức bách, mọi niềm vui và hạnh phúc chỉ mong manh, giả tạm. Chính vì thế mà chúng ta an lạc, an lạc vì hiểu rõ bản chất của thân tâm và ngoại cảnh.
Quán 32 thể trược là nhìn thân này dưới góc nhìn tục đế. Đức Phật dạy:
Này các Tỷ kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quan sát: “Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu đỏ, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi”. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: “Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”.
Quán thân về vị trí và sự sắp đặt của các giới là cách nhìn chân đế, đức Phật dạy:
Này các Tỷ kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường. Cũng vậy này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo quán sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”.
Có hai cách nhìn sự vật: tục đế và chân đế. Tục đế là nhìn theo thế thường, thấy cơ thể chỉ là sự kết hợp của ba mươi hai thành tố. Nhìn chân đế thấy thân thể chỉ là các trạng thái. Đất là những gì mang tính cứng, mềm, mịn, nhám. Nước là trạng thái kết nối, ngưng tụ, tan chảy, Gió là trạng thái trương phồng, xê dịch, áp suất, di động. Lửa là nhiệt độ nói chung, nóng hay lạnh. Thân thể do tứ đại hợp thành, khi đi đứng nằm ngồi là ta đi, đứng, nằm ngồi với tứ đại. Ăn, uống, thở, vệ sinh… là sự trao đổi của tứ đại bên trong và tứ đại bên ngoài. Thấy như vậy, biết như vậy, hiểu như vậy. Thì bát phong thổi đến, ta cũng có thể nhẹ nhàng, điềm tĩnh, an lành, vì thân thể này vốn không phải là ta, tâm thức cũng chỉ là những chuỗi tư tưởng tiếp nối nhau liên tục.
Thực hành Tứ Niệm Xứ, hay Thân Quán Niệm Xứ, hoặc chỉ một đề mục trong nhóm thân Quán là niệm hơi thở, cũng giúp cho chúng ta có được an lạc và giải thoát ngay trong cuộc đời này.
Quán niệm tử thi gồm nhiều giai đoạn khác nhau: trắng tái, chảy nước, sình trương, xanh xám, có nước vàng rỉ chảy, bị phân ra từng mảnh, còn là bộ xương hay đống bụi. Thời đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ có nhiều phương thức mai táng khác nhau: thủy táng, hỏa táng, lâm táng… Có những khu nghĩa địa, người chết được đem bỏ vào đó cho kền kền ăn, hoặc nhờ người trông coi nghĩa địa hỏa táng giùm. Một số thầy Tỳ kheo khi nhận được đề mục quán tử thi từ đức Phật hay các vị Thánh Đệ Tử, phải đến những khu nghĩa trang đó, quán sát trực tiếp thi thể phân hủy theo từng giai đoạn. Quán sát tận mắt những hình ảnh bất tịnh đó, mùi hôi thối xông trực tiếp vào mũi, người ta mới có thể tạo nên một ấn tượng trong tâm, và từ đó tham dục được đoạn trừ. Hiện tại, chỉ còn Tây Tạng mới giữ lại phương pháp điểu táng, còn có những khu rừng tử thi. Do đó, phương pháp hành trì này khó áp dụng trong thời hiện tại, quan sát trên các video hay sự tưởng tượng khó có thể giúp chúng ta nhờm gớm thân thể này. Nhưng việc nghĩ rằng thân này rồi sẽ nằm sâu dưới lòng đất, bị côn trùng cắn rút, hoặc chỉ cần vài giờ là trở thành tro bụi dưới ngọn lửa của lò thiêu, điều đó cũng khiến cho chúng ta tinh tấn hơn để tu tập.
Tứ Niệm Xứ là hành trình Tuệ Quán, là đạo lộ thanh tịnh đưa đến an lạc, tịnh chỉ, Niết Bàn. Các đề mục trong Tứ Niệm Xứ tùy theo sự vận dụng hành trì khác nhau mà trở thành đề mục cho định hay tuệ. Ví dụ đề mục hơi thở, nếu dùng tầm và tứ để thực hành và tập trung vào đó, thì nó trở thành đề mục của Định, dần dần xuất hiện các ấn tướng (nimitta) và có thể đắc được các tầng thiền. Nhưng cũng là đề mục hơi thở, nhưng dùng chánh niệm và tỉnh giác để theo dõi, nhằm nhận ra khía cạnh tam tướng trong hơi thở, thì lúc này hơi thở trở thành đề mục của minh sát, tuệ quán hay Vipassana. Cũng vậy, chỉ là hơi thở nhưng nếu biết về khía cạnh cảm giác của hơi thở thì trở thành niệm thọ, biết tâm nào đang thở là niệm tâm và pháp nào sinh khởi khi đang thở là niệm pháp.
Tứ Niệm Xứ như ngôi nhà có bốn cửa, tùy theo căn tính của mỗi người mà bước vào ngôi nhà giác ngộ bằng cánh cửa nào. Tuy nhiên, dù thực hành niệm xứ nào thì ba yếu tố luôn luôn phải có mặt, đó là: nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm. Nhiệt tâm nguyên gốc Pali là “ātāpī”, nghĩa là “sức nóng của mặt trời”, chỉ cho sự tinh tấn thường trực để hành trì nhằm đốt cháy những phiền não, bất thiện pháp. Một người không có sự nỗ lực không thể thành tựu bất cứ điều gì. Nhưng sự nỗ lực không đúng cũng sẽ không dẫn đến kết quả, do đó trí tuệ hay sự tỉnh giác là điều kiện thiết yếu. Tỉnh giác là sự thấy biết rõ ràng, xuyên suốt để xuyên thấu bản chất của đối tượng. Muốn thấy biết rõ ràng thì tâm phải trụ trên đối tượng, giữ tâm không tản mạn ra khỏi những trần cảnh bên ngoài. Để bắt đầu thực tập, cũng cần có niềm tin vào phương pháp hành trì, do đó tín không được nhắc đến trong bài kinh nhưng cũng cần hiểu ngầm là phải có. Đó là lý do khi giảng giải về kinh Tứ Niệm Xứ, các nhà chú giải nhắc đến 5 tâm sở không thể thiếu khi hành thiền: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Đây cũng chính là Ngũ Căn và Ngũ Lực trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Thực hành Tứ Niệm Xứ, hay Thân Quán Niệm Xứ, hoặc chỉ một đề mục trong nhóm thân Quán là niệm hơi thở, cũng giúp cho chúng ta có được an lạc và giải thoát ngay trong cuộc đời này. Pháp hành Tứ Niệm Xứ là nơi trú ẩn an toàn nhất cho nhân loại giữa cuộc đời vô thường, bất trắc, đổi thay, biến dịch. Trú vào Tứ Niệm Xứ với mục đích chế ngự tham ưu ở đời. Tham và ưu là đại diện cho những phiền não thô tế trong tâm. Khi không còn thích và ghét, biết rõ bản chất và sự vận hành của thân tâm, lúc đó chúng ta thấy được Pháp, và ai thấy Pháp thì người đó thấy Như Lai. Một người có hành trì Tứ Niệm Xứ thì trong mọi hành động, cử chỉ, thái độ, ứng xử sẽ đúng mực, đem lại an lạc cho những người xung quanh, góp phần xây dựng thế giới trở nên tốt đẹp.