Mạng xã hội: Sống ảo nhưng chết thật

Thứ năm - 27/08/2020 03:43
Công nghệ hiện đại, văn hóa hiện đại làm nên con người hiện đại là quan niệm của rất nhiều người ngày nay, nhưng chuyện có lẽ không đơn giản như vậy. Đối với tôi, điều gì cũng có mặt lợi và hại, đôi khi cái “hiện đại” này mang đến nhiều hệ lụy hơn chúng ta tưởng.
Đôi khi cái “hiện đại” này mang đến nhiều hệ lụy hơn chúng ta tưởng. (Ảnh qua Facebook)
Đôi khi cái “hiện đại” này mang đến nhiều hệ lụy hơn chúng ta tưởng. (Ảnh qua Facebook)

Chỉ mới khoảng 20 năm về trước nhưng nhìn lại con người và những gì đang diễn ra, đúng thật là hai bức tranh hoàn toàn khác nhau.

Tuổi thơ đúng nghĩa khi chưa xuất hiện internet

Vào những năm 1990, ở những vùng quê xa xôi vẫn chưa có điện, và đương nhiên, khái niệm Internet thì càng xa lạ, người dân nơi đó vẫn còn dùng “đèn dầu” để thắp sáng vào ban đêm. Trẻ nhỏ cũng vậy, cả xóm cùng tụ tập lại chơi đùa dưới ánh trăng, không thì quây quần với nhau một cụm, sau đó những anh chị nào lớn hơn bắt đầu kể sự tích, hay những gì được người lớn truyền lại, dạy con trẻ nên phải như thế nào,… 

Hơn 20 năm trôi qua, hình ảnh đứa trẻ ngồi bên ánh đèn dầu chăm chỉ học bài đã rất hiếm bắt gặp lại nữa, thay vào đó là ánh sáng của đèn điện, những bộ bàn ghế đẹp đẽ, trông cũng rất hiện đại. Hình ảnh tụ họp vui chơi cùng nhau cũng hiếm dần đi hẳn.


Đám trẻ cùng nhau học bài dưới ánh đèn dầu. (Ảnh qua Facebook)

Internet càng phát triển, mạng xã hội càng tân tiến, người ta cho là càng tiện lợi đến mức bạn có thể nhìn thấy cả thế giới chỉ bằng cái điện thoại trên tay, điều đó khiến mọi người rút ngắn khoảng cách địa lý, gần gũi nhau nhiều hơn. Bây giờ nhà ai người ấy sống, trẻ nhỏ thì đua đòi, thậm chí sự đua đòi đó là được chính các bậc cha mẹ dung dưỡng mà nên.

Góc nhìn về mạng xã hội

Những năm đầu của thế kỷ XX, thuận theo trào lưu cải cách kinh tế, mở cửa giao thương với các quốc gia trên thế giới, Internet đã nhen nhúm tại tất cả các nước đang phát triển, mạng xã hội cũng bắt đầu phổ biến dần, giúp cuộc sống con người thuận tiện hơn, nhưng cũng khiến chúng ta trở nên tiêu cực, khoảng cách giữa người với người không phải là rút ngắn lại, mà là ngày càng cách xa.

Trước đây mỗi lần đi xa, thì không cách nào gặp trực tiếp được người thân và gia đình, bất quá chỉ là viết thư qua lại, thời gian chờ đợi hồi âm cũng khá lâu, mà đôi khi thư còn bị lạc mất. Hiện nay không thế nữa, điện thoại cầm trên tay và mạng xã hội dễ dàng đăng ký, chỉ cần một tài khoản Facebook, Zalo, Skype, Tweeter,…vv là bạn có thể gọi ngay cho người thân của mình, chỉ cần kết nối internet thì có thể trực tiếp nói chuyện với nhau, có thể vô tư trò chuyện mà không tốn thêm phí gọi điện.

1
Thông qua mạng xã hội có thể nói chuyện trực tiếp. (Ảnh qua Twitter)

Đó là thuận tiện, nhưng mặt trái là gì? Con người ta sẽ sinh ra ỷ lại, lấy một ví dụ: Chúng ta lúc tuổi già cần nhất là gì? Đứng đầu không phải tiền bạc, mà chính là sự quan tâm chăm sóc của con cháu và những người thân. Nhưng lớp trẻ hiện nay thì sao, họ cho rằng gọi video qua Facebook, Zalo là có thể thấy được cha mẹ ở quê, thấy được con nhỏ dưới quê – họ lầm tưởng đó cũng là quan tâm, là có hiếu, là gần gũi. Nhưng họ không hề nghĩ rằng đó là gián cách, sau cuộc gọi đó thì thế nào, vẫn là nhà ai nấy ở, họ không hề chăm sóc được cha mẹ, con cái của mình một cách đúng nghĩa, vậy mà chẳng mấy ai nhận ra.

Đối với học sinh

Ngày xưa đi học, kiến thức mỗi buổi học tuy không nhiều, mỗi ngày học chỉ một buổi sáng, buổi chiều học sinh về nhà rèn chữ, đọc thêm sách để trau dồi kiến thức. Gặp khó khăn là phải ráng suy nghĩ để tìm ra đáp án cho vấn đề, nếu vẫn không được thì đến trường gặp bạn bè, thầy cô để thảo luận và trao đổi, từ đó nâng cao kiến thức và rèn luyện bản thân. 

Một phần cũng vì cái gọi là khoa học phát triển và phải theo kịp thời đại, học sinh đã bị bắt buộc học rất nhiều môn, các em cũng không còn thời gian để vui chơi đúng theo lứa tuổi của mình. Mỗi khi kiến thức quá tải, vấn đề quá nhiều thì không làm sao giải quyết hết. Internet và mạng xã hội lúc đó sẽ thể hiện ra “ưu điểm”, như một vị cứu tinh. Học sinh chỉ cần tra Google, hoặc lên Facebook chát chít chát chít là sẽ tìm ra câu trả lời, điều đó đối với các em thật tiện lợi không gì bằng.

Nhưng nó có mặt trái, học sinh sẽ ngày càng ỷ lại, không hề trải qua tự thân suy nghĩ, rằng mình phải tìm cách giải quyết vấn đề trước khi tìm đến internet và mạng xã hội giúp đỡ. Trong lúc hoạt động trên mạng xã hội cũng vậy, có rất nhiều những điều loạn bậy trên đó, thứ gì cũng có cả. Học sinh còn nhỏ dại, khó phân biệt được đâu là tốt xấu đúng sai, rất dễ sa ngã vào những tệ nạn do mạng xã hội gây ra.

Cụ thể chúng ta hãy nhìn lại một chút xem, trẻ nhỏ và học sinh chưa bao giờ có đạo đức xuống dốc như thời điểm hiện tại. Ngay cả những lễ nghi phép tắc cơ bản đối với các em dường như không còn quan trọng nữa, nói vậy cũng không có nghĩa là toàn bộ đều như thế cả, không phải ý tứ ấy. Tất nhiên vẫn còn một bộ phận học sinh và trẻ nhỏ rất tốt, xét kỹ lại vì sao các em ấy tốt, là do tiết chế – hạn chế không tiếp xúc nhiều đến mạng xã hội.

Một số còn bị nặng hơn, nào là nghiện game – nghiện đến mức bị đầu độc trong game, cứ đắm chìm trong một không gian ảo toàn là những thứ loạn bậy, không ít trường hợp đã tử vong ngay trên bàn chơi game. Hiện trạng này chưa chấm dứt, nó vẫn đang tiếp diễn đến tận hôm nay. 

Số còn lại bị ảnh hưởng bởi rất nhiều phương diện tiêu cực khác. Với mạng xã hội, thế giới dường như thu nhỏ trong tầm tay, lớp trẻ liên tục bị tác động bởi những thông tin xấu, trên mạng cái gì cũng có, nào là trào lưu phong cách, ăn mặc theo thần tượng – nhìn vào là biết chẳng giống ai, quần áo xộc xệch không ngay ngắn. Đầu tóc thì cũng không gọn gàng, nam để tóc dài nữ thì cắt ngắn, rồi nhuộm lên đủ thứ màu sắc trông rất kinh dị. Con trai thì mặc quần dài luộm thuộm, con gái thì quần ngắn hết mức,….. mọi thứ dường như đang bị xáo trộn, đi ngược lại với truyền thống và tự nhiên.

Đối với thanh niên

Mạng xã hội đem đến tiện nghi, thu ngắn khoảng cách khiến nam nữ tự do phóng túng. Ngày xưa dù khó khăn, nhưng con người rất có phép tắc, rất nhiều nơi vẫn lấy câu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” làm giáo huấn, dùng lễ nghĩa và quy phạm “nam nữ thọ thọ bất tương thân” làm cái để ước chế câu thúc đạo đức con người. Nam nữ chưa thành gia lập thất thì tuyệt đối không được qua lại, thậm chí là nắm tay nhau. Có muốn quen biết thì phải thông qua sự cho phép của hai bên gia đình. Dù không còn thuần khiết như truyền thống khi xưa, nhưng đó cũng có thể được xem là đường đường chính chính, là hợp lý.

Với sự tiện dụng của mạng xã hội, nam nữ có thể nói chuyện vô tư không tiết chế, thậm chí hai người không biết về nhau cũng có thể giao tiếp một cách thân thiết. Đó là nguyên nhân của rất nhiều hệ lụy, mà hậu quả phải gánh chịu không phải nhỏ. Có người bị lừa, bị bán vào các đường dây buôn người. Có người vì cả tin mà lao vào cuộc vui chỉ sau một thời gian ngắn nói chuyện qua lại, họ cho rằng xã hội bây giờ tự do, phương Tây người ta thoải mái biết bao nhiêu, cớ gì mình lại cứ phải gò bó bản thân? Chuyện nam nữ rất phức tạp, hậu quả là một số nam thanh niên vướng phải tù tội vì các mối quan hệ không rõ ràng, một số bạn nữ tuổi mới lớn phải “nạo phá thai” vì bị lừa gạt,…vv.


Cái bẫy đằng sau việc tự do làm quen không tiết chế qua mạng xã hội. (Ảnh qua Gestion)

Cái giá phải trả khi quyết định sai lầm là quá lớn, có khi để lại vết thương tinh thần cả một đời không bao giờ quên được. Có những trường hợp nữ sinh sanh em bé trong toilet, có những trường hợp vì bó bụng che giấu người đời mà phải mất đi tính mạng, hay thậm chí tự sát vì cảm thấy xấu hổ khi lầm đường lỡ bước. 

Các bậc cha mẹ cũng vậy, rất nhiều người khi nhận được những hung tin về con của mình thì dường chết đứng tại chỗ, vì sao? Vì họ không tin đó là sự thật, không thể nào là như vậy nhưng trên thực tế nó chính là như vậy. Những điều ấy do đâu mà ra? Chẳng phải đều do mạng xã hội đem lại cả hay sao, điều này chẳng rất nguy hiểm sao?

Mạng xã hội phát triển, người ta nói ai cũng sẽ có không gian riêng, thực ra đó chính là lừa người dối mình, nó chỉ có thể kéo xa khoảng cách giữa người với người. Con cái không nói chuyện, không chia sẻ trực tiếp với cha mẹ, bạn bè chát chít qua mạng với nhau không cần học nhóm trực tiếp để trao đổi,….. vv, mọi thứ dường như đang bị mạng xã hội khống chế, dù rất ít ai nhận ra điểm này.

Các bậc cha mẹ

Những đau khổ mà con cái vướng phải như trên một phần cũng là có trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Nhịp sống vội vã, dường như không có đủ thời gian cho tất cả, nhưng chỉ với một chiếc điện thoại và các ứng dụng mạng xã hội dường như có thể giúp họ rất nhiều điều.

Không chỉ trẻ nhỏ và thanh thiếu niên bị nghiện cái mạng xã hội ấy, ngay cả các bậc cha mẹ cũng đang vướng vào không hay biết. Với lý do bận rộn, áp lực công việc và những áp lực trong cuộc sống, họ lao vào lướt mạng xã hội ngay lập tức khi có thời gian rảnh rỗi, thay vì dành thời gian cho gia đình để có thể vun đắp ngày một tốt hơn.

Người xưa rất coi trọng lễ tiết, rằng vợ kính chồng như núi, chồng thương vợ như hoa như ngọc. Chuyện vợ chồng rất là tế nhị, cùng hòa hợp để có thể hiểu nhau hơn trong các hoàn cảnh, vui buồn có chia sẻ, mâu thuẫn cũng ngồi xuống cùng nhau mà làm rõ vấn đề. Như vậy mới đúng nghĩa là một gia đình hạnh phúc, là bền chắc kiên cố.

Ngày nay thì sao? Mạng xã hội phát triển, đã biến câu chuyện gia đình thành những chủ đề bàn tán khắp thiên hạ. Khi xảy ra vấn đề thì thay vì cùng nhau giải quyết, họ lại đưa cả lên mạng xã hội để mong được sự ủng hộ từ những người trên cái mạng ảo ấy, muốn chứng minh rằng mình không sai, rằng đối phương là người không tốt,… Nhưng họ đã quên mất một điều, cái mạng xã hội ấy nó không thực, người ta đọc câu chuyện của họ sau đó bình luận đủ thứ đủ loại, trong khi không ai biết nội tình ngoài hai vợ chồng với nhau.


Vợ chồng đưua nhau lên mạng xã hội để phân hơn thua. (Ảnh qua Dailymail)

Cũng vì đó mà dẫn đến nhiều hệ lụy, vợ chồng cách xa nhau, không khí gia đình ngày một mất đi hơi ấm của hạnh phúc, thậm chí ly hôn, họ căn bản không hề nghĩ đến hậu quả của việc ly hôn, người đau khổ không chỉ bản thân họ mà chính là con cái, những đứa trẻ ngây thơ không đáng phải chịu những bất hạnh như vậy. Nó còn có thể là một vết thương tinh thần đeo bám ảnh hưởng đến tương lai của các cháu.

Thật không hiểu con người hiện nay đang nghĩ gì, họ sống dường như là vì mạng xã hội. Còn có nhiều trường hợp đau buồn hơn nữa, vì muốn cầu an nhàn mà một số bậc cha mẹ đã vô tình làm hại con mình. Chúng ta đều biết những đứa trẻ tầm 3 đến dưới 10 tuổi rất tò mò về thế giới xung quanh, rất hiếu động và luôn thắc mắc với người lớn những gì các bé nhìn thấy, nghe thấy xung quanh. Đây là lứa tuổi vô cùng nhạy bén trong việc tiếp thu tri thức. 

Có những người không hề chú ý, vì cảm thấy quá rắc rối với những câu hỏi vớ vẩn của trẻ nhỏ. Họ cảm thấy chúng thật phiền và một lần nữa mạng xã hội lại hiện lên trong đầu họ rằng: Nó có thể là một giải pháp tốt để đứa trẻ kia im lại, ngoan ngoãn ngồi yên một chỗ không gây phiền phức gì nữa. Thế là họ bật Facebook, Youtube,… hay các ứng dụng tương tự và “quăng” cho con của mình. Đúng vậy, đứa trẻ quả thật ngoan ngoãn không lẽo đẽo theo họ nữa, nó ngồi yên chăm chú vào cái màn hình vô thức ấy. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các bi kịch nêu trên, trẻ nhỏ đã bị chính cha mẹ chúng đầu độc một cách vô tội vạ.

Đã có rất nhiều trường hợp chỉ ra rằng, trẻ nhỏ tiếp xúc với các thiết bị điện tử là vô cùng nguy hại, trên Internet các loại loạn bậy đều có, đối với một đứa trẻ thì hoàn toàn không có chỗ nào tốt cả. Có trẻ do sử dụng các thiết bị điện tử nhiều đến nỗi không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài nữa, dường như toàn bộ tâm trí các cháu đã bị 1 nguồn lực vô hình nào đó siết chặt và rất khó thoát khỏi nó, từ đó sinh ra đủ thứ các hậu quả khôn lường như: Tự kỷ, ảo giác, ám ảnh,….


Trẻ nhỏ tiếp xúc với các thiết bị điện tử là vô cùng nguy hại. (Ảnh qua Baodatviet)

Còn rất nhiều rất nhiều các tác hại vô hình mà mạng xã hội mang đến cho con người, những điều đó không dễ mà nhận ra, bởi vì một khi bị cuốn vào rồi, bạn chỉ có thể ở bên trong cái mạng xã hội đó, không nhảy thoát ra ngoài được mà nhìn vấn đề, nên cứ mãi càng ngày càng lún sâu không thoát được.

Thông tin người dùng bị đánh cắp

Gần đây, nhiều người dùng phát hiện ra hàng loạt các mạng xã hội, bao gồm hai ứng dụng được rất nhiều người sử dụng hiện nay, là TikTok của Trung Quốc và Zalo của Việt Nam. Chúng đã truy cập vào bộ nhớ tạm của máy và có thể lấy đi rất nhiều các thông tin nhạy cảm mà người dùng đã sao chép vào đó. Các thông tin này có thể là mật khẩu, số điện thoại, email hay thậm chí là mã thẻ ngân hàng.

Dòng thông báo “Zalo pasted from…” xuất hiện trên Zalo khi người dùng vừa sao chép link từ nền tẳng khác, qua đó cho thấy Zalo đang tự động thu thập dữ liệu của người dùng. (Ảnh qua Thoidai)

Có bao giờ bạn nghĩ rằng, mạng xã hội chúng ta đang dùng thật sự quá tiện ích đến nỗi không có một khuyết điểm nào không?

Bạn có từng nghĩ rằng, chúng ta đang bị lợi dụng mà không biết hay không? Chúng ta cung cấp thông tin cá nhân của mình một cách vô điều kiện để được sử dụng mạng xã hội, không ai biết rằng những thông tin của bản thân mình sẽ được tổ chức nào lưu trữ? Dùng để làm gì, và liệu điều đó có an toàn hay không?

Một điều nữa, Trái đất này hiện đang gánh chịu rất nhiều thiên tai, mà tuyệt đại đa số đều là do con người tạo ra cả. Bạn có nghĩ đến rằng, một ngày nào đó không có mặt trời, không có năng lượng thì chúng ta sẽ ra sao? Mọi hoạt động đều không thể tiếp tục được nữa, công nghệ, Internet và mạng xã hội của toàn bộ nhân loại sẽ lập tức bị tê liệt. Đứng trước thiên nhiên con người chúng ta quả thực quá nhỏ bé.

Hãy suy nghĩ về những gì bạn đang phí thời gian vào đó quá nhiều, mà quên rằng bạn cũng cần thời gian để tĩnh lặng, để lắng nghe bản thân hơn là tự đầu độc mình bằng cách dùi mãi vào cái gọi là “mạng xã hội”.

Nguồn tin: Tinhhoa.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây