Sống ở đời đừng quá đặt nặng mọi thứ, cho được cứ cho, buông được cứ buông

Thứ tư - 20/03/2019 16:04
Cuộc sống nặng nề là vì bạn quá tham lam và ôm đồm mọi thứ!
Sống ở đời đừng quá đặt nặng mọi thứ, cho được cứ cho, buông được cứ buông

Mỗi người sinh ra đều có vai trò riêng. Không có người nào khiến bạn ghét cay ghét đắng và đáng hận cả. Ở thời khắc đó, họ buộc phải làm những điều như vậy để khiến bạn chán ghét chứ chẳng thể làm khác hơn. Cứ đặt mình ở vị trí đó, chắc chắn bạn sẽ hiểu được.

Vì vậy đừng vội phán xét về nhân phẩm cũng như cách hành xử của bất cứ ai. Cũng đừng tự mang đá đặt trong lòng chỉ khiến bản thân u sầu hơn mà thôi. Nhất là phụ nữ, đừng quá coi trọng những lời người khác nói với mình.

Cuộc sống mà, cho được cứ cho, đừng sân si và đừng tính toán quá nhiều. Tiền chẳng thể theo bạn đến thế giới bên kia. Tiền chỉ là vật phòng thân, vì vậy đừng quá keo kiệt với người khác, cũng đừng hà tiện với bản thân.

Trong chuyện tình cảm hãy chân thành, đừng tính toán thiệt hơn với nhau. Trong mối quan hệ bạn bè thân thiết, đừng chơi với nhau chỉ vì cần nhau, mà phải thương nhau, đối đãi với nhau bằng tất cả tấm chân tình. Trong gia đình, đừng quá keo kiệt với người nhà, đừng chờ đối phương cho đi rồi mình mới đáp lại. Trời sinh phụ nữ có vẻ ngoài ưa nhìn, tính cách hiền lành, dịu dàng. Bản chất ai cũng lương thiện, vì vậy đừng phá vỡ điều đó. Hãy giữ cho mình cái tâm trong sáng và cách nhìn đời tích cực một chút.

Có chuyện gì cũng đừng để trong lòng, đừng cay cú. Đặc biệt đừng dùng trăm phương ngàn kế để hãm hại người khác. Hãy nhẹ nhàng buông bỏ những điều vướng bận trong lòng. Đó là cách duy nhất để bản thân thảnh thơi trong cuộc sống đầy thị phi này.

Ví dụ khi bắt gặp một câu nói của ai đó chê chúng ta là "mập ú", nếu tâm tình đang tốt thì chúng ta cảm thấy rất bình thường, thậm chí còn lấy làm buồn cười nếu nó xuất phát từ một người mà chúng ta yêu quý. Nhưng nếu đang ở trong tâm trạng buồn bực không vui, hoặc khi ta nghe thấy nó từ những người mà ta đang giận dỗi, đang không ưa thích, thì câu nói ấy lại rất dễ khiến cho chúng ta tự ái, sân hận hoặc đau khổ vô cùng.

Bởi vậy, sự thật thì câu nói ấy vốn không mang tính chất vui hay khổ, mà do chính chúng ta tự nhận định nó là vui hay khổ mà thôi. Cho nên ai có thói quen hay nghiêm trọng hóa những chuyện đơn thuần thì sẽ luôn sống trong sầu não, bi ai và bị trói buộc bởi những suy nghĩ quẩn quanh, rồi từ đó hình thành những quan điểm sai lạc về cuộc đời, về chính mình và về người khác.

Người mà càng hay "chuyện bé xé ra to" thì càng có nhiều đau khổ. Khổ đau không chỉ riêng mình họ, mà nó còn tác động đến cả những người ở xung quanh khiến cho những nỗi đau khổ cứ tác động qua lại và nhân lên rất nhiều lần. Tương tự, sự tích cực cũng có tính chất lan tỏa và tác động qua lại y như thế. Cho nên hoàn cảnh sống tích cực hay tiêu cực cũng đều có thể thay đổi được nhờ tâm thái của chúng ta. Và thái độ sống chính là cái mà chúng ta hoàn toàn có quyền chọn lựa.

Một sai lầm nữa là do chúng ta cứ luôn muốn rằng mọi việc phải diễn ra theo ý của mình, muốn những điều tốt đẹp phải kéo dài mãi mãi mà không chịu chấp nhận một sự thật rằng bản chất của mọi việc, mọi điều là vô thường, là biến đổi, là không bền chắc. Nếu hiểu được cái tính tạm thời này, thì thay vì chán nản hoặc buồn đau, chúng ta sẽ biết trân trọng mọi thứ ta đã và đang có được, sẽ không lãng phí thời gian, không để lỡ đời mình.

Trăng còn có lúc tròn lúc khuyết, đời có lúc hợp lúc tan, việc có lúc thành lúc bại. Luôn vận động, biến chuyển và đổi thay chính là quy luật của vũ trụ, quy luật của cuộc đời. Biết vậy rồi thì chúng ta sẽ thấy mọi việc xảy ra đều là chuyện bình thường, chúng ta sẽ không còn xem việc gì đó là quá mức quan trọng, không còn phải oán than khi không có được, hoặc khổ sở dằn vặt khi bị mất đi thứ mình thương yêu.

Buông bỏ chính là như thế. Buông bỏ không phải là cố quên, là mặc kệ, là oán hận, là tìm cách trốn tránh, mà buông bỏ là chúng ta có thể dùng tâm thái bình thường để đối diện với nó, chúng ta không còn muốn kiểm soát mọi thứ, không còn gượng ép mọi việc phải xảy ra theo ý mình nữa. Chúng ta có thể an ổn khi việc đến vì biết "việc này do đủ duyên mà tạm thời xảy đến", rồi khi nó đi thì chúng ta cũng có thể bình thản vì hiểu được "việc này đã làm xong nhiệm vụ của nó trong cuộc đời mình, hết duyên thì sẽ phải đi".

Min (TH)/Khoevadep

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây