Hai điều trong đời người: Làm việc cần tỉnh táo, làm người cần hồ đồ

Thứ sáu - 29/03/2019 21:57
Có người nói: “Trong cuộc sống, lúc bận rộn, cần sự tỉnh táo để làm việc. Khi nhàn rỗi, cần sự hồ đồ để làm người”. Hồ đồ không phải là kém cỏi, ngu dốt, không biết phân biệt đúng sai, mà đó chính là phong thái, sự tu dưỡng của bậc trí huệ.
Hai điều trong đời người: Làm việc cần tỉnh táo, làm người cần hồ đồ

Hồ đồ: khù khờ hay trí tuệ?

Có câu chuyện kể rằng: Có hai người bị rơi xuống nước, một người có thị lực rất tốt, còn một người bị cận thị. Hai người đang cố vùng vẫy trên mặt sông rộng lớn và nhanh chóng kiệt sức.

Bỗng nhiên, người thị lực tốt nhìn thấy phía trước có một chiếc thuyền nhỏ, cách họ không xa lắm và đang trôi dạt về phía họ. Người cận thị cũng lờ mờ nhìn thấy. Cả hai tập trung hết sức lực bơi về phía chiếc thuyền đó.

Đang bơi, đang bơi, người thị lực tốt đột ngột dừng lại bởi vì anh ta đã nhìn thấy rõ đó không phải là chiếc thuyền mà là một mảnh gỗ mục nát. Trong khi đó, người cận thị vẫn tin rằng đó là chiếc thuyền nên dốc hết sức bơi. Khi bơi đến và phát hiện ra đó chỉ là một mảnh gỗ mục thì anh ta đã ở cách bờ không còn bao xa. Kết cục, người thị lực tốt bị đuối nước mà mất mạng, còn người cận thị được thoát chết.

Có rất nhiều sự việc, không biết, không tinh nhanh, không thông minh lại hóa ra tốt hơn.

Hồ đồ, dưới cái nhìn của Khổng Tử là “Trung dung”,  dưới cái nhìn của Lão Tử là “Vô vi” và dưới cái nhìn của Trang Tử là “Tiêu dao” .

Cần hiểu rằng “hồ đồ” là cảnh giới của bậc trí huệ, cần có sự tu dưỡng thân tâm mới ngộ và minh bạch được hàm ý của “hồ đồ”. Đó là một cảnh giới mà trong tâm hiểu rất rõ ràng minh bạch, nhưng biểu hiện bên ngoài lại lơ mơ hồ đồ.

Một học giả nói: “Nếu không bởi vì nguyên do khác, con người thuận theo lẽ tự nhiên thì ắt sống trăm tuổi”. Đó cũng chính là hàm ý sâu xa của “hồ đồ”.

Trên thực tế, đời người vốn rất hồ đồ. Niềm vui và hạnh phúc được ẩn giấu trong sự hồ đồ đó.

Một khi quá thanh tỉnh thì tất cả những niềm vui và hạnh phúc cũng sẽ tan theo mây khói.


Trên thực tế, đời người vốn rất hồ đồ. Niềm vui và hạnh phúc cũng được ẩn giấu trong sự hồ đồ đó. (Ảnh minh họa: pngtree.com)

“Khó có hồ đồ” và “Chịu thiệt là phúc”

Trịnh Bản Kiều là danh sỹ thời vua Càn Long đời nhà Thanh, ông cả đời thanh liêm, lo cho nước, cho dân, không màng đến công danh, bổng lộc. Ông được mệnh danh là “Tam tuyệt”: tài năng tuyệt thế về thơ, họa, và thư pháp. Ông đã viết rất nhiều bức hoành phi, trong đó có hai bức nổi tiếng nhất là: “Khó có hồ đồ” và “Chịu thiệt là phúc”.

Có câu chuyện truyền lại về nguồn gốc của hai bức hoành phi trên như sau:

Trịnh Bản Kiều khi còn làm quan tri huyện ở huyện Duy, người em họ của ông gửi đến cho ông một lá thư nói rằng anh ta và người hàng xóm đang tranh chấp bức tường chung của ngôi nhà tổ, sự việc đã lên đến nha môn huyện Hưng Hóa. Người em họ hy vọng Trịnh Bản Kiều có thể gửi một bức thư cho tri huyện Hưng Hóa, nói giúp cho anh ta được thắng kiện.  

Trịnh Bản Kiều sau khi xem xong lá thư, lập tức viết ngay một bài thơ hồi đáp:

Viết thư ngàn dặm bởi tường cao,
Nhường ba thước đất hại gì sao?
Vạn Lý Trường Thành nay còn đó,
Thủy Hoàng năm ấy giờ nơi nao?

Nội dung bức thư nói lên tấm lòng rộng lượng, tâm tính lạc quan, thái độ rõ ràng, dứt khoát của Trịnh Bản Kiều.

Và cũng xuất phát từ câu chuyện này, ông có cảm hứng viết liền hai bức hoành phi: “Khó có hồ đồ” và “Chịu thiệt là phúc”.

Ở dưới dòng chữ “Khó có hồ đồ” ông viết thêm chú thích:

“Thông minh khó, hồ đồ khó, từ thông minh chuyển sang hồ đồ càng khó, bỏ một chiêu, lùi một bước, lập tức tâm an, chẳng phải để được phúc báo về sau”.

Dưới dòng chữ “Chịu thiệt là phúc” ông cũng viết chú thích:

“Đầy là lúc hao tổn, thiệt thì dần dần đầy, mình hao tổn mà người khác được đầy thì ai cũng được một nửa tâm tình, lại được tâm yên định bình hòa, mà cái phúc yên ổn lập tức ở trong đó rồi”.

Nội dung trên không chỉ lý giải cho hai câu trên bức hoành phi của Trịnh Bản Kiều mà còn khái quát được việc tu tâm dưỡng tính và triết lý sống của ông.

Có thể chịu thiệt là một cảnh giới cao thượng, là trí tuệ của người có tầm nhìn xa rộng. Để cuộc sống luôn suôn sẻ, tự tại, thoải mái, chúng ta nên đơn giản hơn một chút, hồ đồ hơn một chút, ít tính toán hơn một chút và không quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt. Vậy nên, trong dân gian thường có câu nói rằng: “Ở hiền gặp lành”, “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, “Xởi lởi trời cho”.

Để cuộc sống luôn suôn sẻ, tự tại, thoải mái, chúng ta nên đơn giản hơn một chút, hồ đồ hơn một chút, mãi luôn tranh giành sẽ chẳng có được sự bình an. (Ảnh minh họa: anxinpiao.com)

Đời người chẳng quá trăm năm, việc chi lo nghĩ nhọc nhằn thiên thu?

Gần đây trên mạng xã hội có câu chuyện về một cậu thanh niên trên đường đi giao hàng thức ăn nhanh đã đụng phải một người đàn ông đi xe máy. Tuy cả hai không sao nhưng số hàng cần vận chuyển ngày hôm đó đã đổ vỡ và không thể giao được nữa. Mọi công sức làm việc vất vả của ngày hôm đó đã không còn gì. Tuy nhiên, thái độ cư xử của hai người sau vụ va chạm đã khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Hai người không tiếp tục vội vã đi nữa mà ngồi xuống uống rượu cùng nhau, không có chuyện gì lớn, cạn chén rồi nói, cạn chén rồi giải quyết vấn đề va chạm sau.

Đời người với biết bao khó khăn liên tiếp phải đối diện, ai mà chẳng từng gục ngã thảm hại, cùng lắm là ngã ở đâu thì nằm ở đó một lúc, rồi lại bò dậy đi tiếp. Nếu nói cuộc đời đã dạy cho tôi điều gì thì đó chính là hãy vui vẻ đón nhận mọi thất bại xảy đến.

Khi khó khăn gian khổ nhất, thay vì tính toán được mất, hãy sống một cách hồ đồ, không tranh giành lợi ích, không tính toán thiệt hơn để tâm hồn luôn thanh thản, an vui.

Hồ đồ không phải là kém cỏi, ngu dốt, không biết phân biệt đúng sai, mà đó chính là phong thái, sự tu dưỡng của bậc trí huệ. Tâm tĩnh không rối bận, nhìn đấy, nghe đấy mà chẳng để tâm.

Trong cuộc sống, không nên nhìn nhận và đánh giá sự việc bởi những cung bậc cảm xúc đang bị phủ đầy những lớp bụi thành kiến và quan niệm cá nhân. Càng nhìn vào người khác, càng thấy lỗi lầm và vấn đề của họ, càng cảm thấy khó chịu với họ. Chi bằng hãy nhìn vào bản thân, tìm và tu sửa những khiếm khuyết của chính mình. Được như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và bỏ qua những thiếu sót của người khác.

Với người và sự vật, không cần quá nghiêm nghị, nhiều lúc chúng ta cần sống hồ đồ một chút, sống tự tại một chút, sống thoải mái một chút. Cứ nhắm một mắt mở một mắt mà sống, đó cũng chính là bỏ qua lầm lỗi cho mình và cũng bỏ qua lầm lỗi cho người. Thử xem những người quá coi trọng so đo tính toán thiệt hơn, phần nhiều đều sống không hạnh phúc.

Với bạn bè, hồ đồ một chút, chẳng so đo tính toán cho đi thì mới nhận được. Với đồng nghiệp, hồ đồ một chút, sẽ có được sự tin tưởng. Với vợ chồng, hồ đồ một chút, để họ có được tự do cá nhân và bản thân cũng sẽ có không gian riêng. Với mọi sự việc, hồ đồ một chút, sẽ được thuận lợi, xuôi chèo mát mái.

Với tiền bạc và lợi ích, hồ đồ một chút, không tổn hại đến hòa khí. Với danh vọng địa vị, hồ đồ một chút, không lao tổn trí óc. Với các tin đồn, hồ đồ một chút, chẳng mệt tai nhọc thân.

Đời người không quá trăm năm,
Việc chi lo nghĩ nhọc nhằn thiên thu?

Hãy để quãng đời còn lại trôi qua với một chút hồ đồ, vui vẻ, hạnh phúc với những gì mình đang có.

Tâm Kính - Theo Vision Times

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây