Thế nhưng sự thực là có những sai lầm dù ta tùy ý đến đâu cũng không nên mắc phải để tránh "sai một ly, đi một dặm".
Không nên tùy ý phán xét người khác
Chuyện kể rằng có vị bác sĩ nhận được một cuộc gọi khẩn từ bệnh viện, liền vội vã bỏ mọi công việc ở nhà, dùng tốc độ nhanh nhất đến bệnh viện để tiến hành phẫu thuật.
Thế nhưng khi ông vừa tới nơi, người cha của bệnh nhân đang cấp cứu đã lớn tiếng quát mắng:
"Ông làm gì mà bây giờ mới đến? Chẳng lẽ ông không biết rằng con tôi đang gặp nguy hiểm hay sao? Ông làm bác sĩ mà một chút tinh thần trách nhiệm cũng chẳng có là thế nào?".
Bác sĩ nghe vậy, chỉ lẳng lặng đáp rằng:
"Tôi sẽ cầu trời khấn phật để con bác được tai qua nạn khỏi".
Cha cậu bé càng phẫn nộ hơn, tiếp tục lớn tiếng:"Chỉ có người chẳng quan tâm gì đến sống chết của người khác mới có thể thốt ra những lời dừng dưng như ông".
Cuộc đôi co của hai người bị dừng lại giữa chừng khi cánh cửa của phòng phẫu thuật mở ra.
Phải tới mấy giờ sau, ca phẫu thuật cho bệnh nhân mới kết thúc một cách thành công. Cậu bé cấp cứu ban nãy đã không còn nguy hiểm tới tính mạng.
Khi vừa bước ra khỏi phòng phẫu thuật, vị bác sĩ vừa nãy hồ hởi nói với người cha:
"Cảm ơn trời đất, con trai bác được cứu rồi!".
Thế nhưng còn chưa kịp chờ người nhà bệnh nhân đáp lời, ông đã vội vã rời đi, chỉ để lại một câu dặn dò:
"Nếu như có vấn đề gì, bác cứ hỏi y tá giúp tôi nhé!".
Chứng kiến thái độ này của bác sĩ, người cha vẫn chưa nguôi giận, nói ra một câu gắt gỏng:
"Sao lại có kiểu bác sĩ ngạo mạn như thế nhỉ? Ngay tới mấy phút xem xét tình hình cho con tôi mà ông ấy cũng không chờ nổi hay sao?".
Thế nhưng những câu trách móc của ông bất chợt ngừng lại khi thấy một y tá bước ra từ phòng phẫu thuật với gương mặt đầy nước mắt. Cô y tá nghẹn ngào nói:
"Con trai của bác sĩ ấy hôm qua vừa qua đời vì tai nạn giao thông. Khi nhận cuộc điện thoại khẩn từ bệnh viện cũng là lúc nhà bác ấy đang làm đám tang. Để cứu sống con trai bác, bác sĩ của chúng tôi đã không có cơ hội đưa tiễn con trai mình lần cuối…".
Hình minh họa (Nguồn Internet).
Lời bình
Chẳng ai trong số chúng ta biết được người khác đã sống một cuộc sống như thế nào, đã trải qua những trắc trở ra sao. Cho nên, thứ mà chúng ta nhìn thấy ở họ mãi mãi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Chính vì vậy, bất cứ ai cũng không nên tùy tiện phán xét, chỉ trích người khác. Sự thực là không một người nào đủ thông minh tới nỗi biết tường tận mọi hỉ nộ ái ố hay trải qua mọi đắng cay ngọt bùi trong cuộc đời của những người xung quanh.
Có ai đó đã từng nói rằng, việc làm ác ý lớn nhất của đời người chính là đem suy nghĩ từ mình áp đặt lên người khác, sau đó đem hết thảy mọi khúc mắc giải thích bằng quan điểm cá nhân rồi lại tự cho đó là đúng.
Có ai đó cũng từng nhận định, thành tựu lớn nhất của đời người chính là nhìn nhận mọi thành công, thất bại của người khác bằng tất cả lòng từ bi và sự bao dung đến từ tâm can mình.
Cho nên, không tùy tiện buông lời đánh giá, phán xét người khác vốn là tu dưỡng căn bản nhất của một người có đạo đức.
Không tùy ý đưa ra lời hứa hẹn
Tương truyền rằng vào cuối thời nhà Tần, ở đất Sở có một người tên Quý Bố. Người này lúc sinh thời vô cùng coi trọng lừa hứa.
Chỉ cần là chuyện ông từng đáp ứng, bất luận gặp phải bao nhiêu khó khăn, vất vả, Quý Bố đều sẽ thực hiện lời hứa của mình bằng mọi giá.
Cũng bởi vậy mà vào thời bấy giờ, người ở đất Sở thường truyền tai nhau câu nói: "Có được trăm cân vàng cũng không bằng có một lời hứa của Quý Bố".
Bàn về chữ tín, không thể không kể tới người Đức. Người dân nước này vốn không dễ dàng nói ra lời hứa hẹn trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Khi đối mặt với nhiệm vụ được giao, họ rất ít khi nói ra những câu như "Tôi chắc chắn sẽ làm tốt!" hay "Tôi nhất định sẽ hoàn thành".
Thay vì đưa ra những lời cam kết có nguy cơ "nói trước bước không qua" ấy, họ chỉ đảm bảo rằng bản thân sẽ cố hết sức.
Vì sao người dân nước này lại có thói quen giao tiếp như vậy? Bởi xã hội của họ từ trước tới nay đều coi trọng chữ tín và sự thành thật.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).
Lời bình
Người thực sự có chữ tín, mỗi khi hành sự thường sẽ rất ít đưa ra lời hứa hẹn. Thế nhưng một khi đã hứa, họ nhất định có thể thực hiện được lời cam kết của mình.
Cổ nhân thường lấy việc nói mà không làm là một trong những điều hổ thẹn của bậc quân tử. Cho nên từ thời xa xưa, lời hứa đã được xem là câu nói không thể dễ dàng nói ra một cách tùy ý.
Quân tử có câu "nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy" (một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi). Lời cam kết nói ra khỏi miệng thì đơn giản, nhưng có thực hiện được hay không lại là một vấn đề khác.
Chính bởi vậy mà người đáng tin đều rất ít khi hứa hẹn. Thay vào đó, họ dùng hành động của mình để chứng minh, bởi họ thấu hiểu hơn ai giá trị cao quý của một lời hứa.
Không nên tùy ý than phiền
Vào buổi sáng nọ, một nhân viên văn phòng vội vã gọi taxi tới công ty. Sau khi lên xe, ông phát hiện chiếc taxi này không chỉ có bề ngoài đẹp mà tài xế bên trong cũng ăn mặc chỉnh tề, nội thất xe sạch sẽ, tao nhã.
Cũng bởi vậy mà vị khách ấy tin rằng chuyến đi trên chiếc xe ấy sẽ giúp ông bắt đầu ngày làm việc mới một cách thoải mái và vui vẻ.
Xe vừa mới chạy, người tài xế đã nhiệt tình hỏi ông về nhiệt độ điều hòa, còn chu đáo cho ông lựa chọn kênh radio muốn nghe.
Bất giác, vị khách cảm thấy sự vui vẻ và tận tình của người lái taxi ấm áp giống như ánh mặt trời, khiến người bên cạnh cũng vui vẻ, lạc quan.
Ông liền hỏi:
"Lúc nào cậu cũng phục vụ khách đi xe bằng thái độ tận tình như thế này phải không?".
Người tài xế cười đáp:
"Chính xác là từ giây phút mà tôi thức tỉnh!".
Tiếp đó, người tài xế kể lại về quá khứ sống trong sự than phiền và cáu giận về mọi điều trong cuộc sống của anh.
Lần nọ, trong lúc lơ đãng, anh tình cờ nghe được một chương trình talkshow trên radio. Chương trình hôm ấy có một câu đã khiến cuộc đời anh hoàn toàn thay đổi:
"Bạn tin tưởng điều gì thì tất sẽ có được điều đó. Nếu như bạn không hài lòng với cuộc sống này, tất cả mọi chuyện xảy ra đều sẽ khiến cho bạn cảm thấy xui xẻo.
Ngược lại, nếu bạn lạc quan đối diện với mọi việc, thì bất giác người nào bạn gặp qua cũng đều trở thành quý nhân phù trợ".
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).
Lời bình
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường bắt gặp đủ mọi rắc rối đáng để than phiền. Có người chê trách công việc không người ý, có người phê bình con trẻ không nghe lời, có người lại chán nản trước hôn nhân không hạnh phúc…
Đôi khi, dường như thế giới xung quanh chúng ta đều chất chứa những lời oán trách, bất mãn. Thế nhưng sau khi nói ra lời than phiền, bạn hãy thử suy nghĩ và trả lời câu hỏi: Lời than vãn ấy có đem lại cho ta được điều gì hay không?
Lời than đã nói ra, nhưng trước mặt ta vẫn là cơ số những cục diện rối rắm chưa có cách giải quyết, còn câu oán trách ban nãy ngoài việc khiến ta thêm phiền lòng thì chẳng đem lại bất kỳ thay đổi tích cực nào cho cuộc sống.
Sống ở trên đời, nào có ai có thể được vạn sự như ý. Phàm là kiếp nhân sinh, liệu rằng cuộc đời nào lại dễ dàng có được mọi thứ hài lòng.
Nói ra những lời than phiền không giúp ta trút được gánh nặng mà chỉ khiến năng lượng tiêu cực đang ảnh hưởng đến ta có cơ hội lan tỏa tới người khác.
Thay vì vậy, hãy lạc quan đối diện với mọi rắc rối trong cuộc sống. Tâm an, tính bình, nguy sẽ hóa an, khó sẽ thành dễ, vạn sự tất sẽ có an bài thỏa đáng.
Hình minh họa (Nguồn Internet).
Nếu như coi hết thảy mọi lận đận, khó khăn trở thành một loại gia vị cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời của mình càng thêm sinh động.
Nếu như coi tất cả những việc không vừa ý là tài sản quý báu mang tên kinh nghiệm, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình càng thêm giá trị.
Học cách mỉm cười với dòng đời vạn biến, để cho ánh sáng lạc quan soi chiếu tâm hồn, thế giới mà bạn đang sống nhất định sẽ trở nên đẹp đẽ và ý nghĩa hơn rất nhiều…