Nhưng thực ra, cho đi sẽ khiến bản thân hạnh phúc hơn so với nhận lại, đó là niềm vui đến từ sâu thẳm trong tâm…
Mỗi người chúng ta khi đến thế giới này, từ nhỏ đến lớn trong mỗi giai đoạn đều không thể tách rời khỏi việc nhận sự giúp đỡ của người khác: sự giáo dưỡng của bố mẹ, kiến thức của thầy cô, sự tương trợ của bạn bè v..v.., có thể nói trong cuộc đời chúng ta, bất kể lúc nào, bất kể nơi nào đều không thể tách rời những ân huệ mà người khác cho mình.
Khi đứng trước lựa chọn cho đi hay nhận lại, không ít người mong sẽ được nhận lại, nhưng đâu biết rằng hạnh phúc thực sự lại ở chỗ biết cho đi. Có câu rằng: “Tặng người hoa hồng, tay còn lưu hương”, giúp đỡ người khác là đang tạo niềm vui cho chính mình.
Biết cách giúp người hoàn thành ước vọng, hiểu được thế nào là phó xuất, đây thật sự là biểu hiện của nhân cách chói sáng, đồng thời cũng là một lại trí huệ đối nhân xử thế.
Phó xuất là một loại cho đi, nhưng không cần phải chờ mong sự báo đáp của người khác. Khi chúng ta giúp đỡ người khác, cũng là đang giúp đỡ chính mình. Làm người nên có một trái tim lương thiện, lúc nào cũng suy nghĩ cho người khác, thi ân không cần người phải báo đáp, đó mới chính là sự lương thiện cao nhất.
1. Hành thiện mà muốn người biết, đó không phải thiện
Sự lương thiện cao nhất, là đặt mình vào vị trí người khác mà suy nghĩ. Một mực truy cầu báo đáp, thì sẽ thường bỏ qua cảm nhận của đối phương, dù cho có làm việc thiện, cũng có thể tạo ra sự tổn thương cho người khác.
Trong “Lễ Ký” có ghi chép một câu điển cố “Không ăn đồ bố thí” như sau: Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, thiên tai nhân họa không ngừng. Có một năm, nước Tề bị mất mùa, lão bá tánh không có cơm ăn, rất nhiều người vì đói mà chết.
Có một người tên là Kiềm Ngao, vì muốn lấy danh tiếng, đã phân phát đồ ăn cho người dân bị nạn trên đường. Kiềm Ngao sợ rằng người khác không biết mình đang “làm việc tốt”, cố ý hét to với người đi đường: “Đồ ăn không cần trả tiền đây! Mau đến ăn đi!”.
Không ngờ rằng, người trên đường chẳng một ai thèm để ý tới ông ta. Khó khăn lắm mới có một người dân bị nạn đi ngang qua, Kiềm Ngao liền chặn người này lại, dùng giọng điệu cao cao nói với người đó: “Này, ta kêu ngươi đấy! Qua đây ăn đi!”.
Ông ta vốn dĩ cho rằng người dân này sẽ cảm ơn đại đức của mình, sẽ dập đầu bái tạ, nhưng nào ngờ người đó trừng mắt nhìn ông ta và nói: “Ta thà chết đói, chứ không ăn!”.
Khi ban ân huệ cho người khác, đừng thể hiện bản thân để người khác cảm thấy rằng bạn rộng rãi hào phóng, thì họ sẽ nhận lấy ân huệ của bạn. Nếu giúp người khác chỉ vì muốn được báo đáp, trong lòng sẽ luôn tính toán, vậy thì hành thiện chẳng qua chỉ là một màn biểu diễn giả tạo, mà sự “bố thí” giả tạo này, với người với ta đều không được xem là một việc tốt.
Chỉ có sự nhân từ thương cảm phát ra từ trong tâm, mới có thể khiến người khác cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Nếu vậy thì ân huệ mà ta cho đi, mới có thể phát ra ánh hào quang. Nếu như có mục đích xấu xa, sẽ như hạ thấp người khác, kiểu hành động cho đi này không được tính là cao quý.
Trong “Chu Tử Gia Huấn” có nói: “Thiện dục nhân tri, bất thị chân thiện; ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác”, ý rằng làm thiện muốn người ta thấy, điều thiện ấy không thực; Làm ác sợ người ta biết, điều ác ấy mới thật to. Sự lương thiện phát ra từ trong tâm, giống như một cơn mưa mùa xuân, lặng lẽ tưới nhuần vạn vật.
2. Vui vẻ hành thiện, không cầu người biết
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Hành thiện vui nhất là không cầu người biết”. Người xưa hành thiện tích đức, chú trọng khiêm tốn. Mặc dùng không khoa trương, nhưng chỉ cần bạn làm, công đức và phúc đức sẽ cứ dần dần tích lũy, phù hộ cho con cháu đời sau.
Nhưng nếu làm thiện chỉ vì để đạt được phúc báo và tán thưởng, nhiễm lòng tham công danh lợi lộc, dù cho có làm thiện bao nhiêu đi nữa, cũng rất khó để mà cảm thấy vui vẻ thật sự.
Trong “Chiến Quốc Sách – Ngụy Sách” có nói: “Nhân chi hữu đức vu ngã dã, bất khả vong dã; ngô chi hữu đức vu nhân dã, bất khả bất vong dã”. Ý nói, người khác đối xử với bạn có ân huệ, không thể không để trong lòng; mà bạn đối với người khác có ân huệ, không nên cứ để trong lòng.
Tục ngữ thường nói: “Nhận ơn một giọt nước, phải báo đền bằng cả dòng suối”. Việc này là đứng ở góc độ người được giúp đỡ để nhìn vấn đề, cổ vũ mọi người học cách cảm ơn, có ân thì cần phải báo đáp.
Nếu đứng ở góc độ là người bố thí mà nhìn, thì chỉ cần nhớ một câu tục ngữ: “Thi ân không cầu báo đáp”. Sự lương thiện chân thật, không cần phải nhận lấy sự báo đáp, không tính thiệt mất, nếu không thì sẽ trở thành kiểu người chỉ lấy thiện đối thiện, xem việc thiện như một cuộc giao dịch. Người ta trách bạn ham muốn lợi lộc, bạn hận người ta không biết đền ân, tâm tốt mà lại làm việc xấu, đến cùng là đôi bên đều thiệt.
Vô tư kính dâng là điều trân quý nhất, cho người khác ân huệ mà không cần sự báo đáp mới là vĩ đại nhất. Nếu như có một người cho người khác ân huệ nhưng lại cầu báo đáp, vậy thì người đó không phải là một người vô tư không vụ lợi, ý định ban đầu giúp đỡ người khác sẽ trở nên biến chất.
Chúng ta phải có được một trái tim bao dung từ bi, hành thiện với người, viện trợ giúp người. Chỉ khi từ bi với người, thì quan hệ giữa con người mới trở nên càng tốt đẹp hơn, thế giới sẽ trở thành một gia đình hòa thuận.
Có câu: “Tích đức không cần người thấy, hành thiện tự có trời biết”, cái thiện mà ta vô tình trồng được, sẽ có ngày ra hoa kết trái. Bạn chỉ cần tử tế, trời cao tự có an bài!
Tuệ Tâm (Theo SOH)