Niềm hạnh phúc đích thực nhất là niềm vui giải thoát; sự giải thoát có được nhờ quá trình tu tập, khi không có sự phiền muộn, sầu não, trong lòng không còn bất kì gánh nặng nào nữa, khi đó mới đích thực là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực, tuyệt đối, đây mới là niềm hạnh phúc mà chúng ta theo đuổi. Hạnh phúc chính tại tâm ta.
Hạnh phúc chân thật phải xuất phát từ tâm hồn của chúng ta. Tâm của chúng ta phải như thế nào? Đó là chúng ta phải đào luyện một cái tâm biết hài lòng với cuộc sống, biết nở nụ cười trước tất cả những nghịch cảnh khó khăn. Mình cứ yêu đời, cứ lạc quan, điều này mới giúp cho chúng ta có hạnh phúc được. Còn cuộc sống này không bao giờ bằng phẳng, có rất nhiều chông gai, khó khăn và thử thách nhưng chúng ta biết đi qua nó, coi nó như những trang sách mà chúng ta được đọc những câu chuyện thôi. Thực sự cuộc đời là quyển sách để chúng ta đọc qua.
Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy về tâm chúng ta mà chúng ta cần phải rèn, không phải nữ giới mà kể cả nam giới, chúng ta phải rèn thì mình mới được hạnh phúc. Đức Phật nói về tâm này: Tâm của chúng ta rất khó nắm giữ và rất khinh động, cái tâm này chạy nhảy lung tung mà Phật dạy nó giống như là con khỉ và con vượn vậy. Khi tâm chạy nhảy lung tung như vậy, nó khiến chúng ta sẽ bất an đau khổ. Nếu một người không được rèn luyện tâm thì thường thất vọng và đau khổ nhiều.
Tâm cảm nhận được hạnh phúc là một cái tâm phải bình an. Cho nên tâm hồn thanh thản, bình an là gốc của hạnh phúc.
Cho nên, tâm khó giữ và khinh động theo các dục, nó quay cuồng. Tâm chúng ta chạy theo các ham muốn, dục lạc; nó quay cuồng; và như thế chúng ta khổ mãi. Đức Phật có dạy:
"Lành thay điều phục tâm
Tâm điều, an lạc đến".
Khi tâm chúng ta được điều phục thì trong bất kì hoàn cảnh nào, ta vẫn an lạc được. Cuộc đời này là như vậy. Sóng gió, phong ba rất nhiều nhưng mà tâm chúng ta định tỉnh được, điều phục được an rồi, tâm an thì mọi việc an ổn. Cho nên, các vị Thiền sư ngày xưa, họ không phải có cuộc sống vật chất sung túc, nhưng họ rất an lạc. Đức vua Trần Nhân tông của chúng ta bỏ ngai vàng vào trong núi Yên Tử, ngồi trong hang đá để tu hành, nhưng mà lại rất an. Cho nên Ngài mới nói là "Cư trần lạc đạo", viết bài phú Cư Trần Lạc Đạo, ở trong trần gian, mà tâm an lạc được với đạo.
Cho nên, thật sự chúng ta phải quay về, biết được hạnh phúc gốc ở tâm chúng ta. Khi tâm này được điều phục, được huấn luyện, được tôi luyện rồi; nó có bản lĩnh, nó vững vàng thì trong trường hợp nào cũng vẫn an lạc. Dù sóng gió, dù khổ đau đến với chúng ta, chúng ta vẫn giữ được tâm an lạc. Đây là điều rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, vì mục đích của chúng ta là đạt được hạnh phúc. Mà hạnh phúc là chúng ta biết phải ở tâm, không có cái gì khác cả. Tâm không cảm nhận được hạnh phúc thì ta không hạnh phúc. Tâm cảm nhận được hạnh phúc là một cái tâm phải bình an. Cho nên tâm hồn thanh thản, bình an là gốc của hạnh phúc.
Trong nhịp sống hối hả, tấp nập, bon chen hiện nay khiến chúng ta khá mỏi mệt. Sự thảnh thơi, an lạc, bình yên là điều mà con người hiện đại đang tìm kiếm. Vậy thì bạn hãy tìm đến những triết lý sâu sắc của Phật giáo để có được những giây phút thư thái, an lạc.
Nguồn tin: Phatgiao.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự