Thương Thân

Thứ sáu - 14/01/2022 14:49
Xin quý vị đem hết lòng để học hỏi, tu tập, giao phó thân mạng mình cho Tăng thân, thực tập quay về nương tựa Tăng một trăm phần trăm, mở lòng để cho năng lượng tu tập của Tăng thân thấm nhuần vào thân tâm mình.
Thương Thân

Hôm trước chúng ta được học về bài tập thứ nhất của mười sáu phép quán niệm hơi thở, ''Thở vào, ý thức rằng tôi đang thở vào. Thở ra, ý thức rằng tôi đang thở ra.'' Ta cũng có thể nói, ''Thở vào, ý thức đây là hơi thở vào. Thở ra, ý thức đây là hơi thở ra.'' Ta nhận diện hơi thở vào như là hơi thở vào và hơi thở ra như là hơi thở ra. Ta không nên can thiệp vào hơi thở. Hãy để cho hơi thở hoạt động một cách tự nhiên. Sự thực tập của ta là dùng ánh sáng chánh niệm để soi chiếu vào, quán sát liên tục quá trình vào- ra của hơi thở. Nếu ta thực tập đúng theo sự chỉ dẫn, thì phẩm chất hơi thở của ta sẽ tiến bộ rất mau chóng. Hơi thở của ta sẽ trở nên sâu lắng, hòa điệu và nhẹ nhàng hơn. Khi hơi thở chánh niệm trở nên sâu lắng, an bình, thì thân và tâm cũng an bình, tĩnh lặng. Ta không cần phải cố gắng gì cả.

Phép thở có ý thức thứ hai của mười sáu phép quán niệm hơi thở là, ''Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài. Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn.'' Ta không nên làm cho hơi thở dài ra hay ngắn lại theo ý của ta. Năng lượng chánh niệm được nuôi dưỡng trong suốt thời gian của hơi thở vào và hơi thở ra. Ta chỉ nhận diện đơn thuần và theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu cho tới cuối mà thôi. ''Dài'' hay ''ngắn'' không quan trọng, quan trọng là trong khi thở, ta ý thức được và có mặt trọn vẹn suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra. Niệm hơi thở tức là có chánh niệm về toàn thân của hơi thở.

Trong hai phép thở có ý thức đầu, ta thấy rằng khi thực tập thành công được phép thở đầu, thì ta cũng thực tập thành công được phép thở thứ hai. ''Thở vào, tôi ý thức đây là hơi thở vào.'' Ta ý thức trọn vẹn hơi thở vào. Khi ý thức trọn vẹn hơi thở vào và hơi thở ra, thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ hai. Và khi thực tập phép thở thứ hai thành công thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ nhất. Càng thực tập ta sẽ thấy được tính chất tương tức của mười sáu phép quán niệm hơi thở. Ta phải tu tập như thế nào để thấy được tính vô ngã và tương tức của các pháp, cụ thể qua mười sáu phép quán niệm hơi thở. Phép thở đầu được làm bằng phép thở thứ hai. Nếu ta thực tập phép thở đầu thành công thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ hai. Nếu ta đảo phép thở thứ hai lên đầu, thì phép thở đầu không còn là phép thở đầu nữa. Đây là điểm rất mầu nhiệm. Ta có thể thấy được tính tương tức trong tất cả các phép thở. Điều này có nghĩa là khi ta thực tập phép thở có ý thức này thì ta cũng đang thực tập tất cả các phép thở khác. Đó gọi là cái một chứa đựng cái tất cả.

Theo Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây