“Hãy cho đi, khi mình có thể...”
Chia sẻ với PV, Tiến Danh tâm sự: “Năm 2001, mình cùng nhóm bạn thành lập Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng và đưa ra ý tưởng nấu cơm chay miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Lúc đầu nấu ngày Rằm và mồng một nhưng bây giờ thì nấu vào các chủ nhật hàng tuần”.
Thời gian đầu, dự án của Tiến Danh gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực. Tiến Danh phải xin nấu tại chùa, tự tay đi chợ lựa chọn thực phẩm và “gõ cửa” khắp nơi có thể để xin tiền tài trợ.
“Để duy trì các bữa cơm chay cho người nghèo, hiện tại mình đã phát nguyện “dốc” trọn tiền lương của mình cho hoạt động này. Khi này cả gia đình sống vào tiền lương của... vợ” - Tiến Danh cười nói.
Lương hàng tháng không nhiều nên Tiến Danh phải làm thêm ngoài giờ hành chính và huy động ở các nguồn khác từ cá nhân, tổ chức, thậm chí là cả... bố mẹ.
“Mình luôn cố gắng tất cả những gì có thể để có tiền làm từ thiện. Nhưng mình luôn ý thức được rằng: Phải làm bằng cái tâm hoan hỷ và đúng đạo pháp của nhà Phật” - Tiến Danh nhấn mạnh.
Tiến Danh tham gia nấu cơm chay tại Hà Nội
Khi được hỏi lý do vì sao suốt gần 12 năm gắn bó với dự án cơm chay, Tiến Danh cho hay: “Theo quan điểm của Phật giáo, ăn chay là trưởng dưỡng lòng từ bi và mở rộng tình yêu thương với chúng sinh. Ngoài ra, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, nhiều chứng bệnh nan y được giảm.
Do vậy, việc nấu cơm chay có ý nghĩa thiết thực hơn là việc giúp đỡ tiền bạc. Nếu giúp đỡ tiền nhiều, có thể làm cho người nhận sinh tâm ỷ lại, sinh lòng lười biếng. Chỉ biết nằm chờ viện trợ từ người khác mà thôi”.
Đầu năm 2012, dự án cơm chay đã lan tỏa ra Hà Nội (nấu tại xóm chạy thận Bạch Mai - PV). Mỗi tuần nấu cơm một lần vào ngày cuối tuần và mỗi suất cơm có giá 15.000 - 20.000 đồng. Như vậy, kinh phí mỗi tháng tính ra cũng lên tới cả trăm triệu đồng.
Để niềm vui mãi đong đầy
“Nhiều người bảo mình là thằng gàn dở, gặp ai cũng kêu gọi ủng hộ, suốt ngày chỉ chạy ngoài đường lo cho...người dưng. Nhưng ít ai biết, đi nhiều mới hiểu: cuộc sống còn nhiều mảnh đời cần được sẻ chia lắm” - Tiến Danh tâm sự.
Tiến Danh kể rằng: “Nhiều lần phát cơm gặp trời mưa như trút nước nhưng hàng trăm người bệnh, người già yếu vẫn đội mưa xếp từng hàng dài để nhận cơm. Cầm trên tay suất cơm chay, nước mưa và nước mắt hòa vào nhau... Thương lắm!”.
Ngoài việc tổ chức nấu cơm chay miễn phí ra, Tiến Danh còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện khác ở khắp nơi, từ Nam ra Bắc như cứu trợ đồng bào gặp lũ lụt, hiến máu, dạy học... Đi đến đâu, Tiến Danh cũng luôn nhiệt huyết và mở rộng tấm lòng người con Phật.
Tiến Danh trao quà tặng cho người nghèo trong chuyến từ thiện ở tỉnh Bến Tre
Tiến Danh còn nhớ lại: “Khi kết hôn, mình có “cam kết” với vợ là sẽ nuôi cả gia đình nhưng bây giờ toàn bộ lương của mình đều dành cho công tác từ thiện. Lúc đầu sợ vợ không hiểu rồi trách mắng nhưng không ngờ vợ lại hoan hỷ và ủng hộ hết lòng như vậy”.
Mấy năm lại đây, công tác từ thiện nhiều lên, công việc hành chính luôn bận rộn khiến Tiến Danh ít có thời gian chăm sóc gia đình của mình. Đây cũng là điều khó khăn nhất với anh.
Nhưng trong nhà Phật có quy luật nhân quả. Tiến Danh đã mở rộng tấm lòng từ bi của mình ra cho cộng đồng, gieo yêu thương đi khắp nơi. Do vậy, không có lý do nào mà hạnh bố thí của Tiến Danh không được gặp nhân lành.
Tiến Danh cho biết: “Không chỉ hoan hỷ và ủng hộ mình làm từ thiện mà vợ và con trai bây giờ luôn “bám” vào mình trong mỗi chuyến đi làm từ thiện và trở thành một trong những tình nguyện viên tích cực trong nhóm.
Đi đến đâu, mình cũng được mọi người gọi là “chàng cơm chay”. Các bạn trong nhóm và những người được hỗ trợ yêu mến và gửi niềm tin nhiều. Thực sự, mình thấy hạnh phúc vô cùng”.
Ngày 22/9/2012, với những đóng góp to lớn cho cộng đồng, Nguyễn Tiến Danh đã được nhận giải thưởng “Chim Én 2012”. Đây là giải thưởng vinh danh những cá nhân, tổ chức hoạt động thiện nguyện xuất sắc nhất toàn quốc trong năm qua.
Nguồn tin: Kienthuc.net.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự