Tứ Ân Của Người Con Phật – Đền Ơn Cha Mẹ Rồi Yên Nghĩ Vĩnh Hằng

Thứ ba - 16/10/2012 07:33
Mùa thu luôn là một mùa mưa rơi tầm tả, những buổi chiều tháng bảy tịch mịch nơi huê viên Quan Âm Tu Viện, bên cạnh hàng anh đào rũ rượi dưới những hạt mưa; lòng chạnh lòng nhớ đến Mẹ Cha. Nhất là Mẹ, Mẹ là một cấu trúc sinh mệnh đời người luôn có sự tương quan mật thiết không thể xa rời cuộc sống trong chúng ta.

Nói về Mẹ, tác giả Thanh Nguyên có câu :”Mẹ trở thành hiển nhiên như trời đất – Như cuộc đời không thể thiếu trong con”.

Ai mà không thương tiếc, tấc bóng quan âm đã làm mất đi cái sinh mệnh tương quan mật thiết đó, tạo cho chúng sanh lâm vào cảnh khổ : “ hợp tan, tan hợp – tử biệt sinh ly”. Nhưng Đức Phật chính là người đưa đường dẩn lối cho muôn vạn chúng sanh bước ra khỏi những oằn oại khổ đau; bằng Tam Tạng thánh điển, trong đó có giáo lý : “thượng báo tứ ân, hạ tế tam khổ”.

Làm con Phật, ai cũng phải biết, học thuộc và thực hành giáo pháp tứ ân. Nhưng cách báo đáp tứ ân của chúng ta, nên tham học cách báo đáp ân sâu nghĩa nặng tình đời của Tôn Giả Xá Lợi Phất, một bậc Trưởng lão đại trí tuệ “báo đáp ân Mẹ, nơi quê hương của Ngài”.

Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu PL 2552 sắp đến, Ban Hoằng Pháp Quan Âm Tu Viện xin phép được trích đoạn thật dễ đọc dễ hiễu trong quyển “Một Cuộc Đời – Một Ngôi Sao”, chương “Đền Ơn Mẹ Rồi Yên Nghỉ Vĩnh Hằng”, trang 386 – 398, của Minh Đức-Triều Tâm Anh, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1997. Nội dung nói về hành trạng của Ngài Xá Lợi Phất khi sắp viên tịch, xin Đức Phật được về quê hương tìm cách tiếp độ Mẹ là Bà Sàrì Uppatissa tin Phật .Tại một ngôi làng Nàlaka, cũng được gọi tên là Uppatissa, trước đây Bà la môn giáo rất thịnh hành, bây giờ đã đến lúc suy tàn. Cả hàng trăm chỗ thờ cúng, lễ lạy nơi đền thiêng, bảo tháp, cội cây giờ đã trở nên hoang lạnh. Rất nhiều gia đình đã quy giáo Đức Thế Tôn. Rất nhiều Tỳ Khưu, Sa Di xuất thân từ những gia đình danh giá, cao sang ở đây. Chỉ riêng Bà Sàrì là khư khư bất động .

Dừng chân dưới những tàn cây gừa cổ thụ, Chư Tăng tìm nước rửa mặt, tay chân. Trời đã về chiều, khói hoàng hôn bảng lảng xa gần giữa những vườn xanh trùng điệp, làng quê trông thật yên ả, thanh bình – nơi đây đã một thời Tôn Giả lớn lên, học hành, suy tư và trưởng thành… Tất cả trở nên mồn một trong ký ức. Bây giờ Tôn Giả đã là một con người khác, rất gần mà cũng rất xa con người cũ ấy. Dường như Ngài không còn dính bất kỳ một quê hương nào nữa cả, lý lịch cũng không mà tên tuổi cũng không, đã bước ra ngoài tất cả mọi hiện tượng, mọi quy ước trên trần thế…

Có một đứa trẻ dừng lại ngắm Chư Tăng với đôi mắt đầy thân thiện. Khi hỏi ra mới biết đó là cháu trai của Ngài, bà nội nó là em của mẹ Ngài, Tôn giả kêu lại và nói :

- Cháu đoán ra ta là ai không ?

- Cháu đoán Ngài là con của bà dì cháu !

- Thế là giỏi ! À, này cháu ! Cháu có biết Bà dì cháu có nhà không ?

- Dạ có a !

- Vậy thì ta nhờ cháu làm giúp một việc nhé ?

- Dạ vâng ạ !

- Cháu vào làng, nói với bà dì như thế này : “Con trai trưởng của Bà dì, Sa Môn Xá Lợi Phất đang về đến đầu làng”. Cháu nói thế có được không ?

- Dạ được !

- Hãy nói như thế này nữa : “Sa Môn Xá Lợi Phất sẽ xin ở trong nhà Bà dì một ngày. Vậy xin Bà dì sửa soạn, sắp xếp căn phòng mà thuở xưa con trai trưởng của Bà dì chào đời. Ông ta sẽ xin được ở lại đấy ! Ngoài ra, xin Bà dì hoan hỷ sắp xếp chỗ ở cho năm trăm vị Tỳ Khưu nữa! Năm trăm vị, cháu nhớ không ?”

Y lời, trẻ Uparevàta chạy vụt đi, đến nhà Bà Sàrì :

- Thưa Bà dì, con trai trưởng của Bà dì đã về đến đầu làng. Lòng người mẹ rất thương nhớ con, nghe vậy rất vui, nhưng lời lại rất xẵng :

- Nó về đây làm gì ?

- Thưa, Ngài không về một mình mà có cả trăm vị Tỳ Khưu nữa!

- Làm gì mà đông dữ vậy ! Bắt “con mọi già” này hầu hạ chúng chăng ?

Đứa bé vẫn vô tư :

- Bà dì phải sửa soạn căn phòng thuở xưa Ngài chào đời cho Ngài ấy ở. Rồi lại còn phải sửa soạn hơn năm trăm chỗ ở khác nữa đấy. Dường như con trai thứ hai của Bà dì cũng có mặt trong ấy. Đông lắm ! Vui lắm !

Khi đứa bé đi rồi, Bà Sàrì tự nghĩ :

- “Đúng thật là cái thằng ngu ! Lại kéo theo cả bầy, cả lũ đến đây nữa, cái gia đình này giàu lắm ma ! Nó đã không cần, sao còn về đây mà báo hại ? À, hay là nó đã chán cái đời sống không cửa không nhà, muốn về đây trong những ngày tháng cuối cùng để ngủ cho đã, ăn cho sướng, mặc cho ấm ? Rõ là đã quá muộn rồi con ơi, con cũng đã gần bảy mươi tuổi đầu rồi, còn “cá mú” gì được nữa ?”

Bà Sàrì thở dài nhưng cũng sai gia nhân sắp đặt đâu đó tươm tất đàng hoàng. Trời đã tối, bà còn sai gia nhân đốt hàng chục cây đuốc sáng rực, đến đầu làng dẫn Tôn Giả và Chư Tăng về nhà.

Lát sau, Tôn Giả và Chư Tăng bước qua sân gạch rộng thênh thang. Gia nhân đứng lố nhố, thắp đèn sáng rực như ban ngày. Ai cũng muốn nhìn mặt hai người con trai của chủ sau mấy chục năm xa cách.

Tôn Giả bước đến bên Bà Sàrì, cúi đầu xuống:

-Thưa mẹ ! Con đã về !

Bà Sàrì chống gậy lui vào phòng, nói mà không hề ngoái lại :

- Có gì mai hãy nói ! Chỗ ở của ông yêu cầu đã dọn sẵn, chỗ ở cho hơn năm trăm vị Tỳ Khưu đều đâu đó cả rồi, có gì sai bảo, nước nôi, giặt giũ – có gia nhân sẵn sàng túc trực hẳn hòi !

- Cám ơn mẹ !

- Có đứa nào theo về đấy ?

Trưởng lão Cunda đáp kính cẩn :

- Thưa mẹ, con là Cunda. Con cũng về thăm mẹ đây !

- Cám ơn !

Rồi Bà Sàrì đóng phòng lại. Trưởng lão Cunda hướng dẫn Chư Tăng tìm các chỗ ở, chỉ cầu tiêu, phòng tắm v.v… Quả đúng là một cơ ngơi vĩ đại, không thiếu bất cứ một tiện nghi gì. Chư Tăng rất thán phục anh em của Vua Chúa thế này. Nếu Chư Tăng còn biết rõ gia sản hiện kim của gia đình Ngài lên đến chín trăm triệu đồng tiền vàng thì họ còn kính phục đến chừng nào nữa! Tôn giả Xá Lợi Phất bước vào căn phòng xưa, vừa ngồi vào giường là một căn bệnh trầm trọng phát sanh. Trưởng lão Cunda thấy đại huynh trưởng có vẻ đau đớn, ái ngại hỏi :

- Em có giúp gì được cho đại huynh không ?

- Có lẽ đêm nay phải làm phiền em đây !

- Được giúp đại huynh lần cuối này, không dễ gì ai cũng có may mắn ấy !

- Anh bị bệnh tả lỵ đấy em ạ ! Hãy chuẩn bị mấy cái “bô”.

Thế rồi, sau đó Tôn Giả đi tả liên hồi. Trưởng lão Cunda đi vào đi ra hoài với cái bô trên tay. Bà Sàrì thấy phòng con trai còn thắp sáng, lịch kịch có tiếng động, Bà hé cửa nhìn sang. Thấy Trưởng lão Cunda tất tả vào ra, Bà biết chuyện. Cho đến gần nữa khuya, bệnh mới giảm bớt. Bà nghĩ :

- Con trai của ta đi tả liên tục, chắc là đau đớn lắm, nhưng nó không hề rên la lấy một tiếng. Thiệt lạ đời ! cả ông Cunda cũng vậy, cũng lặng lẽ. Sao họ giống nhau đến thế ? Oi ! Người Mẹ này lo lắng cho con mà dường như không dính đến họ được”.

Bà không thể ngủ, cứ chong tai lắng nghe, chong mắt để nhìn.

Lúc ấy, Tứ Trấn Thiên Vương gặp nhau, nghĩ rằng họ phải có bổn phận đi thăm lần chót Bậc Trưởng Lão A La Hán nên đã với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay, hào quang sáng rực, họ hiện trong phòng Ngài, cung kính lễ bái rồi đứng hầu một bên. Tôn giả biết chuyện này nên dùng thần thông để cho Bà Sàrì nghe thấy quang cảnh và cuộc đàm thoại.

Tôn giả hỏi lớn:

- Các vị là ai ?

- Bạch Tôn giả, chúng tôi là Đại Thiên Vương cai quản bốn Châu.

- Các vị đến đây có việc gì ?

- Thưa, thứ nhất là để chiêm ngưỡng thăm viếng Tôn giả lần cuối cùng, thứ hai là đến đây để tôn giả tùy nghi sai bảo.

Tôn giả nói :

- Vậy thì cảm ơn các vị trời đầy oai đức đã bỏ công thăm viếng. Bệnh tình tôi đã thuyên giảm, lại có Trưởng lão Cunda ở đây, khỏi phiền đến các vị. Thời cũng đã phải lẽ, các vị hãy đi đi !

Họ vâng lời, đảnh lễ Tôn giả, rồi như vầng trăng sáng, họ mất hút giữa hư không.

Thiên Chủ Đế Thích, Thiên Vương cõi trời Đao Lợi nghĩ mình phải có bổn phận đưa tiễn Bậc Đại Chưởng Pháp nên với oai nghi, hào quang, thần lực hiện bên giường Tôn giả trong chớp mắt. Cũng qua một hồi đối thoại ngắn, trời Đế Thích cung kính đảnh lễ rồi xin rút lui.

Trời đã khuya, không những trong vườn Bà Sàrì mà dường như cả làng Nàlaka đồng trở nên sáng rực. Đó là các vị Đại Phạm Thiên xuống hầu Tôn giả Xá Lợi Phất, cũng cung kính nghiêng lưng thi lễ và muốn săn sóc bệnh tình cho Ngài. Tôn Giả cảm ơn và rồi họ cũng cáo biệt.

Bà Sàrì chứng kiến từ đầu, thấy rõ quang cảnh và nghe không sót một lời nào, bà nghĩ rằng :

- Không biết những vị nào như các Đấng Thiên Thần oai lực và cao sang như thế lại đến thăm con ta, đảnh lễ con ta rồi nói gì rằng là… hầu hạ… sai bảo nữa? Mà cũng kỳ lạ, là con ta có vẻ lớn hơn họ, là bậc Thầy của họ ?”.

- Bà Sàrì rời phòng rón rén đến tận cửa phòng của Tôn Giả, muốn gặp Trưởng lão Cunda để thăm hỏi bệnh tỉnh. Tôn Giả đã biết chuyện này nên bảo Trưởng lão Cunda mở cửa để Bà Sàrì vào.

Tôn giả Xá Lợi Phất dựa lưng trên chiếc gối, ngồi dậy :

- Đã khuya rồi mẹ chưa đi ngủ sao ?

- Mẹ ngủ sao được khi tả lỵ nó hành hạ con như thế !

- Con đã khỏe rồi Mẹ a !

Bà lặng lẽ quan sát thần sắc Tôn Giả thấy có hư hao nhưng vẫn toát ra cái an nhiên, thanh thản lạ kỳ ! Rồi căn phòng bệnh của tả lỵ, mà sao lại thanh sạch và như tỏa mùi hương (các vị trời âm thầm bỏ lại hương trời, tẩy xú khí).

- Này con ! – bà Sàrì hỏi – Tại sao đã khuya rồi mà có những người đến thăm con như vậy ? Các vị đầu tiên là ai mà oai phong lẫm liệt, oai gấp trăm lần vua loài người, mà chung quanh họ lại sáng rực như có hào quang ? Họ là ai vậy con ?

Chưa trả lời vội, Tôn Giả bảo Trưởng lão Cunda lấy cho mẹ một cái ghế, còn Tôn Giả sửa lại oai nghi, ngồi kiết già rồi mới nói chuyện :

- Thưa me ! Đấy là bốn vị Vua Trời, còn gọi là Tứ Đại Thiên Vương oai trấn bốn châu thiên hạ đấy !

- Bà Sàrì rùng mình, nổi gai ốc : “Hèn gì!” Rồi bà bồn chồn hỏi :

- Họ oai đức như vậy, cao sang như vậy, sao họ lại đến thăm con, cung kính đảnh lễ con ? Có lẽ nào con lại cao hơn họ sao ?

- Thưa me ! Những vị Trời ấy có tâm rất cao thượng, họ hằng hộ trì Phật Pháp. Khi Đức Bổn Sư đản sanh, chính họ tiếp bồng Hoàng tử bằng tấm da mịn. Họ luôn luôn bảo vệ Đức Bổn Sư, như bốn vì Thiên Tướng cặp kè với gươm giáo sáng lòe vậy. Con cũng hay giảng đạo, dạy đạo cho họ nên họ cung kính con, coi con như bậc Thầy !

Bà Sàrì nghe vậy, hoan hỷ đến tận chân tơ kẻ tóc. Móm mém cười, bà hỏi tiếp :

- Còn vị đến sau ? Vị đó ngó bộ oai sang hơn bốn vị trước! Cái thân như tạc bằng ngọc ngà châu báu, hào quang đã sáng mà lại đẹp. Ôi, lại đẹp một cách lạ lùng ! Vị ấy là ai ?

- Thưa me ! Vị đó là Vua cõi Trời ba mươi ba hay còn gọi là cõi Trời Đao Lợi mà người ta hay gọi là Đế Thích Thiên Vương. Vị này cũng còn là Vua của bốn vị kia nữa. Thế gian hay gọi vị này là Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì Ngài có rất nhiều thần lực.

- Vị như vậy mà còn thua cả con sao ?

- Thưa me ! Đối với Tỳ Khưu, đối với chúng con thì vị Trời ấy cũng như một chú Sa Di, một người hầu để sai bảo việc vặt thế thôi !

- Khiếp ! Nghe ông con nói mà khiếp !

Tôn giả mỉm cười :

- Mẹ không tin sao ? Để con gọi Ông Đế Thích ấy xuống đây, sai bảo cho mẹ xem nhé ?

Bà Sàrì chối đây đẩy, xua tay lia lịa :

- Thôi! Thôi ! Mẹ tin rồi ! Thấy oai tướng của ông Trời ấy mẹ đã khiếp rồi ! Mẹ thiếu đức, thiếu phước nên sẽ cúi đầu, run rẩy trước ông ta mà thôi !

Tôn giả giải thích tiếp :

- Có một mùa an cư, Đức Thế Tôn nhập hạ ở cõi Trời ấy về. Chính vị Trời Đế Thích cao sang ấy đã mang y bát cho Đức Thế Tôn, tiễn đưa Đức Thế Tôn đến tận quả đất với lòng thương kính và trân trọng.

- Ồ ! Còn mấy vị đến sau, hào quang sáng cả vùng trông rõ mồn một như ban ngày ? Oi ! Các vị này thân thể như ánh sáng, nhẹ nhàng, thanh cao, và tinh khiết làm sao ! Mới thấy họ thôi mà tâm hồn mẹ đã lâng lâng, mát mẻ vô cùng. Họ là ai vậy con ?

- Thưa me ! Đấy chính là những vị Đại Phạm Thiên, là những bậc Thần Linh Cao Cả mà mẹ tôn thờ đấy !

- Hả ?!!!

Bà Sàrì tròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên quá, miệng dường như không còn ngậm lại được.

Biết mẹ đã khởi tâm tịnh tín, Tôn giả giảng tiếp :

- Vào ngày Đức Bổn Sư xuất thế, có bốn vị Đại Phạm Thiên ở cõi Trời Ngũ Tịnh Cư Thiên, bốn người bốn góc đã căng một tấm lưới bằng vàng mịn tiếp Hoàng tử đấy. Thường thường vào buổi khuya, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe. Không những họ coi Đức Thế Tôn là bậc Thầy Vô Thượng mà họ cũng xem chúng con như Bậc Thầy mà họ hằng ngưỡng mộ, tôn sùng !

Bà Sàrì tâm tư đã hoàn toàn đổi khác, bà nghĩ :

- “Oi ! Ai ngờ rằng con trai ta mà cao cả đến thế, cho đến các vị Đại Phạm Thiên mà giòng tộc ta tôn thờ, lễ lạy, cúng kiến từ đời này sang kiếp nọ cũng ở dưới con ta không biết bao nhiêu bực ! Oi ! Nếu con ta đã là vậy thì oai đức của Đức Thế Tôn kia cao lớn biết dường nào ?”.

Một sự thỏa thích, hoan hỷ tràn ngập tâm tư bà. Tôn giả Xá Lợi Phất ghi nhận được sự diễn biến ấy, và đây là thời tốt đẹp nhất để thuyết cho bà rõ Ân Đức của Tam Bảo.

Tôn giả bèn hỏi :

- Thưa mẹ ! Mẹ nghĩ gì mà khuôn mặt mẹ rạng sáng đến như vậy ?

- Này con ! Không rạng sáng sao được khi con trai của mẹ cao hơn các Ngài Đại Phạm Thiên ? Và chắc chắn rằng Thầy của con, Đức Thế Tôn lạ lùng ấy, rõ đúng là vô biên vô lượng ân đức nhất dưới gầm trời này !

Tôn giả gật đầu :

- Đúng vậy mẹ ạ ! Mẹ đã suy nghĩ rất đúng. Ân đức của một vị Phật thì chính ngay hư không hay biển cả kia cũng không thể so sánh được. Mẹ biết không ? Dễ gì có một Đức Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện trên đời này ? Phải kể đến hằng trăm đại kiếp mới tượng ra được một nhân cách hùng vĩ như thế. Ngày Đức Bổn Sư ra đời, quả địa cầu dày bốn mươi do tuần nay rung chuyển ba lần. Ngày Đức Thế Tôn thành đạo cũng thế. Không những địa đại rung chuyển mà cả hằng vạn cõi trên khắp đại thiên thế giới cũng chấn động như sóng dội !

Thưa me ! Con thì đã có nghĩa gì, mặc dầu giữa thế gian này, con đứng hàng thứ hai sau Đức Phật! Về Phước Đức, về Định Lực, về Trí Tuệ, về Giải Thoát, về Kiến Thức hiểu biết quảng đại, về Phẩm Hạnh, về Công Hạnh, về các Tâm Vô Lượng : Từ, Bi, Hỷ, Xả thì con cũng đã thành tựu khá nhiều, nhưng so với Đức Phật thì có thể ví như hạt cát với biển cát của con sông Đại Hằng, như một hạt bụi so với ngọn Hy Mã Lạp Sơn !

Rồi tuần tự, từ từ, chậm rãi, Tôn giả nói cho Bà Sàrì nghe về ân đức của Phật, ân đức của Pháp, ân đức của Tăng,… làm cho Bà Sàrì như rơi vào vùng biển trời bao la, lạ lùng, choáng ngợp, hùng vĩ, huy hoàng… Thời Pháp chưa chấm dứt mà bà đã đắc quả Tu Đà Huờn, nhập vào dòng Thánh.

Bà Sàrì hoan hỷ quá, hân hoan quá, bà thốt ra lời trong những giọt lệ mừng vui, lần thứ nhất và lần cuối cùng ở trong đời :

- Này Upatissa! Từ nay mẹ không dám gọi xách mé ông nữa, mà mẹ sẽ gọi ông là Tỳ Khưu Upatissa, là Sa môn Xá Lợi Phất ! Một người có ân đức vô lượng vô biên, đã cho mẹ uống được những giọt nước ngọt ngào, đã cho mẹ thấy rõ đường đi nước bước, biết đặt đức tin đâu là đúng, đâu là sai. Oi ! Quý hóa thay ! Này Sa môn Upatissa ! Sao từ trước đến nay ông không chịu dẫn dắt mẹ ? Tại sao trong suốt những năm tháng qua, ông không cho mẹ một sự hiểu biết chơn chánh, bất tử này ?

Tôn giả Xá Lợi Phất hân hoan tự nghĩ :

- “Thế là ta đã báo đáp được trong muôn một ân sinh thành dưỡng dục cho mẹ. Và dấy chính là điều phải làm duy nhất còn lại đối với ta. Vậy mọi bổn phận trên đời này ta đã hoàn tất, đã chu toàn, ta ra đi là phải lẽ, đúng thời”.

Khi Bà Sàrì rời khỏi phòng, Tôn Giả hỏi Trưởng lão Cunda:

- Giờ là canh mấy rồi ?

- Thưa, đã quá canh ba, trời đã rạng sáng.

- Ta muốn nói chuyện với Chư Tăng lần cuối cùng, em triệu tập giúp ta nhé !

- Thưa vâng !

- Ta đã tập trung tất cả mọi sức lực còn lại để nói chuyện với mẹ, giờ ta yếu lắm! Em hãy bảo người khiêng ta ra Nhà Hội, Chư Tăng cũng sẽ tụ họp ở đấy !

- Thưa vâng !

Khi đã an vị đâu đó xong xuôi, nhìn Chư Tăng một cách rất ân cần, Tôn giả nói :

- Tất cả mọi điều đáng nói, ta đã nói hết rồi. Bây giờ ta chỉ xin các Thầy hoan hỷ bỏ lỗi cho ta vì một vài hành vi hay lời nói nào đó mà làm cho các Thầy buồn lòng. Trên con đường tấn tu Phạm hạnh, ai cũng có những sai lầm, không nhiều thì ít. Đây là giây phút cuối cùng, các Thầy hỷ xả bỏ qua cho ta nhé ?

Chư Tăng đệ tử của Tôn giả đồng trả lời :

- Ngài đừng nói như thế mà tội nghiệp cho chúng con. Oi ! Quả thật một sự mếch lòng nhỏ như hạt bụi giữa Ngài đối với chúng con cũng không có ! Với chúng con, Ngài là một viên ngọc mani không tỳ vết, là mặt trăng, là mặt trời lồng lộng giữa không trung ! Dù Ngài có ra đi, có khuất bóng, dấu chân bất diệt và cao cả của Ngài vẫn còn đó. Chúng con nguyện đi theo dấu chân ấy và ghi khắc hình ảnh của Ngài vào tâm khảm. Phải nói ngược lại mới đúng : xin Ngài hoan hỷ xá tội cho những lầm lỡ của chúng con !

- Lành thay ! Tôn giả nói, giọng đã yếu lắm – Hãy lấy Phật làm ngọn đèn, hãy lấy Pháp làm chân lý lên đường, hãy lấy Tăng làm áo giáp ngăn che. Vậy các Thầy sẽ được bình an về nơi cõi miền Giác Ngộ. “Hãy tinh tấn, gia công chuyên niệm, kiên trì chăm chú đừng có xao lãng – đấy là lời dạy cuối cùng của ta”. Các Thầy hãy lui ra !

Cả năm trăm vị Tỳ Khưu, rất nhiều vị đỏ lệ ngậm ngùi nhưng đều vâng dạ, bước ra ngoài, vòng tay cúi đầu hoặc nhìn vào. Bên cạnh Tôn giả chỉ còn ba vị Trưởng lão A-La-Hán, đó là Cunda, Ly Bà Đa và A Nậu Đà La.

Tôn giả ngước nhìn cả ba vị Trưởng lão rồi nói nho nhỏ :

- Giờ là phải thời, cho phép tôi đi trước chư Hiền !

Cả ba lặng lẽ chắp tay, cúi đầu. Tôn giả xoay người nằm nghiêng về bên phải, chân phải duỗi thẳng, chân trái co lên, đầu gối lên cánh tay phải, tay trái bỏ dọc theo thân mình. Trưởng lão Cunda kéo y ngoại phủ chân và đầu Ngài. Lát sau, nhiếp tâm, Tôn giả nhập Sơ thiền, từ Sơ thiền Ngài đi vào Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên thiền, Thức vô biên, Vô sở hữu, Phi phi tưởng rồi đi vào Diệt thọ tưởng định. Từ Diệt thọ tưởng định, một lượt nữa, Ngài xuống lại Sơ thiền. Từ Sơ thiền Ngài lên lại Tứ thiền. Dừng lại ở Tứ thiền, Ngài trú sâu viên mãn vào đại định rồi hoàn toàn đi vào Niết Bàn tịch diệt.

Lúc ấy, vầng thái dương cũng bắt đầu ló dạng ở chân trời như chào đón một Bậc Vĩ Nhân, một Ngôi Sao Sáng đã đi vào vĩnh cửu. Hôm đó là ngày trăng tròn tháng Kattika ở Ấn Độ, vào khoảng giữa tháng 10 và 11 Dương lịch.

Ngài Xá Lợi Phất đã dùng oai lực, công đức tu hành, đạo hạnh của chính mình chuyển tâm Mẹ từ bỏ ngoại đạo và hướng về với Đức Phật rồi Ngài mới thị tịch; đấy là cách báo ân của người Thích Tử. Thật là một gương lành thánh thiện cho người con Phật muôn đời sau.

Đối với Phật Tử ngoài việc cúng dường vật chất, hộ trì Tam Bảo, hằng ngày nên đến chùa tụng kinh niệm Phật, để lập thành công đức hồi hướng cho Cửu huyền Thất tổ, Cha Mẹ quá thế nhiều đời được siêu thoát; Cha Mẹ tại tiền kính tin Tam Bảo .

Nguồn tin: HT Thích Giác Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây