Trở thành
"hiệp sĩ chống mù” từ một chuyến đi
Một buổi chiều muộn đầu năm 1999, Đại đức Thích Minh
Phú nhận được lời mời của một đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cho đồng bào nghèo
ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. "Khi ấy thầy chỉ biết loáng thoáng rằng
Sóc Trăng cách TP HCM khoảng 300km, là một trong những tỉnh nghèo nhất nước và
Vĩnh Châu là huyện nghèo nhất tỉnh.
Một nguyên nhân của cái sự nghèo khó ấy là
do huyện có quá nhiều người mù" - Đại đức Thích Minh Phú, nhớ lại:
"Trong quá trình tặng quà cho bà con nghèo tại xã Hòa Lạc (huyện Vĩnh
Châu) thầy ghi nhận có hơn 100 người mù ở nhiều độ tuổi khác nhau. Thương nhất
là các cháu thiếu nhi, những nam nữ thanh niên phải sống trong màn đêm tăm tối,
cơ hàn đến khốn cùng vì đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng".
Đi sâu tìm hiểu, Đại đức Thích Minh Phú mới rõ căn
nguyên dẫn đến "dịch mù" ở xã Hòa Lạc và tại một số xã khác ở Vĩnh
Châu bắt nguồn từ nghề trồng hành tím truyền thống ở nơi đây. Quá trình tiếp
xúc với phấn hành khiến người lao động bị viêm nhiễm. Nhưng do không được điều
trị đúng phương pháp nên ngày càng nhiều bệnh nhân bị viêm giác mạc, lâu dần dẫn
đến mù lòa.
Vị tu sĩ được người nghèo ở TP HCM gọi bằng nhiều
biệt danh "ông sư chống mù", "hiệp sĩ chống bóng đêm"… trải
lòng: "Chính cuộc sống trong bóng tối ấy đã trói buộc bà con với cái
nghèo, cái khổ triền miên. Muốn Vĩnh Châu thoát nghèo thì phải giúp bà con chiến
thắng bóng đêm, với suy nghĩ ấy mà thầy cùng anh chị em trong đoàn lưu tên tuổi,
tình trạng bệnh tật, hoàn cảnh của từng bệnh nhân ở Hòa Lạc để lên kế hoạch
giúp đỡ họ".
Trở lại thành phố, vị tu sĩ trẻ tích cực sẻ chia những
điều mắt thấy tai nghe với nhiều Phật tử, Mạnh Thường Quân. "Khoảng 1
tháng sau chuyến đi ấy, thầy Phú cùng nhiều anh chị em hoạt động trong lĩnh vực
từ thiện trở lại Vĩnh Châu đưa những bệnh nhân còn khả năng cứu chữa lên TP HCM
phẫu thuật, chữa trị cho họ. Trong năm 1999, thầy và các Phật tử đồng chí hướng
giúp gần 1.000 ca mổ mắt" - bà Cẩm Hồng, pháp danh Hải Chân Thiện, một
trong những người gắn bó thường trực với Hội từ thiện Tổ đình Giác Nguyên, nhớ
lại.
"Chỉ
nguyện nối nhịp cầu nhân ái"
Hữu xạ tự nhiên hương, ngày càng nhiều bệnh nhân nghèo
mắc các chứng bệnh về mắt hoặc gửi thư, hoặc trực tiếp tìm đến chùa Giác Nguyên
tìm gặp "ông sư chống mù" nhờ giúp đỡ. "Càng nhiều yêu cầu giúp
đỡ có nghĩa bà con tin tưởng hoạt động của thầy. Nếu không thể đáp ứng mọi yêu
cầu cần giúp đỡ chữa bệnh hoặc để bệnh nhân phải đợi lâu thì thầy mang nặng cảm
giác mình có tội với sự kỳ vọng của bà con nghèo".
Hiểu được tâm tình ấy của Đại đức Thích Minh Phú, các
anh chị Phật tử cùng nhiều Mạnh Thường Quân gợi ý thầy thành lập Hội từ thiện Tổ
đình Giác Nguyên, để qua đó kết nối hơn nữa nhiều tấm lòng hiệp nghĩa với đồng
bào nghèo khó. Tháng 3/2001, Hội ra đời với mục đích duy nhất, giúp đỡ bệnh
nhân, người nghèo không phân biệt tôn giáo, khoảng cách địa lý.
Đại đức Thích Minh Phú kể, thầy nhớ mãi kỷ niệm về một
bệnh nhân bị đục thủy tinh thể do hoàn cảnh quá khó khăn phải bán suất mổ miễn
phí của mình để lấy gạo lo cho bữa ăn gia đình. Chuyện ấy xảy ra cách đây 2 năm
tại Khoa Mắt, Bệnh viện An Bình: "Sau khi được phẫu thuật, người đàn ông
tên Hùng tâm sự: "Tôi chỉ tốn có hai trăm ngàn (200.000 đồng) mà được mổ dịch
vụ chất lượng cao.
Mổ xong lại được nhận quà của nhà chùa. Hồi trước cũng mổ cườm
mà tốn đến mấy triệu bạc". Hỏi ra các thầy mới biết ông này mua lại suất mổ
của một bệnh nhân. Thầy tìm đến nhà của người bán phiếu nọ và đã hỗ trợ gia
đình anh ta vượt qua lúc khó ngặt".
Không dừng lại đây, thầy Phú còn giúp đỡ xây dựng nhà
tình thương cho người nghèo, nhận cưu mang trẻ mồ côi không nơi nương tựa… Nói
về những việc làm giàu tâm phúc ấy, thầy khiêm tốn: "Là người xuất gia, thầy
chỉ cố làm trọn một điều, đưa thông điệp từ bi đến với mọi người. Còn đồng bào
đau yếu, khó khăn thì thầy còn nối những nhịp cầu yêu thương".
*Trước nghĩa
cử tu hành tốt đời đẹp đạo của Đại đức Thích Minh Phú, vừa qua Chủ tịch nước đã
tặng thầy Huân chương Lao động hạng ba.
Nguồn tin: CAND
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự