Bên kia sông Hồng, nơi huyện Gia Lâm cũ nay là quận
Long Biên, có một ngôi chùa nổi tiếng tên là chùa Bồ Đề. Ngôi chùa này đã cưu
mang nhiều trẻ mồ côi, nuôi dạy các em từ lúc còn đỏ hỏn cho tới khi dựng vợ, gả
chồng. Nhờ tấm lòng từ bi của nhà Phật mà bao đứa trẻ cô đơn, bất hạnh đã được
sống trong che chở và yêu thương, được ăn no, mặc ấm và học hành tử tế để trở
thành người hữu ích. Đạo với Đời vốn là một, có tốt Đời thì mới đẹp được Đạo.
Câu chuyện thứ Bảy tuần này kể lại những điều thú vị về
những việc làm khá bất ngờ nhưng đầy lòng nhân ái, hỉ xả của sư thầy trụ trì
Thích Đàm Lan, người đã hóa giải những mâu thuẫn tế nhị nơi thế tục, góp phần
vãn hồi hạnh phúc cho nhiều lứa đôi.
Mời các bạn
chia sẻ câu chuyện hòa giải và yêu thương của mình với chúng tôi qua địa chỉ
hoagiaiyeuthuong@vietnamnet.vn.
Trụ trì chùa Bồ Đề là sư thầy Thích Đàm Lan, tu hành từ
khi còn là một cô gái trẻ. Một ngày của thầy lúc nào cũng bận rộn. Buổi sáng hỏi
han các cháu ốm đau, phân công việc cho mọi người trong chùa, đặc biệt là các cô
trông trẻ, buổi trưa kiểm tra bữa ăn của các cháu, buổi chiều lo tiếp đón những
người làm từ thiện… Còn buổi tối lại là thời điểm có nhiều khách thập phương,
sau khi thắp nhang lạy Phật, tìm đến thầy xin chén trà và… ít phút nói chuyện.
Câu chuyện của họ thường là những giãi bày đau khổ,
xoay quanh bao mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày. Nào là chuyện con hư, anh
em tranh chấp tài sản, chuyện làm ăn thất bát… Nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là chuyện
lứa đôi, chuyện vợ chồng với bao xung đột, lừa dối.
Ai cũng muốn tìm đến sư thầy để cởi bỏ nỗi lòng một
cách thành thật nhất, thậm chí họ còn giãi bày cả những chuyện thầm kín, khó
nói để nhờ thầy tư vấn, hóa giải tận gốc mọi khổ đau.
Lúc đầu có thể nhiều người e ngại rằng liệu có nên tâm
sự những chuyện này với một ni sư? Thế nhưng chính sự nhân từ, thấu hiểu căn
nguyên hạnh phúc, khổ đau của một người tu hành; kinh nghiệm của một người chủ
gia đình, một người “mẹ” có hàng trăm đứa con nuôi, phải chăm cho chúng từ khi
còn đỏ hỏn rồi lại lo dựng vợ gả chồng khi chúng lớn… đã giúp sư thầy Thích Đàm
Lan trở thành một nhà tư vấn đáng tin cậy. Nhưng lời khuyên của thầy luôn là sự
bày tỏ chân thành, đúng đắn, dựa trên nền kiến thức khoa học tâm linh của nhà
Phật để giúp mọi người vượt qua những đau khổ đời thường.
Đau khổ vì
tình
Chẳng hạn có cô gái nhìn thấy người yêu mình tình tứ với
cô gái khác trên đường cảm thấy ghen tuông điên loạn, suy sụp tinh thần, đau khổ
đến mức muốn tự tử. Sư thầy tư vấn rằng: "Duyên chỉ đến thế thôi, cõi đời
này còn nhiều người yêu thương. Mình để tâm đến cái chuyện nhỏ nhặt đó là quá
hèn kém. Như thế coi như là đã hết duyên rồi, không cần phải đau khổ làm gì."
Hay như chuyện về một anh chàng nọ, 9h tối phi xe từ Hải
Dương lên gõ cửa nhờ thầy hóa giải. Chuyện là anh đã có vợ con và anh cũng đã từng
yêu thương vợ mình hết mực. Thế nhưng ở cơ quan, anh lại bị gán ghép với một cô
gái khác.
Dần dần anh si mê, có quan hệ quá mức với cô gái đó, không thể nào dứt
ra được, đến nỗi anh gọi điện cho người khác thì lại bấm số cô gái này. Mỗi
tháng anh hết 3 triệu đồng tiền điện thoại. Về nhà nằm cạnh vợ anh chẳng còn cảm
hứng gì, tựa như nằm cạnh khúc gỗ.
Sư thầy khuyên răn anh rằng: "Con hãy coi đó như
là cái nghiệp chướng của mình, hãy hình dung là nếu con cứ chạy theo si mê mù
quáng thì tai họa lớn sắp giáng xuống đầu con. Con hãy cảm nhận niềm hạnh phúc
có vợ có con, về nằm cạnh vợ hãy nhớ lại thuở mới yêu ban đầu, nhìn vào sâu ánh
mắt vợ để cảm nhận được tình nghĩa vợ chồng…" Nhờ có những lời khuyên đó
mà anh chồng như được giác ngộ, chẳng mấy lâu sau gọi điện cảm ơn thầy vì đã
giúp mình thoát khỏi con đường lầm lạc.
Càng nghĩ
càng dễ…tắc
Một cặp vợ chồng khác lấy nhau không có tình yêu. Chồng
chỉ say mê làm khoa học, không đoái hoài gì đến vợ, nằm với nhau cũng như
không. Tuổi xuân của người vợ cứ lặng lẽ trôi đi trong ngậm ngùi nước mắt.
Đến
lúc chồng về hưu thì vợ cũng đã... 55 tuổi. Lúc này chồng rảnh rang công việc, đòi
hỏi vợ chuyện gối chăn trong khi người vợ lại không còn khả năng đáp ứng. Vợ
chán nản, đau khổ, buồn bực. Thầy lại phải tìm cách hóa giải, khuyên răn vợ chồng
hãy tìm các thú vui tinh thần khác chứ không phải chỉ coi trọng thú vui xác thịt.
Sư thầy và một trong rất nhiều những
"con nuôi" của mình
Thầy kể rằng: Hóa giải các cặp vợ chồng trẻ thì còn dễ
bởi lúc đó nhu cầu đỏi hỏi gần gũi họ còn lớn, chứ khó nhất vẫn là các cặp vợ
chồng già. Bởi vậy điều quan trọng là vợ chồng phải biết tự làm mới, thường
xuyên trao đổi tâm tình, khen ngợi nhau bằng những lời ái ngữ. Trong quan hệ vợ
chồng cũng không nên để xa cách nhiều quá!
Nhờ có những lời khuyên của thầy mà đã có biết bao câu
chuyện cố tích diễn ra giữa đời thường. Nhưng kỳ diệu nhất có lẽ vẫn là chuyện
về các cặp vợ chồng cố gắng để có con. Nhiều đôi lấy nhau một thời gian dài vẫn
không sinh được, đi khám cũng chẳng ra bệnh gì, đành dắt nhau đến nhờ thầy tư vấn.
Và dựa vào giáo lý khoa học của đạo Phật, thầy đã bày cách tịnh tâm, giải tỏa
tinh thần, thông tắc các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là các bộ phận “nhạy cảm”.
Điều quan trọng là tinh thần phải thoải mái, thì quan
hệ vợ chồng mới có thể thoải mái, sinh ra một chất tốt để có thể có con. Nếu suốt
ngày chỉ lo nghĩ, buồn rầu, căng thẳng thì tự cơ thể sẽ bị tắc, làm gì cũng
không nổi chứ đừng nói là muốn có con.
Thầy nói đùa rằng: “Tắc đường đã thấy mệt
mỏi huống chi là bị tắc người.” Nhờ hiểu được điều sư thầy tư vấn mà nhiều cặp
vợ chồng hiếm muộn đã được đón nhận niềm hạnh phúc làm cha mẹ.
Lời khuyên cuối cùng thầy muốn dành cho các cặp vợ chồng
cũng là một trong những giáo lý của nhà Phật. Đó chính là trước khi muốn hóa giải
mối quan hệ với ai, thì hãy tự hóa giải chính bản thân mình. Hãy sống an nhàn, thảnh
thơi, tự do tự tại, hài lòng với những gì trời phật đã ban cho mình. Mắt
nhìn thấu được trời cao, tai nghe tiếng chim hót, mũi ngửi được hương trầm, lưỡi
nếm được pháp vị…thế là đã đủ hạnh phúc rồi.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự