Khán giả Việt Nam biết đến và bắt đầu yêu thích Charlie Nguyễn qua bộ phim Dòng máu anh hùng, trong lần trở về nước đầu tiên để làm phim của anh năm 2007. Dòng máu anh hùng đã đoạt giải thưởng của Ban giám khảo tại Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương – Los Angeles lần thứ 23, giải Bông sen bạc (không có giải vàng) tại Liên hoan phim Việt Nam và Giải Mai vàng 2007. Hai năm gần đây, Charlie Nguyễn ghi dấu ấn sâu đậm với những bộ phim tình cảm hài doanh thu “khủng” như Để mai tính, Long ruồi. Hiện anh đang làm hậu kỳ cho bộ phim mới nhất Cưới ngay kẻo lỡ, sẽ ra mắt khán giả Việt Nam dịp 30/4.
Gặp Charlie Nguyễn trong một khung cảnh vội vàng kỳ lạ, khi anh đang ở sân bay, vừa check in xong để chuẩn bị về Mỹ. Áo (hoa) màu cam, quần jeans, vai đeo ba-lô và tay cầm một cốc cà phê “take away” - quả thật nếu không có chòm râu đặc trưng và ánh nhìn từng trải, có lẽ anh đã lẫn lộn hẳn trong những cậu trai mới lớn đang háo hức trước cuộc hành trình vĩ đại đầu tiên.
Ở sân bay, người ta thường chào nhau, ôm nhau, chờ đợi nhau hoặc tìm kiếm nhau. Ở sân bay, không ai nói nhiều, hoặc có chăng, chỉ là những lời nhắn gửi. Nhưng Charlie Nguyễn đã thử nói nhiều trong cái khoảnh khắc chuẩn bị rời đi ấy, về những điều anh nghĩ, anh tin, anh có, hay cũng có thể là anh mong.
Dù đã được “cảnh báo” trước, nhưng nói chuyện với Charlie một hồi, lại không thể ngăn anh không nói về thiền và tâm. Cố tình lái câu chuyện sang một lối khác, được một lúc anh lại lôi tất cả trở về với tĩnh và không. Có cảm giác quanh anh đang bao phủ một sự tĩnh tại tự thân kiên định, đủ sức đưa anh lướt trên những hỉ, nộ, ái, ố thường tình. Thật khó để nghĩ hay tin rằng người đàn ông mặc áo hoa này, giữa khung cảnh nhộn nhạo đó, từng làm những bộ phim đậm chất giải trí có doanh thu “khủng” kia, lại cứ lặp lại hai chữ: “chấp nhận”!
Còn mấy mươi phút nữa là anh lên máy bay về Mỹ.Bâygiờ vẫn là “về Mỹ” chứ?
Ừ, vẫn là “về Mỹ”, chưa hề có cảm giác là “đi Mỹ” dù bây giờ thời gian tôi sống ở Sài Gòn có khi còn nhiều hơn. Gia đình, giấy tờ, bao nhiêu hóa đơn của tôi vẫn ở Mỹ mà. Nhưng ngược lại, tôi cũng có cảm giác là “về” với Sài Gòn nữa, càng ngày tôi càng có nhiều công việc ở đây. Có lẽ những ranh giới trong lòng đã lẫn lộn nên những biên giới về địa lý cũng dần bị xóa mờ.
Vậy nếu không có công việc ở Sài Gòn nữa, liệu anh có còn “về”?
Khi đi đến một nơi này, tôi lại nhớ nơi kia, kiểu như “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa” vậy. Tôi hay nhớ những điều rất bình thường của Sài Gòn như nếp sinh hoạt hàng ngày, đồ ăn, những khuôn mặt người… Nên chắc vẫn sẽ về chứ, về hoài. Nhưng về bên này rồi thì thỉnh thoảng lại nhớ quay quắt cảm giác lái xe ở Mỹ, nhớ hiệu sách, nhớ rạp hát, nhớ những tiện nghi, nhớ nụ cười của con gái… Nhưng nói chung, chỉ có những sợi dây tình cảm mới đủ sức ràng buộc mình, níu kéo mình gắn bó với một nơi chốn nào đó, những thứ khác rồi cũng sẽ thành không mà thôi.
Ở hiện tại, hạnh phúc thật sự của anh là gì?
Là thiền.
Là trốn vào một nơi vắng vẻ và ngồi yên nhìn lá rơi?
Không, không cần phải trốn đi đâu cả. Chỉ là thái độ thiền của mình khi làm một việc gì đó hay đối mặt với một vấn đề nào đó, trong lòng nhẹ nhàng, trong tâm bình yên, cảm nhận trọn vẹn cuộc sống như nó đang là trong giây phút hiện tại. Hoàn toàn tự do, tự tại. Với tôi đó là hạnh phúc thật sự, bởi hạnh phúc này tự đến từ bên trong mà không đòi hỏi điều kiện gì, trong khi hạnh phúc gia đình hay hạnh phúc trong tình yêu, muốn có được cũng phải đi kèm với bổn phận và trách nhiệm. Khi thiền, tôi trân trọng mọi thứ, nhưng cũng xem mọi thứ như không, để mình không phụ thuộc, không bị khổ, không dằn vặt vì những mong muốn ở bên ngoài mình.
Thái độ sống ấy quả thật là mơ ước của rất nhiều người trong nhịp sống hối hả này, nhưng có phải trải qua điều gì thì anh mới ngộ ra không, hay chỉ đơn giản là một sớm thức dậy…?
Trước tiên và quan trọng nhất, mình phải muốn cái đã, muốn được tự do, tự tại
và cân bằng. Tôi đã muốn điều đó trong nhiều tháng nhiều ngày. Và cái muốn đó
phải là vô điều kiện. Mình không cần phải có cái này cái kia mới thấy vui, mà
mình tự vui với cái đang là, không cần đợi đến khi nó sẽ là mới thấy vui, mình
không cần mọi thứ phải khác đi, mình chấp nhận và trân trọng trạng thái hoàn
hảo của mọi sự ở hiện tại.
Nếu không thì trong lòng mình sẽ dấy lên những vấn đề ngay. Chẳng hạn bây giờ giá xăng tăng, lạm phát cao, nhưng đó là sự thay đổi tất nhiên và có đầy đủ lý do của nó. Vấn đề còn lại của chúng ta là chấp nhận, để không thấy phiền.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự