Chọn con đường từ bỏ
Vị Đại đức trẻ ấy là thầy Thích Hạnh Hiếu, Phó Thư ký BTS GHPGVN Q.10 (TP.HCM), trú xứ chùa Bửu Đà. Thầy sinh năm 1985, trước khi xuất gia vào năm 2007, thầy cho biết: “Tôi vẫn chưa hiểu nhiều về Phật giáo, nhưng một lần xuống TP.HCM nhận hàng, đến thăm Việt Nam Quốc Tự thì thấy mến chùa, thương Phật nên đã quyết định xuất gia”.
Bạn bè và người thân khi biết thầy quyết định xuất gia cũng “không hiểu chuyện gì đang xảy ra” bởi công ty vẫn đang phát triển, bản thân giám đốc cũng đang làm việc tốt... Riêng thầy thì hiểu “nhân duyên đã đến” nên niềm mong ước xuất gia thôi thúc trong lòng. Thế là thầy khăn gói ra đi sau khi nhiều lần thuyết phục gia đình, giao công ty cho những bạn thân tín điều hành để “chọn một con đường khác” có thể giúp mình thực hiện chí nguyện lớn hơn. Thậm chí lúc đó, thầy còn chưa biết người nam muốn xuất gia thì phải tới chùa Tăng nên đã tới... chùa Ni để “xin cho con được xuất gia”.
Thầy kể, “Lúc đó, NS.Thích nữ Như Tri (trụ trì chùa Từ Ân) đưa tôi tới gặp cố HT.Thích Như Thọ, Trưởng BTS PG Q.10, trụ trì chùa Bửu Đà để gửi gắm và sau khi đã kiểm tra kỹ nguyện vọng, Hòa thượng nhận tôi vào chùa Bửu Đà cho tập sự xuất gia”. Hỏi thầy, sao quyết định nhanh như vậy, có khi nào thấy... hối tiếc không, và thầy quả quyết là không, vì không hiểu sao, khi đến Việt Nam Quốc Tự nghe Bát-nhã Tâm kinh đã khiến thầy ngộ ra con đường mang lại giá trị cho mình chính là con đường xuất thế chứ không phải “ở bên ngoài”.
Từ đó cho đến nay đã 8 năm kể từ ngày nương cửa thiền tu học, ĐĐ.Thích Hạnh Hiếu đã được Hòa thượng bổn sư tin tưởng giao phó nhiều Phật sự quan trọng ở chùa. Ngay khi mới xuất gia, thầy đã đề xuất chùa tổ chức hỗ trợ sĩ tử đi thi nơi ăn, ở, đón đưa - giúp cho các em ở quê nghèo đến thành phố dự thi đỡ lo lắng, thi cử được tốt hơn. Sở dĩ có tâm nguyện như vậy vì “tôi cũng từng là sĩ tử nên tôi hiểu các bạn rất cần được tiếp sức”. Cũng với lý lẽ đó mà thầy đề đạt với sư phụ mình yểm trợ nơi ăn chốn ở, đóng tiền học phí cho một số bạn sinh viên thực sự nghèo khó có cơ hội tới trường tốt hơn.
ĐĐ.Hạnh Hiếu chia sẻ: “Hòa thượng Như Thọ, bổn sư của tôi cũng là người có mong ước làm việc đó nhưng trước đó chưa ai đứng ra đề xuất và thực hiện nên Người chưa làm. Do đó, khi tôi mong muốn được làm việc tiếp sức mùa thi, giúp cho các bạn trẻ, sinh viên học hành để làm người tử tế sau này thì Hòa thượng đồng ý ngay. Đó là duyên lành cho tôi làm việc...”.
Từ đó cho đến nay, năm nào nhà chùa cũng tiếp sức 70-80 sĩ tử và người nhà tới chùa ở trong suốt 10 ngày dự thi tuyển sinh tại TP.HCM. “Kinh phí cho hoạt động đó do chùa tự túc, có khi lên tới trên 100 triệu, nhưng được cái thấy các em an tâm thi cử nên mình cũng hoan hỷ tiếp tục làm”, ĐĐ.Hạnh Hiếu bộc bạch. Còn những sinh viên nương “bóng từ bi” chùa Bửu Đà để học đại học, cao đẳng hiện có 6 bạn, được chùa lo ăn ở và đóng học phí, có một nhóm đã ra trường sau khi được tiếp sức mùa thi, được chùa nuôi ăn học đã trở thành Phật tử thuần thành, thỉnh thoảng vẫn về chùa để viếng thăm, nguyện sống tốt giữa cuộc đời...
Tiếp nối thầy tổ và gửi gắm...
Cách đây một năm, HT.Thích Như Thọ viên tịch do bệnh duyên, ĐĐ.Thích Hạnh Hiếu cho biết rất buồn nhưng nhớ lời thầy dạy nên Đại đức cố gắng làm những việc thiện mà trước đó đã được thầy mình giao phó. Hơn thế, thầy nguyện nỗ lực tu học đàng hoàng để trở thành một “sứ giả Như Lai”, làm hình ảnh mô phạm cho người học Phật, nhất là người trẻ, giúp cho giới trẻ hiểu đạo.
Nhờ trước đó đã học công nghệ thông tin nên thầy sử dụng sở học ấy của mình cho việc hoằng pháp. Thầy lập trang web chùa Bửu Đà (www.chuabuuda.com) và trực tiếp quản trị. Thầy cũng là ủy viên Ban Thông tin-Truyền thông của PG TP.HCM, và trong công tác truyền thông Phật giáo, thầy nói: “Tôi nghĩ, đối với người học Phật không nên có những bài viết đả kích, chỉ trích đồng đạo hay bất cứ hiện tượng nào. Nếu có góp ý thì người viết nên dùng ái ngữ, sử dụng nghệ thuật từ bi, quán chiếu sâu nhân quả... để giúp người nhận ra điều chưa đúng”. Chính vì vậy, trên trang nhà của chùa, thầy không cập nhật những bài viết, thông tin gay gắt theo nghĩa đó mà chỉ là những hướng dẫn sống tốt, sống thiện cho người đọc.
Hiện có nhiều Tăng Ni trẻ tham gia mạng xã hội, trên quan điểm của một người có chuyên môn về công nghệ, lại là một thầy trẻ, ĐĐ.Hạnh Hiếu chia sẻ rằng: “Nếu sử dụng chừng mực và có nghệ thuật thì sẽ giúp ích cho việc hoằng pháp. Tuy nhiên, nhiều thầy, cô cứ thích đưa hình cá nhân, những hình lưu niệm hơi nhạy cảm này nọ... sẽ khiến nhiều người có bình luận không hay, sinh ra thị phi, sai đúng, dễ tạo ra những luồng dư luận không hay về người tu, về đạo Phật”.
Vì thế, thầy không bao giờ dùng mạng xã hội để đưa hình ảnh hay bàn tán chuyện thị phi, công việc giúp người, hoằng pháp đối với thầy cũng là... tùy duyên. Bởi theo thầy, mình đã chọn từ bỏ tất cả để xuất gia thì phải lấy trí tuệ, sự giải thoát làm sự nghiệp chứ không phải để tìm kiếm một danh, lợi khác từ cửa Không.
“ĐĐ.Thích Hạnh Hiếu rất năng nổ, nhiệt tâm, nhiệt tình, có nhiều đóng góp về các công tác Phật sự của quận và chùa. Là thầy trẻ, nên khi được giao nhiệm vụ gì đó thầy đều làm rất tốt. Thầy ấy được Phật tử yêu quý và rất tích cực trong công việc thiện nguyện liên quan đến giới trẻ trong nhiều năm nay”.