Đến với khóa tu, các thiền sinh được quý sư cô hướng dẫn về cách ăn cơm im lặng, làm việc im lặng… Im lặng để tận hưởng hạnh phúc của cái đang là hiện hữu trước mặt mình.
Thiền sinh trẻ được nghe pháp thoại, làm sao có mặt trong hiện tại, lắng nghe như thế nào để thương cho có hiệu quả, có đoạn thầy chia sẻ - khi người thương của mình có những cái không dễ thương với mình, lúc đó tự nhiên mình không thương người ta như lúc ban đầu nữa, như vậy rất uổng cho công sức tu tập của bản thân. Ta phải biết, ai cũng có những sai lầm, không nên chỉ nhìn vào một vết đen mà phủi sạch trơn những cái tốt đẹp dễ thương của họ, như vậy là ta không công bằng, mà cái mình cần làm là phải thương họ nhiều hơn nữa.
Hoặc khi ba mẹ la mình, mình phải ngồi yên và lắng nghe những lời của ba mẹ nói, sau đó mình có thể rót nước mời ba mẹ uống. Tình thương đôi khi không cần nói nhiều mà chỉ cần hành động.
Đặc biệt, trong giờ vấn đáp, thiền sinh được quý thầy cô trẻ trả lời những đề tài “nóng” mà các bạn trẻ đang rơi vào như câu hỏi của một anh: Khi mình bị “rung rinh” trước một người, người ấy cho nắm tay, rồi cái tham của mình còn muốn nhiều hơn nữa thì lúc đó phải làm sao?
Lúc đó mình phải dựa vào hơi thở chánh niệm, và giữa hai người phải có những quy định, nguyên tắc chung cho cả hai - quý thầy cô trẻ chia sẻ câu hỏi.
Phải nhìn lại xem mình đã biết yêu thật sự chưa, vì tình thương mới là tình yêu thật sự? Khi gặp đối tượng làm mình bị “rung rinh” thì phải nhận diện mình thương cái gì ở họ, nhận diện toàn bộ về con người họ, họ cũng có những cái chưa được dễ thương thì mình có thương được họ không? Rồi gia đình của họ, những khác biệt đó mình có thương được không.
Tiếp đến mình phải biết nuôi dưỡng đối tượng mình thương và gắn liền theo năm tháng, để đến khi gặp những trở ngại, những khó khăn vụn vặt thì đều vượt qua, quý thầy cô trẻ ân cần nhắc nhở.
Trong tu học hay làm bất cứ việc gì, cái quan trọng là mình phải thực tập, mình phải nghiêm khắc với chính mình thì mình mới tiến bộ được. Con người mình có rất nhiều mong cầu, vì quá nhiều nên không tận hưởng được hạnh phúc. Như khi đi tu là tu cho chính mình chứ cho ai đâu, nên khi thực tập thì phải hết lòng với chính mình, mình có hạnh phúc thì mới giúp người khác được hạnh phúc. Giống như tình thương của mẹ, mình chỉ cần tận hưởng tình thương thôi, chứ không cần phải cố gắng, bởi nó có sẵn rồi, bây giờ chỉ còn việc hưởng thụ và có mặt ngay “bây giờ và ở đây” - chia sẻ trong khóa tu “Năm mới ta cũng mới” được đúc rút lại thành một bài pháp lành như vậy.
Trong khóa tu các thiền sinh còn được ngồi thiền, tụng kinh, thiền hành, thiền buông thư, thực tập làm mới, lễ đón năm mới và kết thúc khóa tu với Hội chợ xuân mang hương vị quê hương.