Như các năm, hè này, thiền viện lại mở rộng cửa đón
nhận hàng chục em nhỏ lên đây tu tập phật pháp. Học
tự lập, rèn kiên nhẫn. Chỉnh
tề với bộ quần áo được thiền viện phát cho, em Nguyễn Quốc Khánh, 11 tuổi nhà ở
Kim Mã Thượng (Hà Nội) cho biết bố mẹ cho em lên đây học tập, sinh hoạt đã được
ba ngày. "Lúc đầu cũng hơi khó khăn vì không khí ở đây im ắng quá, mấy món
ăn ở thiền viện có món ngon, có món ăn chưa quen" - Khánh hồn nhiên, không
giấu giếm.
Trong một giờ học chữ Hán ở Trúc Lâm
thiền viện
Lý
do bố mẹ gửi cậu lên đây là: "Ở nhà em hay "nghiền" game, tính
lại hơi nóng nên bố mẹ muốn em học tính kiên nhẫn và biết kiềm chế hơn".
Còn với Nguyễn Thanh Quân, 15 tuổi nhà ở Tây Hồ (Hà Nội), lý do bố mẹ gửi
em lên đây là vì muốn cho em sống với thiên nhiên, môi trường trong lành
để rèn luyện sức khoẻ và làm quen với cách sống tự lập, học tính kiên
nhẫn.
Cô
Nguyễn Thị Thanh, mẹ Quốc Khánh và Việt Anh cho hay, hè đến gia đình đã lên
lịch sinh hoạt cụ thể cho con. Ngoài đi biển, du lịch sinh thái, cô đã tìm hiểu
khá kỹ lưỡng trước khi cho Khánh lên đây tu tập: "Phật pháp gần gũi với người
Việt. Mục đích gia đình mình gửi cháu lên thiền viện là để cháu rèn luyện đạo
đức, học lễ nghĩa - những phép tắc truyền thống của ông cha ta mà trong cuộc sống
thường ngày bản thân gia đình, đôi khi còn bỏ qua chưa giáo dục cho
cháu".
Lên
đây cũng là cách bố mẹ cho Việt Anh (anh trai của Quốc Khánh) có thời
gian nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý để sắp tới bước vào lớp 12 với nhiều mục tiêu lớn:
đỗ tốt nghiệp THPT và ĐH Ngoại thương Hà Nội.
5 năm
từ ngày thiền viện Trúc Lâm mở cửa đón phật tử hành hương về, cũng là chừng ấy
thời gian thiền viện đón nhận các em nhỏ được bố mẹ gửi lên đây tu tập phật pháp
mỗi khi hè đến. Sư thầy Thích Trúc Thông Đức, Ban tri khách bộc bạch: "Chúng
tôi rất vui khi đón nhận các em. Lên đây các em sẽ được hướng dẫn về nề nếp của
quý thầy, quý cô từ đó các em sẽ hình thành được ý thức tự giác, sinh hoạt điều
độ mỗi ngày".
Sư
thầy Thích Trúc Thạnh Phước, người hướng dẫn tu tập cho nhóm cư sĩ đa lứa tuổi
cho biết, hiện thiền viện tiếp nhận 13 em nhỏ được gia đình gửi lên nhờ các thầy
dạy dỗ. Các em đến từ nhiều nơi (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hoá). Thiền
viện luôn mở rộng cửa đón tiếp các em cũng như mọi người có nhu cầu và mong
muốn lên đây tìm hiểu về phật pháp.
Ngoài
học ngồi thiền, tụng kinh các em nhỏ ở đây cũng được dạy tiếng Anh, tiếng Pháp
và chữ Hán. Các em trai, gái học chung một lớp nhưng có khu sinh hoạt riêng...
Từ
khi lên thiền viện, Khánh phải học cách làm quen với việc không có máy tính nối
mạng, không trò chơi điện tử, không sử dụng điện thoại. Em cười tươi, nói:
"Giờ thì em đã quen với việc sáng dậy phải tự mình gấp chăn màn gọn gàng, ăn
cơm xong phải tự rửa bát và giặt quần áo nữa".
Ngoài học tập, các em cũng tham gia
các công việc nhổ cỏ, chăm sóc cây cối trong thiền viện
Xa
bố mẹ, cũng nhớ lắm nhưng như Quân tâm sự: "Vì lịch học tập, rèn luyện ở đây
kín cả ngày nên em chỉ nhớ nhà ít ít thôi".
"Lúc
đầu các em vào đây cũng nghịch lắm. Nhưng sau vài hôm, em này nhìn em kia rồi
học theo nhau nên thích ứng khá nhanh với sinh hoạt trong thiền viện"- Sư
thầy Thích Trúc Thạnh Phước tâm sự.
Những
ngày tập làm tăng
Kể
về kỷ niệm của mình ở thiền viện, Khánh lảnh lót: "Em nhớ nhất là lúc gặp
phải con rắn trên lối dạo quanh thiền viện. Chẳng biết nó từ đâu, bò ngay ra chặn
lối đi của em. May mà có các anh lớn hơn đi cùng giúp đỡ đuổi con rắn đi".
Thời gian đầu, các em cũng rất bỡ ngỡ
với sinh hoạt ở thiền viện. Ngay cả bộ quần áo nâu sồng cũng đặc biệt, khác xa
với quần áo "siêu nhân", rô bốt mà các em thường mặc.
Còn
với Việt Anh, anh của Khánh: "Em vui nhất vì luôn là người ngồi thiền giỏi
nhất trong mấy anh em".
"Vậy
mà tối qua anh ấy vẫn thua em đấy"- Quân xen vào: "Mọi khi em chỉ
ngồi được gần 30 phút là mỏi gối, đau lưng, phải nghỉ giải lao thì tối qua, lúc
ngồi thiền tự nhiên em nhớ tới mẹ, nhớ lời mẹ dặn phải học cách kiên trì nên em
cố. Thế là ngồi được hơn 1 tiếng. Lúc ra, ai cũng kinh ngạc".
Dù
khoảng thời gian ở thiền viện khá ngắn ngủi, chỉ còn vài ngày nữa các em sẽ
được bố mẹ đón về, song Anh, Khánh, Quân và nhiều bạn nhỏ ở đây đều khẳng định
mình đã học được nhiều bài học thật bổ ích: về tình yêu với thiên nhiên, cây
cỏ, với con người, rèn luyện tính kiên nhẫn, cần cù và tự lập.
Trong
thiền viện, các em có lịch sinh hoạt khá ổn định: Sáng 3h30 dậy, ngồi thiền đến
5h, 6h ăn sáng, nghỉ ngơi đến 9h đi học, 11 giờ ăn cơm trưa, nghỉ ngơi đến 1h30
chiều rồi đi học đến 3h30 (và một ca tiếp theo từ 3h30-5h chiều).
Chiều
tụng kinh từ 6h-7h tối, từ 7h30 đến 9h các em ngồi thiền, sau đó về nghỉ ngơi,
học tập. Các em cũng được giao cho các công việc như quét nhà, nhặt cỏ.
Nguồn tin: theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự