“Nghỉ hè” ở chùa

Thứ năm - 16/07/2009 17:52
Mùa hè bây giờ đối với nhiều học sinh không chỉ “đấu vật” với sách vở, ôn luyện, cũng không chỉ đắm chìm trong những trò game hấp dẫn… Không gian tịnh tâm và những bài học bổ ích nơi cửa Phật nay được nhiều phụ huynh tin tưởng, gởi gắm con em mình trong những ngày hè sôi động.

Chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM) đã trở thành một trong những địa điểm ưa thích cho thanh, thiếu niên từ khắp mọi miền đất nước đến sinh hoạt trong khóa tu mùa hè. Khóa này dành cho các bạn trẻ ở độ tuổi 13-25, kéo dài trong một tuần, và mỗi năm chỉ có một khóa. Chỉ cần có giấy tờ tùy thân, áo tràng, áo lam là các bạn trẻ có thể tham gia “kỳ nghỉ” đặc biệt này mà không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào. Khóa đầu tiên được chùa tổ chức vào năm 2005 với quy mô 500 bạn, đến khóa 4 năm 2008 có đến 3.200 bạn trẻ đăng ký!

Do cơ sở vật chất có hạn nên khóa hè 2009, chùa Hoằng Pháp chỉ nhận đăng ký 3.500 chỗ học, vì vậy nhiều bạn trẻ đã tranh thủ đến từ rất sớm. Đáng chú ý, trong số đó có cả sinh viên.

Hoàng Văn Việt, sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: “Em đến đây một phần qua lời giới thiệu của bà ngoại em, phần vì em muốn lòng mình được thanh tịnh, thư thả sau một năm chạy đua với bài vở”.

Vì quy định của chùa là đăng ký xong, học viên sẽ ở lại nội trú ngay, Nguyễn Thành Long (quê ở Tây Ninh) thì cứ theo năn nỉ sư thầy cho đăng ký sẵn vì sợ hết chỗ sau khi bạn thi đại học xong. Long cho biết, sau một đôi lần đi chùa tụng kinh cùng bà của mình, Long tự nhận thấy con người mình thay đổi, hướng thiện hơn nên rất muốn tham gia vào khóa hè này.

Tham gia khóa tu mùa hè, các bạn trẻ phải tuân thủ chặt chẽ cách thức, giờ giấc sinh hoạt như một thầy tu.

Chữ “lễ” được nhà chùa chú trọng khắc sâu trong lòng các bạn thông qua bài học đầu tiên về oai nghi, đức hạnh của người phật tử, từ cách đi đứng nằm ngồi, cách xá chào, lễ lạy cho đến lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt thường ngày. Đó là những cung cách ứng xử để chứng tỏ mình là người có lễ giáo, tạo nên sự thân thiện khi giao tiếp với người khác.

Trong thời buổi giới trẻ có nhiều điều kiện vật chất như ngày nay, ý thức biết trân trọng những gì đang có là điều nhà chùa muốn các bạn tâm niệm.

Các học viên phải phụ giúp các sư nấu và tự tay dọn bữa ăn cho chính mình, ngoài ra còn phải biết khấn niệm trước bữa ăn như cách bày tỏ sự kính trọng trước thành quả lao động của những người đã làm ra thức ăn, khắc sâu sự biết ơn và đền ơn cuộc sống bình yên mà các bạn đang có, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước.

Ngoài những giờ niệm Phật còn có những giờ tịnh tọa, là thời gian để các bạn trẻ tập thiền định để tĩnh tâm, lắng dịu và khắc chế sự nóng nảy trong tâm hồn, cũng như giúp các bạn cân bằng lại tinh thần sau những ngày học tập đầy căng thẳng. Hai mươi phút tập thiền ban đầu quả là khó khăn cho những cô, cậu bé đã quen chạy nhảy, nhưng sau đó sẽ trở nên “quen thuộc và rất hữu ích”, như lời nhận xét của Lê Diệu An ở Đồng Nai, người đã tham gia “kỳ nghỉ” đặc biệt này hai lần.

Bên cạnh đó, những buổi pháp đàm luôn để lại ấn tượng trong lòng các bạn trẻ với những bài học mang tính triết lý và nhân văn sâu sắc. Các bài giảng nhằm giúp các bạn trẻ học cách vượt qua những thử thách, cám dỗ trong cuộc sống, nhận thức được những may mắn, hạnh phúc mà từng người được thừa hưởng trong hiện tại.

Khóa học năm 2008, không ít bạn trẻ đã khóc trong buổi pháp đàm mang tên “Bến đỗ bình yên”. Ý niệm của buổi pháp đàm xuất phát từ hai câu thơ: “Biển đời bão tố gian nan/Mẹ là bến đỗ bình an con về”. Bạn trẻ được lắng nghe chính những người bạn cùng lứa tuổi nói về những mất mát của mình, những lỗi lầm đối với cha mẹ và cùng chia sẻ, cảm nhận niềm hạnh phúc, may mắn khi các bạn vẫn còn một “bến đỗ bình yên” để quay về. Ai cũng chợt thấy thương nhớ gia đình khôn xiết…

Một tuần học kết thúc với đêm lửa trại, các bạn trẻ ngậm ngùi chia tay các sư thầy, bạn bè để trở về với gia đình… Ai cũng thấy trong lòng mình có thêm chút gì đó thanh thản, chút gì đó trưởng thành sau những giờ tịnh tâm nơi cửa Phật.

Nguồn tin: MAI BỬU HOÀNG HƯNG (Sggp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây