Trong
phòng khách, mấy vị thiền sư mặc áo vàng đang hướng dẫn nhiều bậc phụ huynh
viết giấy cam kết gửi con vào thiền viện cho tập tu và cai game, cai net, cai
tivi, laptop, điện thoại di động. Ngoài các rông núi tràn ngập thông reo, đám
trẻ nhí đã được nhận vào thiền viện đang tung tăng áo thâm dài cùng khám phá
thiên nhiên.
Lên Tây Thiên cai game, net
Khách đang nhẩn nha, chợt cậu bé người thủ đô nhớ trò chơi điện tử quá, bíu vai
nhà báo, xin cho mượn cái điện thoại di động chơi trò rắn săn mồi. "Cái
trò ấy là hạng bét, nhưng chẳng qua là cháu thèm chơi quá thì muốn chơi tạm
thôi". Người tập tu, kể cả trẻ em lẫn người lớn, khi lên thiền viện, điện
thoại di động tất tật bị "lưu kho" bao giờ xuống núi sẽ trả.
Tôi lưỡng lự, thầy trụ trì đã đặc cách cho nhà báo được mang điện thoại di động
theo rồi, không lẽ...? Cậu bé phụng phịu, tiếp: "À, mà thôi, cháu không
mượn nữa đâu. Chú biết không, mỗi lần ngồi thiền hay nghe giảng kinh Phật, cháu
đều cầu Phật phù hộ làm sao để cháu có thể quên được trò "Đột kích".
Cháu mê chơi đến mức không thèm ăn cơm, đến mức mẹ cháu phải khóc cơ mà. Vì
cháu mải chơi không chịu học, nên bố mẹ cháu phải đưa cháu lên đây "tu
luyện" đấy. Trò "Đột kích" mới chú không biết được đâu, bây giờ,
phiên bản mới, người ta thả cả yêu quái vào nữa, đánh "phê" lắm. Cháu
học ở Trường Tiểu học Lômônôxốp chỗ Mễ Trì ấy, chú ạ".
Bố
mẹ thằng bé sượng sùng ngồi ở ghế đá, cứ nhìn thẳng xuống mũi giày của mình. Mẹ
thằng bé hỏi con: "Con thường chơi trò chơi điện tử ở đâu?".
"Con chơi ở máy vi tính của bố, bố copy cho con mà. Lúc sang nhà nội thì
ông đưa con đi chơi ở ngoài hàng net" - thằng bé quay sang tôi, hào hứng:
"Cháu cũng thích cả Playstation 2, cả trò có Lưu Cang bắn chưởng lên trời
hoặc bắn chưởng xuống đất nữa, chú ạ".
Tôi và bố mẹ cháu chẳng hiểu gì những thuật ngữ của nó, nhưng chúng tôi cùng
thấy đau. Bố cậu bé thú nhận, anh từng mang laptop của bạn về nhà cho con trai
chơi điện tử. Mẹ cháu thở dài: Game là "ma tuý", chỉ chơi 3 lần là
nghiện, là hỏng con cháu chúng ta, sao không cấm "nó" đi nhỉ?
Thấy có khách lạ, ba cậu bé áo thâm dài rộng trùm đến gót chân khác cũng dập
dờn xuống núi, bọn trẻ chào khách rất to (các thầy ở thiền viện dạy phép tắc lễ
nghi rất nghiêm). Hai đứa tự giới thiệu, cháu tên là Trần Đức Mạnh, cháu là
Dương Đức Anh, cháu là Phạm Vũ Duy Anh, toàn học sinh lớp 3 - lớp 4, cả ba đều
ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Dương Đức Anh láu lỉnh, vừa gặp khách đã xông ra đòi xem điện thoại di động,
rồi nhoay nhoáy bật trò chơi điện tử. Đức Anh khoe, máy vi tính của bố cháu có
200 trò chơi điện tử, chơi thoải mái, mà là "vi tính xách tay" hẳn
hoi. Trò "Đột kích" thả thêm quái vật vào, bây giờ "xưa" (lạc
hậu) rồi.
Khi tôi đề nghị không nói về game nữa, bọn trẻ ngoan ngoãn vâng lời, chúng bắt
đầu kể chuyện "tập tu" trên thiền viện.
Chúng cháu ăn cơm chay, mặc quần áo thâm rộng thùng thình thế này, ở trên
"khu tập thể", được các thầy hướng dẫn đầy đủ. Những công việc mà trẻ
em nông thôn thường xuyên làm, thì lũ trẻ thành phố đang lên thiền viện
"lánh tục" để học các kỹ năng sống sơ giản này chưa bao giờ biết đến.
Các cháu tự gấp chăn màn, quét nhà, nhổ cỏ, tập nấu cơm bằng bếp củi (dẫu ở đó
có nồi cơm điện!), tự giặt quần áo (100% các cháu đều trả lời, ở nhà cháu toàn
chị hoặc bác "ôsin" làm), bữa đến xếp hàng ngay ngắn, áo tu hành
chỉnh tề, bưng bát đĩa của mình xuống núi ăn cơm trong nhà ăn tập thể.
Tự xúc khẩu phần ăn cho mình, ra bàn ngồi nghe các thiền sư giảng đạo lý và
kinh Phật, rồi lặng lẽ ăn, thưa gửi kính cẩn. Cơm xong, lại nghe giáo huấn, rồi
các cháu tự đi rửa bát (kể cả thầy trụ trì Thích Kiến Nguyệt cũng tự rửa bát
cho mình), rồi lại xếp hàng trở về khu vực sinh sống của mình. Hằng ngày, 2 bận
đi xuống khu "Giáo đường" nghe giảng kinh Phật, rồi ngồi thiền.
Thậm chí, 3h30 phút sáng hằng ngày, sau ba tiếng chuông thiêng là giờ "thức
chúng" (ngủ dậy), các cháu cùng các vị thiền sư ngồi thiền trong ánh điện
lờ mờ, dưới sự giám sát của các vị tu hành nghiêm khắc nhất. Tuyệt đối không có
chuyện vào mạng Internet, không xem tivi, không gọi điện thoại về nhà hay kêu ca
kể khổ với ai.
"Lúc tớ chơi game, mẹ tớ cũng
online suốt đêm!"
Đó là lý do chính để các bậc phụ huynh từ Hà Nội, Thái Nguyên và nhiều tỉnh,
thành háo hức gửi con lên Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tập tu trong kỳ nghỉ hè
năm 2009. Không phải là tất cả, nhưng hầu hết trong số hơn 70 "thiền sư
nhí" (thậm chí có cả học sinh trung học và sinh viên đại học) đều là những
người đã hoặc có nguy cơ cao "nghiện" game, Internet, tivi, lêu lổng,
nhiều cháu gặp các sang chấn tâm lý do lục đục gia đình...
Nhóm
học sinh tiểu học tản ra khám phá một cái cây mà chúng chưa nhìn thấy: Cây xấu
hổ. Mỗi đứa ngắt một lá, đứng ở một góc, thò ngón tay nhỏ xíu trêu cho cây
trinh nữ biết xấu hổ. Rồi chúng thắc mắc, hỏi tôi: Cây gì đây hả chú? Sao ở Hà
Nội không có cây này hả chú, nếu cháu bảo bố mẹ cháu mang về nhà trồng cây này
có được không? Cháu thích, vì cây biết xấu hổ. Thầy (một nhà sư) cháu dạy, khi
mình làm việc gì xấu, trước hết mình xấu hổ với lương tâm mình.
Đám trẻ mặc áo thâm ríu rít lần theo các bậc đá hun hút lên đỉnh núi tràn ngập
thông reo. Tôi đã ở đêm, đã ngồi thiền trong thiền viện cùng các cô bé, cậu bé
tập tu, đã ăn cơm chay, đã nghe giảng kinh Phật cùng các em, và đến lúc anh em
không còn nhiều khoảng cách nữa.
Và sau đây là câu chuyện của các cô bé học trò phố thị đang tập tu. Cô gái xinh
xẻo vừa quạt quạt chiếc nón, vừa thở hắt: Tớ thi đại học xong, thì bố mẹ gửi
thẳng lên đây, kẻo sợ tớ lại đi chơi, lại chơi game online (trò chơi trực
tuyến) suốt ngày đêm. Một cô bé lớp 8 nói về game, anh bạn đi cùng tôi "tiếp
chiêu" được vài câu, bèn lè lưỡi bảo, "con bé này nó nghiện game siêu
đẳng rồi".
Đôi mắt cận, vẻ mặt rất "lì", cô bé nghiện game tiếp tục: Bố cháu làm
doanh nghiệp. "Thế bố mẹ cậu không ngăn cấm chơi game à?" - một cô áo
nâu sồng nón trắng hỏi. "Ôi trời, đi làm về là mẹ tớ cũng online (lên mạng)
suốt. Tớ cũng trốn ra ngoài hàng net chơi, nhưng tớ ra đấy là để thay đổi không
khí thôi, toàn chơi ở trong phòng, dù không ai ngăn cấm, cũng chán".
Lưu Tuấn Nghĩa (nhà ở ngõ 343 Đội Cấn, HN) - cậu sinh viên vừa học Đại học Mỹ
thuật, vừa là SV năm thứ nhất Trường ĐH Thương mại, rất điển trai, nửa đêm,
trước mặt một thiền sư, nói thẳng với tôi: Em cũng lêu lổng, đi bar, vũ trường,
chơi suốt đêm, bố mẹ lo lắng lắm, bèn gửi em lên đây để học Phật pháp, sớm
"sửa mình". Không gian tu hành ở đây, làm em tỉnh ngộ, em sẽ ở đây
nhiều hơn cả... yêu cầu của bố mẹ. Chiều về, Nghĩa cắp giá vẽ ra đầu non và
sáng tác.
Thầy trụ trì Thích Kiến Nguyệt, các thầy Thông Phổ, Thông Đức tận tình hướng
dẫn từng lối rẽ, từng chỗ ăn nghỉ cho chúng tôi lên thăm thiền viện; sư cô, sư
bác, các cư sĩ áo thâm phục vụ chúng tôi và các bé thơ từng miếng ăn, hớp nước.
Không có một khoảng cách, không phải đóng tiền ăn học, cửa Phật vô cùng rộng mở
mà phép tắc cũng rất nghiêm khắc.
Thầy Huệ Tín cùng tôi bước ra khỏi khu nhà giảng đạo bề thế, khi mặt trời đã đỏ
ối sau mái cong của thiền viện, mấy chục đứa trẻ vẫn kính cẩn chắp tay trong
ráng chiều, lời giảng vọng ra, nguyện cho những ai ai phải "sớm phát tâm
tỉnh giác, lìa chỗ tối tăm, xa rời đường dữ".
Thầy Huệ Tín nhỏ nhẹ: Đám trẻ tiến bộ lắm, người ta bảo, con hươu, con nai trên
núi nghe giảng kinh Phật mãi, nó cũng nhuốm được màu Phật mà. Chợt tôi nhớ đến
thơ Chu Mạnh Trinh, "Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lững lờ khe Yến cá
nghe kinh", sức cảm hoá của cõi "giác ngộ" đã khiến tăm cá bóng
chim phải nương theo, huống gì các cháu chỉ trót nghiện net, nghiện game và
chưa thật sự vâng lời cha mẹ của chúng ta...
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự