Người thổi lời vàng vào đá

Chủ nhật - 05/07/2009 06:27
Bằng nỗ lực cộng với lòng thành kính hết lòng vì Đạo pháp, vì chư Tổ, thầy đã dùng ngòi bút để ghi khắc lên những viên đá cuội rất bình thường khắc sâu những lời dạy của chư Phật, những bộ kinh như: Bát Nhã Tâm kinh (260 chữ khắc trên 16 viên đá); Thần Chú Đại Bi (420 chữ khắc trên 22 viên đá)...

Cổng Học Viện Phật Giáo Việt Namtại TP.HCM ngày hôm ấy đông đúc lạ thường. Những chiếc áo nâu, lam, vàng… hòa với những chiếc áo "đời thường" của những vị khách đến tham dự buổi triển lãm mỹ thuật khắc chữ thư pháp kinh Phật trên đá nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 làm cho không khí náo nhiệt hẳn lên, khác với sự yên lặng, trang nghiêm thường nhật.

Khắc chữ thư pháp kinh Phật

Nổi bật ở một góc trưng bày là "đá". Đá rất nhiều, từ đá to cho đến những viên đá cuội bé xíu nắm được trong lòng bàn tay. Lạ hơn là những viên đá ấy được khắc chữ rất tinh tế, đẹp mắt như: chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Trí, chữ Dũng, Vô thường… Người biến những viên đá cuội vô tri vô giác ấy có hồn và được nhiều người chú ý đến là Đại đức Thích Giác Thiện, sinh năm 1979, nguyên quán Bình Định. Thầy là sinh viên khóa 6, Học viện Phật Giáo VN tại TP.HCM, chuyên ngành Triết học Phật Giáo, hiện trông coi chùa Diêu Phong, thị trấn Diêu Trì - Bình Định, là một trong những ngôi chùa thuộc chi phái đầu tiên của Tổ đình Phổ Bảo, được khai sơn năm 1820.

Là một tu sĩ trẻ, vì thế thầy Giác Thiện luôn phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi nhận một ngôi chùa Tổ trên 30 năm dài bị đổ nát. Nhưng rồi thầy cũng tìm được hướng đi riêng của mình. Bằng nỗ lực cộng với lòng thành kính hết lòng vì Đạo pháp, vì chư Tổ, thầy đã dùng ngòi bút để ghi khắc lên những viên đá cuội rất bình thường khắc sâu những lời dạy của chư Phật, những bộ kinh như: Bát Nhã Tâm kinh (260 chữ khắc trên 16 viên đá); Thần Chú Đại Bi (420 chữ khắc trên 22 viên đá); 14 điều Phật dạy (khắc trên 14 viên đá) và hơn 600 tác phẩm khắc trên những viên đá cuội…

Sắp tới Thầy còn được Học Viện dự định giao nhiệm vụ khắc trên 2000 chữ Nôm gồm 10 hồi bài "Cư Trần Lạc Đạo Phú" của đức Vua Phật Hoàng - Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và đại hội Thượng Đỉnh Phật Giáo lần 6 (năm 2010).

Nghệ thuật cũng lắm công phu

Công việc khắc chữ trên đá đã có từ lâu, nhưng cái mới ở đây là khắc chữ thư pháp tiếng Việt, và sáng tạo hơn là khắc kinh Phật trên đá, một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất nhiều công đoạn mới hoàn thành được một tác phẩm như mong muốn và được mọi người công nhận.

Để hoàn chỉnh một tác phẩm khắc chữ thư pháp trên đá, theo thầy Giác Thiện phải trải qua 3 công đoạn: viết chữ, đục chữ trên đá và viết trở lại một lần nữa. Nhưng cái khó ở đây là phải thể hiện kiểu chữ nào, bố cục ra sao? Với những viên đá to mà khắc ít chữ thì khó khăn ở chỗ viết thế nào cho đẹp, vì chữ to khó viết hơn chữ nhỏ. Còn những viên đá phải ghi nhiều chữ (chẳng hạn như khắc kinh) thì viết chữ dễ dàng hơn vì chữ nhỏ, nhưng khó khăn lúc đục chữ và tô chữ trở lại! Mọi cái đều có khó khăn riêng nhưng quan trọng là "Tâm". Nếu tâm không thực sự muốn thì chẳng bao giờ hoàn thành, nếu hoàn thành thì tác phẩm cũng ít được đón nhận.

Một mình với bộn bề công việc, nhất là khi đang còn là Tăng sinh viên thì việc hoàn thành những tác phẩm công phu này cần có những bàn tay nâng đỡ. Thầy đã nhận được sự trợ giúp từ rất nhiều người. Thầy luôn trân trọng và ghi ân những tình cảm quý báu đó, mong sẽ không phụ lòng tin cậy và phó thác mà mọi người luôn dành cho mình.

Đưa đạo vào đời

Được dự Festival Tây Sơn Bình Định tháng 8 vừa qua, từng khắc chữ thư pháp trên đá tại các khu du lịch Ghềng Ráng, Qui Nhơn như: mộ Hàn Mạc tử, dốc Mộng Cầm, bãi tắm Hoàng Hậu… và nay được mời tham dự đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn vào ngày 27/11/2008, có thể xem đó là thành công của một Tăng sinh viên. Nhưng với Đại Đức Thích Giác Thiện đó là một cơ hội để thầy đưa Đạo đến với Đời, đưa lời dạy của Phật, Bồ-tát đến với chúng sinh. Bởi nếu hiểu và hành những lời Phật dạy sẽ ít nhiều giúp con người chuyển hóa được nổi khổ niềm đau, thực tập đời sống an lạc, hạn chế tham vọng lợi mình hại người để làm được điều lành điều thiện. Bởi Phật ở tại tâm Ta chứ không ở nơi xa xôi nào đó mà ta không thể nào tìm đến!

Đá cứng lòng hiền tươi chí nguyện

Lời kinh tỏ rạng đẹp nhân gian.

Đó là hai câu thơ do Hòa Thượng Thích Giác Toàn - Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự,  Phó Viện Trưởng Học Viện Phật Học Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM - đề tặng Đại Đức trong lời phát biểu buổi khai mạc triển lãm.

Hòa Thượng khen tặng: "Tưởng chừng việc làm này phải là những người ở lứa tuổi như Sư (Hòa thượng) hoặc là những cựu Tăng sinh ở khóa 1, 2, 3 mới làm được. Sư không nghĩ một Tăng sinh viên của khóa 6 đang học và còn rất ít tuổi như thầy Giác Thiện đã làm được và làm khá thành công, vì ở tuổi thầy còn có rất nhiều việc khó khăn phải làm, nhất là việc học là con đường dài ở phía trước".

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây