Nhân Ngày Báo chí cách mạng VN, chúng tôi có cuộc phỏng vấn chị.
Thưa chị, tới lúc này, loạt phim "16 hơi thở chánh niệm cứu độ nhân gian" được thực hiện đến đâu? Hai năm gần đây, kịch bản chị viết, một số phim chị tham gia với tư cách nhà sản xuất đều thấm tinh thần nhà Phật. Vì sao chị lại đeo đuổi dòng phim đề tài Phật giáo?
-Sau "Duyên trần thoát tục" và 3 phim tài liệu, cải lương (thực hiện với sự hợp tác của diễn viên Việt Trinh) để cúng dường cho Vesak 2008, "16 hơi thở chánh niệm cứu độ nhân gian" là phim thứ 5 đề tài Phật giáo Hãng Sena thực hiện. Phim có bốn phần. Tại VN, chúng tôi đã hoàn tất phần tìm hiểu các pháp môn. Ngày 14.7 tới, đoàn làm phim gồm 8 người sẽ sang Pháp, tới Đạo tràng Làng Mai thực hiện một số cảnh quay.
Chúng tôi làm phim với tâm nguyện nhiều người sẽ biết tới một ý tưởng rút ra từ kinh Tứ niệm xứ của Đức Phật: "Chú tâm vào hơi thở với sự chánh niệm thì có thể làm chủ cảm xúc của mình, khi đó sẽ hạn chế bớt những bi kịch...". Tôi làm phim từ những trải nghiệm cá nhân, những nỗi đau đã phải đi qua, để giờ đây hướng đến sự bình an trong hiện tại.
Chị sẽ thôi, không "bốc hoả" khi đọc những bài báo, chẳng hạn, phê bình những bộ phim dựng dựa trên kịch bản chị viết là dở, yếu kém?
-Đúng là một - hai năm trước, tôi đã tỏ thái độ không hài lòng khi một số ĐD dựng phim không theo kịch bản tôi viết. Giờ, tình trạng đó có xảy ra, tôi cũng không xuôi theo tâm trạng: "Kệ, ĐD muốn làm gì thì làm!". Bây giờ, trước khi làm phim, tôi gặp ĐD, nói rõ cho họ hiểu ý tưởng của mình. Khi phim hoàn thành không theo được như ý mình muốn thì chấp nhận với ý nghĩ : "Chưa đủ nhân duyên. Mình đã cố gắng hết sức rồi...".
Thấm từ từ giáo lý nhà Phật, tôi viết kịch bản với tư duy mới mẻ hơn: Phần nhiều các nhân vật trong phim của tôi (Lọ lem thời @, Cha dượng, Gió nghịch mùa, Người đẹp Bình Dương, ...) đều đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trong cuộc sống trong giáo lý nhà Phật. Tôi cố gắng hướng tới chánh niệm khi viết kịch bản.
Quan niệm của chị về nghề biên kịch? Chị nghĩ gì về mối quan hệ nhân - quả giữa các nhà làm phim với những phóng viên viết mảng văn hoá nghệ thuật, đặc biệt mảng phim ảnh?
-Tôi tốt nghiệp khoá II - Trường Tuyên huấn trung ương (1975-1979), từ 1979 - 1983 về Bến Tre - quê mẹ, làm ở Báo Đồng Khởi và được biết đến vì những bài báo chống hiện tượng tiêu cực ở địa phương. Những năm 80, sau khi nhận giải nhì của Hội Sân khấu TPHCM cho kịch bản "Người tự nhận chức", tôi về làm việc ở Xí nghiệp phim Tổng hợp (nay là Hãng phim Giải Phóng), học biên kịch ở Hà Nội, làm Trưởng đại diện Văn phòng Báo Điện ảnh VN ở TPHCM (nay là Báo Điện ảnh - Kịch trường), làm ở Báo Công Nghiệp...
Rồi lại "đắm" vào nghề biên kịch, quay về làm ở Hãng phim Giải Phóng,... Tôi chỉ có thể đúc một câu về nghề viết kịch bản thế này: Vốn sống + kỹ thuật. Đã kinh qua nhiều "công đoạn" của nghề báo, tôi hiểu cái vất vả của nghề. Phóng viên viết ở mảng nào cũng có cái khó như nhau. Tôi cho rằng, suy nghĩ phóng viên viết mảng văn hóa-văn nghệ là "vô thưởng, vô phạt", "ăn chơi, nhảy múa" là sai lầm và dẫn đến hệ quả lớn.
Quan hệ nhân - quả giữa người làm phim và phóng viên viết mảng phim ảnh ảnh hưởng trực tiếp đến người đọc, khán giả xem phim. Sự cẩn trọng, sự thẩm định tinh tế rất cần thiết trong các bài báo.
Điều gì quan trọng nhất với chị hiện giờ với tư cách biên kịch và tư cách Phó GĐ Hãng Sena?
-Viết gì cũng nghĩ, điều này sẽ ảnh hưởng tới con, cháu mình ra sao? Thảnh thơi thực hiện các dự án, không bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh thương mại khốc liệt.
Nguồn tin: (Nguồn: laodong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự