Giáo dục tính tự lập cho trẻ

Thứ bảy - 23/05/2009 21:35
Ước gì tôi có thể nghe thấy ngay tiếng nói của cha mình khi đầu dây điện thoại phía bên kia nhấc lên. Từ khi lấy chồng đến giờ, mỗi khi gặp chuyện khó khăn, tôi đều gọi điện thoại cho cha. Tôi nghe đầu dây bên kia: “A lô…”. Đúng là giọng của cha rồi, tôi vội vàng nói:

- Cha ơi! Cánh cửa ga-ra của con bị kẹt rồi!

- À! Con gái đấy hả? Con cần cha giúp đẩy cánh cửa ấy ra chứ gì?

- Không phải, cha à! Bây giờ con không quan tâm đến chuyện cái cánh cửa như thế nào? Con chỉ quan tâm làm thế nào để lái cái xe ra khỏi ga-ra.

- Thế con định làm sao?

- Con định lái xe ra bằng cửa sau, nhưng nó nhỏ quá, nên không lái xe ra được, con chẳng biết phải làm sao cả!

Khoảnh khắc im lặng trôi qua. Tôi hình dung ra cảnh nếu như cha không chịu tới giúp tôi thì sẽ ra sao nhỉ, có lẽ chiều nay chồng tôi sẽ có dịp nhìn thấy cái “giải pháp vĩ đại” của tôi khi tôi dùng búa tạ đập nát cánh cửa ga-ra để lái xe tải ra ngoài.

Từ nhỏ đến giờ, cứ mỗi khi có chuyện gì rắc rối, là cha lại giúp tôi. Chưa bao giờ tôi biết tự nghĩ ra một giải pháp nào đó để giải quyết những khó khăn của mình.

Tôi đang “điên đầu” trong ga-ra thì cha gọi:

- Sao rồi? Con đã lái xe ra được chưa?

- Dạ chưa, cha ơi! Cái xe tải lại bị kẹt cứng ở đây rồi!

- Sao lại kẹt cứng?

- Xe hết xăng rồi! Con có muốn lái cũng chẳng ra được! Chiều nay chồng con đi làm về anh ấy mà biết con không thể xoay xở được thì sẽ nghĩ về con như thế nào! Con khổ quá! Hic… hic…

- Thôi nào, chỉ giỏi khóc lóc vớ vẩn! Chuyện gì thì cũng phải tìm cách giải quyết chứ! Có chồng con rồi chứ còn bé nhỏ gì nữa đâu!

Một lát sau, cha tôi đến. Xem xét tình thế nan giải lúc này của tôi; cha cười, giọng đầy sảng khoái: “Nào! Có chuyện gì đâu cơ chứ! Con đi mua xăng mang về đây cho cha!”.

Tôi tất tả chạy ra trạm xăng. Một lát sau, tôi quay về, mồ hôi nhễ nhại. Quái lạ, cánh cửa ga-ra đã được cha gỡ ra từ lúc nào, chẳng còn bị mắc kẹt nữa!

Cha nhìn tôi, cười và hỏi: “Nào! Bây giờ con đã lái chiếc xe ra được chưa?”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là mọi chuyện rắc rối từ nãy đến giờ đã được giải quyết rồi!

Trong khoảnh khắc, tôi nhớ về biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Cha lúc nào cũng thương yêu tôi. Người là một người cha quyết đoán, mạnh mẽ, luôn tìm ra những giải pháp để giải quyết mọi vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Ngay từ bé, mọi việc lớn nhỏ, tôi đều ỷ lại vào cha…(Theo Câu chuyện gia đình)

Bài học đạo lý:

Ỷ lại, dựa dẫm là nguyên nhân tồi tệ nhất trong việc làm hỏng con người, từ người lớn đến trẻ con.

Trừ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ, rất nhiều ông bà cha mẹ đều vô tình tập thói quen cậy dựa, ỷ lại cho trẻ ngay từ buổi ban đầu.

Mới biết đi, té ngã, trẻ lập tức được mẹ đỡ dậy, "đánh cái mặt đất này làm cho con của mẹ đau”. Ăn uống bị sặc, con chó con mèo lại bị mắng vì "quấy rầy làm con sặc”… Trong đầu trẻ đã manh nha suy nghĩ "bất cứ lúc nào, cũng sẽ có người lớn giải quyết mọi việc cho mình”.

Lớn lên một tí, vào mẫu giáo, trẻ biến cô giáo thành "cục chịu” cho những cuộc kêu kiện mỗi ngày. Chỉ cần bạn giành đồ chơi, bạn đụng chạm,… trẻ lập tức kiện thưa, khóc lóc… không tự giải quyết được bất cứ chuyện gì liên quan đến mình, trẻ thường nương nhờ vào người bảo mẫu.

Khi bắt đầu đi học, trẻ đòi cả nhà phải cùng học với mình. Không có thói quen tự giác, tự làm lấy mọi việc, trẻ luôn cần được nhắc nhở, hối thúc. Phải có lời dặn của cha mẹ trước khi đi làm, lời nhắc nhở của ông bà sau đó, cộng thêm việc kiểm tra, giám sát cùng với sự giảng giải của thầy cô, trẻ mới miễn cưỡng nhét bài học vào đầu. Thêm nữa, cả gia đình vì những suy nghĩ thực dụng trước mắt, sẵn sàng làm thay trẻ những bài tập về nhà, một số người còn sẵn sàng "biết điều” với thầy cô để con mình được xếp loại cao hoặc lên lớp như bất kỳ ai…

Những đứa trẻ ấy, khi lớn lên, sẽ không có thói quen tự lực, đổ mồ hôi trong học tập cũng như lao động, không thể tự suy nghĩ độc lập để giải quyết bất cứ việc gì. Chúng sẵn sàng yêu cầu gia đình phải tiếp tục dùng bất cứ phương cách nào để đạt được những gì mình muốn, kể cả những phương cách tồi tệ nhất.

Có ai trong chúng ta tự hào và hạnh phúc với những hứa hẹn tương lai kiểu ấy nơi những thiên thần nhỏ của mình? Vậy thì, xin đừng tập hư cho con cháu mình ngay từ bây giờ, từ thuở còn thơ! Hãy để trẻ tự làm lấy những gì phải làm để hình thành tính tự lực, tự trọng và sự tự tin cần thiết!

Nguồn tin: theo giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây