Người lưu giữ nhiều xá lợi Phật

Chủ nhật - 26/04/2009 19:58
Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam là một sự kiện văn hóa - tôn giáo lớn đối với nhân dân và chư tăng, phật tử trong cả nước. Hòa trong không khí chào mừng Đại lễ Phật đản, có một người bấy lâu đã âm thầm sưu tầm, giữ gìn để tạo nên một “bộ sưu tập” độc đáo và ấn tượng về xá lợi Phật - anh là Hà Thế Hưng.

Nhân dịp Đại lễ Phật đản, anh mong muốn đây là dịp để chư tăng, phật tử từ mọi miền đất nước đến chiêm bái và được tận mắt nhìn thấy những viên xá lợi Phật (tức là phần cốt tủy kiên cố sau khi hỏa thiêu của Đức Phật Thích Ca) mà mình đã cất công mang về từ nhiều nơi trên thế giới.

Từ hai viên xá lợi Phật có xuất xứ từ Miến Điện được sư trụ trì của một ngôi chùa ở TPHCM tặng vào năm 1994, như có căn duyên tiền định với những viên xá lợi Phật mà đi đâu, đến chùa nào ở bất kỳ nước nào, anh Hưng cũng được sư trụ trì tặng cho xá lợi Phật. “Hồi đó còn nhỏ, mới mười mấy tuổi đầu có biết gì đâu nhưng mỗi khi theo mẹ đi chùa, trong lòng tôi đã có một sự tôn kính và ngưỡng mộ. Lớn lên tôi thường xuyên đi lễ Phật, đến các chùa làm phước nên được nhiều sư trụ trì quý mến như là có căn duyên từ trước vậy, thế là được tặng những viên xá lợi Phật quý giá này” - anh Hưng tâm sự.
Hiện nay, anh Hưng có hơn 200 viên xá lợi Phật, từ những viên nhỏ li ti như hạt cát đến những viên to như hột gạo, hột sỏi. Xá lợi Phật có rất nhiều màu sắc như: vàng, trắng đục, nâu, tất cả đều được để trong những chiếc bảo tháp nhỏ và đặt trên bàn thờ đầy trang trọng. Bên ngoài những chiếc bảo tháp được gắn kết hàng trăm, hàng ngàn viên đá đủ màu sắc, chủng loại như đá saphia, cẩm thạch, tuba, thậm chí có cả kim cương. Anh Hưng quý trọng và nâng niu những viên xá lợi Phật như là bảo vật.

Trong gian phòng thờ những viên xá lợi Phật ở nhà anh Hưng đường Cao Thắng, quận 3 có rất nhiều tượng Phật cùng những bảo tháp được anh trang trí khá ấn tượng. Trên chiếc bàn kê cao, tượng Đức Phật ngồi uy nghiêm được anh mua máy về xi mạ vàng óng ánh, không dừng ở đó, anh còn tự mày mò gắn hơn 1.000 viên đá mang hình dáng chiếc áo cà sa trên thân tượng. Những tượng Phật, xá lợi Phật, bảo tháp đều được anh mang về từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ. Trong một lần đến Thái Lan thăm viếng chùa, anh Hưng vinh dự được một nhà sư người Thái dẫn vào yết kiến công nương của đất nước chùa tháp. Trong cuộc gặp, anh đã được tặng một viên xá lợi Phật rất quý.

Là một người còn rất trẻ, công việc chủ yếu là kinh doanh bất động sản, song hễ khi nào thấy thích là anh Hưng lên đường đến thăm viếng chùa và các sư trụ trì. Đi đến chùa nào, thấy chùa thiếu gì, anh Hưng đều giúp các sư trụ trì nâng cấp sửa chữa lại, bên cạnh đó anh cũng hay giúp đỡ những người kém may mắn. Không phải tự nhiên mà anh Hưng có một căn duyên với Phật giáo đến vậy. Ông cố của anh là một trong những người có công xây dựng chùa Bửu Quang, đưa Phật giáo Nam tông du nhập vào Việt Nam cách đây mấy chục năm trước. Hiện chùa Bửu Quang là nơi rất thân thuộc đối với anh và gia đình.

Là người có căn duyên với Phật giáo, nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc diễn ra tại Việt Nam, ngày 10-5-2008, anh Hưng đã lên đường đi Hà Nội cùng với một số sư trụ trì ở TPHCM tham dự lễ khai mạc. Sau đó, anh sẽ về TPHCM và đúng 9 giờ ngày 18-5-2008 (tức 14-4 âm lịch), anh đưa “bộ sưu tập” xá lợi Phật quý giá của mình lên chùa Bửu Quang ở ấp Gò Dưa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để mọi người có dịp tham quan, chiêm bái.

Nguồn tin: (Theo Công An TP.HCM)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây