Học "định" để được "tuệ" trên ghế nhà trường

Thứ hai - 20/04/2009 09:51
Hãy nhìn em bé cắn bút trước một bài toán cộng trừ. Em đang luyện tập trí óc. Mồ hôi em không chảy như người chạy bộ để luyện tập thân thể, nhưng công phu tập luyện nào ai kém ai? Sinh ra, em đã có đủ mọi khả năng để biết, nhưng mọi khả năng đều ở trong trạng thái tiềm tàng. Tập luyện, tập luyện từng phút từng giờ, để phát triển những khả năng tiềm tàng ấy thành hiện thực, đó là công việc của giáo dục.

Học "định" để được "tuệ"

Tôi mượn hai chữ “định” và “tuệ” trong Phật giáo để nói với các em một câu chuyện nhỏ. Xin các bậc phụ huynh đừng sợ tôi đưa các em vào thế giới tương chao hoặc vào triết lý cao xa. “Định” và “tuệ” là những chuyện hiển nhiên trước mắt, là kinh nghiệm thường xuyên của các em từ khi bước vào nhà trường, ngay cả trước đó nữa. Các em có học gì khác đâu? Học “định” để được “tuệ”, đơn giản chỉ có thế. Đây là chuyện giáo dục sơ đẳng, không phải chuyện lý thuyết viển vông trên chốn đâu đâu.

Hãy nhìn em bé cắn bút trước một bài toán cộng trừ. Em đang luyện tập trí óc. Mồ hôi em không chảy như người chạy bộ để luyện tập thân thể, nhưng công phu tập luyện nào ai kém ai? Sinh ra, em đã có đủ mọi khả năng để biết, nhưng mọi khả năng đều ở trong trạng thái tiềm tàng. Tập luyện, tập luyện từng phút từng giờ, để phát triển những khả năng tiềm tàng ấy thành hiện thực, đó là công việc của giáo dục.

Đánh vần, tập đọc, học thuộc lòng, cộng trừ nhân chia… tri thức nẩy nở dần, ký ức nẩy nở song song, mỗi bước tiến của tri thức dựa trên mỗi bước tiến của trí nhớ, ký ức này phát triển trên ký ức kia, cứ thế trí nhớ tích tụ cả một kho tàng ký ức, để sàng lọc, để lựa chọn, để lấy ra tri thức nào đáp ứng đúng cho mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh, mỗi giải đố. Có ai thấy mồ hôi toát ra trong đầu em bé đâu? Nhưng cứ thế, em trưởng thành, hôm qua bập bẹ chữ cái, hôm nay đọc sách làu làu. Bao nhiêu khổ công thầm lặng!

Bài học đầu tiên: Sự chú ý

Em tập luyện cái gì trước hết? Chú ý. Không chú ý thì không bao giờ đầu óc em bé trưởng thành, dù chỉ một bước. Ngôn ngữ Phật giáo gọi là “định”. “Định” là cố gắng đầu tiên, cho nên là căn bản. Là căn bản, cho nên cũng là khó nhất. Khó nhất cho em bé mà cũng khó nhất cho người lớn. Bởi vì người lớn sinh ra từ em bé!

Hãy xem em bé chơi: tay nắm đồ chơi này rồi vứt, nắm đồ chơi khác rồi vứt, loăng quăng không ngừng. Đến tuổi vào lớp, đố bé nào chăm chú được một cái gì trong vài phút. Có cha mẹ nào không than vãn: con tôi không ngồi yên, hết la hét thì cãi lộn, chọc ghẹo.

Cháu tôi, tám tuổi, làm bài luận tả cây chuối, đã xuống hàng với một câu kết luận bất hủ: “Em rất thích cây xoài”. Cháu chỉ có thể tập trung chú ý trên cây chuối trong mười câu, đến câu cuối thì cây chuối bay mất trong đầu, cây xoài ngang nhiên chiếm cứ.

Trên ghế nhà trường, sự chú ý của em bé rất phức tạp. Trí óc em phải liên hệ nhiều yếu tố khác nhau để nối kết chúng với nhau thế nào cho hợp lý nhất. Nếu không chú ý, em sẽ không tìm ra được mối liên hệ, mà không tìm được thì kết quả sẽ vô cùng tai hại cho tri thức, bởi vì dẫn đến lầm lẫn. Nhưng nếu lầm lẫn mà biết lầm lẫn thì đó lại là một bước tiến khác của chú ý, đưa đến việc tìm ra được đâu là đầu mối của lầm lẫn để lần sau tránh một lầm lẫn tương tự.

Cứ thế, từng bước, từng bước, từ bài toán đến bài văn, giáo dục ở nhà trường về tập trung chú ý mở ra cho em bé cánh cửa của tư tưởng. Ánh sáng đó, thuật ngữ Phật giáo gọi là “tuệ”. Như ngọn đèn đuổi tăm tối ra khỏi gian phòng, “tuệ” đuổi lầm lẫn ra khỏi trí óc. Biết thế nào là đúng thế nào là sai, tư tưởng của em bé nẩy nở.

Học toán, em dễ hiểu hơn thế nào là lầm lẫn. Hai chiếc xe lửa, chiếc trước chiếc sau, hoặc chạy ngược nhau, để cùng đến một nhà ga. Em phải tính toán vận tốc thế nào để chiếc này chiếc kia êm ru đến trước nhà ga an toàn. Tính đúng, hành khách bước xuống xe vui vẻ. Tính sai, xe cứu thương phóng đến ào ào. Học văn, đúng sai khó biết hơn, nhất là lúc lên cao, em học sinh bước vào lĩnh vực thưởng thức thơ. Nhưng dù toán hay văn, chú ý đều phải tập trung từ những chi tiết nhỏ nhất, bởi vì sai một ly đi một dặm.
 
Bài học từ... cái dấu phẩy

Ví dụ một chi tiết nhỏ nhất trong văn: cái dấu phẩy. Hèn mọn thế đấy, các em ạ, vậy mà cái dấu phẩy dạy cho các em bài học chú ý thường xuyên mà nếu không vận dụng cho tinh, hoặc là tư tưởng của em sẽ chạy bậy, lộn tùng phèo, hoặc là em không diễn tả được tư tưởng rõ ràng cho người khác hiểu. Tôi nhớ câu văn sau đây mà thế hệ chúng tôi học thuộc lòng vì nằm trong một bài văn in trong sách giáo khoa, câu văn của Nguyễn Bá Học:

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Tôi không nói đùa: bao nhiêu đồng chí đồng môn của tôi hồi mười tuổi không hiểu nổi câu văn chỉ vì ê a đọc một mạch như đọc kinh, không chú ý đến hai cái dấu phẩy. Ê a như vậy, câu văn nghe như thế này: đường đi khó không khó mà khó… Con đường gì mà kỳ quái vậy, khó không khó mà khó là cái làm sao? Loạn xà ngầu, tư tưởng không tìm ra được manh mối, tối om như nhà không đèn. Chú ý đến hai cái dấu phẩy, ánh sáng mở toang! Nhà Phật nói: “định” mở cửa cho “tuệ”.

Sách báo ngày nay xem chừng không mấy chú ý đến cái dấu phẩy hèn mọn, nhưng dân gian thì có chú ý đấy. Biết đâu thầy giáo tài hoa nhất của các em là tấm bảng khẩu hiệu to tướng mà tôi đọc được trên một ngã tư lớn của thành phố: “Gia đình hai con vợ chồng hạnh phúc”. Bàn tay vô hình nào đó đã phẩy một dấu phẩy hùng hồn sau chữ “vợ”, biến hạnh phúc chung của đôi vợ chồng gương mẫu thành hạnh phúc riêng tư, kín đáo, của một đức ông chồng trịch thượng thời hoàng kim phong kiến đa thê. Một cái dấu phẩy, nghìn trùng xa cách!

Đó là những cái dấu phẩy hữu hình. Đi vào thưởng thức thơ, em học sinh còn phải biết chú ý đến những dấu phẩy vô hình mà em tự mình khám phá ra để thấy câu thơ hay hơn, tưởng tượng bay cao hơn, tư tưởng chính xác hơn. Chẳng hạn câu này trong Kiều, diễn tả nỗi lòng của Thúy Kiều trong đêm vắng, trước giờ bán mình chuộc cha:

Một mình âm ỷ đêm chầy
Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh.

Một mình bên đèn, Kiều thức suốt sáng. Nàng khóc. Trong khuya vắng, tất cả đều câm lặng, chỉ còn hai hình ảnh có hồn: đĩa dầu và nước mắt - nước mắt là nhân vật chính, đĩa dầu là chứng nhân. Đĩa dầu vơi dần, nỗi khổ đầy dần, như thử cái vơi của bên này tràn qua cái đầy của bên kia. Câu thơ hay ở cách đối chọi giữa hai chữ “vơi” và “đầy”. Câu thơ còn hay ở cách ngắt câu, ngắt ở “vơi” và ngắt ở “đầy”, khác với cách ngắt thông thường trong thể lục bát. Đọc câu thơ mà không biết ngắt như vậy, cái thần của câu thơ sẽ biến mất, hình ảnh vơi đầy mờ nhạt, tưởng tượng nghèo đi, rung động không đến. Phải đọc: Đĩa dầu vơi / nước mắt đầy / năm canh.

Đó là hai dấu phẩy vô hình làm nẩy nở khiếu thưởng thức thơ nơi em học sinh lớp mười, mười một.

Cũng vậy, với khả năng chú ý phát triển dần dần, em có thể khám phá ra một sự lạ lùng kỳ diệu trong bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, và sẽ thấy tại sao bài thơ hay đến thế. Đây là bài thơ nổi tiếng:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Ngoài âm điệu, ngoài hình ảnh, ngoài cảm giác mà bài thơ gợi lên trong tâm hồn người đọc, em học sinh có thể tự hỏi: tại sao “Em không nghe” mà không phải “Em nghe không”? Nếu ví thử tác giả viết “Em nghe không”, thì thi tứ của bài thơ sẽ bay đi hết. “Em nghe không” chỉ là một câu hỏi. “Em không nghe” là cả một trời tưởng tượng.

Tưởng tượng nhà thơ đang thủ thỉ với bạn: lắng nghe, em, lắng nghe những hình ảnh, những âm thanh, những rung động sâu kín nhất, mong manh nhất, huyền ảo nhất của mùa thơ mộng nhất… Em không nghe? Nghe rõ hơn nữa đi, nghe rõ tự trong lòng, kìa trăng, kìa lá, kìa nai, kìa xôn xao thi tứ… em không nghe?…

Cùng với bạn của nhà thơ, em học sinh bị lôi cuốn vào chú ý, vào “định”, để nhập vào bài thơ, vì với một bài thơ chứa chan cảm giác như vậy, không nhập vào thơ thì không thấy hay đâu cả, không thấy mùa thu, không mở được “tuệ”.

Chưa hết, em học sinh còn có thể chú ý vào cấu trúc của bài thơ và khi đó mới thấy cái thần diệu của ngôn ngữ, mới thấm thía thi vị của một dấu hỏi, của cách ngắt bài thơ tài tình sau hai câu, rồi sau ba câu, rồi sau bốn câu. Hiếm có một bài thơ ngắt quãng thần kỳ như thế. Dấu hỏi sau hai câu, rồi dấu hỏi sau ba câu, rồi dấu hỏi sau bốn câu.

Tuồng như nói xong hai câu, người bạn lơ đãng vẫn chưa nghe được, phải nói ba câu để chú ý hơn; ba câu vẫn chưa hiệu quả, phải bốn câu… Bốn câu, người bạn hình như vẫn chưa nghe thấy gì vì bài thơ tận cùng bằng một dấu hỏi.

Nhưng đó mới chính là “tiếng thu”. Bởi vì chẳng có cái gì là thực trong bài thơ cả. Đố ai biết “trăng thổn thức” là trăng thế nào, đố ai thấy “chinh phu”, “cô phụ” ngoài cổ thi, mấy ai ở thành phố như bạn của nhà thơ mà thấy được nai vàng nai đỏ?
 
Vậy mà hãy nghe kỹ trong lòng: có đấy, có tiếng thổn thức của trăng, có tiếng rạo rực của vợ nhớ chồng, có tiếng xào xạc của lá khô. “Tiếng thu” ấy chỉ có ở trong lòng vì mùa thu đích thực là mùa thu ở trong lòng.

Mùa thu là cảm giác về thu, ấn tượng về thu, mông lung, huyền ảo, không nói nên lời, cho nên bài thơ toàn là dấu hỏi, chấm dứt bằng dấu hỏi, mỗi dấu hỏi là mỗi vỗ cánh bay vào tưởng tượng. Ai dám nói thưởng thức thơ không đòi hỏi chú ý?

Chú ý còn làm phát triển ký ức. Không chú ý, đố em học sinh nào học thuộc được bốn câu thơ. Nếu sau này em thành kịch sĩ, không chú ý, đố em học thuộc được một vở tuồng. Định tâm và ký ức gặp nhau, nâng đỡ nhau, làm sáng lên tư tưởng. “Tuệ” mở ra.

"Tuệ" mở ra khả năng lý luận

Nơi em học sinh, “tuệ” đó là khả năng lý luận. Trên ghế nhà trường, không lúc nào em không ứng dụng khả năng lý luận. Mỗi ngày tôi để dành được hai đồng, vậy trong mười ngày tôi để dành được hai mươi đồng.

Từ những lý luận đơn giản, cụ thể như vậy của bài toán đố, em đi dần vào những lý luận trừu tượng. Thực sự, không lý luận nào là không trừu tượng: em đâu cầm 20 đồng trong tay; 20 đồng ấy chỉ có trong cái đầu, nhưng em biết đó là điều chắc chắn, hiển nhiên, không cần đếm.

Em đi dần vào lý luận trừu tượng như vậy với đôi chân luôn luôn bước trên ký ức, ký ức học được ở trường, ký ức học qua sách truyện, lắm khi ký ức bâng quơ, học đâu đấy, tưởng chừng vô dụng, vô bổ.

Hình ảnh của cái cân chẳng hạn, hình ảnh con sư tử, hình ảnh con ó nắm trong chân này bó tên, trong chân kia nhánh ô liu… nếu chỉ là hình ảnh suông, không có ký ức hỗ trợ, thì tư tưởng dẫm chân tại chỗ, nhưng nếu có học đâu đó chút kiến thức, thì tư tưởng về bình đẳng, về sức mạnh, về hòa bình, chiến tranh - toàn là những khái niệm trừu tượng - trỗi lên trong óc.

Càng học cao, càng thu thập kiến thức, lý luận của em học sinh càng xông trận, trận chiến của những tư tưởng đồng và bất đồng, về chính những vấn đề mà hôm qua em chỉ mới nạp nhưng chưa suy: chiến tranh, hòa bình, sức mạnh, bình đẳng.
 
Tiếp cận với ý tưởng của người khác, tiếp cận với dư luận, tiếp cận với tuyên truyền, tiếp cận với những biến cố xảy ra trong lịch sử hay trước mắt, em học sinh, nhờ kiến thức tích lũy, sẽ vận dụng chú ý soi vào suy luận để tìm ra cho được phán đoán riêng của mình. Một nền giáo dục xứng đáng với tên gọi ấy là nền giáo dục biết phát triển phán đoán riêng của mỗi học sinh, xem đó như là cứu cánh.

“Cái gì suy nghĩ phân minh, cái ấy phát biểu rõ ràng”

Đó là nói chuyện cái đầu. Tư tưởng đâu có nằm mãi trong ấy. Tư tưởng đâu có chịu bị cầm tù! Trước sau gì nó cũng phát ra, hoặc bằng miệng, hoặc bằng ngòi bút. Ở đây cũng vậy, “định” vẫn là căn bản. Bút sa gà chết, thói cẩn thận ấy, người cầm bút ở xã hội ta đã biết tận xương tủy. Cái miệng cũng vậy, “nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”, các cụ đã dạy. Tôi miễn nói chuyện đó, tôi nói chuyện khác.

Tôi nói về cách phát biểu, phát biểu thế nào cho rõ ràng, chính xác, mạch lạc một tư tưởng cũng chính xác, mạch lạc. Sinh viên của tôi ở đây sợ nhất môn thi “giải thích và bình luận một bài viết” trước một đoàn giám khảo.

Không những các bạn ấy phải tập trung chú ý cao độ trên từng dấu phẩy, từng chữ, từng câu để hiểu, mà còn phải nói gọn gàng, trôi chảy, khúc chiết, phân minh, trả lời những câu hỏi cũng phân minh, khúc chiết, trôi chảy, gọn gàng. Chỉ cần nghe anh sinh viên nói, biết ngay đầu óc của anh.

Tuyển chọn giáo chức, tuyển chọn nhân viên trong các xí nghiệp cũng vậy. Không ai thấy được cái gì trong đầu người khác. Mà thấy! Thấy qua lời nói. Thấy qua câu văn. Thi hào Boileau của Pháp nói một câu giản dị mà tuyệt cú: “Cái gì suy nghĩ phân minh, cái ấy phát biểu rõ ràng” (“ce qui se conçoit bien s"énonce clairement”). Bởi vậy, mỗi khi bạn đọc cái gì mà thấy tối tăm mù mịt, khoan nghĩ rằng mình dốt, có thể người viết là lang băm.

Câu thơ nói trên của Boileau nằm trong một bài thơ dài nói về mối quan hệ khắng khít giữa tư tưởng và lời văn. Tôi dịch ra sau đây ba câu thường được xem như kim chỉ nam của bất cứ ai viết :

Viết đi viết lại hai mươi lần một tác phẩm
Mài dũa không ngừng rồi mài dũa nữa
Đôi lúc phải thêm, nhưng lắm khi phải bớt.  

Phảỉ bớt,  phải bớt… Mỗi lời, mỗi chữ thốt ra, viết ra, phải đắn đo, lựa chọn, chú ý tối đa đến mức chính xác. Vậy mà cũng phải biết bớt. Nói, cũng như viết, là lúc phải “định”. “Định” để sắp xếp tư tưởng. Rồi “định” để diễn tả tư tưởng. Không có ngôn ngữ thì không có tư tưởng.  

Trên đây, tôi chỉ đem văn thơ để nói về chú ý, về “định”. Giá như đem toán ra nói, chắc dễ hiểu hơn. Bởi vì văn thơ là thế giới của tưởng tượng, mà tưởng tượng thì bay hoài chẳng đậu. Bay như vậy, đâu là tưởng tượng, đâu là chú ý? Nhất là đầu óc lại lang thang trong chốn nước mây của thưởng thức nghệ thuật.

Vậy mà văn thơ vẫn dạy người đọc chú ý như thường. Văn thơ giúp ta nhìn, giúp ta mở mắt. Thường thường ta nhìn mà không thấy. Vì không để ý! Văn thơ giúp ta thấy. Một cái thấy sáng hơn, lý thú hơn. Đó là cái thấy của tôi lúc nhỏ đối với cây cau trong vườn nhà. Vẫn là cây cau ấy, nhưng không hẳn cây cau ấy nữa khi lần đầu tôi đọc thơ Hàn Mặc Tử:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Tôi nhìn: đọt cau cao vút, đón nắng ban mai đầu tiên của mặt trời vừa mọc. Nắng rực rỡ và lá cau lấp lánh bao nhiêu niềm vui. Đẹp như vậy, yêu đời như vậy, sao trước đó tôi không biết thấy? Vũ trụ tặng tôi niềm vui đầu tiên trong ngày, sao tôi không biết nhận?

Cũng lúc nhỏ, khi học bài “Hàn nho phong vị phú” của Nguyễn Công Trứ, tôi bỗng khám phá ra linh hồn của những cảnh tượng ngây ngô, tầm phào hằng ngày diễn ra trước mắt tôi. Có gì đâu, một bóng nắng, một nền nhà mưa dột:

Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô
Giọt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó.

Lúc nhỏ, tôi cũng nghèo mạt như Nguyễn tướng công, nhà cũng dột, mái cũng thưa, đâu thấy bóng nắng đùa nghịch có duyên như vậy!

Sau này, cái thấy mà tôi học được trong thơ sâu kín hơn, lúc tâm hồn thật lắng đọng. Thấy rồi, thì khoái cảm rợn người. Cũng mái tranh ấy, cũng nhà trống ấy, định tâm lắm mới thấy bóng trăng khuya của Nguyễn Du:

Không ốc lậu tà nguyệt
Chiếu ngã đơn thường y

(Nhà trống trăng tà dọi, Chiếu trên áo của ta)

Lắng lòng rồi mới “thấy” trăng khuya: ánh trăng chiếu trên người vừa trở giấc, người ấy nghèo xơ, bệnh hoạn, thân thế chẳng ra gì, cùng quẫn nơi chốn quê người, tỉnh giấc sau khi nằm mộng thấy lại người vợ vừa mất. Nhà rách, mái thưa, mộng tan, người đâu mất, chỉ thấy trăng… trăng chiếu trên áo. Trăng ấy vừa thực, lại vừa gợi cảm.

Thực, vì chiếu trên áo nên người tỉnh giấc mới thấy; chiếu trên đầu, trên tóc, làm sao thấy được? Nhưng lại rất gợi cảm, vì áo của người nghèo mạt nằm kia chắc chắn phải là áo rách, áo sờn. Tả nỗi cô quạnh, thê lương của người ấy, có gì tê buốt hơn mảnh áo sờn đẫm ánh trăng khuya?

Cái thấy đó, bất cứ ai có chút tâm hồn đều biết khi ngắm một bức tranh tĩnh vật. Ba bốn quả táo trên bàn ăn. Chuyện tầm thường của cái nhìn hàng ngày, mấy ai định tâm mà nhìn quả táo? Nhưng hãy nhìn quả táo trong bức tranh của Cézanne: một chút ánh sáng trên vỏ trái cây cũng mang cả một linh hồn. Ngắm những quả táo trong tranh, tưởng chừng như mình mới thấy quả táo lần đầu! Chiếc áo sờn đắm ánh trăng khuya cũng vậy: đó là bức tranh tĩnh vật của thơ.

Và chính vì vậy mà sự thưởng thức thơ đòi hỏi hai mức định tâm: định để thấy một cảnh thực mà mình lơ đãng không biết nhìn, và định để biết cảnh thực mà mình vừa chợt thấy được thăng hoa bằng tưởng tượng, bằng cảm giác, bằng ấn tượng. Cảnh đó vừa thực, vừa “thực hơn cả thực”. Thực, như quả táo hàng ngày. Nhưng thực hơn cả thực, vì quả táo bỗng có linh hồn. Khi thấy linh hồn của bài thơ, ấy là lúc “tuệ” bừng sáng trong thưởng thức.

Bởi vậy, thơ hay thường đặt “tuệ” vào câu cuối, dồn tất cả sức sống vào câu cuối, tuồng như người đọc được bài thơ dẫn tưởng tượng và cảm giác phiêu du tận cùng non nước, và khi đến chỗ không đi được nữa thì cánh cửa bật ra, cả một rừng hoa mai hiện ra trước mắt. Hai câu thơ trên đây của Nguyễn Du là hai câu cuối trong bài Ký mộng. Thơ Nguyễn Du có nhiều câu cuối thần kỳ như vậy. Cũng như thơ Đỗ Phủ. Cũng như thơ Đường. Cũng như thơ của Anh, của Pháp, của Tây Ban Nha, của toàn thế giới.

Tôi đã bắt đầu bài viết bằng khả năng tập trung chú ý và ký ức mà các em học sinh học được từ nhà trường. Tôi chấm dứt với ý ấy. Tận cùng của “định” là “tuệ”. Giống như hoa mai nở bừng. Giống như câu cuối của một bài thơ hay.

Nguồn tin: Theo Văn hóa Phật giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây