Nhìn về giới trẻ thời @ - Kỳ II: Sống tỉnh thức

Thứ bảy - 04/04/2009 09:16
Nhận diện cuộc sống có nhiều nỗi khổ niềm đau nhưng không vì thế mà để mình chìm ngập vào nỗi đau khổ ấy. Nhận diện để vươn lên, sống tốt, tỉnh thức: “Ai sinh ra trên cuộc đời này cũng đều có hạnh phúc và khổ đau. Hạnh phúc và khổ đau đều do nhân quả tác thành, mình phải thực tập ôm ấp nỗi khổ niềm đau để chuyển hóa nó...”, Trần Quang Thanh, PD: Nhuận Kiệt (sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) bộc bạch.

Nhận diện sự thật

Bạn Trần Quang Thanh kể về bản thân mình: “Tôi từng đau khổ vì hoàn cảnh gia đình mình bỗng dưng suy sụp. Từ một người có điều kiện sống khá đầy đủ bỗng chốc trở thành người nghèo khó. Ba tôi trở nên cay cú với tất cả mọi người. Mẹ, tôi và em trở thành “nạn nhân” để ba trút những cơn bực dọc, nóng giận…”. Nhớ lại những ngày ấy Quang Thanh “vẫn còn thấy sợ” vì “mỗi ngày mở mắt ra tôi đều thấy cuộc sống chỉ có một màu đen”. Có lúc cậu đã trốn học để theo bạn bè, qua đêm nhà bạn mà không dám về nhà… Cho đến một ngày Thanh gặp một vị sư trong một lần đi chơi trong khu di tích ở Non Nước (Đà Nẵng). Vị sư ấy nói chuyện với Quang Thanh về nhân quả vốn là nền tảng của mọi biểu hiện vui - khổ của con người nói riêng và chúng sanh nói chung. Như một người bơi giữa biển, sắp chìm thì bỗng gặp một cái phao nổi nên Quang Thanh nhận ra: “Có lẽ bản thân và gia đình mình ở kiếp quá khứ đã từng tạo tác tội nghiệp nên giờ mới phải chịu cảnh suy sụp giữa chừng như thế này”.

 
Sống tỉnh thức trong từng phút giây - Ảnh: Chí Quốc

Đem những điều mình vừa “ngộ” ấy về chia sẻ với từng người trong gia đình để rồi chính những người thân trong gia đình Quang Thanh đã thấy bất ngờ với cậu con trai 17 tuổi của mình mới khổ đau không lâu trước đó đã “thành một người khác - biết mỉm cười, biết chấp nhận sự thật”. Từ đó Quang Thanh và gia đình bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu Phật pháp. Đến nay cả Quang Thanh và gia đình đều là Phật tử thuần thành. Cậu tự nhủ: “Nếu không có Phật pháp thì mình giờ đã trở thành một người trẻ chán đời, hư đốn mất rồi”.

N.V.H. - một bạn trẻ vừa bước vào tuổi 20, đang là SV Trường CĐ Phát thanh-Truyền hình TP.HCM cũng đã từng cảm thấy chán chường với mọi thứ xung quanh mình. Nỗi khổ ấy có nguyên nhân từ việc đổ vỡ của gia đình. Ba H. nhậu nhẹt thường xuyên, mẹ chịu không nổi cảnh chồng nhậu về chửi mắng, đánh đập nên bỏ nhà đi, từ đó H. trở nên hụt hẫng. Về sống với bà nội trong tủi hổ, mặc cảm với bạn bè nên H. trở nên trầm uất và không tự tin ở chính bản thân mình vì: “Lúc đó mình nghĩ rằng ngay cả người thân mình còn không quan tâm đến mình, bỏ bê mình thì còn ai tốt trên đời này?”. Thế nhưng, bắt đầu từ khi tìm đến chùa… để tìm nơi trút nỗi niềm, “lánh đời” thì chính ở đây H. đã nhận ra: “Sự thật của nỗi khổ của mình chính là do cái nhân không lành mà mình đã gieo ở kiếp nào đó. Lúc đó có lẽ vì vô minh nên tạo ra và giờ quả xấu đến”. H. chia sẻ với chúng tôi: “Phải biết chấp nhận, sống tốt để gieo nhân lành và tưới tẩm hạt giống tốt trong mình - thầy mình dạy thế”.

Nhận ra sự thật đối với nhiều người là một điều khó khăn vì sự cố chấp chi phối, và do vậy mà chỉ biết than trời trách đất. Song, với hai bạn trẻ mà chúng tôi kể ở trên - đều còn rất trẻ, có bạn đang là teen, có bạn vừa bước qua tuổi teen không lâu nhưng các bạn đã biết nhận chân sự thật khổ đau của mình. Chính vì nhận ra mà các bạn ấy đã ôm ấp, chuyển hóa nỗi đau của mình, sống tốt, từ đó các bạn đã ít nhiều cải tạo được cuộc sống của mình!

Học sống an lạc

Những ngày này nhóm Vẻ đẹp Phật pháp đang lên kế hoạch, gửi thông tin đến nhiều bạn trẻ để mời gọi các bạn trẻ tham gia chương trình “Du lịch và thực tập thiền” tại tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3, nhóm Vẻ đẹp Phật pháp cũng từng tổ chức xe cho các bạn trẻ đến tu viện Bát Nhã thực tập sống tỉnh thức, tìm niềm an lạc trong hiện tại. Tham gia trong những khóa tu ở tu viện Bát Nhã, thực tập theo pháp môn “Hiện pháp lạc trú” của Sư ông Nhất Hạnh, nhiều bạn trẻ đã tìm thấy bình an thực sự.

Hữu Nguyên, một bạn trẻ đang học năm nhất của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho biết: “Công việc học tập, việc làm thêm và đủ mối lo trong cuộc sống hiện tại này đã làm mình stress. Nhiều người bạn của mình tìm đến game để giải trí thì càng stress hơn vì suốt ngày cứ dán mắt vào màn hình, bị cảm giác thắng thua trong game, mê thành “cao thủ” đã làm khổ các bạn thêm. Nhưng từ khi mình rủ các bạn đi tham gia chuyến lên Bát Nhã thực tập thở và cười đã làm các bạn ấy thoát ra cảm giác kinh khủng ấy!”.

Còn bạn Thanh Hà thì tìm đến với những khóa lễ tụng kinh mỗi tối ở chùa Kim Cương (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để tìm niềm vui. “Đến chùa tụng kinh mình sẽ dừng lại những suy nghĩ lung tung, những lo lắng về cuộc sống bận rộn cũng dừng lại trong mỗi thời khóa tụng kinh, niệm Phật”. Cô gái trẻ 19 tuổi này nhận ra điều ấy sau khi làm quen và thích thú với mỗi đêm đi khóa lễ.

Như vậy, bên cạnh những bạn trẻ thời @ buông xuôi trước những nỗi khổ niềm đau - biểu hiện của một nghị lực không cao thì vẫn có không ít bạn trẻ đã tìm ra được đường hướng hóa giải, để sống có ý nghĩa, an lạc trong từng phút giây. Lắng nghe tất cả những điều ấy cho phép chúng ta mạnh dạn có những phương pháp gần gũi, tưới tẩm và đem hạt giống thiện lành đến với bạn trẻ. Đó có thể là cứu cánh giúp bạn trẻ thời @ tự giải thoát mình khỏi những tháng ngày sống “ảo” trên internet hay sống vật vờ bởi suy nghĩ chán, bởi bệnh than của mình!.

Nguồn tin: theo giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây