Phật giáo với vấn đề văn minh độ thị

Thứ hai - 16/03/2009 10:37
Năm 2008 là năm mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chọn là năm “thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Sau gần 3 thập kỷ khôi phục và phát triển, diện mạo của thành phố đã có những bước phát triển ngoạn mục, dần dần thoát khỏi những yếu kém lạc hậu. Điều đó đã được thực tế chứng minh bằng những thành tựu mà chúng ta đã đạt được về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, chính trị, xã hội v.v…

Nhưng trong xu thế phát triển như vũ bão ấy, vẫn còn tồn tại không ít những bất cập, mà nguyên nhân của nó có một phần không nhỏ nảy sinh từ thói quen sinh hoạt, cách giao tiếp ứng xử, sự cộng hưởng từ những mặt trái trong quá trình tiếp nhận văn hóa của người dân.

1. Văn hoá là hiểu biết và thương yêu

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận rằng vấn đề văn minh đô thị đã trở thành một tất yếu trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay. Để đánh giá chỉ số phát triển của một đất nước, người ta chọn tiêu chí giáo dục thông quá số lượng tiến sĩ thạc sĩ, đội ngũ những nhà khoa học mà đất nước đó sở hữu; còn để đánh giá sự phát triển của một thành phố thì người ta lại chọn tiêu chí về sự văn minh hay nếp sống văn hóa của cư dân thành phố ấy. Để thực hiện nếp sống văn minh đô thị thì ngoài những biện pháp cưỡng chế, yếu tố con người cũng đóng một phần khá quan trọng. Không thể nhận định một cách “quơ đũa cả nắm” rằng người dân chúng ta không có văn hóa được, mà chỉ có hành động là thiếu văn hóa. Bởi lẽ nền tảng của văn minh đô thị cần phải được thiết lập trên ý thức cộng đồng của mỗi người dân.

Văn minh đô thị hay nói nôm na là văn hóa ứng xử của con người bao gồm hai yếu tố, đó là hiểu biết và thương yêu, mà nhà Phật gọi là từ bi và trí tuệ. Hai phạm trù này luôn song hành và hỗ trợ cho nhau. Nếu bạn chỉ có thương yêu (từ bi) mà không có sự hiểu biết (trí tuệ) thì đôi khi lòng tốt của bạn trở thành sự rắc rối. Ngược lại, bạn là người có hiểu biết mà thiếu thương yêu, thì hiểu biết đó sẽ bị giới hạn, thậm chí sẽ làm bạn đi lệch hướng. Muốn hiểu biết cần phải có thương yêu, muốn thương yêu thiên nhiên con người thì cần phải hiểu biết được nó. Thay vì đứng mặc cả với người bán rau ở chợ với suy nghĩ muốn cho càng rẻ càng tốt thì bạn hãy lựa chọn thật kỹ trả tiền đúng giá, hoan hỷ giúp đỡ người bán rau vì bạn hiểu vật giá đang leo thang từng ngày, đó là cách chi tiêu có hiểu biết và thương yêu. Mặt khác, bạn còn được nhiều hơn mớ rau củ quả mà bạn mua vì bạn đã mang niềm vui cho người bán. Bạn hãy sẵn lòng mở một nụ cười hòa nhã, khi có ai đó va chạm nhẹ vào xe bạn, thay vì tỏ vẻ khó chịu, bực tức gây cản trở giao thông, vì bạn hiểu giờ tan tầm xe cộ thường đông đúc và chẳng ai muốn bất cẩn trong lúc đang lưu thông.

2. Sự thờ ơ
Chính sự thờ ơ đã làm cho mọi người không thể đến gần với nhau. Theo nhận định của một số nhà xã hội học thì việc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị sẽ có tính khả thi hơn nếu mọi người không thờ ơ, bàng quang đối với các vấn đề dù nhỏ nhặt của khu phố hay lớn lao của xã hội, không có sự tham gia của quần chúng thì cuộc vận động chỉ dừng ở mức độ phong trào.

Ở đây chúng ta đang đề cập đến “bản ngã”. Bạn cho rằng cái nắp cống bị bể ở đầu ngõ nhà bạn là “chuyện của người ta” thì bạn đang thờ ơ với chính bản thân bạn, vì bạn và gia đình bạn là một phần tử của khu phố, không sớm thì muộn nó cũng trở thành “chuyện của bạn”. Bạn có hoan hỷ nhường chỗ ngồi trên xe bus khi thấy người khác mang vác cồng kềnh và đoạn đường đi của bạn thì rất ngắn. Bạn đã bao giờ cho rằng việc chung tay chống lạm phát là “chuyện của tôi” chưa? Hay bạn cứ mặc kệ vì chuyện đó là của “mấy ông nhà nước”.

Đức Phật là một nhân cách vĩ đại trong tất cả các nhân cách vĩ đại, vì ở Ngài ta không hề thấy bóng dáng của sự thờ ơ. Thái tử Siddhattha xưa kia đã từng đau đáu nỗi lo của nhân sinh, mặc dù với thân phận và địa vị của mình, Ngài có quyền thờ ơ với tất cả. Nhưng không, Ngài luôn quan tâm đến tất cả, dù đó là con bồ câu bị thương dưới mũi tên của người em họ Devadata. Cho đến cảnh sanh, già, bệnh, chết khi mà Ngài đã từng thắc mắc gần như ngây ngô với Channa khi đi dạo qua bốn cửa thành. Và nếu như thái tử Siddhattha ngày đó cho rằng hạnh phúc mà tôi đang hưởng là “của tôi” và đau khổ mà anh đang gánh chịu là “của anh” thì có lẽ nhân lại lợi lạc cho trời và người. Mỗi bước chân rong ruỗi trên khắp nẻo đường giáo hoá của Đức Phật là những món quà vô giá mà Ngài dành tặng cho cõi nhân sinh. Những bài pháp của Ngài dường như được cất lên từ chính những lo lắng, băn khoăn của người thọ pháp. Ngài đã dùng năng lực của tình thương để lắng nghe tất cả và cảm hóa muôn loài bằng chính tuệ giác siêu việt của mình. Chính điều đó đã biến cuộc tranh chấp dòng nước bên tả ngạn sông Hằng thành Tỳ Xá Ly mãi mãi không bao giờ là cuộc xung đột đẫm máu. Tướng cướp Anglimala hung hãn khát máu ngày nào bỗng trở thành một vị Tỳ Kheo đầy đức hạnh.

Và mãi hơn 200 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn sức mạnh cảm hóa ấy còn vang vọng, Asoka đại đế được lịch sử Ấn Độ ghi nhận là một hoàng đế vĩ đại, không chỉ bởi công cuộc chinh phạt khốc liệt thậm chí là dã man nhằm thống nhất Ấn Độ, mà còn vì những đóng góp lớn lao của ông đối với việc phát triển và truyền bá Đạo Phật, vốn là một tôn giáo mà ông đã từng căm ghét. Phải trải qua những cuộc tắm máu người hoàng đế Asoka mới thấu hiểu. Ông cảm thấy lòng mình nổi lên những đợt sóng bất an dữ dội, chính cái nhân tính sẵn có trong ông đã sống dậy, làm ông ray rứt, thôi thúc ông quay về nương tựa nơi Đức Phật, và ông sám hối, lập đàn cầu siêu cho người tử trận, cải từ đạo Bà-La-Môn sang Đạo Phật, đi chiêm bái những thánh địa, Phật tích và cho khắc những chỉ dụ lên trên đá nhờ thời gian lưu giữ dấu ấn lịch sử về cuộc đời của Đức Phật cho ngàn đời sau, đưa Đạo Phật trở thành quốc giáo trên toàn vương quốc Asoka, trải rộng hầu hết lãnh thổ Ấn Độ ngày nay.

3. Khoảng cách
Khoảng cách mà chúng ta đang đề cập không phải là khoảng cách bề mặt địa lý, không gian, mà chính là khoảng cách giữa các giai tầng trong xã hội.

Mấy năm gần đây, bộ mặt kinh tế của đất nước rất phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh quá trình phát triển cũng kéo theo không ít những mặt trái. Đó chính là sự phân hóa ngày càng lớn giữa giàu và nghèo, thành thị và nông thôn, làm cho xã hội dần dần lâm vào tình trạng mất cân đối. Đức Phật sinh ra trong một bối cảnh xã hội bị chi phối bởi một hệ thống đẳng cấp khắt khe, và chính ngài là người đầu tiên đã xóa bỏ rào cản về giai cấp.

Bởi khi đến với Thế Tôn, dù cho người đó xuất thân từ dòng dõi Brahman (Bà La Môn), Ksatriya thống trị xã hội hay thuộc giai cấp Vaisya sinh ra từ bắp đùi của thần tạo hóa Brahma (theo quan niệm của Bà La Môn giáo) hoặc tầng lớp thấp cổ bé họng Sudra được tạo ra từ bàn chân của thần Brahma thì những điều đó cũng trở nên vô nghĩa. Truyền thống đó vẫn còn được giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Nếu không tin bạn có thể tự mình chứng thực điều đó. Tối tối, sau một ngày bận rộn vất vả với những lo toan của cuộc sống đời thường, đến Chùa tham dự một khóa lễ tịnh độ thường nhật, quan sát bốn chúng đệ tử Phật trang nghiêm, thanh tịnh cất vang lời kinh tiếng kệ trong nhịp mõ đều đặn, thì thử hỏi bạn có thể biết được những người đang có mặt ở đó có hoàn cảnh và cuộc sống như thế nào không? Hay bạn chỉ nhận thấy ở họ một cảm giác hạnh phúc, nhẹ nhàng, thanh thản đầy thiền vị.

Bao nhiêu là những thắc mắc, những băn khoăn vướng bận trong tâm hồn họ đã được đức Từ Phụ lắng nghe và tháo gỡ, không phải bằng chất liệu ngôn từ mà bằng chính trái tim đầy tình thương và cảm thông của Ngài đối với mỗi chúng sanh, mỗi kiếp người.

Tóm lại, dù ở bất cứ một khía cạnh nào, Phật giáo không hề giữ vai trò là một nền văn hóa cụ thể, nhưng tự thân Phật giáo đã thiết lập cho con người một quan niệm sống có văn hóa, góp phần hình thành “Văn minh đô thị”. Bởi, trải qua hơn 2000 năm đồng hành cùng lịch sử nhân loại, vượt qua biết bao thăng trầm biến cố, đạo Phật vẫn mãi mãi là một điểm tựa, như một con đê kiên cố và vững chắc che chở bao bọc cho biết bao số phận trước những đợt đại hồng thủy dữ dội của cuộc đời. Cánh cửa chùa ngày ngày vẫn rộng mở, cánh tay Phật vẫn đang dang rộng để che chở giúp ta lấy lại sự bình quân giúp tâm hồn lắng dịu an ổn.

Nguồn tin: theo Hoa Linh Thoại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây