Dù là yểu mạng ở tuổi đôi mươi, hay sống thọ đến khi trăm tuổi như
mong ước của nhiều người, thì cuối cùng chúng ta đều phải chết. Và mỗi ngày
chúng ta trải qua trong cuộc sống, có thể hiểu một cách hoàn toàn chính xác là
mỗi một bước tiến gần hơn về điểm cuối cuộc đời. Chúng
ta không hề bi quan khi thừa nhận điều này, vì đó là sự thật! Chính thái độ
tránh né không đề cập đến sự thật này mới là thái độ hèn nhát, bi quan. Chúng
ta thừa nhận sự thật này để thấy rõ một điều thực tế: thời gian được sống trên
cõi đời này là đáng quý biết bao!
Chúng
ta sẽ càng ý thức rõ hơn sự quý giá này khi nhớ rằng chúng ta không hề được đảm
bảo là mình sẽ còn sống được bao lâu nữa. Tôi đã có lần chia tay với một người
bạn thân, để rồi chỉ vài hôm sau nghe tin anh ta không còn nữa. Thật vậy, mạng
sống quý giá này của ta có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào. Nhưng điều kỳ lạ là hầu
hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!
Sự
quý giá của thời gian không phải là để giúp chúng ta có thể làm được những điều
này, điều nọ... Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay
cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được
gì cả! Vấn đề là chúng ta phải biết sống như thế nào để xứng đáng với giá trị
thời gian ấy. Chúng ta lao động như một phương tiện để nuôi sống, nhưng bản
thân sự lao động sáng tạo cũng chính là cuộc sống của chúng ta. Ngược lại,
những giá trị vật chất được tạo ra luôn luôn có những giới hạn tạm bợ của nó,
và rõ ràng không thể là mục đích cuối cùng để chúng ta nhắm đến. Những giá trị
vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng nếu chúng ta
chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Nghệ thuật
sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh
khắc tươi đẹp của cuộc đời.
Nhiều
người cho rằng nhờ sức lao động điên cuồng trong những xã hội công nghiệp mà
loài người chúng ta mới có được ngày hôm nay, với những chiếc xe gắn máy hiện
đại, máy điều hòa không khí, máy giặt quần áo... và cho rằng những thành tựu
vật chất ấy là có ý nghĩa to lớn nhất. Tôi không hoàn toàn phủ nhận điều ấy,
nhưng nếu đánh đổi sự quý giá của thời gian trong một đời người chỉ để vật lộn
trong các nhà máy nhằm tạo ra các tiện nghi vật chất ấy thì tôi cho là không
đáng. Thật tội nghiệp cho những người có suy nghĩ như thế, và tôi sẵn sàng chấp
nhận một cuộc sống đơn sơ để có được thời gian cho một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Chúng
ta điên cuồng lao động quên ngày giờ để làm ra của cải vật chất, nhưng cũng chỉ
vì không biết nghệ thuật sống, chúng ta sẵn sàng thiêu hủy những thành tựu vật
chất ấy chỉ trong chốc lát. Một quả tên lửa mà quân đội viễn chinh Mỹ bắn vào
thủ đô Irak trị giá đến một triệu hai trăm ngàn đô-la, và sức tàn phá của nó
hẳn cũng hủy diệt đi một giá trị vật chất tương tự hoặc nhiều lần hơn thế nữa.
Con
người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những
giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng
ta sử dụng thời gian của đời mình. Chúng ta còn được bao nhiêu thời gian trong
cuộc sống? Đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời được. Có thể là mười năm,
hai mươi năm, có thể là một năm, có thể là vài ba tháng... nhưng cũng có thể
chỉ là trong chốc lát nữa thôi. Vấn đề này sẽ bộc lộ hoàn toàn ý nghĩa thiết
thực của nó khi chúng ta thử hình dung mình mắc phải một chứng bệnh nan y nào
đó, ung thư chẳng hạn. Và phán quyết của bác sĩ cho chúng ta là một hoặc hai
tháng nữa sẽ từ bỏ cuộc đời này. Thật kinh hoàng biết bao! Và khi ấy, chúng ta
mới thấy tiếc nuối cuộc sống này biết bao! Thế nhưng, một thực tế là có biết
bao người không hề mắc bệnh ung thư, cũng không hề được ai dự báo trước, vẫn có
thể đột ngột từ bỏ cõi đời này mà không theo một quy luật nào cả. Làm sao dám
chắc rằng chúng ta lại không là một trong số đó? Nếu chúng ta có đủ can đảm
chấp nhận sự thật ấy, chúng ta mới có thể sống thật trọn vẹn những giây phút
hiện đang có được trong cuộc sống tươi đẹp này.
Thời
gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc. Khi chúng ta ý thức được
rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, chúng ta sẽ thấy
tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể. Đời sống
của ta quý giá, và đời sống của mọi người quanh ta cũng quý giá không thể lấy
gì đánh đổi được.
Mỗi
buổi sáng thức dậy, chúng ta nhìn lên bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai
ửng hồng, hoặc một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm... Mỗi một thực thể
xinh đẹp ấy đều nhắc nhở ta biết là đời sống của ta đang tồn tại, và ta tự nhủ
với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm
mầu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang
niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.
Cuộc
sống luôn diễn ra quanh ta, nhưng rất nhiều khi ta quên đi điều ấy. Chúng ta lo
toan chuyện này chuyện khác, chúng ta vất vả để có được món này món nọ... Những
thứ ấy không phải là không quan trọng, nhưng chúng đều là những gì thuộc về
tương lai, mà tương lai thì không thể cảm nhận được một cách cụ thể, chắc thật
như giây phút hiện tại mà ta đang sống.
Khi
hiểu được như vậy, chúng ta vẫn làm việc không kém phần tích cực cho những mục
tiêu mà mình nhắm đến, nhưng trên cả những điều ấy là chúng ta luôn ý thức được
giây phút sống hiện tại của mình.
Chúng
ta đào một cái hố trong vườn để đặt cây xoài con. Mục tiêu của chúng ta là tiếp
tục vun bón để một ngày mai sẽ có quả xoài thơm ngọt cho chính chúng ta hoặc
con cháu của chúng ta. Nhưng quả xoài hãy còn trong tương lai. Niềm vui thật sự
của chúng ta không nằm ở tương lai mà là ngay trong giây phút hiện tại này,
trong từng nhát cuốc chúng ta đào, trong việc bón phân lót và đặt cây xoài con,
trong việc tưới nước và che mát cho cây con... Chúng ta cần phải biết tận hưởng
được niềm vui trong đó. Nếu chúng ta nghĩ đến một ngày mai con cháu chúng ta sẽ
có những quả xoài thơm ngọt để ăn, thì thật ra động lực mang lại niềm vui cho
chúng ta là tình thương ta dành cho con cháu, không phải bản thân việc có được
quả xoài. Khi chúng ta hiểu được như thế, thì dù nhiều năm sau đó cây xoài
không sống được để cho trái – và điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra – chúng
ta sẽ không đau khổ. Chúng ta đã tận hưởng niềm vui ngay trong hiện tại và
không có gì phải phụ thuộc vào một kết quả trong tương lai. Chúng ta đã làm hết
sức mình để có những giây phút đẹp trong đời sống, và vì thế chúng ta không có
gì phải tiếc nuối hay đau khổ vì những hoàn cảnh không mong muốn.
Chúng
ta cũng có thể tận hưởng niềm vui cuộc sống ngay trong khi đi bộ đến trạm xe
buýt hay khi đang chờ xe... Mỗi một khung cảnh mà ta được nhìn thấy quanh ta
đều là những quà tặng vô giá của cuộc sống mà rất có thể ta sẽ không còn có dịp
để nhìn thấy nữa. Khi tôi còn nhỏ, tôi rất mê nghe nhạc cổ điển. Nhưng máy hát
đĩa trong nhà là thuộc quyền sử dụng của anh tôi, vì tôi vẫn còn quá nhỏ. Anh
tôi lại rất ít khi nghe nhạc cổ điển, vì anh thích các ca khúc tiền chiến hơn.
Như vậy là, cứ mỗi dịp hiếm hoi mà anh mở đĩa nhạc cổ điển, tôi liền tập trung
hết cả tâm hồn mình để chú ý lắng nghe, vì tôi biết là sẽ rất hiếm khi lại được
nghe lần nữa. Những lúc như thế, tôi thấy những nốt nhạc không chỉ còn là âm
nhạc, mà chúng như một dòng suối tuôn chảy niềm vui về cho tôi. Quả thật là khi
nghe nhạc theo cách ấy, tôi đã tận hưởng được tất cả những nét đẹp kỳ diệu
trong âm nhạc.
Chúng
ta cũng sẽ không phung phí thời gian để mơ mộng về tương lai hay nuối tiếc quá
khứ. Từng giây phút ta đang sống trong bầu không khí trong lành quanh ta đều
quý giá. Từng con người mà ta có may mắn được tiếp xúc cũng đều quý giá. Ta
không thể ngồi cạnh một con người mà tâm hồn để mãi tận đâu đâu. Khi ấy, ta
không cảm nhận được sự hiện hữu của người ấy, mà người ấy cũng sẽ không hề cảm
thấy thật sự có ta. Niềm vui của ta chỉ có được trong một sự tiếp xúc thật lòng
mà không nằm trong những mơ mộng viễn vông. Đến một bông hoa, một cành lá...
chúng ta cũng cần phải tiếp xúc thật lòng như vậy mới có thể cảm nhận được sự
hiện hữu và vẻ đẹp của chúng.
Thời
gian quý giá vẫn liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Hãy sống như thế nào để
thời gian trở thành một dòng sông, một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh
phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó. Chỉ như thế chúng ta mới
không bỏ phí đi giá trị của thời gian, và mới nhận ra được hạnh phúc là một
điều hoàn toàn có thật.
Nguồn tin: theo Hoằng Pháp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự