Nguyên nhân của đau khổ
Thể xác cảm thấy đầy đủ khi 5 giác quan được kích thích theo chiều tốt đẹp. Nhìn cảnh, người đẹp, nghe những lời nói hay điệu nhạc êm tai, ngửi mùi thơm, nếm những món ăn hợp khẩu vị, cơ thể xúc chạm những gì mềm mại, những yếu tố đó tạo nên cảm giác sung sướng hạnh phúc. Tình cảm thấy đầy đủ khi ta được những gì mình muốn, được người khác yêu và chìu chuộng mình. Người đó đoán được ý thích của mình và thỏa mãn mình. Về tinh thần, ta cảm thấy đầy đủ khi mọi chuyện xảy ra tốt đẹp theo ý muốn, ta không còn những ý nghĩ phập phồng lo âu. Tuy nhiên, mọi sự hiện hữu trên trần thế này đều bị chi phối bởi luật vô thường. Thân thể trải qua quá trình sanh lão bịnh và chết. Tình cảm không khác, cũng qua giai đoạn hy vọng, được và chán. Tinh thần khi đáp ứng với sự thay đổi của vật chất và tình cảm thì cũng bị lôi cuốn và lung lay theo. Ðôi khi trong sự thiếu sáng suốt, hoàn cảnh không đến nỗi tệ lắm nhưng con người lại vẽ ra những viễn tượng rất bi quan. Kéo theo đó là sự tăng trưởng của những ý tưởng lo âu, sợ hãi không dừng. Vai trò của tôn giáo trong đời sống Mục đích chung của tôn giáo là làm giảm đau khổ. Vai trò phổ thông nhất của tôn giáo trong dân gian là tín ngưỡng và cầu xin. Người dân tin vào ông Phật hay Chúa Cứu Thế sẽ phù hộ cho họ nếu họ ăn hiền ở lành. Vào những ngày lễ, họ kéo nhau đến cầu nguyện để cầu xin những điều tốt lành xảy ra trong đời họ. Họ bám lấy cái hy vọng được Phật hay Chúa thương xót phù hộ họ để vượt qua những thử thách và khó khăn trong cuộc đời. Tuy rằng đây là tôn giáo nông cạn bình dân nhưng lòng tin này sẽ giúp người ta đỡ cảm thấy chơi vơi giữa biển khơi sóng gió của vô thường. Người trí thức tìm hiểu sâu hơn triết lý của tôn giáo. Họ phân tích, so sánh những lời dạy của các vị hiền triết để tìm ra một hướng đi trong cuộc sống. Khi phân tích sâu, thì hướng chung của tất cả các tôn giáo lớn là giúp con người có một cuộc sống hòa hợp. Nói chung, những tôn giáo lớn được hình thành hơn hai ngàn năm về trước. Lúc đó sự trưởng thành tâm lý của loài người chưa được cao lắm, nên vai trò của tôn giáo là giúp loài người có một cuộc sống trật tự, tạo một lề lối (giới luật) để giúp đỡ con người làm chủ những tình cảm thô sơ như tham, sân và si. Nếu không có sự hướng dẫn của tôn giáo thì ngay cả những vị vua chúa cũng chưa có đủ sự sáng suốt để cai trị dân gian một cách công bằng. Lịch sử cho ta thấy những xã hội bất công thường chiếm đa số. Dân chúng, những người không có quyền hành, thường bị ức hiếp. Lý do là trong sự thiếu sáng suốt, con người có khuynh hướng ức hiếp kẻ khác để đem sự đầy đủ về cho mình theo đà phát triển của bản ngã (Ego). Giết lẫn nhau, trộm cắp, chiếm lấy chồng hay vợ của người khác, nói láo hại người khác để được những gì mình muốn là hành vi của ngã. Trong sự thiếu thốn của tinh thần, con người muốn chiếm đoạt càng nhiều càng tốt. Tình yêu đem về Con người có cảm giác đầy đủ khi mình được yêu. Tình yêu thế gian là tình yêu của ngã, là tình yêu đem về cho mình. Trong cái vô minh của bản ngã, con người cảm thấy thiếu thốn rất nhiều. Họ muốn được càng nhiều càng tốt. Trong lúc yêu tâm hồn bị phân cực (polarize) và càng rời xa cái điểm quân bình trong chính mình. Nói một cách khác, tâm hồn người đang yêu không được an ổn, nếu xa người yêu thì có những tư tưởng nhớ nhung lăng xăng. Cô đơn đau khổ khi xa người tình và hạnh phúc vô vàn khi gần nhau là hai thái cực của tình yêu. Vấn đề ở đây là cái mà tình yêu đem về là một ảo tưởng rất mãnh liệt. Người đang yêu phóng những ước muốn của mình lên người mình yêu. Nói một cách khác, ta yêu phân nửa hồn ta phóng lên người tình. Nhiều người muốn tự tử khi thất tình là vì khi người kia ra đi, họ đánh mất một nửa tâm hồn họ. Yêu càng mãnh liệt thì tâm hồn bị phân cực càng nhiều. Người thất tình không chịu đựng nổi nỗi cô đơn của tâm hồn bị xé làm đôi nên có ý định tự tử. Tự tử là sự mong mỏi sai lầm trở về nhất thể yên lành. Vấn đề thứ hai là tình yêu thế gian lấy ảo tưởng làm nền tảng. Khi hai người ham muốn nhau thì họ cùng chia sẻ một ảo tưởng. Lúc đó tình yêu được hình thành. Một thời gian sau, cái ảo tưởng ban đầu từ từ bị sứt mẻ khi họ đụng chạm với thực tế. Lúc đó thì tình yêu sẽ có nguy cơ đổ vỡ. Nguy cơ này rất cao ở những người có nhiều tham vọng hay đòi hỏi người yêu phải làm đúng theo sự mong đợi của mình. Vì con người nặng nghiệp vật chất nên sự tột cùng của tình yêu là sự giao hợp thể xác. Khi yêu càng nhiều thì sự phân cực của tâm hồn càng xa và đòi hỏi được gần gũi người mình yêu lại càng mãnh liệt. Trong thâm tâm thì con người muốn trở về cái nhất thể hòa thành một trong sự giao hợp sinh lý. Nhưng trên thực tế thì cái một đó không bao giờ có được. Loài người sanh con đẻ cái, tạo thêm những dây nhợ lo âu ràng buộc tách họ ra khỏi cái nhất thể mà họ hằng mong ước. Tình yêu và tôn giáo Cái nhất thể mà tôn giáo đưa ra là cái nhất thể tâm linh. Tùy trình độ nhận thức và tín ngưỡng của con người, cái nhất thể tâm linh có rất nhiều tên: Thiên đàng, cõi Phật, cõi Chúa, Phật tánh... Các tôn giáo đều nhắc nhở rằng ta cần trở về cái nhà nhất thể tâm linh để được an lành trong nội tâm. Lúc đó tâm ta không còn bị phân cực nữa. Nếu ta càng giữ lâu niềm thanh tịnh an lành trong tâm thì hạnh phúc hiện ra càng rõ. Thanh tịnh có khả năng đem tâm ta trở về nhất thể. Tôn giáo còn xây dựng một xã hội mà những người sống nơi đó đều có cùng một niềm tin và thương yêu lẫn nhau. Khi một xã hội thiếu tình thương thì những người sống trong đó cảm thấy cô đơn và lòng tự trọng (self esteem) kém đi. Cảm giác thiếu thốn càng nhiều dễ dẫn họ vào con đường tội lỗi của sự chiếm đoạt, của tham, sân và si. Tuy nhiên, vì ngã mà con người lầm nhận phương tiện là cứu cánh nên tạo ra nhiều tranh chấp giữa các tôn giáo hay trong chính tôn giáo của mình. Tình yêu mà tôn giáo đặt ra là một tình yêu vị tha, vượt ngoài phạm vi tín ngưỡng, để con người tập nhận ra sự đầy đủ trong mọi người và trong chính mình. Khi ta được thương và tôn trọng thì tham, sân và si sẽ giảm đi phần nào. Tham làm tâm ta bị phân cực nên cảm thấy thiếu thốn nhiều. Sân hiện ra khi ta bị tước đoạt những gì ta yêu thích làm ta muốn đạp đổ, đập phá tất cả. Sau cơn thịnh nộ thì ta sẽ đương đầu với sự mất mát. Nếu sống trong một môi trường không có tình thương thì con người sẽ dễ lo âu và sân hận. Ham muốn, sân hận và mất lòng tin ở kẻ khác là nguồn gốc của chiến tranh. Nó có thể xảy ra ngay trong gia đình đưa đến ly dị. Nếu ở lãnh vực chính trị thì chiến tranh sẽ khó mà tránh khỏi. Tình yêu và người chuyên tu Người mới đi trên con đường chuyên tu sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn về tình yêu. Thông thường họ là những người thích sống trọn vẹn cho lý tưởng. Trước khi vào nhà dòng hoặc cạo đầu vào chùa thì họ lý tưởng hóa tình yêu nơi chốn thanh tịnh. Nhưng khi vào cổng tu viện rồi, họ phải đương đầu với những tình cảm thế gian của những người đồng tu. Lẽ đương nhiên là mặc dù thân thể được khoác lên áo nhà tu nhưng thói quen, tập quán, tánh tình trần thế không vì thế mà rủ bỏ trong tức thời được. Những người này dễ bị hoang mang và tự hỏi rằng họ có thể chọn lầm hướng đi hay chăng? Nếu họ còn ở giai đoạn lý trí hóa tôn giáo nhưng tình cảm vẫn còn những đòi hỏi trần thế thì tâm hồn họ sẽ rất cô đơn. Họ từ giã những thú vui thể xác nhưng họ chưa đạt được sự an lành trong tâm hồn. Ðây là giai đoạn tâm lý hết sức khó khăn dễ làm người tu nhụt chí. Ðây cũng là giai đoạn thể xác phản đối, đòi hỏi trở về sự sung sướng của nó. Tâm linh họ chưa phát triển đủ để đón nhận tình yêu vũ trụ và chưa đủ sức mạnh để kiềm chế những đòi hỏi của thể xác. Ðây là một sự chiến đấu tâm linh mà các vị chân tu đều phải đi qua. Trong quá trình đi tìm tình yêu vĩnh cửu, thể xác hay kéo về cái tình yêu ấm áp của xác thịt. Trong mỗi người chúng ta có genes của vô số tiền kiếp thân vật chất. Qua nhiều tiền kiếp, mang thân vật chất, họ quen lấy vật chất bù đắp cho thân vật chất, lấy vật chất đem cái sung sướng về thân vật chất. Họ còn sống trong ảo tưởng là tình yêu cần phải được cái gì thực tiễn. Càng sống với lý trí và dồn nén tình cảm càng nhiều thì sự khao khát đem đến sự sung sướng cho thể xác càng cao. Có lẽ muốn tránh thái cực này nên các lãnh tụ tôn giáo lớn đã không chọn con đường tu khắc khổ mà chọn con đường chính giữa (trung đạo). Đòi hỏi của cơ thể Một số giáo phái Phật giáo lẫn Ki Tô giáo suy luận rằng, muốn rời khỏi sự phàm tục thì người tu phải coi thường những đòi hỏi của thể xác và của tâm lý trần tục như tránh sự giàu sang, tránh phụ nữ quyến rũ, tránh danh lợi, tránh ăn ngon và ngủ nhiều. Tuy nhiên, nếu ta đi vào thái cực hành hạ thể xác quá độ thì trong tâm lý tham ái và sân hận dễ nổi dậy. Vì môi trường tu viện không cho phép tham và sân biểu hiện nên một số tu sĩ đè nén những tình cảm này. Hậu quả của sự đè nén là lâu ngày lòng từ bi và lòng tha thứ sẽ bị cạn dần. Người tu sĩ sẽ có tánh tình rất khắt khe và dễ sanh bực bội, khó chịu. Những nhạy cảm tâm linh lần lần bị mất và tình cảm bị cạn dần, trở nên chai lỳ. Một số người cũng có thể sanh ra những bịnh tâm thần như trầm cảm (Major depression). Trong tâm tư của họ lúc bấy giờ có rất nhiều mâu thuẫn. Ðó là chiến tranh duy trì lý tưởng tôn giáo thách đố với sự nản chí muốn rời nơi chốn tu, trở về cuộc sống trần tục. Họ cảm thấy thiếu tự tin và dễ bị mặc cảm tội lỗi. Con người mang nặng nghiệp vật chất nên rất thích hiện diện qua thân thể. Khi thân thể bị gò bó quá thì cái nghiệp vật chất sẽ vùng dậy. Người tu sẽ có những thèm muốn ăn ngon, ngủ trên giường nệm êm ấm hay có được một thân thể mềm mại gần mình. Những đòi hỏi của xác thịt làm họ cảm thấy căng thẳng thêm. Ðôi khi sự căng thẳng này sẽ làm họ rối trí khiến có những quyết định sai lầm. Căng thẳng càng nhiều thì sự phân cực trong tâm lý càng tăng. Cái ảo tưởng tìm một món vật chất hay một thân thể bên ngoài để đem đến sự đầy đủ về cho mình sẽ dễ làm mờ mắt người tu. Thế giới tâm linh phi hình ảnh Khi quan sát thế giới sinh vật, ta thấy rằng ăn uống và sinh sản là những tập tục, thói quen đã có sẵn từ khi sự sống vật chất có mặt trên cõi trần tục này. Trong cơ thể của mọi người có chứa sẵn những genes thúc đẩy ta ăn uống và sinh sản. Khi loài người bắt đầu có ý thức (awareness) và sống chung với nhau trong một xã hội phức tạp, những hành vi ăn uống và sex không phải lúc nào cũng thực hiện được trong mọi hoàn cảnh. Khi không thực hiện được bằng hành vi thì những ước muốn hiện ra trong tâm tư bằng hình ảnh. Hình ảnh tích tụ tạo ra tham, sân và si. Tham là giữ hình ảnh của người hay vật mình muốn và tìm cách để được (hay thực hiện được) ở thế giới vật chất. Sân là giữ hình ảnh của người mình ghét trong tâm tư mình với ước muốn diệt trừ họ ở thế giới vật chất. Si là sống trong thế giới ảo vọng của tâm mà tưởng như thế giới đó là thật, đó là si vòng thứ nhất. Si vòng thứ nhì là muốn biến những ảo tưởng thành sự thật. Mỗi người có những ảo tưởng riêng. Vì thế, thực hiện ảo tưởng tham vọng của người này sẽ là sự mất mát của người kia. Từ đó mà sanh ra sự vay và trả của tham và hận thù. Khi bắt đầu quá trình tu tập, người tu khó mà rời khỏi được thế giới của hình ảnh nội tâm. Họ thay thế cái tham, sân, si của thế gian bằng cái tham, sân, si tế nhị hơn của tôn giáo. Tham được vật chất được thay thế bằng tham được phước lộc, tham được Chúa hay Phật rước về cõi của tín ngưỡng mình. Sân khi có người nói nghịch với tín ngưỡng mình, khi có ai đó cãi lý với những gì mình tin tuyệt đối. Họ có cảm giác như người kia đập phá những hình ảnh linh thiêng của tôn giáo họ. Rồi có một số người nhân danh tôn giáo tự biến mình thành kẻ sát nhân. Trong sự tối tăm của si mê, những người đó tin rằng giết người và tạo đau khổ cho kẻ khác là điều cần thiết để bảo vệ cái hình ảnh tín ngưỡng của họ. Chỉ có một số nhỏ nhận thức được thế giới tâm linh chỉ xuất hiện khi con người vượt qua đám mây của hình ảnh. Còn số đông thì tưởng tượng Phật hay Chúa qua hình ảnh của những tượng hay hình vẽ trong chùa hay nhà thờ. Nếu ai đập phá hình nộm tín ngưỡng thì họ sẽ phản cự kịch liệt. Nhưng nếu giả sử Chúa hay Phật sống lại nhưng hiện ra ở những hình dạng khác như ông lão ăn xin tật nguyền hôi hám, thì đa số chúng ta sẽ xua đuổi vị mà ta tôn thờ khi chính Ngài đích thân gõ cửa thăm viếng chúng ta. Vì thế, nên biết chúng ta thường tự khóa chặt mình vào trong cái thế giới ảo tưởng do tự mình vẽ ra. Thật vậy, ngay khi Chúa còn tại thế, người ta không nhận ra Ngài. Ðến khi Ngài chết rồi thì loài người tạo ra tôn giáo để tôn thờ hình ảnh Ngài. Tình yêu phi hình ảnh Khi nói rằng ta yêu người nào đó, thì trước nhất người đó phải hiện diện, người đó phải thương ta. Khi người đó không còn nữa thì ta yêu cái kỷ niệm hay hình ảnh của người đó còn lưu lại ở tâm tư ta. Nếu có người tu hành rời bỏ tình yêu ruột thịt hay xác thịt của thế gian để đến với tình yêu lý tưởng của tôn giáo thì người đó sẽ cảm thấy rất cô đơn trong giai đoạn đầu của quá trình tu tập. Người đó phải tin rằng Chúa hay Phật thương họ. Ðến khi gặp khó khăn trong cuộc sống mà không thấy được phép lạ của sự cứu rỗi thì lòng tin tuyệt đối đó sẽ dần dần bị sứt mẻ. Khi không được những gì mình muốn thì sự mong cầu càng tăng. Lúc đó tâm tư người tu bị cắt xén ra làm hai: Ðấng bên ngoài ban phước lành và mình chờ đợi sự mầu nhiệm xảy ra. Khi tâm hồn bị cắt xén bởi hình ảnh kẻ cho và người được thì con người dần dần mất sự quân bình và đầy đủ của tâm linh. Khi ta còn giữ một hình ảnh, ngay cả hình ảnh linh thiêng của Phật hay Chúa thì ta vô tình tự cắt đứt mình ra khỏi tình yêu vô tận của tâm linh và của vũ trụ. Người tu cảm thấy thật cô đơn và lạc lõng. Ðây là tâm trạng người cầm lồng đèn trong tay đứng giữa đêm tối không trăng. Người đó quên thắp ngọn đèn và nhìn bầu trời đen trong tuyệt vọng. Chính vì thế, người tu ở bất kỳ tôn giáo nào cũng phải nên tập nhìn ra sự hiện diện mầu nhiệm trong tâm tĩnh lặng. Khi ta rời bỏ thế giới của vật chất và hình ảnh thì ta mới bước vào thế giới tâm linh được. Ta rời vật chất mà tâm không rời hình ảnh, thì sớm muộn gì hình ảnh sẽ thu hút ta trở về thế giới hiện hữu của vật chất. Càng lún sâu trong vật chất thì ta càng hoang mang khi trở về thế giới tâm linh không có hình ảnh. Muốn sống lại trong vĩnh cửu, ta phải tập chấp nhận cái chết của thân vật chất. Ðối với người chân tu, cái chết của thân vật chất không phải là hoạn nạn lớn lao nhất của đời người. Cái chết làm ta chán cái vô thường và nhắc nhở ta trở về thế giới vĩnh cửu. Trước khi đến thế giới vĩnh cửu thì ta phải tập đi qua thế giới ảo tưởng ấm cúng của hình ảnh và bỏ hình ảnh lại đằng sau. Quá trình này tạo ra sự cô đơn vô cùng tận trong tâm hồn người tu. Phật phải chấp nhận sự cô đơn này mới chiến thắng được sự quyến rũ của ma vương. Phật không dùng phép lạ để diệt trừ ma vương mà ngài dùng tỉnh thức để từ khước lời mời gọi quyến rũ trở về thế giới hình ảnh và vật chất. Chúa phải trải qua sự thử thách tột cùng trên thập tự. Lúc đó không có phép lạ của Thượng đế trừng phạt những kẻ giết con Ngài, để làm Chúa sống lại đời đời ở dạng thân thể vật chất. Gần đây hơn, mẹ Theresa cũng phải đi qua giai đoạn “sa mạc tâm linh” này. Người chân tu phải can đảm chấp nhận bỏ lại hình ảnh, ngay cả những hình ảnh linh thiêng, để dấn thân vào sa mạc phi vật chất và phi hình ảnh. Khi đi qua sa mạc này rồi thì ta mới cảm nhận được sự sống vô bờ bến của thế giới vĩnh cửu. Chỉ có tâm tĩnh lặng mới có thể dẫn ta qua sa mạc này đến miền vĩnh cửu. Tâm tĩnh lặng đem đến cho ta sự tỉnh thức phi hình ảnh. Khi tâm ta còn duy lại một hình ảnh nào đó thì ước muốn thực hiện hình ảnh đó sẽ kéo ta trở lại thế giới vật chất. Khi ta hiện diện ở dạng hình ảnh hay dạng vật chất thì sẽ chịu ảnh hưởng của luật vô thường. Rồi một ngày nào đó ta mới chợt tỉnh giấc mộng ngàn đời. Ta nhìn xá lợi của Phật như một kỷ niệm đẹp. Ta không thầm trách Thượng đế không làm phép lạ để cho thân thể Chúa sống đời đời trên thế gian để cứu độ ta. Ta nhìn một đóa hoa, ta không thấy đóa hoa sắp bị héo tàn mà đóa hoa là cánh cửa mở vào một vũ trụ tĩnh lặng vô bờ bến. Ta nghe được tiếng nhạc của vĩnh cửu trong sự im lặng tuyệt đối của tâm linh. Người thế gian sẽ phỉ báng ta vì ta không có những tín ngưỡng như họ. Những gì ta nói họ sẽ không hiểu. Nhưng có sao đâu, vì ta đã chọn con đường không dấu chân để đi.
Khi phân tích đau khổ, ta thấy rằng tính chất chung của đau khổ là nhận thức bị mất mát. Cảm giác “không được” cắt xén sự đầy đủ an lành đem đến sự bất an trong thể xác lẫn tâm hồn. Ðau khổ hiện diện song song với ý tưởng. Khi không có ý tưởng thì ta có đau đớn chớ không có đau khổ. Ta cảm thấy cô đơn vì ý tưởng làm rõ nét sự thiếu thốn của thể xác lẫn tinh thần. Ngược lại với đau khổ, hạnh phúc là cảm giác được đầy đủ. Sự đầy đủ này khó định nghĩa được vì nó được phản ảnh lên nhiều lãnh vực: tinh thần, tình cảm và thể xác.
Tác giả bài viết: Thái Minh Trung Ph.D
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự