Người
ta trông chờ tết không chỉ vì được nghỉ ngơi vui chơi mà người ta còn trông chờ
cái không khí đoàn tụ ấm áp của gia đình. Người đi làm xa nôn nao về quê ăn
tết, cha mẹ ngóng trông con, ông bà trông chờ cháu, không kể sao hết được niềm
hạnh phúc trong đoàn tụ sum họp. Ngày tết lòng người rộn ràng hạnh phúc, cây cỏ
mơn mỡn đón chào ngày xuân, trăm hoa đua nở khoe sắc thắm, chim hát ca, ong
bướm bay lượn tạo nên một cảnh xuân tươi non, ấm áp, vui nhộn.
Nhưng
các bạn ơi, cuộc đời đâu chỉ có ngày xuân mới hạnh phúc! Hạnh phúc của ngày
xuân quá ngắn ngủi và tàn phai. Dù ta có muốn níu kéo xuân ở mãi bên ta, nhưng
xuân vẫn cứ lặng lẽ trôi đi. Hạnh phúc vững bền phải là hạnh phúc luôn hiện hữu
trong tâm bạn, hạnh phúc phải có mặt nơi cách sống và cách cảm nhận hạnh phúc
của bạn.
Hạnh
phúc của ông bà là trong cái tuổi bóng xế chiều tà lại luôn đón nhận sự
kính trọng và phụng dưỡng hiếu thảo của con cháu. Hạnh phúc của người làm cha
mẹ là nhìn thấy con mình có chí hướng tốt, học hành làm ăn thành đạt, lại không
giao du với bạn xấu, không chạy theo lối sống buông thả ăn chơi trụy lạc của
giới trẻ Âu hóa ngay nay. Hạnh phúc của người Phật tử là được sống và hành theo
đạo đức Phật dạy, biết cách chuyển hóa gia đình quy ngưỡng Tam bảo. Hạnh phúc
của người xuất gia là an bần thủ đạo, tâm trụ vô ngã, an nhiên giữa vô thường :
Xuân
lai, xuân khứ nghi xuân tận
Hoa
lạc, hoa khai chỉ thị xuân.
(Thiền
sư Chân Không)
Xuân
đến hay xuân đi thì vẫn thế, trong lòng người xuất trần xuân luôn hiện hữu.
Như
vậy, cuộc sống giàu sang chưa hẳn là hạnh phúc, sắc đẹp danh vọng chưa hẳn là
hạnh phúc. Những thứ ấy có chăng chỉ tạm đem đến cho con người những phút giây
hưởng thụ, thỏa mãn trong một thời gian, rồi chính chúng và chính sự ích kỷ, tính
xảo trá gian tham trong bản thân họ sẽ trở lại dìm họ xuống khổ đau. Triết gia
Socrates cho rằng : “Hạnh phúc không phải là tiền bạc và sự xa hoa. Khát vọng
kiếm lợi làm giàu sẽ đẩy con người ra khỏi đường đức hạnh và làm cho nó suy đồi
đạo đức”. Theo đức Phật, một đời sống có đạo đức là một đời sống có hạnh phúc, một
đời sống hạnh phúc là một đời sống đạo đức. Vì vậy đức Phật luôn khuyên các đệ
tử hãy tôn trọng giới luật, sống có đạo đức để đảm bảo một đời sống hạnh phúc
cho chính mình và cho người.
Tại
sao chúng ta phải sống đạo đức ? Theo thuyết nhân duyên thì hết thảy mọi vật
trong thế giới đều do nhân duyên mà được thành lập. Vậy nếu trong nhân duyên
bao hàm mối quan hệ giữa mình và người thì thế giới này là cộng đồng trách
nhiệm, do đó nếu chỉ vì thoả mãn tự kỷ mà tàn hại thì đứng trên lập trường toàn
thể mà nói tức cũng gián tiếp tàn hại chính mình và giúp đỡ người khác tức là
giúp đỡ chính mình. Bởi vậy Đức Phật đã nói : “Bảo hộ mình tức là bảo hộ người,
bảo hộ người cũng tức bảo hộ mình”. Đó là điều kiện tối cần cho sự cộng đồng
sinh tồn.
Nói
một cách cô đọng, hạnh phúc là những gì ta cho đi mà không cần nhận lại, giống
như những gì nhà thơ Tố Hữu đã cảm nhận:
Đã
là con chim, chiếc lá
Chim
phải hót, lá phải xanh
Lẽ
nào vay mà không trả
Sống
là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Đã
là con chim thì chim phải hót, đã là chiếc lá thì lá phải xanh, đã là con người
thì sống một cuộc đời sao cho thật ý nghĩa. Cuộc sống này chỉ có ý nghĩa
khi ta sống hạnh phúc và làm cho người khác được hạnh phúc. Hạnh phúc sẽ mĩm
cười với ta khi ta làm nhiều việc tốt vì lợi ích của tha nhân chứ không phải chỉ
vì lợi ích cho riêng mình. Nếu là bạn thì phải là bạn tốt, nếu là con thì phải
là con ngoan, nếu là cháu thì phải cháu hiếu nghĩa, nếu là người xuất gia thì
phải giữ gìn phẩm hạnh, hướng dẫn tha nhân sống và thực hành theo lời Phật dạy.
Mùa
xuân có thể đến rồi đi theo dòng đời sinh diệt, nhưng hạnh phúc của đời sống
đạo đức không bị cái vô thường của mùa xuân vùi lấp. Hãy sống đạo đức trong
từng ngày tháng của cuộc đời để ngày xuân đến, ta hưởng trọn niềm hạnh phúc.
Nguồn tin: theo hoalinhthoai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự