Mái ấm của những đứa trẻ tật nguyền

Thứ năm - 16/04/2009 05:25
Mấy năm nay, chùa Ngòi, xã Quảng Phú (Lương Tài - Bắc Ninh) đã trở thành mái ấm của hàng trăm trẻ tàn tật, nạn nhân chất độc da cam ở trong và ngoài tỉnh. Các em về đây được học nghề miễn phí, được làm việc và tìm một chỗ dựa vững chãi cho cuộc đời.

Về mái nhà chung

Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước vào ngôi chùa này là sự thoáng mát, yên tĩnh, khác xa với sự ồn ào, náo nhiệt ở phố thị. Nơi đây, những đứa trẻ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn đang miệt mài học nghề dưới sự hướng dẫn của sư thầy Thích Đàm Dược.

Về trụ trì từ năm 2002, khi đó chùa Ngòi chỉ là ngôi chùa nhỏ bé, hoang tàn, nằm cách xa khu dân cư. Sư thầy Thích Đàm Dược cùng sư bác Thích Đàm Phúc cật lực gần 4 tháng trời đắp đất làm lại đường đi vào chùa, vận động người dân chung tay góp sức tu bổ, xây dựng lại chùa.

Phải mất hơn 2 năm, nhà chùa mới xây xong ngôi chính điện Tam Bảo và một số công trình trong khuôn viên. Cũng từ đó, nhiều người đến chùa xin nương náu. Họ là những người tàn tật, mồ côi không nơi nương tựa, lang thang khắp đó đây.

Để tạo điều kiện ăn, nghỉ cho các đối tượng này, sư thầy đã thành lập Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, trụ sở đặt ngay trong chùa. Tại đây, các đối tượng sinh hoạt tại bếp ăn tập thể với chế độ 20.000 đồng/người/ngày. Ngoài bữa sáng và hai bữa chính có đầy đủ thịt, cá, rau, hoa quả, chùa còn thường xuyên có bữa ăn phụ lúc 9 giờ sáng bằng bột đậu xanh, xôi, hoa quả, bánh kẹo... Không những vậy, Trung tâm còn có chế độ tập luyện, xoa bóp, bấm huyệt, uống thuốc hàng ngày nên các em dần khoẻ mạnh, tinh thần vui vẻ, bớt tự ti, mặc cảm.

Ở lớp học may ngay sau khuôn viên chùa, hơn 20 em đang chăm chút từng mũi khâu, đường chỉ trên những tà áo, chiếc khăn. Miệt mài bên chiếc máy khâu, Nguyễn Thị Viện ở thôn Trung Bạn, thị trấn Chờ (Yên Phong - Bắc Ninh), thổ lộ: “Nhà em có 4 anh em đều bị nhiễm chất độc da cam và cùng đến điều trị tại Trung tâm, trong đó 2 anh lớn bị ảnh hưởng thần kinh rất nặng. Bản thân em đã 2 lần phải mổ tim. Rồi em được sư thầy đón về Trung tâm và điều trị 3 năm liền, nay sức khoẻ đã dần hồi phục”.

Còn rất nhiều trường hợp bị tật nguyền, gia đình khó khăn khác đã được nhà chùa nuôi dưỡng và cho học nghề như em Nguyễn Thị Tuyên ở xã Mỹ Hương (Lương Tài), Nguyễn Quốc Tuấn ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh)... Đặc biệt, còn có cả những trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ từ nước ngoài trở về như em Nguyễn Thị Thuỷ. Vừa bị tàn tật, lại mù chữ, Thuỷ đã được Trung tâm nuôi dưỡng, giờ em đã theo học lớp 5, Trường Tiểu học Quảng Phú.

Học nghề mưu sinh...

“Do con bị tàn tật nên nhiều phụ huynh chán nản không muốn cho con đi học. Nhiều cháu mù chọ, Trung tâm mời các thầy cô giáo Trường Tiểu học Quảng Phú về dạy. Không những vậy, nhà chùa còn đào tạo nghề và giúp các cháu có việc làm nhằm ổn định cuộc sống”, sư thầy Thích Đàm Dược tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Mão, phụ trách Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho biết: “Trung tâm hiện có 25 máy khâu công nghiệp, 20 máy thêu ren, 10 máy vi tính cùng đội ngũ giáo viên có tay nghề giỏi. Tuỳ khả năng của từng em mà chúng tôi sẽ dạy một nghề phù hợp. Đồng thời, sau khi thạo việc, nếu em nào có nguyện vọng, Trung tâm sẽ liên hệ công việc trong các công ty. Mặc dù gian nan, vất vả nhưng các em đã vươn lên thoát khỏi số phận. Nhiều em sau khi được cấp chứng chỉ học nghề đã tình nguyện ở lại chùa làm việc và dạy nghề cho những đối tượng khác”.

Được học tập, lao động dưới mái nhà chung, sự đồng cảm cùng cảnh ngộ nên tại đây, đã có nhiều em nên duyên đôi lứa, điển hình như trường hợp của Nguyễn Quốc Tuấn - Vũ Thị Loan.

Suốt bao năm qua, sư thầy Thích Đàm Dược vẫn theo đuổi tâm nguyện: “Mong muốn có những phân xưởng dạy nghề phù hợp với khả năng lao động của các cháu khuyết tật để sau khi đào tạo, các cháu có việc làm, tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Nguồn tin: Theo kinhtenongthon

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây