Gần đây nhất, tại chùa Lý Triều Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), đôi tân lang Kiều Việt Hà và tân nương Phan Thị Kim Ngân đã trang nghiêm tổ chức lễ cưới dưới sự chứng minh của Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Trụ trì chùa cùng quý Thầy và toàn thể gia quyến, Phật tử.
Anh Kiều Việt Hà, không giấu nổi niềm vui chia sẻ: “Cả hai gia đình đều theo giáo lý đạo Phật. Chúng tôi hiểu khi về ở với nhau là đã có duyên vợ chồng. Nhưng để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và mong chư Phật gia hộ, cả hai quyết định vào chùa làm đám cưới”.
Hai bạn trẻ đều cho rằng đám cưới được tổ chức trong chùa là một nghi lễ mang ý nghĩa nhân văn và đạo đức tâm linh rất lớn trong ngày trọng đại của bản thân.
Tại buổi lễ, sau thời khóa Niêm nhang bạch Phật, hai bạn trẻ được Thầy trụ trì hướng dẫn cách trở thành một Phật tử, hiếu thảo với cha mẹ, cùng giúp đỡ nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc…
Nói về việc tổ chức cưới tại chùa, anh Lê Tuấn Đức, Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, người cũng từng tổ chức đám cưới của mình tại chùa Đình Quán (huyện Từ Liêm, Hà Nội) cảm nhận: “Buổi lễ đã giúp cho tôi hiểu được ý nghĩa của đời sống lứa đôi trong tình thương yêu. Lời phát nguyện trước Tam Bảo sẽ có tác động rất lớn đến đời sống tâm linh của vợ chồng tôi”.
Tổ chức đám cưới ở chùa cũng có tác động rất lớn đối với mỗi người tham dự. Nhất là các bạn trẻ, giúp họ nhìn nhận về đạo Phật và hiểu giáo lý chân chính hơn.
Chị Trần Hồng Vân (Ngân hàng BIDV) đã từng tham gia một lễ cưới ở chùa cho hay: “Lễ Hằng thuận ở chùa là mơ ước và cũng là kế hoạch của mình mấy năm nay. Người trẻ chúng ta rất cần được hiểu biết để làm tròn bổn phận khi lập gia đình”.
Nhiều người trẻ cưới trên chùa cùng chung ý kiến, đối với cuộc sống hôn nhân không gì thiêng liêng bằng việc trong giây phút quan trọng nhất của hạnh phúc lứa đôi được quỳ dưới chân dung chư Phật, cùng phát nguyện sống trọn đời bên nhau.
“Lễ cưới được tổ chức ở chùa là cầu nối giữa đạo và đời, nó hướng cho các bạn trẻ tới một gia đình tâm linh, gìn giữ đạo đức truyền thống của dân tộc, hạnh phúc hài hoà về mọi mặt. Đồng thời nó cũng tạo ra bản sắc riêng trong phong tục cưới hỏi của dân tộc” - sư Thầy Thích Tịnh Quán - trụ trì chùa Đình Quán nhấn mạnh.
Đám cưới tại chùa có tên là "lễ Hằng thuận" gồm 15 mục, trong đó đáng kể nhất là các nghi thức chính gồm: dâng hương, lạy bụt, khai thị, giao bái, trao nhẫn và nói lời ước nguyện.
Chùm ảnh lễ Hằng thuận tại chùa Đình Quán của đôi bạn trẻ Lê Tuấn Đức - Nguyễn
Mai Anh:
Quý Thầy cô và họ
hàng hai gia đình
Dâng hương trước
Tam Bảo
Cô dâu, chú rể
trước Tam Bảo
Cô dâu, chú rể cúi
đầu trước Tam Bảo
Thiền trà sau lễ
Hằng thuận tại thiền đường
Nguồn tin: bee.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự