Giới trẻ tìm về cội nguồn Tâm Linh

Thứ tư - 19/10/2011 15:11
Trong hoàn cảnh có nhiều điều kiện học tập, vui chơi giải trí thì vẫn còn khá nhiều bạn trẻ, có thể không xuất thân từ gia đình Phật tử nhưng vẫn cảm thấy thích thú với những bài kinh, bài giảng Phật pháp.

Lâu nay cửa chùa vẫn được xem là nơi dành riêng cho những người lớn tuổi, “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Thế nhưng, hiện nay lại có khá nhiều bạn trẻ tìm đến với Phật giáo không chỉ để được phù hộ trong lúc khó khăn, mà còn là tìm cách giải tỏa căng thẳng, cân bằng cuộc sống và học cách đối nhân xử thế. 

Không chỉ là vãn cảnh chùa vào ngày rằm, ngày Tết mà họ còn  học, nghiên cứu Phật pháp, tham gia những khóa tu hè, làm công tác thiện nguyện... Những hoạt động này không dừng lại là một trào lưu của giới trẻ thích tham gia vào những hoạt động mới lạ, theo sự rủ rê của bạn bè, mà đã và đang trở thành một hình thức sinh hoạt tôn giáo, văn hóa và giáo dục lành mạnh... 

Trong cuộc sống hiện đại, con người thường gặp nhiều áp lực về công việc, học tập, tình cảm, xã hội. Trong đó, các bạn trẻ do chưa có kinh nghiệm đối mặt với nhiều thử thách, dễ dẫn đến tình trạng bi quan, chán nản, và dễ bị sa ngã. Từ đó, họ đã nảy sinh nhu cầu tìm đến một phương pháp vừa giúp họ ổn định tinh thần, lại có thể hỗ trợ phát triển nhân cách. Và nhiều bạn đã tìm đến với Phật pháp như một giải pháp hữu hiệu. 

Sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng, nhiều bạn trẻ tìm đến những ngôi chùa đốt nén nhang, đọc vài bài kinh, trò chuyện về Phật hay chỉ ngồi trong sân chùa để nghỉ ngơi, tĩnh tâm, thư giãn… Một số bạn lại đăng ký vào những khóa học Phật pháp, tham gia công tác từ thiện ở các chùa. Hiện nay những khóa tu hè của một số chùa dành cho thanh thiếu niên từ 13 -25 tuổi thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhiều bạn trẻ còn tổ chức hôn lễ theo nghi thức Phật giáo tại chùa… 

Có thể nguyên nhân đầu tiên để những người trẻ tìm đến cửa chùa là để tìm một nơi yên tĩnh để có thể thư giãn, giải tỏa áp lực của công việc, học tập. Còn việc tham gia những khóa tu hè là do cha mẹ muốn gửi con vào chùa để nhận được sự quản lý và giáo dục an toàn. Nhưng dù là nguyên nhân nào thì tất cả đều mong muốn thông qua những triết lý tích cực của đạo Phật để rèn luyện một lối sống lành mạnh, bổ ích. 

Ngoài ra, do những giá trị đạo đức của tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng (liên quan trực tiếp với đạo đức của xã hội), bản thân Phật giáo là một tôn giáo lâu đời và gần gũi với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam.

Do đó, giới trẻ cũng sẽ dễ dàng tiếp nhận những giá trị nhân văn ở đây. Hơn nữa, những triết lý của đạo Phật thường được truyền dạy một cách nhẹ nhàng, thông qua những mẩu chuyện, sự tích, tạo tâm lý thoải mái, chủ động trong việc tiếp thu, phù hợp với việc giáo dục thanh thiếu niên. Không những thế, thông qua những hoạt động xã hội, từ thiện được các chùa tổ chức, các bạn trẻ ngoài việc biết giúp đỡ, cảm thông và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình, còn có thể phát triển kỹ năng giao tiếp, hòa nhập xã hội.

Bên cạnh một số hình thức sinh hoạt văn hóa, giải trí không lành mạnh thì việc có nhiều bạn trẻ tham gia, nghiên cứu về Phật học với một thái độ nghiêm túc, tích cực có thể xem là một tín hiệu đáng mừng. 

Ngoài việc giúp cân bằng cuộc sống của bản thân thì những triết lý tích cực của nhà Phật như lòng từ bi bác ái, lòng hiếu thảo, nhân quả… cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển nhân cách lành mạnh cho thanh thiếu niên. Và trong những ngày lễ của Phật giáo, các bạn trẻ lại náo nức tìm đến cửa Phật để thắp nén nhang, tụng kinh cầu chúc bình an cho cha mẹ, tĩnh tâm nhìn lại những gì đã qua, để có thể sống tốt hơn cho mình và cho mọi người.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây