Lòng từ của Hiếu

Thứ hai - 23/04/2018 14:24
Về tới nhà, chú vội vàng bỏ hết những xách đồ mới mua đó rồi chạy lên nhà trên để lấy nhang. “Phải chôn chú sẻ cẩn thận mới được”, chú thầm nghĩ vậy và đi thẳng ra sau vườn nhà, đào ngay một cái “huyệt” nho nhỏ, vừa vặn với chú sẻ đáng thương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đào xong, chú lấy cái lá chuối quấn quanh thân sẻ rồi nhẹ nhàng đặt sẻ xuống mộ. “Tui xin lỗi sẻ, tui không có cố ý phóng xe nhanh vậy, vả lại tui cũng hổng biết là sẻ bay ngang qua con dốc đó. Nếu biết như vầy tui đã cố gắng đi chậm rồi. Tui sai rồi. Sẻ đừng giận tui nhen…”.

Chú biết những lời đó chỉ là biện bạch cho tội lỗi của chú, chỉ muốn làm cho lòng chú nhẹ hơn, nhưng thật sự chúng không có tác dụng ngay lúc này, có chăng chỉ làm cho chú buồn hơn, nặng nề hơn… Không biết sẻ có còn nghe được những gì chú nói, có cảm thông cho lời xin lỗi của chú, có bằng lòng tha thứ cho chú hay không?

Đã mấy năm rồi, từ khi bà dắt chú lên chùa quy y Tam bảo, chú không còn bắt chim, bắt cá, cũng không còn hùa theo lũ trẻ chăn trâu bẫy chim thả lưới nữa. Chú đã thọ năm giới, mà cái giới đầu tiên là không sát sanh: “Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc, và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay cách sống hàng ngày của con”. Những câu đó đã nằm lòng trong chú, vì bà muốn chú thuộc năm giới đã thọ nên xin thầy viết ra cho chú một bản để chú học. Những ngày mùng một và rằm, bà bảo chú quỳ trước bàn thờ Phật và đọc năm giới này. Tháng nào cũng vậy…

Bà và chú sống trong một ngôi nhà giữa đồng. Năm chú học lớp 11, ba má chú mất trong một tai nạn giao thông. Vậy là chú về sống với bà ngoại. Bà là một Phật tử thuần thành nên khi chú về được vài tháng thì bà dắt chú lên chùa để quy y Tam bảo. Trước ngày đó, ngoài giờ học, chú thường chơi với lũ chăn bò. Mà chơi gì đây? Đi bắt chim, bẫy cò, nhử sẻ, phá tổ chim, tát nước bắt cá,… Ngày ấy, những đứa trẻ nhà quê như chú lấy những trò đó làm thú vui mà không biết mình đã gây ra vô vàn nghiệp xấu. Những lúc bắt được cả một xô cá, bẫy được cò, chú phấn khởi lắm. Nhưng đến chiều thì chú phải đưa những chiến lợi phẩm cho mấy đứa chăn bò. Chú không dám đem về nhà. Vì chú sợ bà.

Cho đến một hôm, chú phát hiện ra cái tổ chim se sẻ trên cây xoài trước nhà, cái tổ lớn lắm, chú nghe có tiếng chíp chíp của chim con nữa. Biết kêu như vậy chắc là lớn lắm rồi, phải bắt chứ, nếu mọc lông cánh thì nó bay mất. Vậy là chú quyết định tóm trọn cái tổ xuống để bắt những con chim non. Một, hai, ba, bốn con, lông chỉ mới nhú, chú thấy mừng thật. Có cái để khoe với tụi bạn chăn bò rồi. Hí hửng lắm, chú cho chúng vào cái lồng rồi định đi tìm thứ gì cho chúng ăn. Nhưng chú không lường trước được, điều mà chú sợ bao lâu nay bây giờ lại xảy ra. Đúng lúc đó bà về, thấy cái tổ chim, bà nhìn chú với vẻ mặt nghiêm nghị:

- Đây là lần thứ mấy vậy Hiếu? 

- …

Chú sợ đến run người, đứng đơ như trời trồng. Chú cũng không nhớ nữa, chú chơi cái trò này từ lúc về đây cơ mà, biết bao cái tổ chim đã bị phá rồi, nhiều đến không thể kể hết. Chỉ là chú không để bà biết. 

- Con mang cái tổ và mấy con chim đặt lại vị trí mà con lấy rồi vào đây bà bảo.

Chú nhanh nhẹn làm theo. Chú biết bà đang giận lắm… Lúc vào bà đã ngồi ở ghế, kế bên bàn Phật, bà bảo chú quỳ xuống hướng mặt lên Phật.

- Lần thứ mấy vậy Hiếu?

- ...

- Con không thấy thương tụi nó à? Con có từng nghĩ những con chim non đó giống con không? Con bắt chúng con có nghĩ rằng cha mẹ chúng đau buồn thế nào không? Chúng trong tay con thì không được ở bên cha mẹ chúng, giống con không? Con muốn như vậy à?

Bà nói đến đây, chú bật khóc. Bà đã động đến nỗi đau sâu kín nhất trong lòng của chú rồi. Không gì đau thương hơn là mất ba má. Cái ngày ấy chú như gục ngã. Trong một ngày chú mất hai người thân, hai chỗ dựa tinh thần, hai người mà chú yêu quý nhất. Nỗi đau đó dai dẳng mãi cho đến bây giờ. Chú căm phẫn những cuộc tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, những người đó là ba, là má, là anh, là chị, là chỗ dựa của biết bao nhiêu người. Hậu quả của nó lại ập lên đầu của những đứa trẻ như chú. Chú vô tội mà. Tại sao? Nhưng trớ trêu thay, giờ đây chú đang làm gì? Trời ơi! Chú nghẹn tức tưởi. Thật tội lỗi! Chú không ngờ chú lại trở thành người đem lại đau thương cho kẻ khác, mẫu người mà chú ghét nhất.

Kể từ ngày đó, chú không bao giờ bắt chim, bẫy cò hay hùa theo nữa. Lũ bạn chăn bò rủ chú, chú không đi, chú kéo tụi nó lại ngồi, kể cho nghe những gì mà bà nói và những gì trong suy nghĩ của chú. Hối hận và ăn năn. Tụi nó im lặng.  Dường như cũng cảm nhận được những gì tụi nó làm là sai nên từ đó không ai chơi những trò đó nữa. 

Thay vào đó, tụi nó hay giúp chú đi mót những gié lúa còn sót lại trên đồng để treo lên những chỗ mà đàn sẻ hay kiếm ăn. Vì sau bữa đó tự nhiên chú thấy thương lũ sẻ lạ lùng, muốn giúp chúng thật nhiều nhưng chẳng nghĩ ra cách nào khác. Chỉ có thể cho chúng thóc, để chúng không phải đi xa tìm mồi, đỡ vất vả hơn.

Và cũng từ đó, thay vì đi chơi ruổi rong với tụi chăn bò sau giờ học, chú dành thời gian lên chùa nhiều hơn. Nơi đây, chú học được rất nhiều điều từ các chú tiểu và sư phụ. Chú thấy thích những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, những tấm gương thương người, thương vật của Ngài thật sự làm chú cảm động. Những lúc ngồi cùng tụi bạn chăn bò, chú kể những gì mà chú đã được học từ chùa, chúng thích thú lắm. Một vài đứa vì vậy mà cũng theo chú đi chùa. Chú nghe sư phụ dạy rằng sống thì  phải có tình thương, không được làm tổn thương hay khiến người khác phải đau khổ. Đặc biệt là đừng bao giờ tổn hại đến tính mạng của người hay vật. Từ bậc sư tăng phụ mẫu, cho đến loài bò bay cựa động vi tế côn trùng, phải có lòng từ bi hộ mạng chúng. Chú thấm lắm, và nguyện ghi nhớ và làm theo những điều đó. Vả lại từ cái vụ tổ sẻ ngày đó, chú đã nhận ra được phần nào rồi. Khoảng hai tháng sau thì chú phát nguyện ăn chay trường để trau dồi lòng từ bi cho chính mình. Thấm thoắt cũng ba năm rồi.

Chiều nay, khi đi mua ít đồ cho bà, lúc về chú xổ dốc với tốc độ rất nhanh, cái dốc rất cao và dài nhưng vì vội nên chú không kéo thắng gì cả, cứ để vậy cho xe chạy. Đến khoảng giữa dốc thì bỗng bánh trước va với một cái gì đó, cái đó văng ra, kèm theo cả tiếng chích chích nữa. Có cái gì đó không ổn. Nhưng giữa dốc chú không ngưng lại được, xổ xuống hết dốc, chú dựng xe và leo lên tìm lại “vật bị tai nạn” đó.  Khoảng giữa dốc, chú thấy một con chim sẻ đang nằm bên đường. Nó chết rồi, còn ấm lắm nhưng… chắc không cứu được nữa. Như vầy là sao? Chú để cho nó nằm trên tay mình thật lâu, mong rằng nó chỉ ngất chứ không phải chết. Nhưng không, nó chết thật đó.

 Mang con chim nhỏ về nhà mà chú thấy lòng nặng trĩu. “Để tui chôn sẻ, tui thật sự xin lỗi…”. Nhang đã tàn nhưng chú vẫn ngồi đó một mình, buồn bã…

Đây cũng là một tai nạn giao thông, chỉ vài năm trước, chú là nạn nhân của nó nhưng giờ đây, chú là người tạo ra nó. Thật trớ trêu! Chỉ vì một giây vội vã, một phút thất niệm của chú mà con chim nhỏ phải chết. Có lẽ nó cũng là thành viên của một bầy sẻ nào đó. Nghĩ đến đây chú lại khóc. Nếu lúc đó không phải sẻ mà là một người nào đó thì chú tính sao đây? Tội nghiệp sẻ.

“Sẻ đừng giận tui mà tội nghiệp. Tui thật sự không cố ý đâu. Nhưng từ nay tui hứa là tui sẽ cẩn thận trong mọi việc, cho dù là việc nhỏ nhất. Tui đã hiểu ra rằng nói thương thôi chưa đủ mà là sao cho mỗi bước chân, mỗi lời nói, mỗi việc làm phải thể hiện được tình thương đó. Đôi khi chỉ cần một chút sơ ý của mình cũng có thể gây tổn thương và khổ đau cho kẻ khác rồi. Tui hiểu rồi sẻ à. Đừng giận tui nha. Sư phụ nói chết mà mang trong mình năng lượng của sân giận thì tái sanh trong cõi không lành đâu. Đừng nha sẻ. Cứ đi một cách bình yên. Tui sẽ lên chùa thường xuyên để tụng kinh và hồi hướng cho sẻ. Kiếp sau nếu lại gặp nhau trong hoàn cảnh nào đó thì sẻ đánh hay la tui gì cũng được. Tui xin lỗi. Thật lòng…”.

Sẻ đi thật bình yên, sẻ nha…

Nguồn tin: Giác Ngộ

 Từ khóa: nho nhỏ, nhà trên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây