TS Trần Trọng Dương: “Nghiên cứu chữ Nôm: Một “trò chơi” trí tuệ!”

Thứ tư - 07/11/2012 13:57
Những năm qua, TS Trần Trọng Dương được biết đến như một nhà nghiên cứu trẻ mê đắm trên hành trình đánh thức chữ Nôm, một nghệ sĩ góp phần khơi lại dòng chảy thư pháp truyền thống, đồng thời tiến đến thư pháp đương đại.

Ngày 8/11 tới, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm sẽ trao giải thưởng học giả trẻ yêu chữ Nôm cho Trần Trọng Dương. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh.

PV: Cho đến nay nhiều ý kiến vẫn lo lắng về sự quay lưng của giới trẻ với di sản văn hóa dân tộc. Nhưng sự xuất hiện của những người trẻ tuổi mê đắm và đi sâu vào một số lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật truyền thống… đã trở nên phổ biến hơn. Anh nghĩ thế nào về điều này? Cuộc dấn thân của anh vào chữ Nôm thỏa mãn anh điều gì chăng?

TS Trần Trọng Dương: Đúng là việc lo lắng về sự quay lưng của giới trẻ với di sản văn hóa, di sản dân tộc không phải là không có lý. Nhưng nguyên nhân sâu xa là ở người lớn. Di sản của chúng ta đã hao hụt, mất mát trong nhiều thập kỷ qua, lúc thì là để lật đổ phong kiến, lúc để đuổi thực dân, lúc thì để chống bành trướng phương bắc, lúc thì để hội nhập… Và dù ở thời đoạn nào đi chăng nữa thì vẫn có một số ít người đi ngược lại cái quán tính kia, để tìm về với những cái “vang bóng một thời”. Như chữ dùng của họa sĩ Phan Cẩm Thượng dành cho thư pháp gia Lê Quốc Việt - họ là những người mang nợ quá khứ.

Tôi nghĩ hiện tượng này không lấy gì làm phổ biến. Người già hoài cổ đã ít, người trẻ yêu truyền thống càng ít hơn, còn người dấn thân thì còn ít hơn nữa. Đối với riêng tôi, chữ Nôm, đó là một công cụ để tôi tự thỏa mãn trên cỗ máy thời gian ngược về quá khứ và lịch sử của dân tộc. 

PV: Với anh, chữ Nôm ẩn chứa nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Anh có thể diễn giải ngắn gọn sự thú vị này với bạn đọc? 

TS Trần Trọng Dương: Thật là khó để diễn đạt, bởi cái niềm vui “văn tự học” là niềm vui của một nhúm người trên mười đầu ngón tay. Nhưng bạn cứ thử tưởng tượng thế này, mỗi một văn bản Nôm như một hố khảo cổ, ở đó bạn có thể đọc được nhiều thông điệp của quá khứ, đó cũng là một cái thú. Nhưng thú hơn cả là bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những “hiện vật lạ lùng” chưa từng ai biết đến, đó là những con chữ “chưa từng xuất hiện trong từ điển”, đó là những mật mã của quá khứ chờ bạn giải mã. Nói một cách ví von, đó là một trò chơi trí tuệ, bạn có thể “game over” bất kỳ lúc nào, nhưng nếu “phá đảo” được, thì lúc đó chỉ còn lại hân hoan bất tận.

PV: Anh có thể đưa ra một ví dụ cụ thể chăng?

TS Trần Trọng Dương: Ví dụ như, quốc hiệu “Đại Cồ Việt” trước nay giới khoa học đều công nhận là một cái tên Nôm: “Nước Việt to cồ”, nhưng tôi đã đặt ra một giả thuyết khác. Rằng “Đại Cồ Việt” nghĩa là “nước Việt của đức Đại Cồ Đàm”. Như ta biết Đại Cồ Đàm là dịch âm từ chữ Gautama - họ của đức Phật Thích Ca, cho nên từ này được dùng để chỉ chung cho cả Phật giáo. Chứng cứ là các địa danh như Đại Cồ đảo, Đại Cồ sơn đều là những nơi Phật giáo phát triển và đều lưu hành câu chuyện Phật xuất hiện nơi này.

Ngoài ra, còn chứng cứ từ đời Trần qua đôi liên phú của vua Trần Nhân Tông: “Vâng ơn Thánh xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay”. Giả thuyết này ngay khi công bố trên tạp chí, đã được không ít nhà nghiên cứu ủng hộ.

PV: Giới nghiên cứu đề cao chữ Nôm nhưng xã hội dường như vẫn ít biết, thậm chí có khi không đánh giá cao di sản này. Thuộc lớp nghiên cứu thế hệ mới, chắc anh không thể không nghĩ tới điều này, cũng như khó có thể bỏ qua kỳ vọng cải thiện tình hình. Theo anh, chúng ta có thể làm gì và bản thân anh có dự định gì? 


Trần Trọng Dương đang thể hiện một tác phẩm thư pháp trong cuộc giao lưu với các nhà thư pháp Nhật Bản

TS Trần Trọng Dương: Quả là như thế, giới nghiên cứu ở Việt Nam là những người không có tiếng nói trong xã hội, thực ra từ lâu họ đã không còn được làm cái thiên chức định hướng xã hội nữa. Từ Nguyễn Văn Huyên cho đến Cao Xuân Hạo - những đấng bậc ấy sau cả một cuộc đời nghiên cứu, cổ vũ cho nền cổ học nước nhà, giờ cũng đã ngậm ngùi nơi chín suối.

Với tôi, chữ Nôm đã là một thứ chữ đã chết (tử văn tự). Tôi đã từng có ý nghĩ đem chữ Nôm trở lại với đời sống văn hóa của người Việt giống như người Nhật vẫn đang hiện dụng đồng thời chữ Hán, chữ Hiragana, chữ Katakana và chữ cái Latinh. Nhưng một thời gian sau, tôi thấy như thế là “chủ nghĩa dân tộc không tưởng”.

Người Việt chúng ta khác quá xa so với người Nhật. Người Nhật chắt chiu từng vảy chữ, cẩn trọng ở từng mảnh vụn của quá khứ. Còn chúng ta thì đã chính thức khai tử cả hệ thống văn tự duy nhất do cha ông chúng ta sáng tạo, sử dụng trong suốt một nghìn năm văn hiến, giống như những việc bức tử Đền Và, chùa Trăm Gian...

Còn bạn hỏi tôi, bây giờ chúng ta phải làm gì ư? Câu trả lời của tôi là, chúng ta hãy học tập người Nhật trong việc giữ gìn chữ viết của cha ông mình. Có thể khi chúng ta tìm hiểu được chữ Nhật và văn hóa Nhật xong, chúng ta sẽ biết phải làm gì với văn hóa cha ông. Đó là thứ văn tự để chúng ta hòa nhập với thế giới khoa học và kết nối với quá khứ của dân tộc.

PV: Đi vào con đường nghiên cứu khổ ải, lắm khi đơn độc, nghĩa là cũng chấp nhận nhiều thiệt thòi, thiếu thốn khác. Một người trẻ như anh phải làm gì nữa để mọi thứ có thể tạm cân bằng?

TS Trần Trọng Dương: Việc nghiên cứu khoa học luôn luôn là vất vả và đơn độc. Người làm khoa học thì luôn luôn cần sự đơn độc để làm việc vất vả. Bên ngành khoa học tự nhiên thì tôi không dám nói, chứ khoa học xã hội mà làm tập thể thì không làm nổi. Tôi tự thấy làm khoa học thì cần đam mê, đã đam mê thì không bao giờ thấy mệt mỏi và thiệt thòi.

PV: Thời gian qua anh đang quan tâm đến những vấn đề gì trong lĩnh vực này và có thể lượng trước những bước đi của anh trong cõi di sản chữ Nôm rộng lớn?

TS Trần Trọng Dương: Tôi dự định sẽ biên soạn một cuốn từ điển từ nguyên tiếng Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XX qua các văn bản chữ Nôm. Đây là một công trình dài hơi, có lẽ sẽ mất 20 năm đến 40 năm, với sức làm việc của một người. Hiện tôi đã soạn xong cuốn thứ nhất là tác phẩm “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển” và đang soạn cuốn thứ hai - “Hồng Đức quốc âm từ điển”. Hai cuốn này sẽ cắm những mốc quan trọng cho tiếng Việt và chữ Nôm ở thế kỷ XV.

 Trong 10 năm qua, ngoài các hoạt động thư pháp truyền thống, thư pháp đương đại, TS Trần Trọng Dương tập trung vào các tác phẩm Nôm dịch kinh điển Phật giáo. Năm 2009, anh đã ra cuốn “Thiền tông khóa hư ngữ lục”, khảo cứu và công bố bản dịch Nôm của thiền sư, y sư Tuệ Tĩnh vào thế kỷ XIV. Vừa qua anh đã in xong cuốn chuyên luận “Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục”. Ngoài ra, còn phải kể đến trên dưới 30 bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, trong và ngoài nước.

PV: Xin cảm ơn anh! 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây