Tổng giám đốc AVG: "Tôi vẫn lần tràng hạt mỗi ngày…"

Thứ bảy - 16/04/2011 12:23
Đầu húi cua, vẻ mặt nom ngầu nghì nhưng ánh mắt lại chân thành là ấn tượng ban đầu của tôi với Phạm Nhật Vũ, Tổng giám đốc An Viên Group. Chúng tôi chủ định chỉ ngồi khoảng 30 phút nhưng rồi hơn 2 tiếng đồng hồ trôi qua. Tôi định tìm hiểu kỹ hơn về sự đầu tư của Phạm Nhật Vũ vào lĩnh vực cung cấp cơ sở hạ tầng cho truyền hình nhưng rồi chúng tôi lại chuyển sang chuyện đời, chuyện người từ lúc nào…

"Chữ tín trong cuộc sống…" 

Vũ đưa tôi danh thiếp, một cách xã giao thông thường khi 2 người gặp nhau. Tôi để ý thấy phía sau tấm thiếp của Vũ có 1 chữ "tín" viết bằng chữ nho rất to. 

Tôi thấy khá nhiều doanh nhân hay dùng chữ "nhẫn" sao anh lại dùng chữ "Tín"? 

Đó là một câu chuyện dài. Gần 20 năm trước, chúng tôi khởi nghiệp kinh doanh tại Liên Xô cũ. Lúc đầu chúng tôi sản xuất, rồi mở rộng sang các lĩnh vực khác nữa. Qua rất nhiều thăng trầm, thất bại cũng như thành công, tôi bỗng nghiệm ra một điều: Triết lý của đạo Phật thật là cao siêu và chữ "Tín" trong đạo Phật đã như một phần của cuộc đời tôi. 

Anh hiểu chữ "Tín" ở đây như thế nào?

Chữ "Tín" hiểu đơn giản là niềm tin. Trong khi làm việc, nếu anh không có chữ tín anh không thể thành công được. Đã hứa thì phải giữ lời hứa, có thế mới giữ được sự tín nhiệm của người khác với mình. Và suốt từ năm 2000 đến bây giờ, khi tôi hiểu hơn nữa về Phật Pháp, tôi luôn đặt chữ "Tín" lên hàng đầu. 

Hãy biết tiết kiệm lời hứa 

Và anh rất tiết kiệm lời hứa? 

Đúng như vậy. Vì đã hứa thì phải làm bằng được. 

Có bao giờ anh cáu giận? 

(Khi tôi hỏi câu này, Vũ lấy ra một cái vòng tràng hạt bằng gỗ nâu bóng. Một cái vòng đeo tay, cỡ khoảng gần 20 hạt to bằng hạt nhãn).

Hồi trước thì nhiều, nhưng bây giờ tôi đã vứt bỏ được sự cáu giận đến 80%. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng ngồi tịnh tâm một lúc, thả hồn thanh thản. Tay tôi lần những tràng hạt này.


 "Người kinh doanh sẽ chỉ  thành công nếu họ làm cái gì mà họ thấy say mê"

Anh thấy tác dụng chứ? 

Vô cùng. Anh cũng nên thử. Phép tĩnh tâm trong đạo Phật đúng là cao siêu. 

Nếu một nhân viên làm sai, anh sẽ ứng xử thế nào? 

Trước kia thì tôi đã la mắng, thậm chí cho thôi việc. Nhưng bây giờ tôi lại làm khác. Nhẹ nhàng hơn rất nhiều (cười). 

Theo triết lý nhà Phật, anh thấy kinh doanh có thuận lợi không? 

Tôi nghĩ là rất tốt. Một điều tối thiểu trong Lục Hòa (6 điểm hòa hợp) mà Đức Phật đã dạy là "lợi hòa  đồng quân", có nghĩa là phải biết cân bằng các lợi ích, khi có lợi thì cùng chia. 

Tôi thực sự say mê 

Tôi đã có lần đi qua đảo Phú Quý, Nha Trang nơi anh đang xây dựng khu quần thể biệt thự An Viên nằm sát biển rất  đẹp. Vậy tại sao anh lại "nhẩy" vào cơ sở hạ tầng cho truyền hình là một lĩnh vực có vẻ tay ngang với anh? 

Người kinh doanh sẽ chỉ  thành công nếu họ làm cái gì mà họ thấy say mê. Tôi thực sự thấy say mê lĩnh vực này, do vậy trong mấy năm qua tôi tìm hiểu rất kỹ về  truyền hình, cả về kỹ thuật số mặt đất và vệ tinh. Tôi cũng lập ra các đơn vị độc lập với nhau trong AVG để khảo sát các dữ liệu. Nói chung là phải rất chắc chắn mới dám đầu tư. 

Anh không phải là người ưa mạo hiểm? 

Không. Tôi rất thận trọng. 

Như vậy nói nôm na, nếu đầu tư vào lĩnh vực này thì anh giống như là "cửu vạn" cho các Đài truyền hình và Kênh truyền hình? 

Đúng như vậy. Tôi là người chuyên chở, cung cấp dịch vụ. Các đơn vị có nhu cầu thuê tôi thì sẽ trả tiền cho tôi. Rồi tôi bán hộp giải mã kỹ thuật số cho khách hàng.  Tôi hy vọng sau 3 - 4 năm, AVG sẽ có được khoảng 3 triệu thuê bao kỹ thuật số. 

Chấp nhận lỗ cho cuộc chơi 

Anh đã tính đến khoản lỗ khi đầu tư cho AVG trong lĩnh vực truyền hình này? 

Tôi đã dự tính phải khoảng 5 năm đầu là đầu tư và chỉ  có lỗ. Số tiền cũng rất lớn, khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Đầu tư vào lĩnh vực này cần rất nhiều tiền. Ví dụ, chỉ cần đầu tư vào một trạm thu phát sóng cũng cỡ khoảng 1 triệu USD cho một điểm (với 3 máy phát dùng cho 3 tần số). Ngay giai đoạn đầu đã phải đầu tư khoảng 25 trạm chính và 10 trạm kích hoạt phụ. Phải làm sao phủ sóng cho khoảng 85 - 90% dân số cả nước xem được thì mới thành công. 

Anh có tin sản phẩm mà mình cung cấp sẽ được khách hàng đón nhận? 

Tôi tin chứ. Chất lượng phải rất cao thì người ta mới mua sản phẩm của mình. 

Nhưng chất lượng cao đồng nghĩa với công nghệ cao. Anh khai thác công nghệ cao này thế nào? 

Tôi thuê rất nhiều tư  vấn nước ngoài. Họ vừa cung cấp công nghệ và tham gia việc lắp đặt cho tôi, vừa dạy tôi.


Triết lý trong đạo Phật mà Phạm Nhật Vũ tâm niệm có 5 chữ: Tín (có niềm tin, tôn trọng và giữ đúng lời hứa với người khác để có được sự tín nhiệm của mọi người), tấn (tu hành rốt ráo, nâng cao kiến thức), niệm (luôn luôn có ý nghĩ trong sáng), định (không bị xáo trộn, luôn vững vàng), tuệ (trí tuệ mẫn tiệp, quyết định sáng suốt). Trong đó chữ Tín luôn đứng ở đầu.

 

Nhưng người xem hiện nay vẫn chưa quen lắm với hình thức phải trả tiền khi xem truyền hình? 

Đó là các kênh truyền hình quảng bá. Xu hướng truyền hình trả tiền để có thể xem được nhiều kênh, chất lượng cao hơn là xu hướng tất yếu. Thế giới đều vậy và Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ. 

Có dư luận cho rằng khi AVG xuất hiện, thì anh đang mở ra một sân chơi và cạnh tranh ngay với các đài truyền hình khác?  

Tôi không thấy như vậy. Các  đài lại rất ủng hộ vì họ có nhiều sự lựa chọn hơn, ít nhất là trong việc truyền dẫn. Nếu chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý  hơn thì có lợi cho họ hơn chứ và  cuối cùng là khán giả xem truyền hình là những người có lợi nhất. 

Anh đã bắt đầu bán sản phẩm chưa? 

Hiện nay tôi mới đang thực hiện ở giai đoạn phát sóng thử nghiệm. Phải thật tốt mới có thể bán được. 

Nhưng anh có đầu tư vào các kênh truyền hình không?  

Tôi chỉ hợp tác với  Đài Truyền hình Bình Dương để sản xuất 2 kênh chương trình về văn hoá và thể thao. 

Đầu tư lớn vậy anh cũng phải tính đến việc hút các nhân sự giỏi biết làm truyền hình từ các nơi khác về chứ? 

Tất nhiên. Nhưng tôi không có  chủ trương "móc" người của các Đài truyền hình về. Họ về hay không là hoàn toàn tự nguyện.  

"Lợi người, lợi mình" 

Anh có tin là mình sẽ  thành công khi đầu tư vào lĩnh vực này?

Đương nhiên cái gì cũng có tỷ lệ rủi ro. Nhưng tôi cho rằng tôi sẽ thành công. Còn nếu thất bại có khi cũng lại là thành công nếu cho mình những bài học tốt trong cuộc sống, trong kinh doanh. Tôi cố gắng vượt qua chính mình và vẫn luôn hiểu rằng chẳng có cái gì mình được tất cả. Phải làm lợi cho người thì rồi mới có lợi cho mình.


 "Đương nhiên cái gì cũng có tỷ lệ rủi ro"

Và trong công ty của anh, có những thứ thuộc về văn hoá công ty? 

Đấy là chữ "Tín" mà tôi nói với anh. Khi anh đã tin vào Phật Pháp thì chẳng có gì anh phải sợ nữa cả. Cái đấy có lẽ là cái được nhất trong cuộc đời, hơn cả địa vị, tiền bạc... 

Vậy xin hỏi anh thêm một câu nữa: Anh có cảm thấy hài lòng với những gì hiện  nay của anh?  

Tôi thấy rất hài lòng. 

Cảm ơn anh về cuộc trò  chuyện này.  

(Chúng tôi chia tay lúc gần 6h chiều. Và theo Vũ thì lịch làm việc của anh sẽ kín đặc đến khoảng 9h tối, tuy nhiên anh vẫn cố gắng để có vài phút tĩnh tâm, hít thở và lần tràng hạt giữa những khoảng trống thời gian của công việc). 

“Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) được thành lập năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu là 1.800 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực thiết lập mạng hạ tầng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất, kỹ thuật số vệ tinh và sản xuất khai thác bản quyền để cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất và kỹ thuật số vệ tinh. AVG không phải là một đài truyền hình tư nhân như nhiều người vẫn lầm tưởng”.

Nguồn tin: bee.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây