Mong ước có nhiều người tài
Xây dựng từ năm 1970, quý hòa thượng tại Tu viện Huệ Quang luôn mong muốn biên soạn một bộ từ điển Phật học Hán Việt cho Phật tử cũng như những người ham thích Phật Pháp dễ theo dõi và tìm hiểu.
Hòa thượng Thích Minh Cảnh bên Bộ từ điển Phật học Huệ Quang sau 10 năm khổ công biên soạn.
Muốn làm điều này cần có nguồn nhân lực, chính vì thế nhà chùa quyết định mở lớp đào tạo để tìm kiếm người tài.
Hòa thượng Thích Minh Cảnh, Viện chủ Tu viện Huệ Quang cho biết: Năm đầu tiên, chúng tôi có 17 học viên theo học. Dù cơ sở còn khá nhiều khó khăn nhưng cả thầy và trò đều lăn lộn để vừa học vừa làm từ điển Phật học. Trải qua 10 năm trời mày mò sửa tới sửa lui, chúng tôi mới in được Bộ Từ điển Phật học Huệ Quang.
Thời gian này, Hòa thượng Minh Cảnh cũng nhận thấy trình độ Hán văn của khá đông Phật tử còn hạn chế, cần được đào tạo và nâng cao. Chính vì thế, từ năm 1996 Tu viện Huệ Quang chính thức mở lớp dạy Hán Nôm thuộc Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang (quận Tân Phú - TPHCM).
Tại đây các học viên học 4 năm. Năm đầu tiên, người học không phải thi, kết thúc người học mới thi tuyển đầu vào 3 môn: Hán cổ, Hán kim và luận văn để tiếp tục học thêm 3 năm và ra trường. Tuy nhiên để làm được phiên dịch, học viên cần thêm 3 - 4 năm vừa học vừa tập dịch nữa.
Theo Hòa thượng, Hán Nôm là môn học khó đòi hỏi sự chăm chỉ và yêu thích. Ngoài ra do đây là lớp phiên dịch nên người học cần có một số vốn tiếng việt và một lượng chữ Hán có trong đầu, điều này rất cần khi làm công tác phiên dịch Hán Nôm. Chính vì thế đòi hỏi người theo học phải ít nhất học xong 12, Tăng Ni phải xong Trung cấp Phật học.
Chính vì môn học khó nên lượng người vào thì nhiều nhưng cứ càng lên cao thì số lượng càng sụt giảm. Từ lúc thành lập đến nay với 10 khóa đào tạo nhưng chỉ có trên 100 vị ra trường.
Muốn giỏi phải từ khổ luyện
Đa số những người theo học Hán Nôm đều cho rằng, chữ Hán cổ, chưa được giản thể (lược bớt nét), không tuân theo một quy định cụ thể nào. Vì thế muốn giỏi người học phải khổ luyện và thường xuyên sử dụng thì mới nhớ được mặt chữ. Nếu không có sự kiên nhẫn rất dễ bỏ dở giữa đường.
Ngoài giờ học trên lớp các học viên của Trung tâm cũng có rất nhiều tài như viết thư pháp
Thầy Thích Không Hạnh sau khi học đang làm phiên dịch tại Trung tâm cho biết: “Dù đã trải qua 10 khóa đào tạo nhưng chúng tôi mới chỉ có được khoảng 10 người có khả năng phiên dịch chính thức, 10 người đang tập làm. Thế nhưng nhờ nỗ lực chúng tôi đã làm ra một bộ từ điển Phật học và dịch được trên 1/5 Đại Tạng Kinh mới hiệu đính lần 1”.
Dù khó khăn là thế nhưng ngoài những vị là Tăng Ni cũng có không ít người là Phật tử tại gia cũng theo học. Có những anh chị đã cố gắng nỗ lực để có thể phiên dịch và giảng dạy chữ Hán, Nôm cho những người có nhu cầu như chị Diệu Sơn, anh Đức…
Nói về việc giảng dạy tại Trung tâm, cô Nguyễn Thị Tuyết Thanh, giảng viên khoa tiếng Hán hiện đại trường Đại học Sư phạm TPHCM tâm sự: “Được mời về dạy ở đây dù lương không bao nhiêu nhưng tôi rất thích. Việc tôn sư trọng đạo, lễ phép được thể hiện rất rõ ngay từ quý hòa thượng cho đến các học viên”.
Không phải là người tu nhưng chị Phạm Thị Tươi và anh Tô Chỉ Nam, học viên năm 3 ở Trung tâm cũng đã rất cố gắng để học được chữ Hán: Mới đầu khi đến đây học chúng tôi cũng cảm thấy ngại và không tự nhiên. Ngoài ra việc cơm áo gạo tiền cũng khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với mong muốn đọc và hiểu được chữ Hán cổ nên vượt qua tất cả khó khăn, dù đã trên 40 tuổi, chúng tôi vẫn quyết tâm theo học.
“Sau khi học chúng tôi hiểu rõ hơn lời chư Phật dạy, đưa điều đó áp dụng vào trong đời sống gia đình, công việc… đem lại rất nhiều hữu ích với chúng tôi” - chị Tươi cười nói.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự