Mười đứa trẻ lạc loài
Vị sư nữ đó là bà Hà Kim Liên, 59 tuổi, trụ trì chùa. Bà Liên kể, cha mất sớm, nhà đông con nên mẹ bà buộc lòng gửi bốn đứa con gái vào chùa Vĩnh An Đường nhờ nuôi dưỡng, lúc đó bà mới tám tuổi. Các chị em của bà lớn lên đều lần lượt đi lấy chồng, riêng bà theo con đường tu hành và kế nghiệp trụ trì chùa đến nay.
Có lẽ để hồi hướng lại phước duyên mình đã hưởng, suốt 20 năm qua, vị sư nữ này âm thầm nuôi nấng mười đứa trẻ lạc loài trong khốn khó với sự trợ giúp của những người xung quanh. Nhắc đến mười đứa con gái, bà Liên cười hiền: “Có tụi nó làm con là một cái duyên”.
Sư nữ Kim Liên quây quần bên các con.
Chỉ về phía cô bé lớn nhất, bà giới thiệu: “Đó là đứa đầu tiên về đây, lúc một tháng tuổi. Lúc mới về nó bệnh nhiều, yếu lắm, tưởng mất nó rồi”. Bà còn nhớ đó là năm 1993, ẵm đứa bé gái còn đỏ hỏn trên tay mà bà sợ mình nuôi không nổi. Những người hàng xóm xung quanh biết bà chưa có kinh nghiệm nuôi con nhỏ nên chạy tới phụ giúp. Lúc con trở bệnh nặng tưởng không qua khỏi, bà thức suốt đêm chăm sóc. Khi con được ra viện, bà “ẵm con mà như nâng trứng, sợ có chuyện với nó nữa”, bà kể. Sau đó đến đứa con gái thứ hai, sinh năm 1990, khi mới lên chín, được mẹ ruột dắt tay đến cậy nhờ bà nuôi giúp để an lòng nhắm mắt. Cứ thế, bà làm mẹ của mười đứa con gái mà mỗi đứa là một số phận lạc loài.
Cổ tích chốn thiền môn
Chùa nghèo, có lúc phải đi lượm củi về nhóm bếp, một mình bà nuôi không xuể mười con. Những người ở xung quanh ủng hộ tiền, thức ăn… phụ bà nhưng vẫn không đủ. Cách đây 12 năm, bà quyết định mở một quán cơm chay để có tiền nuôi đàn con thơ, cũng là nơi để các con qua ba bữa mỗi ngày. Sợ các con đang tuổi lớn, ăn chay không đủ dinh dưỡng, bà nhờ người nấu thức ăn mặn cho con ăn thêm để có sức học.
Các con của mẹ Liên đều được đặt tên theo họ Hà của bà, chữ lót là Vĩnh như Hà Vĩnh Nhân, Hà Vĩnh Vệ… riêng cô chị lớn Hà Kim Linh vẫn giữ tên cũ theo di nguyện của mẹ ruột. Với những khó khăn tưởng không thể vượt qua, các con được mẹ Liên nuôi nấng, chăm sóc chu đáo như bất cứ người mẹ nào trên thế gian này. Ngoài giờ học ở trường, mười cô gái còn được học thể dục, tiếng Anh, tiếng Hoa, thổi sáo, nữ công gia chánh… do mẹ và những người tình nguyện đến chùa dạy miễn phí.
Bà kể, mỗi đứa mỗi tính nết, ban đầu cũng hay giận hờn, cãi cọ, đánh nhau. Mỗi lần như thế, bà bắt phạt cả mười đứa. Dần dần, chúng đều biết yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau. “Một đứa bệnh là chín đứa kia xúm lại lo, nhìn tụi nó dễ thương lắm!”, bà kể trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.
Cô chị lớn Kim Linh tự nguyện đi làm xa nhà, gửi tiền về phụ mẹ nuôi các em. Các cô chị nhỏ hơn thì ngoài giờ học cũng ra quán chay phụ mẹ. Đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ, thật đầm ấm. Mẹ Liên thường dạy các con: “Tuy mỗi đứa đều do nhiều cha mẹ khác nhau sinh ra nhưng đều là con của mẹ, là một gia đình nên phải thương yêu nhau”.
Cảm động hơn khi người mẹ ấy tâm sự, nếu các con muốn quay về nguồn cội thì bà không ngăn cản. Cũng có vài đứa hỏi: “Con về với mẹ như thế nào?”, bà chỉ kể những thông tin ít ỏi mình biết vì đa số những người đã vứt bỏ con thường không để lại tung tích. Có lần, một trong số các con tò mò muốn biết cha mẹ ruột, bà nhờ người tìm giúp, nhưng tìm đến nơi thì người ta không chịu nhận.
Khi nhìn mười đứa con, vẻ hạnh phúc mỹ mãn trên gương mặt phúc hậu của bà cho người đối diện một cảm nhận: khi bà trao cho chúng tình thương của người mẹ, chính chúng đã mang đến cho bà niềm hạnh phúc được làm mẹ.
Khi nhận nuôi các con, sư nữ Kim Liên chưa bao giờ có ý định ép buộc các con phải theo con đường tu hành. Bà chỉ âm thầm ước nguyện: “Hy vọng trong mười đứa sẽ có một đứa có duyên với con đường tu đạo, kế nghiệp trụ trì chùa”.
Nguồn tin: Kienthuc.net.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự